Tháng Tư 1975, vừa bước vào tuổi thanh niên, tôi hoang mang đi tìm đường chạy trốn đạn bom, trốn Cộng Sản. Tháng Tư, 2020, lúc tôi đang bước vào tuổi già, tôi tự giam mình trong nhà để lánh nạn dịch COVID-19. | Trần Thu Miên
Riêng với cộng đồng Việt Nam Cộng Hoà tỵ nạn khắp thế giới tự do, những chương trình tưởng niệm biến cố lịch sử 30 Tháng Tư coi như bị ngưng lại. Sự lo âu hoang mang vì bệnh dịch và sự lây lan của dịch đang diễn ra xung quanh làm tôi liên tưởng đến chuyện xảy ra 45 năm trước ở quê xưa. Hình như một đoạn đời dĩ vãng rất bi tráng được khơi dậy lại trong ký ức đã bị phủ mờ vì bóng mây tuổi đời.
Tháng Ba, 1975 ở Đà Lạt và Tháng Ba 2020 ở Boston, MA và Arlington-TX có những điểm rất giống nhau đối với tôi. Đà Lạt Tháng Ba 75 tràn ngập những hoang mang, lo sợ, và tin đồn như sương mù phủ lên thành phố nhỏ bé chênh vênh núi rừng. Một buổi sáng rất sớm sau khi dự lễ tại nhà nguyện của tu viện Mến Thánh Giá Phát Diệm ở số 9B đường Bà Triệu, tôi đi bộ từ phòng trọ sau lưng tu viện lên Đại Học Đà Lạt (Thụ Nhân). Lối đi quen thuộc hàng ngày là len lỏi qua con hẻm nhỏ hai bên san sát các căn nhà gỗ mái tôn của Ấp Ánh Sáng, gặp bến xe đò, quẹo trái theo những hàng quán để lên rạp chiếu bóng Hoà Bình, đi ngang qua tiệm cà phê Văn, nổi tiếng thời ấy, và những hàng quán bên đường nhưng chưa bao giờ được vào uống cà phê, ăn sáng vì không có tiền. Dạo ấy ấy tôi mới bắt đầu học Triết năm thứ nhất nên chưa biết nhiều về thành phố và ngay cả Đại Học. Đi bộ, leo dốc gần một giờ đồng hồ lên đến đại học thấy biển ngữ thông báo trường đóng cửa, tôi quay về với cảm giác rất hụt hẫng, và tâm hồn tê cứng. Làm gì bây giờ? Tôi tự hỏi nhưng không có câu trả lời hay giải đáp gì thoả đáng.
Tháng Ba, 1975, cả thành phố Đà Lạt hoang mang lo âu sợ hãi vì không biết lúc nào quân đội Cộng Sản tràn vào thành phố. Dĩ nhiên là có những người trong thành phố mong chờ quân đội Cộng Sản. Ngay sau khi đại học đóng cửa, dân thành phố nhốn nháo tìm đường di tản. Tôi, bạn bè, và rất nhiều đồng bào lo sợ không biết ngày mai ra sao.
Đúng 45 năm sau, ngày 11 Tháng Ba, 2020, cả thế giới hoang mang lo âu vì trận ác dịch, viện trưởng đại học Boston College gửi điện thư cho giáo sư thông báo đại học đóng cửa đến hết niên khoá. Tôi đọc điện thư của viện trưởng và có cảm giác như ký ức mình bị xé toang, nỗi hoang mang lo sợ của 45 năm trước như trận mưa đá bất ngờ đổ xuống thương tích cũ tưởng đã lành nay bỗng bị rách ra như da thịt bị đạn bom tàn phá , và như có ai lấy một cành chanh đầy gai nhọn quật lên vai mình hàng trăm lần. Tôi huỷ bỏ chuyến bay từ Dallas về Boston để tham dự buổi họp giáo sư hàng tháng vào ngày 16 Tháng Ba. Mùa Đông và Mùa Xuân này tôi không dạy học nên chỉ về đại học tham dự những buổi họp đã được xếp đặt cho cả năm. Tất cả mọi việc của đại học từ dạy học, họp hành, hay những buổi hội thảo sẽ được thực hiện trực tuyến. Đây là danh từ tiếng Việt Nam dường như còn rất mới với tôi. Đại học Boston College không coi trọng việc dạy học online nên đã không đầu tư nhiều vào việc này. Nhưng chỉ trong vòng một tuần lễ các đồng nghiệp của tôi đã vội vã chuyển giáo trình lên mạng. Dường như tất cả các trường học và đại học trên toàn nước Mỹ đã quyết định đóng cửa trừ đại học Liberty Univerity ở Lynchburg, Virginia đã mở cửa và khuyến khích sinh viên về lại học sau một tuần nghỉ giải lao Mùa Xuân (Spring Break). Đại học này thuộc hệ phái Tin Lành Bảo Thủ theo truyền thống Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo (Evangelicalism). Nhưng trong số những sinh viên nghe viện trưởng kêu gọi trở lại học đã có em mắc bệnh dịch COVID-19, và bị áp lực dân chúng quanh vùng, viện trưởng Jerry Falwell Jr đã phải quyết định đóng cửa đại học. Tôi đã nghĩ là mình sẽ chia tay nghiệp dạy học rồi lặng lẽ sống nốt quãng đời còn lại với những tháng ngày bình an trước khi đi vào cõi hư vô, nhưng không ngờ cơn ác dịch COVID-19 đã làm thay đổi tư duy về cuộc đời một cách không tưởng. Chuyện xảy ra bây giờ làm mình nhớ lại những ngày tháng lông bông vô định sau khi bỏ Đà Lạt.
Tháng Ba 1975 tôi và một anh bạn đệ tử Châu Sơn theo các sơ tu viện Mến Thánh Giá Phát Diệm ở số 9B Bà Triệu, Đà Lạt, vội vã bỏ thành phố xuống miền duyên hải, Cam Ranh, trốn nạn Công sản. Đường xuống đèo Ngoạn Mục người và xe theo nhau từng bước, xe càng chậm nỗi lo sợ càng lên cao. Ngược lại, bây giờ phố xá càng vắng người, càng thênh thang bao nhiêu thì sự lo sợ càng tăng thêm. Kinh nghiệm của tôi 45 năm trước hình như cũng được lập lại cho con gái tôi bây giờ. Cuối Tháng Ba, 2020, con gái tôi và các bạn đang sinh sống ở New York cũng hốt hoảng vội vã tìm cách bỏ thành phố New York ra đi tìm nơi an toàn tránh dịch COVID-19. Bốn mươi lăm năm trước bố bỏ Đà Lạt chạy trốn Cộng Sản, 45 năm sau con bỏ New York chạy trốn bệnh dịch. Cộng Sản bố có thể nhìn thấy, bom đạn bố nghe được tiếng nổ, nhưng con không thể nghe hay nhìn được sự đe doạ vô hình của COVID-19. Những sự sợ hãi của bố 45 năm trước có khác nỗi lo sợ của con bây giờ không? Làm sao bố và những người Việt Nam đã bỏ quê xưa liều chết đi tìm tự do có thể tưởng tượng được chuyện đang xảy ra hôm nay tại Hoa Kỳ và thế giới? Hình như đời sống được khởi đầu bằng những sự không ngờ hay tình cờ nên ta có tài giỏi đến đâu cũng chẳng xếp đặt, toan tính cho những sự không ngờ hay tình cờ xảy ra. Bốn mươi lăm năm trước nhiều người Miền Nam Việt Nam đã hốt hoảng tích trữ lương thực để tìm đường chạy giặc, hay sợ chết đói vì chiến tranh. Bốn mươi lăm năm sau nhiều người Mỹ gốc Việt cũng hấp tấp vội vã tìm mua lương thực để dành ở nhà tránh bệnh dịch.
Trước khi có lệnh cách ly giao dịch xã hội, dân chúng đã chen chúc trong các đại siêu thị như Walmart, Costco hay các siêu thị thực phẩm, và cả các tiệm dược phẩm mua đồ về tích trữ. Các mặt hàng gia dụng thường ngày như xà phòng sát trùng, giấy vệ sinh biến mất từ đầu tháng Ba. Lúc chưa nhận thông báo về việc đại học đóng cửa, tôi đi cắt tóc sửa soạn lên Boston tham dự buổi họp giáo sư giữa Tháng Ba. Trong lúc ngồi chờ, tôi đã nghe được những lời bàn về sinh hoạt của người Việt quanh vùng Arlington, Texas.
“Trời ơi, chị biết không, gạo ở Costco hết sạch trơn rồi chị.” Người phụ nữ trung niên ngồi chờ cắt tóc quay sang gạ chuyện với phụ nữ ngồi bên mình.
“Nước uống còn hết huống hồ gì gạo!”
Hai phụ nữ phàn nàn về việc các đồng hương mình giành nhau mua gạo mua nước, mua giấy vệ sinh và thực phẩm. Tôi gửi lời nhắn báo cho vợ biết mình đang ở tiệm cắt tóc liền nhận được lời trách móc.
“Anh điên à, nghĩ gì mà đi cắt tóc lúc này?”
Đọc lời nhắn xong tôi bỏ điện thoại vào túi vì tới phiên mình được cắt tóc. Cô thợ cắt tóc cho tôi có vóc dáng gọn gàng, trang phục tươm tất, nhanh nhẹn mời tôi ngồi lên ghế, quàng khăn lên người tôi rồi bắt tay vào việc. Cô vừa cắt tóc vừa gợi chuyện với khách.
“Chú có sợ không?”
“Sợ gì?
“Trời ơi, sợ dịch cồ rô nà chứ còn sợ gì nữa chú ơi!”
“Không sợ nên tôi mới đến đây cắt tóc. Nhưng hy vọng không bị lây dịch.” Tôi cười, rồi cứ sợ rằng cô ta vừa nói vừa cầm kéo sắc bén trên tay cắt thoăn thoắt mà bị chia trí vì chuyện ôn dịch thì cắt đứt tai tôi lúc nào không hay.
“Chú đừng lo, tiệm này sạch lắm. Tất cả đồ nghề đều được khử trùng trong bình nước sát trùng, chú không thấy sao?” Cô vừa nói vừa chỉ tay vào bình nước màu xanh đặt trên kệ sát tấm gương soi mặt. Tôi định nói tiệm để mấy chai nước khử trùng này làm cảnh vì tôi chưa từng thấy người thợ cắt tóc nào lấy đồ nghề ra từ các bình nước xanh này bao giờ.
Không nghe tôi phản ứng, cô thợ cụt hứng nên chăm chú vào việc cắt tóc. Nhưng hình như cô cần phải thổ lộ hết điều cô muốn nói cho bất cứ ai gần kề lúc này.
“Cháu thấy bà con mình đi chợ giành nhau mua cả nước lạnh làm mình mắc cở. Chú biết không? Người hàng xóm da trắng của gia đình cháu bảo là ông ta lớn lên từ nông trại, uống nước giếng, bây giờ uống nước từ vòi nước trong nhà bếp có sao đâu? Sao người Á Châu lại giành giật mua hết thực phẩm và nước uống trong các tiệm?”
“Sao cô không bảo ông ta là chẳng riêng gì dân gốc Á Châu mua thực phẩm về dự trữ đâu.”
“Trời ơi mấy người bạn cháu chứ ai, nhà nào cũng mua đầy hai ba tủ lạnh. Có người còn vội vã mua thêm tủ lạnh về chứa cho nhiều.”
“Dân mình có kinh nghiệm di cư chạy giặc nên lo đề phòng đấy cô ạ.”
“Nhà mình có thực phẩm mà hàng xóm đói họ để mình yên sao chú? Không chừng họ còn lấy súng vào nhà mình cướp thực phẩm chú ơi.”
Thật ra thì đối với tôi việc đồng hương mình đổ ào vào những đại siêu thị như Costco mua thực phẩm và đồ dùng về tích trữ rất dễ hiểu. Càng nghĩ càng thương đồng hương và chính bản thân mình. Ai ngờ sau bao nhiêu gian nan nguy hiểm vượt đại dương sóng gió liều chết đi tìm sự sống, tưởng đã yên thân, nay lại gặp nạn ác dịch. Bây giờ chạy đâu? Cuộc trò chuyện ngắn ngủi với cô thợ cắt tóc làm tôi nhớ về những ngày hỗn loạn của Tháng Tư 1975, nhất là chiều 29 Tháng Tư, tôi và 3 người bạn tìm cách leo lên tàu ven bến Bạch Đằng để trốn khỏi Sài Gòn. Các bạn tôi mang theo cơm sấy, mì khô, còn tôi được giao cho vác một thùng nước. Thùng không to lắm, tôi nghĩ chỉ đủ cho chúng tôi uống dè dặt trong vài ba ngày, nhưng vì nước trong thùng tròng trành nên việc vác theo thùng nước trên vai chạy giặc là một cực hình. Nhưng dù có cực hình đến đâu tôi vẫn ôm chặt thùng nước vì mình biết một điều là không có nước uống sẽ chết. Lúc ấy trong thâm tâm mình chỉ mong sao trốn khỏi Sài Gòn vì việc chạy trốn hứa hẹn một đời sống mới dù mình chẳng biết đời sống ấy sẽ ở nơi chốn nào. Bây giờ đóng cửa nằm nhà cũng không yên tâm vì một cơn gió ngoài sân len lỏi vào cũng có thể đem theo sự chết. Trong những phút hoang mang mình cần nhận được thông tin cần biết thế giới ra sao.
Tháng Tư năm 1975, tối nào tôi cũng tìm đến lều có Radio trong trại tỵ nạn Rạch Dừa để theo dõi tình hình đất nước trên các đài BBC và đài VOA. Nghe về những thông tin chiến trường hay di tản dù biết mình chẳng làm được gì nhưng vẫn cần phải nghe.
Tháng Tư, 2020, ngày nào tôi cũng dán mắt vào TV để theo dõi thông tin về số người lâm bệnh COVID-19 và số tử vong. Và dĩ nhiên, dù biết rằng những con số thống kê ấy chỉ làm mình thêm lo sợ, nhưng vẫn cần phải biết.
Tháng Tư 1975, tôi nghe nhiều tin đồn đãi
về tình hình đất nước. Có những nhà lãnh đạo của Miền Nam Việt Nam nói dối với quân đội, nói dối với dân, ngay cả việc họ tuyên bố là sẽ chiến đấu tới phút cuối cùng, nhưng vài ngày sau đã có mặt ở đảo Guam, hay một quốc gia khác.
Tháng Tư 2020, tôi cũng phải nghe nhiều tin đồn về bệnh dịch COVID-19. Gần đây, tôi nghe được một linh mục giảng trong nhà thờ rằng bệnh dịch này là do lòng tham của con người gây ra. Ý ngài bảo rằng người Tàu chế tạo ra Coronavirus vì muốn làm tiền. Thông tin trên mạng cũng đưa ra đủ thứ tin đồn không kiểm chứng. Lãnh tụ đảng Cộng Sản Tàu bưng bít về bệnh dịch đến khi không còn giấu diếm được vì xác người chết là bằng chứng không chối cãi được nữa. Nhưng họ vẫn dấu nhẹm con số chính xác về người chết vì dịch. Sự dối trá của Cộng Sản Tàu đã gây tai hoạ cho cả thế giới. Ở thế giới Tự Do cũng có những lãnh tụ của một số quốc gia nói dối với dân chúng về sự nguy hiểm của dịch COVID-19 cho đến khi phải đương đầu với số người dân lâm bệnh và chết lên cao mỗi ngày. Chẳng có điều nói dối nào hay sự che đậy nào mà sẽ không bị đưa ra ánh sáng. Nhưng tôi biết rằng bên cạnh những dối trá luôn luôn có những điều chân thật và bên cạnh những hoang mang luôn có những an ủi bất ngờ.
Lễ Phục Sinh Tháng Tư 1975, tôi và anh bạn Châu Sơn đi xe lam từ Ba Ngòi ra Phan Rang tìm gia đình của chúng tôi di tản xuống từ Lâm Đồng, Đà Lạt. Một bác gái đi chung chuyến xe hỏi tôi đi đâu? Tôi thưa lại là đi tìm gia đình. Bác rươm rướm nước mắt rồi bác đã trả tiền chuyến xe ấy cho chúng tôi. Khi xe dừng lại ở gần một nhà thờ Công Giáo ven con lộ chạy bên sườn núi (đồi?), anh em chúng tôi đi vào khuôn viên nhà thờ tìm chỗ ngủ trọ qua đêm vì trời sắp tối. Chúng tôi đi ra căn nhà phía sau nhà thờ, bất chợt nhìn qua cửa sổ thấy một ông Tây bụng phệ ngồi ăn tối và một người đàn ông Việt Nam nhỏ bé đứng bên cạnh cầm quạt trên tay phe phẩy quạt gió cho ông Tây ăn vì trời rất nóng ở vùng Phan Rang. Chúng tôi đến trước cửa sổ xin trọ lại nhưng bị từ chối. Đương nhiên là tôi đã lên tiếng chửi ông Tây ấy câu chửi thề bằng tiếng Pháp rồi bỏ đi. Ông Tây ấy nói tiếng Việt rành rõi và sau này chúng tôi được biết ông ta là linh mục. Thế nào khi có dịp, tôi cũng phải tìm ra tông tích vị linh mục này khi có cơ hội xem lại hồ sơ các xứ đạo của các Giáo Phận Công Giáo từ Nha Trang ra Phan Rang.
Vài phút sau khi rời nhà xứ trở lại sân nhà thờ, chúng tôi gặp một thiếu nữ bế em đi bộ quanh khuôn viên nhà xứ. Anh em chúng tôi đến gần làm quen, sau vài câu giới thiệu chào hỏi và biết là chúng tôi đang trên đường đi tìm gia đình chạy giặc, cô ta mời chúng tôi về nhà cô nằm sát bên khu nhà thờ. Đến trước cửa nhà, cô bế em chạy vội vào rồi ra lại với một người đàn bà trạc tuổi 50 và một phụ nữ chưa ngoài 30 tuổi. Họ là mẹ và chị cô gái, cả nhà đã tiếp đón anh em chúng tôi, hai kẻ lạ mặt, rất niềm nở và mời chúng tôi ở lại ăn cơm tối với gia đình vì vừa đến lúc nhà họ ăn cơm tối. Bữa cơm chiều được dọn ra trên một miếng phản gỗ. Tôi không còn nhớ các món ăn, nhưng rất ngon vì vào dịp lễ Phục Sinh. Hôm ấy là chiều Thứ Bảy. Có lẽ Thánh Lễ Vọng Phục Sinh được cử hành sớm trước khi trời tối vì chiến tranh. Sau khi ăn tối bà mẹ thiếu nữ sai cô lau dọn phản gỗ rồi mang chiếu ra trải. Bà ân cần nhìn chúng tôi rồi bảo, “Hai cháu ở lại ngủ nhà bác đêm nay, tối rồi, không đi đâu được, nguy hiểm lắm.” Giọng nói miền Trung của bà nghe rất chân tình và thiết tha làm tôi rươm rướm nước mắt. Chúng tôi đã ngủ lại với ba mẹ con và cháu bé. Bà chủ nhà (tôi quên tên rồi, rất tiếc) đã đánh thức chúng tôi dậy rất sớm để đi lễ Chủ Nhật Phục Sinh. Khi đến cửa chính của nhà thờ, bà còn dặn, “Hai con về lại nhà bác ăn sáng trước khi lên đường.”
Anh em chúng tôi đứng cuối nhà thờ dự lễ vì các hàng ghế đã chật người ngồi. Sau lễ chúng tôi ra quanh quẩn ngoài cửa nhà thờ chờ gia đình bà chủ nhà trọ để về chung. Tôi đang tò mò quan sát đoàn người đông đảo nói cười rộn rã tuôn ra từ cửa nhà thờ thì nghe có người gọi tên mình, “Anh T.T.” Đang ngơ ngác quay tìm xem ai, họ gọi mình hay gọi người nào trùng tên với mình, tôi nhận ra người vừa gọi tên mình là Hạnh, cô sinh viên tôi quen trong nhóm học lớp Pháp Văn cấp tốc ở đại học Đà Lạt mùa hè 1974. Sau mùa hè ấy, Hạnh theo học Khoa Học còn tôi học Triết nên thỉnh thoảng mới gặp nhau chào hỏi qua loa rồi chia tay. Cả hai chúng tôi đều quen khá thân với bác Lan, một nhà văn viết cho báo Quân Đội, tôi quên bút hiệu của bác rồi nên vừa gặp tôi là Hạnh đã khoe rằng cô ta mới vào Sài Gòn đến văn phòng Đại Học Đà Lạt ở Thương Xá Tam Đa (?) và đã gặp bác Lan, bác hỏi thăm về tôi. Hạnh hỏi tôi sao có mặt tại đây. Tôi kể vội cho Hạnh nghe về chuyến đi của mình và nhìn được sự lo lắng hiện lên trong mắt Hạnh. Nàng cũng di tản khỏi Đà Lạt về nhà cùng khoảng thời gian tôi bỏ thành phố. Tôi không thể ngờ là gặp lại Hạnh ở một nhà thờ trên đường từ Ba Ngòi ra Phan Rang này vì chưa bao giờ tôi hỏi nàng về tông tích của cô. Giọng nói lai lai miền Trung của Hạnh khiến tôi cứ nghĩ cô là dân Đà Lạt. Sau vài câu thăm hỏi, Hạnh bảo, “Hai anh đứng lại đây chờ Hạnh vài phút.” Nói rồi cô ta nhanh nhẹn bỏ đi. Gặp lại nhau bất ngờ và cử chỉ thân tình cùng những lời hỏi han của Hạnh đã ghi sâu vào tâm thức tôi cho tới hôm nay. Thiếu nữ chúng tôi gặp tối qua chạy lại nơi chúng tôi đứng chờ Hạnh ân cần bảo, “Mẹ nhắn hai anh nhớ về nhà ăn sáng.” Tôi trả lời là vừa gặp được người bạn học nên đứng chờ bạn trở lại và chắc chắn sẽ về ăn sáng với gia đình cô. Thiếu nữ nhanh nhẹn chào rồi cô ta bỏ đi. Hạnh đã trở lại như cô hẹn và trên tay nàng ôm một bao đựng vài ổ bánh mì tiến đến trước mặt chúng tôi, “Hạnh không có gì làm quà đi đường cho hai anh, Hạnh mua cho hai anh 4 ổ bánh mì và nhà có hộp Vitamin C của Mỹ, người bà con ngày xưa làm sở Mỹ cho gia đình, nhưng chưa dùng, hai anh nhớ uống để thêm sức khoẻ mà đi tìm thân nhân.” Tôi đứng lặng người chẳng biết phải nói gì với nàng. Tay ôm lấy bao quà nàng cho như ôm một vật gì quý hoá nhất trong đời lúc ấy. Tôi chưa kịp cảm ơn thì Hạnh đã vội quay mặt đi nhanh và hai mắt cô ướt lệ. Tôi nhìn Định và thấy anh cũng lộ rõ sự ngạc nhiên và cảm động trên mặt. Làm sao tôi có thể tưởng tượng ra cuộc tái ngộ với Hạnh ở một nơi lần đầu tôi đến. Giả như tôi và Hạnh thân nhau ở đại học thì việc gặp lại nàng và những cử chỉ ân cần của nàng dành cho chúng tôi là chuyện đương nhiên, dễ hiểu. Nhưng liên hệ giữa chúng tôi ở đại học Đà Lạt chẳng có gì để kể hay đáng nhớ. Và vì thế, sự việc xảy ra quá bất ngờ và tấm lòng tử tế hồn nhiên của nàng đã trở thành một chuyện thần thoại trong đời tôi.
Sau khi chia tay Hạnh vội vàng như lúc gặp lại nàng, anh em chúng tôi im lặng bước đi chậm rãi, có lẽ cả hai đều muốn níu kéo lại cuộc gặp gỡ với Hạnh. Chúng tôi trở lại nhà bác cho ở trọ đêm qua như đã hứa. Bước vào nhà, chúng tôi đã thấy mâm cơm đang bốc khói đã được dọn sẵn trên tấm phản gỗ chúng tôi ngủ đêm qua. Tôi nhanh nhẹn đưa bốn ổ bánh mì và hộp Vitamin C biếu gia đình bác, nhưng bác nhất định từ chối. Bác bảo cầm bánh mì đi đường ăn trưa, còn Vitamin giữ lại uống cho có sức đi đường. Anh em chúng tôi lại được ăn bữa sáng thanh đạm nhưng ngon miệng. Ăn xong tôi giúp thiếu nữ dọn chén đĩa nhưng bị bác gái ngăn lại không cho làm. Lúc chúng tôi cảm ơn và chào gia đình để lên đường, bác ra dấu hiệu cho thiếu nữ lấy ra hai gói mứt me. Bác bảo, “Đây là mứt nhà làm để dùng nên rất sạch. Hai con mang theo khi nào mệt lấy ra ngậm cho đỡ mệt.” Tôi vội thưa với bác rằng chúng tôi chỉ nhận quà mứt me bác cho nếu bác nhận hộp Vitamin Hạnh cho chúng tôi. Tôi viện lý do là thanh niên không nên uống Vitamin vì có thể hại đến sức khoẻ. Cuối cùng thì bác đã làm theo ý tôi. Anh em chúng tôi chào gia đình bác ra đi nhưng chẳng ai bảo ai mà cả hai không dám quay đầu nhìn lại. Tôi biết tôi sẽ khóc nếu quay lại vẫy tay chào chia tay.
Chuyện xảy cho tôi 45 năm trước bây giờ được diễn lại cho con gái tôi. Từ đầu Tháng Ba con đã báo tin cho bố mẹ biết là nhân viên của Toà Báo WSJ bắt đầu làm việc tại nhà và con sẽ tiếp tục gửi thông tin về cho bố mẹ biết tình hình ở NY. Cuối Tháng Ba 2020, tình hình bệnh dịch càng lúc càng căng thẳng và nguy hiểm. Vợ chồng tôi bàn nhau sẽ lái xe từ Arlington, TX lên NY đón con về. Nhưng con cho biết là sẽ rời NY cấp tốc xuống South Carolina tránh dịch với đứa bạn. Dựa theo những cuộc điện đàm và hình ảnh con gửi về hàng ngày, chúng tôi an tâm và tạ ơn Trời cho con tìm được nơi tạm dung trong lúc toàn nước Mỹ hoang mang sợ hãi vì dịch COVID-19. Thời chiến tranh bố tôi đào hầm trong nhà để tránh bom đạn. Bây giờ mọi người đóng cửa giam mình trong nhà để tránh né dịch COVID-19. Trên đường tỵ nạn khởi từ Đà Lạt sang đến Hoa Kỳ, đi đâu, đến đâu tôi cũng được Trời gửi những Thiên Thần hiện thân trong những người tử tể đến để chia sẻ với mình trong những lúc lo sợ và thiếu thốn. Bây giờ con gái chúng tôi cũng đang được những tấm lòng bao dung che chở trong lúc hoang mang sợ hãi.
Cũng như nhiều nơi khác, thành phố chúng tôi đang ngụ có lệnh giới nghiêm, hạn chế lưu thông và sinh hoạt thương mại. Việc đi chợ mua thực phẩm hay đến nhà thuốc mua thuốc men bây giờ là việc làm mạo hiểm vì đến đám đông có thể bị lây bệnh dịch. Một người trong nhà mắc bệnh sẽ làm cho cả nhà bị lây. Ra đường cần có khẩu trang để bảo vệ người khác và chính mình. Uyên-Sa, vợ tôi, tìm mua khẩu trang cho nhà dùng nhưng các tiệm thuốc tây trong thành phố không còn. Tôi điện thoại hỏi thăm người quen xem ai có để xin vài cái về dùng. Chị Huệ, người chị của bạn tôi, và chị Bé, vợ của anh bạn chung phòng với tôi thời sinh viên ở đại học đã nhanh nhẹn may cho vợ chồng chúng tôi khẩu trang bằng vải và cả bằng giấy để đeo che miệng che mũi khi ra đường. Nhà thiếu rau ăn, tôi gọi điện thoại thăm hỏi bác Dung, bác bảo sang nhà bác lấy kim-chi bác làm về ăn khỏi phải ra chợ mua. Ở trong những thời điểm mà ta tưởng chẳng còn ai để ý hay giúp đỡ mình thì luôn luôn có những tấm lòng vàng sẵn sàng chia sẻ.
Tháng Tư 1975, vừa bước vào tuổi thanh niên, tôi hoang mang đi tìm đường chạy trốn đạn bom, trốn Cộng Sản. Tháng Tư, 2020, lúc tôi đang bước vào tuổi già, tôi tự giam mình trong nhà để lánh nạn dịch COVID-19. Dù biết rằng chuyện đời mình chẳng có gì đáng nói đáng kể so với những chuyện cuộc đời của nhiều người khác. Nhưng tôi kể cho chính tôi như một tưởng niệm về một giai đoạn đời người tưởng như sẽ không còn lập lại hay tiếp nối để soi gương những việc đang xảy ra xung quanh bây giờ. Tôi kể về bác gái đã trả tiền xe đò cho chúng tôi trên chuyến xe từ Ba Ngòi ra Phan Rang như kể về một kỷ niệm rất đẹp rất hiếm hoi và chính là ơn huệ cuộc đời đã ban cho tôi từ người đàn bà nhà quê có lẽ cũng phải chật vật lo sinh nhai cho gia đình như mẹ tôi. Tôi kể về Hạnh người con gái tôi chỉ sơ quen chưa thân tình nhưng nàng đã xuất hiện như một Thiên Thần ở lúc tôi đang đối diện với những bất an và tương lai bấp bênh vô định. Tôi biết, có lẽ, tôi sẽ chẳng bao giờ gặp lại Hạnh trừ khi đó là một phép lạ. Làm sao tôi có thể làm được điều mà gia đình bác gái tôi gặp ở gần nhà thờ trên đường ra Phan Rang 45 năm trước? Nhà ba phụ nữ độc thân mà dám cho hai thanh niên lạ mặt vào ăn ngủ qua đêm và chăm sóc ân cần như vậy thật hiếm lạ. Việc làm của bác và hai người con gái của bác là việc làm của các vị Thánh, các vị Tiên, vị Phật. Bác gái trả tiền chuyến xe cho tôi bây giờ ra sao? Hạnh bây giờ ra sao, gia đình ba mẹ con bác gái cho tôi trọ đêm bây giờ ra sao? Những người tử tế như họ là những ngọn đuốc soi cuối đường hầm u tối. Thế giới chúng ta vẫn còn nhiều những tấm lòng tử tế để xoa dịu vết thương nhân loại đang chịu. Bốn mươi lăm năm trước, 45 năm năm sau, chuyện cũ mới lẫn lộn đá vàng. Tôi vẫn tin rằng trong những lúc cực kỳ hoang mang lo sợ, ánh sáng của hy vọng luôn loé lên từ những tấm lòng nhân ái của những người, có thể ta chưa từng quen biết, chung quanh.
Tôi đang viết những hàng cuối cùng thì nhận được lời nhắn của chị Huệ, hàng xóm, trên điện thoại, “Miên ơi, chị Huệ đây. Mình làm gì đi chứ. Nếu em đang làm việc thiện hoặc em làm một cái gì đấy, làm ơn cho chị đóng góp 500 đô.” Tôi sẽ gửi chị địa chỉ của một Food Bank trong thành phố và đề nghị đóng góp cho những người đang thiếu thốn thực phẩm giữa cơn ác dịch.
© Trần Thu Miên
Trần Thu Miên là bút hiệu của Trần Thành, GS Nhân Xã Vụ Học, Đại Học Dòng Tên Boston College
Người Việt Boston
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét