Trung Cộng có phát động chiến tranh trong đại dịch “virus Vũ Hán” – Nếu có ở đâu? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2020

Trung Cộng có phát động chiến tranh trong đại dịch “virus Vũ Hán” – Nếu có ở đâu?



Chủ tịch Trung Quốc Tập cận Bình đang nói chuyện với các tướng quân đội Trung Cộng trong chuyến viếng thăm thăm một bệnh viện quân đội ở Vũ Hán, ngày 10/03/2020. Reuters

Thế giới đang bận tâm về đại dịch “virus Vũ Hán”, số người nhiễm bệnh đang tăng chưa thấy dấu hiệu thuyên giảm. Tình hình lây nhiễm coronavirus diễn biến phức tạp, khó lường. Mới đây, tạp chí Y khoa The new England Journal of Medicine có một nghiên cứu tại thành phố New York (trung tâm bệnh dịch tại Mỹ), thử nghiệm “virus Vũ Hán” trên 250 bà mẹ đến bệnh viện sinh con thì có 14.9% bị dương tính, mặc dù không có triệu chứng bệnh dịch virus Vũ Hán như sốt, ho, mệt mỏi v.v.. gì cả! Đó là sự tàn hình nguy hiểm của bệnh dịch! Số người bị nhiễm virus Vũ Hán mà không có triệu chứng bệnh dịch như trên là bao nhiêu và ở đâu trong cộng đồng? Do đó việc dỡ bỏ lệnh “cách ly” để phục hồi kinh tế là một bài toán rất nan giải.

Các nhà lãnh đạo quốc gia, ngoài phải lo cho chống đại dịch đang lây lan, họ phải đối phó với nền kinh tế đang tuột dốc vì “lockdown” (tạm ngưng mọi hoạt động). Về mặt kinh tế, thật sự mà nói các nước đang có bệnh dịch virus Vũ Hán không cho phép “lockdown” lâu ngày được. Cả triệu công ty, thương nghiệp phá sản, nhiều chục triệu người dân thất nghiệp, hàng vạn người bị khủng hoảng tâm thần, bao nhiêu cuộc bạo hành gia đình v.v… cụ thể như nước Mỹ mới “lockdown” vài tuần, đến ngày 16/04 đã có 22 triệu người thất nghiệp! (1). Đặc biệt Hoa Kỳ có kinh tế kinh tế đầu tàu thế giới nếu bị phá sản thì thế giới sẽ ra sao?




“Virus Vũ Hán” làm cho mọi người, mọi nhà, mọi quốc gia đang lo âu. Giới khoa học và y học phải làm việc đêm ngày tìm ra thuốc tiêm ngừa và thuốc trị “virus Vũ Hán”. Trong lúc thế giới đang nhọc nhằn chống kẻ thù vô hình “virus Vũ Hán” thì Trung Cộng lợi dụng “tranh tối tranh sáng” rục rịch chuẩn bị chiến tranh xâm lược. Thật nghịch lý và quá vô đạo đức không tưởng nỗi. Trung Cộng là thủ phạm gây nên đại dịch virus Vũ Hán đến nay đã có gần 200 ngàn người chết, vài triệu bị nhiễm bệnh, kinh tế xuống dốc trầm trọng, họ lại lún thêm tội ác tày trời chuẩn bị chiến tranh xâm lược!

Đảng Cộng Sản Tàu (ĐCST) tồn tại nhờ gây chiến với các nước láng giềng để củng cố nội bộ

Từ khi ĐCST nắm quyền ở Trung Hoa, họ xem sinh mạng dân Tàu như là thứ phân bón để bồi đắp cho chế độ cộng sản được tồn tại nắm quyền.

– Năm 1949, Mao Trạch Đông mới cướp chính quyền trong tay Tưởng Giới Thạch, dân tình đang đói khổ vì chiến tranh lâu dài. Tuy vậy Mao đã phát động phong trào “kháng Mỹ viện Triều” (chống Mỹ và ủng hộ Triều Tiên), đưa hàng triệu thanh niên đến chiến trường Hàn Quốc để làm bia đỡ đạn. Mục đích để tăng cường uy tín lãnh tụ cá nhân của Mao và đánh bóng vai trò của ĐCST là “Trung Quốc ta dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ Tịch Mao và ĐCST dám đánh Mỹ, một siêu cường vừa chiến thắng trong Đệ II thế chiến”.

– Năm 1962, sau khi kế hoạch “Đại Nhảy Vọt” của Mao bắt đầu từ năm 1958 thất bại, nạn đói lan tràn khắp nơi (2), đói ắt sinh loạn. Mao phát động chiến tranh biên giới Ấn-Trung. Với khẩu hiệu “dạy cho Ấn Độ một bài học”, chữ “dạy” ở đây Mao cho người Hán là kẻ cả dạy cho những ai dám giỡn mặt với Mao và ĐCST. Mục đích dùng chiến tranh với Ấn Độ để đánh bóng lãnh tụ và đảng CS cầm quyền trong tình trạng thê thảm của chiến dịch “đại nhảy vọt”.

– Năm 1966 phát động cuộc “cách mạng Văn Hóa” để đấu tranh nội bộ và tiêu diệt những mầm mống chống Mao trong ĐCST. Hai năm sau, lòng dân bất yên, xã hội ly tán, nhân tâm nhiễu loạn… Mao phát động chiến tranh biên giới với Nga vào tháng 02 năm 1969. Trận chiến mang danh hiệu “trừng phạt”. Mao và ĐCST lên mặt vênh váo là “dưới sự lãnh đạo tài tình của Mao, ĐCST dám trừng phạt cả quân đội Xô Viết có vũ khí nguyên tử và trang bị tối tân”. Mục đích khích lệ dân tộc tính Đại Hán dưới sự lãnh đạo của ĐCST.




– Sau 10 năm cái gọi là “Đại Cách Mạng Văn Hóa” mà người Tàu cho là “10 năm thảm họa”. Tháng 9/1976 Mao Trạch Đông chết, trong đám hậu thân của Mao, Đặng Tiểu Bình có vẻ trội hẳn và đã trở thành lãnh tụ tối cao của Trung Cộng cuối năm 1978. Đặng lên ghế lãnh tụ chưa vững, lại thừa kế một một nước Tàu bao trùm bất mãn với xung đột xã hội, vỡ mộng với ý thức hệ và đang thất sủng do hậu quả “10 năm thảm họa” của “Cách Mạng Văn Hóa” gây ra. Trước tình hình nội bộ bát nháo, trong Đảng đang tranh quyền đoạt lợi, Đặng chủ trương đưa quân tiến đánh Việt Nam tháng 2/1979, với khẩu hiệu “dạy cho Việt Nam bài học”. Thật chất của cuộc chiến là Đặng triệt hạ Hoa Quốc Phong lên nắm bá quyền và ổn định lòng dân.

Những sự kiện lịch sử “công ngoại, ổn nội” từng lặp lại như là “cẩm nang” của ĐCST áp dụng thường xuyên từ Mao đến Đặng như là định luật sinh tồn của Đảng. Nay đến với Tập Cận Bình cũng không ngoại lệ.


Tranh biếm họa: Trò chơi Tập Cận Bình
Tập Cận Bình so với những đời chúa đảng tiền nhiệm có phần trội hơn về tham vọng lãnh tụ, Hán tộc tính rất cao, “giấc mộng Trung Hoa” cai trị thế giới, bất chấp thủ đoạn dù đê hèn đến đâu để đạt mục tiêu. Trung Cộng đang bị Washington vạch mặt những âm mưu, thủ đoạn trên chính trường quốc tế. Mỹ dùng thương chiến trừng phạt Trung Cộng đợt đầu đã làm cho Tập xính vính. Chân mạng đế vương của Tập thuộc hàng tệ, khuôn mặt máu lạnh cực ác nên “phước bất tùng lai, họa vô đơn chí” (cái phước không đến, mà tai họa thì cứ tiếp tục), chưa thoát khỏi vòng kiềm tỏa thương chiến với Mỹ trong vòng đầu thì tháng 1/2020 bị đại dịch “virus Vũ Hán”, thành phố có nền chính trị, kinh tế, tài chánh số một của Trung Cộng hoàn toàn tê liệt và phá sản, Vũ Hán có 11 triệu dân, năm 2018 đem về cho Trung Cộng 224 tỉ USD (3), nay điêu tàn với con số zero to tướng. Các thành phố quan trọng khác cũng phải đóng cửa các công ty, làm cho Trung Cộng thất thoát kinh tế không biết bao nhiêu mà kể. Thêm việc giải quyết bệnh dịch một cách vô nhân tính nên người dân vốn không thích chế độ độc tài toàn trị, nay hoàn toàn mất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Tập và ĐCST, các đối thủ chính trị của Tập trong phe Giang Trạch Dân sẵn sàng đứng lên lấy cái đầu của Tập, dân Tàu treo khẩu hiệu khắp nơi đòi tự do dân chủ xóa sổ ĐCST. Trung Cộng lại bị thế giới lên án nặng nề vì không báo cáo minh bạch về tình trạng dịch virus Vũ Hán đã làm cho đại dịch bùng phát khắp thế giới giết chết hàng vạn người và làm nền kinh tế thế giới điêu đứng.

Trước tình tình như vậy, Tập đang giữ Bí Thư Quân ủy Trung Ương, sẽ mở “cẩm nang” sinh tồn của ĐCST phát động cuộc chiến bên ngoài để ổn định lòng dân, để đánh bóng lãnh tụ, và để nâng cao vị thế lãnh đạo của ĐCST.




Chọn chiến trường thích hợp đạt nhu cầu chiến tranh:

Nếu Tập chọn Hồng Kông để làm chiến trường thì thất sách, không thu phục lòng dân vì dân Hồng Kông cũng là tộc Hán nên chiến trường này không đánh động tự hào Hán tộc, mà đôi khi “lợi bất cập hại”. Hơn thế nữa sẽ bị các nước tự do tây phương phản ứng mạnh mẽ vì vi phạm tự do dân quyền.

Tập chọn Đài Loan làm chiến trường, cũng không đạt mục tiêu kích động được tinh thần Hán Tộc, vì người Đài Loan cũng là người Tàu. Ngươi Tàu đi giết người Tàu thì có gì vinh quang? Lại nữa, tấn công Đài Loan chưa chắc gì đã thắng có khi ôm đầu máu trở về, vì quân đội Đài Loan được trang bị tối tân về hải-lục-không quân với hỏa tiễn, phi cơ, tàu chiến mua của Mỹ. Và hơn bao giờ hết, nay Đài Loan đang được Mỹ quan tâm và bảo vệ rất chặt chẽ dưới đạo luật “The Taiwan Relations Act”.

Như vậy Việt Nam là lựa chọn tối ưu: “nhất cử lưỡng tiện”. Vừa khích động được tinh thần Đại Hán để củng cố được nội bộ, vừa thực hiện tham vọng bá quyền “Một Vành Đai, Một Con Đường” (One Belt, One Road). Biển Đông có thể là điểm phát hỏa.

Những cuộc chiến biên giới của Trung Cộng với Ấn Độ, Nga, Việt Nam (1979) đều là cuộc chiến ngắn hạn vì Trung Cộng đã chọn mục tiêu chiến tranh là ổn định nội bộ, đánh bóng lãnh tụ và duy trì sự cầm quyền của ĐCST, nó không mang tính chất của hai cuộc đại chiến thế giới. Lần này nếu Trung Cộng đánh chiếm Biển Đông không những xâm lăng Việt Nam, mà Biển Đông có quyền lợi của thế giới, do đó cuộc chiến này có thể kéo theo sự tham gia của các cường quốc Mỹ, Úc, Ấn, Nhật và một số nước châu Âu… Tập hãy coi chừng!


© Lê Thành Nhân
     Kỳ ngày 23 tháng 4 năm 2020
    Việt Quốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad