Xã hội dân sự đang “huy động vàng trong dân” vào lúc khủng hoảng như thế nào - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 8 tháng 4, 2020

Xã hội dân sự đang “huy động vàng trong dân” vào lúc khủng hoảng như thế nào


Từ nhiều năm qua, câu chuyện “huy động vàng trong dân” ở Việt Nam như một món ăn nguội được hâm nóng lại liên tục.


Một điểm phát thực phẩm hàng ngày ở Hà Nội. Ảnh: Báo Tổ quốc

Điều này không ngạc nhiên, đặt trong bối cảnh nạn tham nhũng đã trở thành một nồi canh nhung nhúc sâu, nợ công thì ngập quá đầu, còn các công ty quốc doanh hùng hục thi nhau sản xuất ra những khoản nợ ngàn tỷ.

Đại dịch COVID-19 đang rung lắc toàn bộ nền kinh tế trên thế giới sẽ càng khiến nhu cầu huy động vàng trong dân này trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Phải thẳng thắn rõ ràng một điều, rằng bây giờ không còn là năm 1945, khi chính quyền có thể lên tiếng kêu gọi và người dân vô tư hưởng ứng đóng góp của cải vật lực.

Ngày nay, sau 3/4 của thế kỷ, niềm tin của dân đối với chính quyền đã trở thành một thứ xa xỉ, chỉ tồn tại trên hệ thống báo đài loa kèn một chiều chuyên áp đặt chụp mũ dư luận. Lý do cho cái chết của niềm tin đó thì đã có quá nhiều người nói đến, và nó cũng nằm ngoài khuôn khổ của bài viết này.
Nhưng trước dịch bệnh, ai cũng là nạn nhân, và ai cũng phải có phần bảo vệ xã hội.

Khi thảm họa xảy ra, người ta mới nhận ra số phận của người khác cũng chính là số phận chính mình.
Vậy nên thực chất chính quyền không cần làm gì, tự người dân đã xắn tay áo vào đóng góp giúp đỡ lẫn nhau.




Trong khi các công ty xổ số kiến thiết doanh thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm ngồi im phăng phắc, không đả động gì về việc hỗ trợ người bán vé số thất nghiệp, thì một đại lý vé số nhỏ lẻ ngay lập tức chủ động bỏ tiền túi giúp đỡ những người bán dạo qua cơn hoạn nạn.

Các doanh nghiệp lớn góp tiền hỗ trợ các trang thiết bị y tế cho các bệnh viện chống dịch. Người dân chắt chiu san sẻ từng phần gạo, mì, dầu ăn… cho những người nghèo khổ.

Trên mạng xã hội nở rộ các nhóm vận động tự phát “gạo sạch cho người bán vé số”, “nấu những suất ăn miễn phí”, “phát cơm cho người nghèo”…


Đại diện Nhà xuất bản Tự Do đang phát gạo cho một quán cơm xã hội ở TP. Hồ Chí Minh ngày 2/4/2020. Ảnh: Facebook NXB Tự Do.

Chỉ sau một tuần đưa ra lời kêu gọi quyên góp hỗ trợ mua trang thiết bị y tế cho bệnh viện, một nhóm nhỏ các thành viên làm báo tự do đã huy động được hơn một tỷ đồng từ các cá nhân.

Bất kể việc luôn bị bóp nghẹt, chụp cho cái mũ “chống phá Đảng và Nhà nước”, các hoạt động xã hội dân sự độc lập vẫn bền bỉ tồn tại ngay trong lòng của chế độ độc tài chuyên chế.

Chính họ, chứ không phải bất kỳ một đảng phái thiên tài nào, mới là trái tim, là khối óc, là toàn bộ cơ thể, và là lương tri của xã hội.




Ở những thể chế tiến bộ, hoạt động xã hội dân sự lan tỏa khắp nơi cả về số lượng lẫn chất lượng.
Một ví dụ là hoạt động tài chính vi mô tại Ấn Độ, chuyên cung cấp các dịch vụ cho vay, tiết kiệm, tư vấn đào tạo, chuyển tiền cho người có thu nhập thấp.

Nòng cốt của hoạt động này là “các nhóm tự trợ giúp” (SHG – Self Help Group). Trong nhiều thập niên các SHG đã đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ những người có địa vị kinh tế xã hội thấp, đặc biệt là phụ nữ.

SHG là các nhóm tự quản gồm 10 đến 20 thành viên. Nhóm có cơ cấu tổ chức, tổ trưởng, thư ký, có quy định hoạt động, sổ sách ghi chép. Nhóm dùng các khoản tiền tiết kiệm gộp lại của thành viên để làm vốn vay cho nhau. Thông thường khi thời gian hoạt động từ sáu tháng trở lên, đạt các yêu cầu của ngân hàng, nhóm tự trợ giúp sẽ được ngân hàng cấp thêm khoản vay dựa trên số tiền tiết kiệm của nhóm (mô hình này được gọi là SBLP – SHG Bank Linkage Program). Các thành viên trong nhóm trợ giúp lẫn nhau trong quá trình hoạt động lẫn trả nợ, vì nếu một thành viên không trả được nợ, cả nhóm sẽ bị ảnh hưởng, hạn chế khả năng vay vốn trong tương lai.

Đa phần các SHG của Ấn Độ đều được sự giúp đỡ từ những tổ chức phi chính phủ (NGO) trong việc đào tạo kiến thức tài chính, phát triển dự án sản xuất, tìm nguồn tài trợ…

Sự phối hợp giữa các tổ chức xã hội dân sự giúp Ấn Độ có được chương trình tài chính vi mô lớn nhất thế giới. Theo một báo cáo tính đến năm 2018, nước này có khoảng 8,7 triệu nhóm tự trợ giúp liên kết ngân hàng SBLP, tiếp cận gần 110 triệu hộ gia đình, số dư tiết kiệm khoảng 2,6 tỷ USD, dư nợ tín dụng trên 10 tỷ USD.




Ở Việt Nam, có ý kiến cho rằng khái niệm tài chính vi mô vẫn còn chưa được thống nhất và có sự nhập nhằng trong phân loại, gom luôn cả các ngân hàng thương mại vào trong nhóm. Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam mới chỉ tồn tại bốn tổ chức tài chính vi mô chính thức. Tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức này trong năm 2017 là hơn 200 triệu USD.

Khi các rào cản bị gỡ bỏ trong tương lai, các tổ chức dân sự sẽ còn đóng nhiều vai trò quan trọng hơn trong mọi lĩnh vực của xã hội.

Ở thời điểm khủng hoảng vì dịch bệnh như hiện tại, bên cạnh yêu cầu sự hỗ trợ từ chính quyền, mọi cá nhân tổ chức độc lập đều có thể tự thân vận động sáng tạo ra những cách thức “chia lửa” với nhau.


Nhóm Báo Sạch đang trao 400 bộ đồ bảo hộ cho Đại học Y Hà Nội, ngày 4/4/2020. Ảnh: Facebook Báo Sạch.

Những doanh nghiệp, đặc biệt là các hộ kinh doanh vừa và nhỏ, nếu không thể tiếp cận các khoản vay từ ngân hàng, có thể thử nghiệm việc vay thẳng từ khách hàng tương lai của mình.

Một quán ăn bị đóng cửa ế ẩm có thể phát hành các phiếu ăn hoặc coupon giảm giá để khách hàng ủng hộ. Những thực khách thường xuyên có thể lựa chọn mua các suất ăn tương lai đó để hỗ trợ quán ưa thích của mình cầm cự qua cơn dịch.




Một doanh nghiệp lữ hành hoặc khách sạn có thể phát hành các coupon hoặc thẻ VIP với thời hạn lâu dài, khách hàng có thể bỏ tiền ra mua và tùy nghi lựa chọn bất kỳ dịch vụ nào trong tương lai, đổi lại doanh nghiệp có nguồn vốn để duy trì hoạt động đến khi thị trường khôi phục.

Lịch sử hàng trăm năm qua cho thấy, khi khủng hoảng kết thúc, sức tiêu dùng của người dân đều được bung ra như chiếc lò xo bị nén lại. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là tồn tại đến được thời điểm tái sinh đó.

Việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ khách hàng cũng là một bài kiểm tra xem thật sự sản phẩm và dịch vụ của một doanh nghiệp có ý nghĩa tới đâu trong đời sống xã hội.

Xã hội cũng sẽ phải thay đổi quan niệm về giá trị.

Trong khủng hoảng, đồng tiền, dù là tiền Việt hay tiền đô, hoặc thỏi vàng hay viên kim cương, đều không thể bảo vệ được chúng ta.

Không khí trong lành, nước sạch, thực phẩm an toàn, thuốc men, thiết bị y tế… mới quyết định sự sống và cái chết.

Những thứ đó lại do tất cả chúng ta cùng tạo ra, cùng giữ gìn, và cùng chia sẻ.

Giá trị thật sự của tiền bạc vì vậy không phải do bản thân người nắm giữ nó quyết định. Chính những người xung quanh mới quyết định đồng tiền trên tay ta có giá trị tới đâu.

Sớm hay muộn mỗi người cũng sẽ phải tự hỏi, liệu có món đầu tư nào “sinh lợi” nhiều hơn việc bỏ tiền ra để giúp đỡ cho những người xung quanh mình.

Bài toán làm thế nào để huy động vàng trong dân vì vậy rất vô nghĩa so với bài học lớn cho cả chính quyền và mỗi người dân.

Dùng vàng để đổi lấy thứ gì?


© Y Chan
    Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad