Đại chiến Việt Xiêm (1705-1845) - Cuộc chiến tranh vệ quốc huy hoàng dài nhất lịch sử Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 16 tháng 5, 2020

Đại chiến Việt Xiêm (1705-1845) - Cuộc chiến tranh vệ quốc huy hoàng dài nhất lịch sử Việt Nam


Miền Nam hai tiếng thân thương là địa danh chỉ phần đất màu mỡ, trù phú nhất của Tổ quốc. So với niên đại hàng mấy nghìn năm của miền Bắc thì miền Nam còn rất trẻ trung - khi mới có hơn 300 năm tuổi đời. Lịch sử miền Nam chủ yếu gắn liền với chế độ phong kiến cuối cùng của nước ta, nhà Nguyễn…


Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam, khiến lãnh thổ nước nhà mở rộng chưa từng thấy. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Đây chính là triều đại có công lớn nhất trong việc khai phá, mở rộng lãnh thổ Việt Nam trong suốt mấy trăm năm. Nhưng vì họ thất bại trước cuộc chiến tranh xâm lược của người Pháp vào thế kỷ 19 mà cho đến nay đa phần người Việt vẫn có cái nhìn khá thành kiến với triều đại phong kiến này. Tuy nhiên, lịch sử vẫn ghi nhận công lao của Nhà Nguyễn với một quá trình mở cõi và bảo vệ quốc gia thành công suốt hơn một thế kỷ, mà chiến tích huy hoàng nhất chính là cuộc chiến 5 lần chống lại đế quốc Xiêm La trong suốt 140 năm (1705-1845), dài hơn bất kỳ cuộc chiến tranh chống ngoại xâm nào trong lịch sử dân tộc.

Phần 1: Chiến tranh Việt Xiêm lần 1 (1705)


Thành hầu kinh lý đất Phiên An; Quân Xiêm đại bại trận Sầm Khê

Nước Quảng Nam hùng mạnh

Kể từ khi Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp, đến thời vị Chúa thứ 6 là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, thì Nam Hà (lúc đó còn gọi là nước Quảng Nam) đã trở thành một thế lực cường thịnh trong khu vực. Bấy giờ, phía Nam nước ta lãnh thổ được mở mang đến tận biên giới Chân Lạp. Trong nước việc nội trị, võ bị, giáo dục được phát triển khá mạnh. Đến nỗi năm 1702, khi sứ Nam Hà sang cầu phong, triều thần nhà Thanh từng nhận xét rằng: “Nước Quảng Nam hùng trị một phương, Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn. Tuy nhiên nước An Nam còn có nhà Lê ở đó, chưa thể phong riêng được”.




Năm Mậu Dần 1698, lãnh thổ Nam Hà đã vươn lên một bước rất dài trên bản đồ Đại Việt.

Sử chép:

“Năm Mậu Dần (1698) mùa xuân, chúa sai Hữu Cảnh làm Thống suất, đem quân đi kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đồng Phố, đặt làm phủ Gia Định phân chia đất ấy, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt doanh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng doanh Phiên Trấn. Mở đất nghìn dặm, dân được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính trở vào nam cho ở đất ấy. Đặt xã, thôn, phường ấp, khai khẩn ruộng đất, định ngạch tô thuế, làm sổ đinh. Đến lúc về, Hữu Cảnh lại lĩnh trấn như cũ”.


Bản đồ Nam Kỳ với các địa danh giữa thế kỷ 19. (Ảnh: Wikipedia)

Binh uy bình Chân Lạp

Lẽ dĩ nhiên là vương quốc Chân Lạp sẽ không thần phục dễ dàng, và vùng đất mới sẽ luôn phải tổn hao xương máu mới giữ vững được. Nhưng may là chúng ta có tướng quân Nguyễn Hữu Cảnh, một vị tướng giỏi nên đã nhanh chóng dẹp yên biên cảnh. Sử chép:

“Kỷ mão, năm thứ 8 (1699), mùa thu, tháng 7, Nặc Thu nước Chân Lạp làm phản, đắp các lũy Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam, cướp bóc dân buôn. Tướng Long Môn là Trần Thượng Xuyên đóng giữ Doanh Châu (nay thuộc Vĩnh Long) đem việc báo lên. Mùa đông, tháng 10, lại sai Nguyễn Hữu Kính (Tức Nguyễn Hữu Cảnh) làm Thống suất, Cai bạ Phạm Cảm Long làm Tham mưu, Lưu thủ Trấn Biên là Nguyễn Hữu Khánh làm tiên phong, lãnh quân hai dinh Bình Khang, Trấn Biên, và thuộc binh 7 thuyền dinh Quảng Nam, cùng với tướng sĩ Long Môn đi đánh.




Tháng 2, Nguyễn Hữu Kính đem quân các đạo tiến vào nước Chân Lạp, đóng ở Ngư Khê (Rạch Cá), sai người dò xét thực hư, chia đường tiến quân.

Tháng 3, Thống binh Trần Thượng Xuyên cùng quân giặc đánh liên tiếp nhiều trận đều được. Khi quân ta đến lũy Bích Đôi và Nam Vang, Nặc Thu đem quân đón đánh. Nguyễn Hữu Kính mặc nhung phục đứng trên đầu thuyền, vung gươm vẫy cờ, đốc thúc các quân đánh gấp, tiếng súng vang như sấm. Nặc Thu cả sợ, bỏ thành chạy. Nặc Yêm (con vua thứ hai của Nặc Nộn) ra hàng, Hữu Kính vào thành, vỗ yên dân chúng. Mùa hè, tháng 4, Nặc Thu đến cửa quân đầu hàng, xin nộp cống. Nguyễn Hữu Kính báo tin thắng trận rồi lùi quân đóng đồn ở Lao Đôi, kinh lý việc biên giới”.
(Đại Nam Thực Lục tiền biên - quyển VII).


Tượng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh trong đình Bình Kính, xã Hiệp Hòa, Biên Hòa. (Ảnh: Wikipedia)

Xiêm La bại trận Sầm Khê

Chuyện phải đến đã đến, thế lực của Nam Hà vươn dài vào phương Nam rồi cũng sẽ đụng phải Xiêm La - hay còn gọi là đế quốc Ayutthaya, một lực lượng có thể nói là mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á khi đó. Vì để ngăn quân chúa Nguyễn ảnh hưởng đến Chân Lạp mà hai bên Việt Xiêm đã nổ ra trận chiến đầu tiên vào năm 1705 tại Sầm Khê. Sử chép:

“Ất Dậu, năm thứ 14 [1705 - tức thời Lê Vĩnh Thịnh năm 1, Thanh Khang Hy năm 44], Sai Chánh thống cai cơ Nguyễn Cửu Vân (con Nguyễn Cửu Dực) đánh Chân Lạp và đưa Nặc Yêm về nước. Yêm là con Nặc Nộn. Trước là Nặc Nộn chết, Nặc Thu phong Yêm làm chức Tham Đích Sá Giao Chùy, đem con gái gả cho. Sau Thu vì tuổi già, truyền ngôi cho con là Nặc Thâm. Thâm ngờ Yêm có chí hướng khác, nổi binh đánh nhau, lại nhờ Xiêm La giúp. Yêm chạy sang Gia Định cầu cứu với triều đình. Chúa bèn sai Vân lãnh quân thủy bộ Gia Định tiến đánh Nặc Thâm. Vân đến Sầm Khê gặp quân Xiêm, đánh vỡ tan. Thâm cùng em là Nặc Tân chạy sang Xiêm. Nặc Yêm lại trở về thành La Bích. Bấy giờ Xá sai ty Phiên Trấn là Mai Công Hương làm tào vận tới sau, bị quân giặc chặn lại, lính vận tải sợ chạy. Hương bèn đục thủng thuyền làm đắm lương thực, rồi nhảy xuống sông chết. Giặc không được gì hết. Chúa nghe tin, sai phong Hương làm thần “Vị quốc tử nghĩa”, dựng đền để thờ. Chân Lạp dẹp xong, Vân nhân khẩn ruộng ở Cù Ao (thuộc tỉnh Định Tường), làm gương cho quân dân noi theo. Lại vì giặc thường đến đất này quấy rối sau lưng quân ta, bèn đắp lũy dài để vững phòng ngự.” (Đại Nam thực lục).




Lời bàn:

Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam, khiến lãnh thổ nước nhà mở rộng chưa từng thấy. Các tướng lãnh nhà Chúa còn dùng binh thần tốc mà vỗ yên Chân Lạp, đánh tan Xiêm La trong vòng vài năm ngắn ngủi khiến cho biên cương được yên bình. Công lao của quân dân và ý chí sáng suốt của nhà Chúa quả đáng phục thay, nhờ đó mà hàng triệu con dân Việt có thêm nơi để mà sinh sống lập nghiệp, nước ta cũng có cơ trở nên cường thịnh. Nhưng vẫn còn đó kẻ địch mạnh dẫu thua nhưng lúc nào cũng lăm le tìm cơ phục hận. Chiến thắng Sầm Khê chỉ là khởi đầu cho chuỗi chiến công gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt để bảo vệ vùng biên cương mới của tổ quốc mà thôi, bánh xe lịch sử sẽ xoay vần ra sao.


Và đất Hà Tiên phải trải qua nhiều năm binh lửa tôi rèn nữa mới có thể nằm vững trong lãnh thổ Đại Nam. (Ảnh: NTD Việt Nam tổng hợp)

Sau khi Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý miền Nam, lãnh thổ do chúa Nguyễn cai quản tiếp tục được mở rộng vào tới Thủy Chân Lạp (Nam Bộ hiện nay). Nhà chúa không ngừng gây ảnh hưởng sang vùng Lục Chân Lạp phía Tây nên phải xung đột với đế quốc Ayutthaya - nước láng giềng cận kề phía Tây Chân Lạp cũng đang muốn gây ảnh hưởng tại đây...

Phần 2: Chiến tranh Việt Xiêm lần 2 (1718)


Chân Lạp nhị vương tranh nhất quốc
Quân Xiêm thừa dịp cướp Hà Tiên


Chân Lạp nội loạn, quân ta vây La Bích

Bản thân nước Chân Lạp cũng trong tình trạng loạn lạc vì tranh chấp nội bộ. Từ năm 1700, chúa Nguyễn đưa một hoàng tử Chân Lạp là Nặc Yêm lên làm vua Chân Lạp (quản lý phần lãnh thổ phía Đông). Một hoàng thân khác là Nặc Thu cũng xưng vương và quản lý phần phía Tây Chân Lạp. Hai thế lực liên tục gây chiến để tìm cách giành quyền quản lý toàn đất nước.




Nặc Thâm con Nặc Thu vốn trẻ tuổi hiếu chiến, được hậu thuẫn của Xiêm La nên không chấp nhận chia quyền trị nước với Nặc Yêm, rốt cục đã chủ động gây chiến:

“Tân Mão, năm thứ 20 [1711]. Mùa đông, tháng 10, Nặc Thâm nước Chân Lạp (con Nặc Thu) từ nước Xiêm về, cùng với ốc Nha Cao La Hâm mưu hại Nặc Yêm. Nặc Yêm sai người Ai Lao là Nặc Xuy Bồn Bột chạy báo hai dinh Trấn Biên, Phiên Trấn xin quân cứu viện. Phó tướng Nguyễn Cửu Vân và Tổng binh Trần Thượng Xuyên đem việc báo lên...

Giáp Ngọ, năm thứ 23 [1714] Mùa đông, tháng 10, Nặc Thâm nước Chân Lạp cùng bầy tôi là Cao La Hâm dấy binh vây Nặc Yêm rất gấp. Nặc Yêm cầu Xuy Bồn Bột ứng tiếp. Xuy Bồn Bột chọn trong quân của mình 2.000 người kéo về theo đường bộ. Bấy giờ số quân của Nặc Thâm có 4 vạn, mà số quân của Nặc Yêm và Xuy Bồn Bột không đầy 1 vạn, Nặc Yêm lo quân ít, phải cầu viện với hai dinh Phiên Trấn, Trấn Biên. Đô đốc Phiên Trấn là Trần Thượng Xuyên phát binh qua Sài Gòn, phó tướng Trấn Biên là Nguyễn Cửu Phú phát binh đóng ở Lôi Lạp, thủy quân thì đóng ở Mỹ Tho, để làm thanh viện ở xa. Sai người đem việc báo lên. Chúa trả lời rằng: “Việc ở ngoài biên ải, ủy thác cả cho hai khanh, phải xét nên đánh hay nên giữ, sao cho yên nơi phiên phục”. Nhân sai Cai cơ Tả bộ dinh Bình Khang là Nguyễn Cửu Triêm lãnh 26 thuyền quân thủy bộ của dinh Bình Khang để ứng tiếp, lấy quân 4 thuyền cơ Tả thủy dinh Quảng Nam để tiếp giữ dinh Bình Khang. Lại sai chọn các dân thuộc Nội phủ ở dinh Trấn Biên để sung binh số và dụ rằng khi xong việc lại vẫn y lệ cũ.
(Đại Nam thực lục).


Nhân sai Cai cơ Tả bộ dinh Bình Khang là Nguyễn Cửu Triêm lãnh 26 thuyền quân thủy bộ của dinh Bình Khang để ứng tiếp. (Ảnh: Shutterstock)

Quân Nam Hà tinh nhuệ với ưu thế về binh lực và hỏa lực đã dễ dàng dập tắt cuộc phản loạn của các hoàng thân Chân Lạp:

“Tháng 11, lấy Cai cơ Trương Văn Dực làm Chưởng cơ, Ký lục Chính dinh là Lê Quang Hiến làm Nha úy, Ký lục Quảng Bình là Thanh Minh làm Ký lục Chính dinh. Tướng sĩ hai dinh Trấn Biên và Phiên Trấn cùng với Xuy Bồn Bột và Nặc Yêm hợp quân vây Nặc Thâm ở thành La Bích. Cao La Hâm đã trốn đi trước. Nặc Thu đưa thư xin chịu tội, nói vì Nặc Thâm tin dùng nịnh thần Cao La Hâm mà thành anh em không hòa, gây nên mối loạn. Nay xin lập vua mới lên giữ nước, để khỏi giết hại nhân dân.




Ất Mùi năm thứ 24 [1715], mùa xuân, tháng giêng, Nặc Thâm nước Chân Lạp ở thành La Bích, ngày thêm cùng quẫn, bèn phóng lửa đốt nhà cửa trong thành, rồi ra cửa Nam trốn đi. Nặc Thu nghe tin cũng trốn. Trần Thượng Xuyên và Nguyễn Cửu Phú đốc quân vào thành, thu hết các đồ khí giới, dò xét biết Nặc Thu sợ không dám ra, xin nhường ngôi cho Nặc Yêm. Hai tướng đem sự trạng báo lên. Chúa sai phong Nặc Yêm (lại tên là Kiều Hoa) làm vua nước Chân Lạp… Lại thấy rằng Nặc Thâm và Cao La Hâm nhất thời trốn loạn, hoặc còn quấy rối, mật dụ cho Nặc Yêm an tập nhân dân để phòng bị”
... (Đại Nam thực lục).

Giành ảnh hưởng, Xiêm La thừa cơ cướp Hà Tiên

Vì quân nhà chúa Nguyễn đã trợ giúp cho Nặc Yêm lên ngôi, tranh giành ảnh hưởng ở Chân Lạp với người Xiêm nên đế quốc Ayutthaya đã điều quân tấn công vào Hà Tiên để trả đũa. Thời điểm này Hà Tiên dưới quyền quản trị của Mạc Cửu. Sử chép:


Tuy không phải người Việt, nhưng họ Mạc đã đóng góp công sức vô cùng lớn mở cõi và bảo vệ biên cương cùng với quân dân nhà Chúa. (Ảnh: NTD Việt Nam Tổng Hợp)

“Mùa đông năm Ất Mùi (1715), vua Xiêm sai bọn Phi nhã Bồ Diệt đem 1500 quân đưa Thâm về Cao Miên xin giảng hòa. Yêm không chịu, đem quân chống lại ở phủ Tầm Bôn.

Mùa xuân năm Bính Thân (1716), bọn Bồ Diệt kéo nhau về Xiêm, Thâm xin vua Xiêm sai em của y là Tân (Tôn) về trước để chiêu tập binh 2 phủ Tầm Bôn và Vô Lật. Yêm dò biết bèn cùng với quân ta tiến đánh tên Tân ở phủ Vô Lật; vua Yêm bắn trúng vai của Tân. Tân chạy về núi Sư Sinh dưỡng bệnh.

Mùa đông năm Đinh Dậu (1717), Phi nhã Chất Tri ở Xiêm đem 10.000 quân bộ đến đồn trú ở Tầm Bôn.

Tháng 2 năm Mậu Tuất (1718), Phi nhã Cù Sa đem 5.000 thủy binh hợp đồng với quân Thâm cướp đường kéo xuống Hà Tiên cướp phá. Mạc Thống binh (Mạc Cửu) không địch nổi phải tạm xuống Lũng Kỳ, gặp khi có cơn gió lớn thổi mạnh, thuyền bè của quân Xiêm bị chìm, người chết rất đông, Cù Sa bèn thu tàn quân trở về Xiêm La, chỉ còn Thâm thì chạy đến chỗ binh thứ của Tân ở thủ phủ Bô Bô. Khi ấy một mình Yêm chống với Thâm và lén sai sứ nạp lễ cống cho vua Xiêm. Quân của Chất Tri ở lâu mà không làm được gì, nhân đó mới đem bọn Thâm, Tân cùng về Xiêm La, từ đấy nơi biên cảnh mới yên tĩnh”
... (Gia Định thành thông chí-Trịnh Hoài Đức).

Lời bàn:

Lần này lãnh thổ của nước ta mở rộng đến tận Hà Tiên hoàn toàn nhờ vào công khai phá và kinh doanh của nhà họ Mạc. Tuy không phải người Việt, nhưng họ Mạc đã đóng góp công sức vô cùng lớn mở cõi và bảo vệ biên cương cùng với quân dân nhà Chúa. Và đất Hà Tiên phải trải qua nhiều năm binh lửa tôi rèn nữa mới có thể nằm vững trong lãnh thổ Đại Nam. Cục diện lịch sử tại dải đất phương Nam sẽ ra sao? Hãy chờ xem phần sau vậy.


© Minh Bảo
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad