Nạn xói lở bờ sông tại An Giang: tất cả giải pháp chỉ mang tính đối phó? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2020

Nạn xói lở bờ sông tại An Giang: tất cả giải pháp chỉ mang tính đối phó?



Quốc lộ 91 bị sạt lở xuống sông Hậu/Nguồn: nhandan.com.vn


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Thực trạng - Nguyên nhân

Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang vào ngày 28/5 ban hành quyết định số 1152 về chủ trương đầu tư Dự án “Xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu, đoạn qua xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới”.

Vụ sạt lở xảy ra vào ngày 14/7/2019 tại khu vực ấp An Thị, xã An Thạnh Trung đã gây gián đoạn một phần đoạn đường giao thông liên ấp An Thị - An Long.

Sau đó, nhiều vụ sạt lở nhỏ uy hiếp 27 căn nhà dân cách vàm Cái Hố chỉ từ vài mét đến vài chục mét. UBND huyện Chợ Mới đã khẩn trương huy động lực lượng hỗ trợ dân di dời tài sản.

Mới đây, vào ngày 27/5, Quốc lộ 91 đoạn qua sông Hậu, ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang đã sạt lở một đoạn dài 40m xuống sông, ăn sâu vào 1/3 mặt đường.

Báo trong nước trích lời phía cơ quan chức năng cho hay việc sạt lở đã nằm trong cảnh báo do liên tục xảy ra mưa to tại An Giang những ngày gần đây, thúc đẩy nhanh thêm quá trình sạt lở.

Trao đổi với RFA vào tối ngày 28/5, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp - Nông thôn nhận định tình hình sạt lở ở bờ sông lẫn sạt lở bờ biển ngày càng diễn biến phức tạp.

“Cái này diễn ra trong những năm gần đây ngày càng quyết liệt hơn, ảnh hướng tới đời sống, sinh hoạt, hoạt động kinh tế của nhân dân trong vùng. Đây là vấn đề mới cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.”




Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long thì mực nước sông năm nay hạ thấp đồng nghĩa với việc khoảng cách từ bờ tới mặt nước xa hơn thì bờ sẽ nặng hơn nên dễ sụp hơn.Vào khoảng tháng 6, 7 tới đây thì tình hình sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ dữ dội sau mùa hạn mặn kỷ lục. Ông giải thích:

“Đặc biệt đất ở phía An Giang gần giáp Campuchia ở đầu nguồn sông Cửu Long và trong Việt Nam thì độ pha cát với thành phần cát nhiều nên độ kết dính thấp hơn. Đi xuống dần dưới này thì đất tăng độ kết dính. Khi đất có độ kết dính kém sẽ đòi hỏi cái dốc phải lài nhưng mấy vùng ở An Giang thì dốc thẳng đứng. Thông thường hay sạt lở ở những đoạn sông cong, cơ chế sông cong là lực quán tính (dòng chảy) đi thẳng nhưng phải bẻ cong thì sẽ đập vào bờ; còn cái nữa là đi qua những đoạn tiếp diện của dòng chảy bị hẹp, lấn một bên thì sẽ đưa đường tim sông qua gần bên kia, lấn hai bên sẽ nạo vét đáy sông và áp suất tăng hai bên bờ.”

Nói rõ hơn về nguyên nhân gốc rễ của tình trạng sạt lở ở An Giang hiện nay, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng do không đủ cát và phù sa.

Theo Thạc sĩ Thiện, việc thiếu cát sẽ làm cho đáy sông sâu hơn. Cụ thể, đáy sông Cửu Long, sông Tiền, sông Hậu bây giờ sâu hơn ngày xưa 2-3 mét, đáy sông sâu sẽ làm bờ nặng hơn. Còn thiếu phù sa thì dòng nước trong hơn, nhẹ hơn và nghiêng hơn gây xói.

Chung quan điểm với Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn bổ sung thêm một nguyên nhân có thể xảy ra tại An Giang hiện nay góp phần cho việc sạt lở là:

“Các đê lớn, đê bao trước đây để bao ngăn lũ tháng 8 làm lúa 3 vụ thôi. Lâu rồi củng cố lại, mọi người bắt đầu trồng cây ăn trái bên trong, xây nhà kiên cố, các đê đó thành đê dài hạn. Đấy là tình hình bất lợi, nếu ngăn triệt để nước ở trên thì sẽ chảy mạnh xuống dòng chảy còn lại với tốc độ tăng lên.”




Giải pháp

Với nguyên nhân như vừa nêu, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn đề ra giải pháp:

“Một trong những việc trong tương lai phải tính đến là tháo dỡ các đê, nhất là trong các kỳ đỉnh lũ, thay đổi cơ cấu cây trồng, 3 vụ lúa rút xuống còn 2 vụ, đưa cây ăn trái về nơi an toàn, thay đổi cơ cấu mùa vụ. Các biện pháp khác như kè các đoạn sông yếu, chuyển con lộ ra tách khỏi bờ sông, chuyển khu dân cư thì vẫn phải tính tiếp.”

Dưới góc nhìn cá nhân, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng nếu nguyên nhân chính khiến bờ sông An Giang xói lở là thiếu cát và phù sa tất cả những biện pháp tiến hành không thể giải quyết dứt điểm từ gốc rễ. Ông giải thích:

“Sau lưng chuyện này là chuyện khai thác cát không chỉ ở riêng Việt Nam mà ở Campuchia, Lào, Thái Lan mà nhiều nhất là ở Campuchia Đồng bằng sông Cửu Long. Còn sau lưng chuyện thiếu bùn, thiếu phù sa mịn là các đập thủy điện chặn phù sa thành ra các nguyên nhân sâu sa này không có cách nào giải quyết hiện nay. Việc sạt lở chắc chắn sẽ diễn ra và sẽ dữ dội hơn trong các năm tới nhưng không có cách giải quyết.”

Tuy nhiên, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng vẫn có thể khắc phục tình trạng xói lở ở An Giang bằng ba biện pháp ứng phó như sau:

“Một là chấp nhận sạt lở, rút lui, di dời người dân nhưng khó vì chỗ đó dân cư khá nhiều nên khó di dời người dân. Phương án thứ hai là làm bờ kè để bảo vệ chỗ sạt lở nhưng phương án này rất dở vì bản chất sạt lở là ăn đứt ở dưới chân, nếu làm bờ kè thì làm cho dốc nặng thêm, không giải quyết vấn đề sạt lở bên dưới. Giả sử làm bờ kè thành công đoạn đó thì thông thường theo kinh nghiệm sẽ sạt lở ngay chỗ tiếp theo dưới không kè ở phía hạ lưu. Như vậy chúng ta di chuyển vấn đề đi lòng vòng, chạy theo vấn đề. Thứ ba là chỉnh trị dòng sông thì tỉnh An Giang đang đề xuất phương án này theo phương pháp sở hữu hóa, tức doanh nghiệp làm chỉnh trị sông được tận thu cát để bù chi phí.”




Báo trong nước dẫn phát biểu của đại diện tỉnh An Giang cho biết đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện xã hội hóa Dự án chỉnh trị dòng chảy sông Hậu, kết hợp tận thu cát. Đơn vị thực hiện chỉnh trị chịu chi phí lập dự án và chi phí đền bù đất bãi bồi theo quy định pháp luật hiện hành.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cũng đồng ý rằng phương pháp chỉnh trị dòng sông là khả dĩ nhất nhưng cần xem xét một loạt vấn đề có thể phát sinh. Ông lập luận:

“Thứ nhất là việc chỉnh nắn dòng trong rất phức tạp và đòi hỏi chuyên môn rất cao chứ không phải xuống múc là xong. Tính toán để thay đổi đường tim sông, có những công trình dưới đáy sông hướng dòng chứ không chỉ nạo vét luồn mới là xong. Phải tính đến chuyện tạo luồng mới thì cát năm sau lại bồi lấp mất, rồi chuyện đưa dòng chảy qua phía bờ bên kia thì sạt lở bờ bên kia phải tính toán, dự kiến trước bồi thường ra sao. Còn vấn đề xã hội hóa để bù chi phí thì giải quyết được chuyện chi phí nhưng lại phát sinh ra hai chuyện mới là cho doanh nghiệp tận thu cát thì tạo thêm sự thiếu hụt cát cho hệ thống sông vỗn dĩ đang thiếu. Khi doanh nghiệp tận thu cát thì ai quản lý để đảm bảo doanh nghiệp không lạm dụng khai thác cát quá nhiều.”

Để giải quyết trước mắt tình trạng sụt lở nghiêm trọng tại khu vực dân cư xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới, chính quyền tỉnh An Giang đã thông qua dự án với tổng kinh phí lên đến 70 tỉ đồng được thực hiện từ năm 2020-2024.

Tuy nhiên, trước tình trạng sạt lở ngày càng nhiều tại địa bàn, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng những công việc ngăn chặn xói lở được cơ quan chức năng tỉnh An Giang đặt ra toàn mang tính dài hạn hơn là những việc ngắn hạn.

Dù vậy, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cũng khẳng định rằng rõ ràng đây là một vấn đề lớn, quan trọng và cần phải tính toán cẩn thận trong việc quy hoạch thời gian tới.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad