Phản ứng vụ bắt blogger Bà Đầm Xòe: ‘Không ngạc nhiên, luôn gặp nguy hiểm’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 23 tháng 5, 2020

Phản ứng vụ bắt blogger Bà Đầm Xòe: ‘Không ngạc nhiên, luôn gặp nguy hiểm’



Ông Phạm Chí Thành (Bà Đầm Xòe)

Một nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội và một cựu Đạo diễn truyền hình Việt Nam từ Anh quốc nói với BBC News Tiếng Việt hôm 21/05/2020 rằng không có gì đáng "ngạc nhiên" khi được biết tin nhà văn Phạm Thành, tức Blogger Bà Đầm Xòe, cựu phóng viên, nguyên Phó Trưởng phòng, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam (VOV), bị bắt.

Trao đổi trên một chương trình thảo luận của BBC hôm thứ Năm, kỹ sư Nguyễn Lân Thắng ở Hà Nội nói:

"Tôi không ngạc nhiên lắm. Bởi vì trong giai đoạn vừa rồi, trong tầm ba tới bốn tháng trở lại đây, tự tăng cường lực lượng an ninh theo dõi, cũng như thậm chí là canh gác, cầm chân những người hoạt động ở Hà Nội cũng như là ở Việt Nam rất là nhiều.

"Tôi biết là những sự căng thẳng ở trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội Đảng này, thì phía nhà nước, phía an ninh cũng cần phải có những động thái mạnh mẽ nào đó và họ sẽ tìm một người nào đó để họ có thể bắt giữ, chứ không hẳn chỉ là do những việc là do ông Phạm Thành làm."

Từ Leeds, Anh quốc, blogger Song Chi, cựu Đạo diễn truyền hình tại Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh, nói với BBC:

"Tất nhiên là Đại hội Đảng 13 sắp tới, tình hình sẽ căng hơn và hơn nữa vài năm gần đây thấy rằng chuyện đàn áp mạnh hơn rất nhiều.




"Cho nên không có gì ngạc nhiên là có những người bị bắt. Vài năm gần đây có những khuôn mặt rất nổi bật, ví dụ như nhà báo, blogger Trương Duy Nhất bị bắt và đã bị kết án 10 năm tù, nhà báo, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng cũng bị bắt và chưa ra tòa.

"Do đó sẽ không ngạc nhiên khi có những khuôn mặt nổi bật như vậy bị bắt, mà nhà báo Phạm Thành là một trong những khuôn mặt nổi bật."


Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền duy nhất ở Việt Nam

Bị bắt vì viết sách chỉ trích?

Tuy nhiên, cựu Đạo diễn Song Chi cho rằng vẫn còn có yếu tố khác đáng nói hơn đứng sau nguyên nhân dẫn tới vụ việc bắt giữ với ông Phạm Thành, bà nói:

"Nhưng khác với anh Nguyễn Lân Thắng, tôi cho rằng nhà báo Phạm Thành bị bắt không phải là ông chỉ là một blogger nổi tiếng, mà có thể còn vì những tác phẩm của ông nữa nhất là cuốn sách viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

"Chỉ trích đích danh cá nhân một nhân vật cấp cao trong Tứ trụ hoặc là trong Bộ Chính trị thì sẽ còn nguy hiểm hơn nhiều.

"Nhà báo Phạm Thành viết một cuốn sách về ông Nguyễn Phú Trọng thì với mức độ chỉ trích như vậy, chắc chắn bản án sẽ không nhẹ, tôi sợ như vậy."




Nguyên nhân, tính toán khác?

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng trao đổi lại:

"Đúng là ý kiến đó cũng xác đáng, bởi vì những tác phẩm bình luận chính trị mà lại phê phán vào những nhân vật chính trị hiện đang nắm quyền hành ở Việt Nam, phải nói là nó rất là nguy hiểm.

"Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng ông Phạm Thành ở trong giai đoạn này, họ đã quyết định bắt ông, thì nó không phải bởi vì do tác phẩm của ông Phạm Thành.

"Nếu như mà nói về những ảnh hưởng xã hội, cũng như những bài viết liên quan đến chỉ trích nhà nước, chỉ trích nhân vật nào đó, thì ở Việt Nam còn nhiều lắm.

"Nhưng điều mà tôi muốn nói ở đây là họ đã nhắm vào ông Phạm Thành bởi vì ông Phạm Thành mặc dù cũng có những đóng góp rất lớn ở trong phong trào phản biện xã hội, nhưng ông không có một mối liên hệ, liên kết đủ mạnh, đủ lớn.

"Và khi họ đã lựa chọn ông Phạm Thành là họ cũng tính rồi, tức là họ tính là khi họ bắt một nhân vật mà họ thấy rằng là cũng 'được được', cũng làm chuyện này, chuyện kia, nhưng mà khi thực hiện việc bắt đó thì làm sao bắt những ai mà sự phản ứng của xã hội nó ở mức thấp nhất thì người ta sẽ nhắm vào những người đó."


Hà Nội ngày 17/5

'Vẫn như cũ mà thôi?'

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Lân Thắng nói thêm về khía cạnh pháp luật và tự do ngôn luận.

"Tất nhiên là luật pháp quy định việc không được xúc phạm nhân phẩm, không được bôi nhọ, không được nói những điều sai trái về người khác, thì điều đó là hoàn toàn là đúng. Thế nhưng ở Việt Nam, chuyện đúng hay sai là một khoảng cách rất là xa.

"Hoàn toàn những sự kiện, những vụ án, nếu như ở nước ngoài, nó có một hệ thống tư pháp, có một hệ thống tòa án cũng như là việc mà công an, cảnh sát điều tra việc đó hoàn toàn dựa trên pháp luật, rất là công tâm.

"Thế còn ở Việt Nam thì việc người ta xét xử, là hoàn toàn mù mờ và hoàn toàn dựa trên lợi ích của đảng cầm quyền, chứ không phải là dựa trên công lý."

Trong một diễn biến riêng rẽ, cây bút David Hutt có bình luận ngày 22/5 trên báo mạng Asia Times.

Ông Hutt ghi nhận việc blogger Bà Đầm Xòe vừa bị bắt và phỏng đoán có thể ông Phạm Thành bị bắt vì có liên hệ với Nhà Xuất bản Tự do.

Trên website, Nhà Xuất bản Tự do tự nhận họ là "một tổ chức phi lợi nhuận, được thành lập vào ngày 14 tháng 2 năm 2019, với tinh thần lan tỏa tri thức và tự do thông tin"

"Chúng tôi hoạt động độc lập, với hoạt động chính là xuất bản và phát hành các ấn phẩm không chịu sự kiểm duyệt của chính quyền Việt Nam. Những ấn phẩm này được phát hành thông qua hình thức bán và cho tặng miễn phí."


© BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad