‘Hòa’ thế nào khi không muốn giải! - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 2 tháng 5, 2020

‘Hòa’ thế nào khi không muốn giải!


“Hòa hợp, hòa giải dân tộc” đã trở thành khẩu hiệu suốt hàng chục năm nhưng chỉ trong vài tháng gần đây, tiếp tục có thêm hàng chục người bị bắt, bị kết án chỉ vì nói khác kiểu, kháng giọng với những người lớn tiếng gọi “hòa”. “Hòa” như thế là hòa… thật hay hòa… giả. “Hòa” như thế thì làm sao “giải” hết cả oán hận lẫn bất đồng?


Một cuộc duyệt binh nhân ngày 30 tháng Tư tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2015.

Cho dù cả giọng điệu lẫn âm lượng của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức về sự kiện “Giải phóng miền Nam” đã giảm đáng kể nhưng mạng xã hội và các diễn đàn điện tử về ngày 30 tháng 4 vẫn rất nóng, thậm chí còn nóng hơn nhiều năm trước...

Số người nhận thức lại về cuộc chiến “Giải phóng miền Nam”, đặc biệt là những người có liên quan chặt chẽ với “bên thắng cuộc”, càng lúc càng đông. Thời điểm sự kiện “Giải phóng miền Nam” tròn 45 năm, nhiều ngàn người chia sẻ và bày tỏ sự tán thành ý kiến của Abraham Lincoln được dịch ra tiếng Việt kèm chân dung của ông (1):

Khi viên đạn găm vào môt người lính thuộc về bất kỳ bên nào thì nó cũng xuyên vào trái tim một người mẹ…

Tại sao lại ăn mừng chiến thắng? Những kẻ bại trận chẳng phải là đồng bào của chúng ta hay sao?

***

Tháng trước, Tho Nguyen, sau tháng 4 năm 1975 được biệt phái vào Nam tiếp quản Đài Truyền hình Huế, từng bày tỏ: Đại dịch COVID-19 đang tạo cơ hội để ngày 30 tháng 4 năm nay, 45 năm kết thúc chuyện huynh đệ tương tàn, sẽ không phải là ngày trống giong cờ mở, pháo hoa sáng trời của bên này đồng thời là ngày nuốt nước mắt của bên kia




Tuần này, Tho Nguyen, vừa mới viết tiếp về những suy nghĩ của ông đối với cuộc chiến ấy: Trong khi cả thế giới chìm trong chiến tranh lạnh thì Việt Nam trở thành chiến trường thi thố sức mạnh của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Nếu chúng ta coi nhau như anh em một nhà, quyết không bắn giết nhau thì không đế quốc nào có thể nhảy vào Việt Nam. Cuộc chiến khốc liệt đã nổ ra chính vì số người Việt thích bạo lực, coi trọng đấu tranh ý thức hệ nhiều hơn số người nghĩ đến quyền lợi dân tộc. Cuộc chiến đó đã khiến chúng ta mất Hoàng Sa, một phần Trường Sa và nếu tiếp tục chia rẽ, thù ghét nhau, sẽ mất thêm nhiều thứ khác (2)…

Trong status mới nhất, Tho Nguyen kể chuyện tướng Wojciech Jaruzelski (Ba Lan) và trung tá Harald Järger (sĩ quan an ninh Đông Đức) như những dẫn chứng.

Khi Công đoàn Đoàn kết (CĐĐK) trở thành lực lượng đe dọa sự nghiệp của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan và chính quyền cộng sản Ba Lan, tướng Jaruzelski – lúc ấy là Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nhà nước đã chọn con đường đàm phán với Lech Walesa – Thủ lĩnh CĐDK, chứ không cậy đến Liên Xô – luôn muốn kềm giữ Ba Lan trong nanh vuốt của mình. Nhờ vậy, Jaruzelski và Walesa vốn từng không đội chung Trời nhưng không vì thế mà “đốt cháy Ba Lan” đã trở thành bạn của nhau.

Tương tự, Järger đã cấm thuộc cấp nổ súng vào dân Đông Đức ùn ùn đổ tới Bức tường Berlin. Đã vậy còn tự tay nâng thanh chắn cho dân Đông Đức chạy sang Tây Đức vào đêm 9/11/1989, dù điều đó, đồng nghĩa với sự nghiệp của Jäger cũng như hàng ngàn sỹ quan an ninh Đông Đức khác sẽ tiêu tan.

Tho Nguyen tin rằng, những kết thúc có hậu như thế chính là nhờ dân Ba Lan không sùng bái bạo lực, không để khuynh hướng bạo lực thắng thế, cũng như nhờ dân trí lành mạnh mà những sĩ quan an ninh Đông Đức giữ được tính người, lý trí. Đó cũng là lý do khi nước Đức còn bị phân chia, tuy khác biệt về thể chế chính trị nhưng dân Đông Đức vẫn dán mắt vào những trấn đấu của đội tuyển bóng đá Tây Đức và vẫn thường hét vang: Nước Đức, nước Đức… Tho Nguyen kể thêm, ngày thống nhất nước Đức, Thủ tướng Đức Willy Brand tuyên bố: Giờ đây những gì thuộc về nhau, lại gắn kết với nhau. Liệu càng ngày càng nhiều người Việt sẽ nghĩ như vậy (3)?




Tham gia cuộc thảo luận sôi nổi về sự kiện “Giải phóng miền Nam” trên mạng xã hội và các diễn đàn điện tử từ cuối tháng ba đến nay, ông Nguyễn Khắc Mai, cựu Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu của Ban Dân vận thuộc BCH TƯ đảng CSVN, nhận định: 30/4/1975 là thời điểm khởi đầu của tiến trình “phi cộng” mà những người CSVN không cưỡng lại được.

Ông Mai cho rằng: Sự tồn tại của Việt Nam Cộng Hòa trong một phần tư thế kỷ đã để lại nhiều dấu ấn, nhiều giá trị của một nền kinh tế thị trường thật chứ không nửa dơi nửa chuột, một xã hội dân trị tuy chưa đạt đến đỉnh cao nhưng là hiện thực, một nền văn hóa, giáo dục khá trưởng thành với nhiều giá trị và kinh nghiệm lành mạnh

Theo ông: Đó chính là những nhân tố thúc đẩy tiến trình “phi cộng”. Khi tiến nhanh, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội thất bại, phải từng bước xóa bỏ kinh tế kế hoạch hóa, tập thể hóa nền kinh tế… Tuy nhiên không vứt bỏ cái vòng kim cô giáo điều Mác – Lênin, cái ốp che mắt ngựa thì không thể có tư duy tử tế, lành mạnh để suy nghĩ.

Khi kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam là kinh tế tư bản hoang dã có màu đỏ nhưng không đỏ như son mà là đỏ máu dân, ông Mai dẫn lại thắc mắc mà Triết gia Nguyễn Mạnh Tường từng nêu: Chủ nghĩa anh hùng của các ông có giúp các ông dám hy sinh đảng trên bàn thờ của Tổ quốc và Nhân dân? - kèm cảnh báo: Nếu tiếp tục bảo thủ, tiếp tục để các nhóm lợi ích thao túng, nhân dân sẽ “tỉnh dậy, thấy mình là nô lệ, là con rối, con mồi của những tham vọng mới” và họ sẽ hành động (4)

***

30 tháng 4 là dịp mà Lưu Trọng Văn, một nhà báo nghỉ hưu, viết vài mẩu chuyện nhỏ về những cuộc trò chuyện với người của phía bên kia. Những mẩu chuyện tiếp tục khắc họa thêm diện mạo của phía bại trận, về một hệ thống được xây trên nền tảng giáo dục theo tiêu chí “nhân bản – dân tộc – khai phóng”, khác hẳn tuyên truyền của “bên thắng cuộc”. Trong những mẩu chuyện ấy, có cuộc đối thoại với một đại tá của Việt Nam Cộng hòa, từng bị “cải tạo” mười năm, còn vợ con thì mất tích khi vượt biên bị chết, rằng: Làm thế nào để thống nhất lòng người? Vị đại tá ấy đáp rất gọn: Chính quyền cứ thật sự tử tế vì dân thì lòng dân tự khắc thống nhất (5).

“Hòa hợp, hòa giải dân tộc” đã trở thành khẩu hiệu suốt hàng chục năm nhưng chỉ trong vài tháng gần đây, tiếp tục có thêm hàng chục người bị bắt, bị kết án chỉ vì nói khác kiểu, kháng giọng với những người lớn tiếng gọi “hòa”. “Hòa” như thế là hòa… thật hay hòa… giả. “Hòa” như thế thì làm sao “giải” hết cả oán hận lẫn bất đồng?

© Trân Văn
    Blog VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad