Ở Kỳ 1, chúng ta đã theo dòng ký ức của một người miền Tây đứng tuổi trở về với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước với hồi tưởng về trang sử hào hùng của những người con nước Việt đi mở đất ở phía trời Nam; Kết quả là dòng sông Mekong ăm ắp nước ngọt nước lành và vô tận phù sa màu mỡ đã trả ơn xứng đáng cho công lao khai phá của bao thế hệ người dân Nam Bộ bằng một vùng đồng bằng phì nhiêu, giàu có với chim trời cá nước, cây trái sum suê… tưởng như thiên đàng dưới thế ấy sẽ trường tồn như lịch sử mấy nghìn năm của dòng Mekong.
Nhưng rồi một ngày, Mekong không còn nước. Và tai họa bắt đầu. Tai họa ấy là gì? Do đâu mà có?
Cá “lỉnh” cá linh, bao giờ ta lại gặp mình, cá ơi?
Biển Hồ (Tonle Sap) là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997, nó cung cấp 1/2 tổng sản lượng cá đánh bắt được cho Campuchia. 60% nước của Biển Hồ đến từ sông Mekong. Người Campuchia sống nhờ vào nguồn cá dồi dào của Biển Hồ trong suốt nhiều thế kỷ qua, nhưng đến nay, cá đang ít dần đi.
Một ngư dân trên Biển Hồ nhớ rằng vào năm 1979, ông chỉ cần thò tay xuống nước là có thể bắt được nhiều cá, còn giờ đây ông thả lưới lớn cả ngày cũng không bắt được gì.
Một nghiên cứu năm 2018 của ông Ngor Pengbun, chuyên gia cơ quan quản trị ngư nghiệp của Campuchia, cho thấy cá đang bị tận diệt. Khi các sông giảm số lượng cá lớn và trung bình, người dân Campuchia phải ăn luôn cá nhỏ mà không kịp chờ nó lớn. Tổng sản lượng đánh bắt cá nhỏ đã tăng từ 5% từ năm 1995-2000 lên 14% vào năm 2013-2014.
Thiệt hại này chẳng phải chỉ có mình người dân Campuchia hứng chịu. Người dân miền Tây đã bao đời nay “sống khỏe” với thủy sản mùa nước nổi. Cá linh - loài cá đặc trưng của mùa nước nổi - cách đây mấy chục năm có thể dùng thùng vục xuống nước mà xúc. Cá ăn không xuể, làm mắm không hết, phải đổ làm phân bón. Thời ấy, cá linh được trao đổi theo đơn vị giạ như giạ lúa, giờ đây người ta buôn bán theo cân, mà cũng không phải dễ có mà bán mà mua.
Cá linh không còn nhiều như trước, các loài cá khác cũng “lỉnh” đi đâu hết.
Cá ngày càng ít đi khi con nước cạn dòng, nhưng nhu cầu thì tăng lên theo dân số và các nguyên nhân xã hội khác, bởi vậy người ta phải dùng đến những phương pháp thu hoạch tiêu cực: lưới rê, chích điện… khiến tận diệt nguồn thủy sản, khan hiếm lại càng khan hiếm.
Mùa nước nổi đã “lặn” từ bao giờ?
Ngày 11-11-2015 đã diễn ra buổi hội thảo “Diễn đàn nhân dân khu vực Mekong” tại Đại học An Giang. Trong đó, các đoàn đại biểu cư dân địa phương ba nước Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và các tổ chức quốc tế đã thông qua “Tuyên bố chung về tác hại của những đập thủy điện trên sông Mekong” gửi chính phủ các nước lưu vực Mekong. Người dân địa phương đã phản ánh những hậu quả do các con đập này gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh kế của họ như mất nguồn cá, nguồn nước, nguồn phù sa và gây nguy hại tới an toàn thực phẩm của họ.
Một nông dân từ xã Tân Trung, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang tên là Trương Văn Khôi kể lại rằng mấy năm rồi, ông cũng như bao người dân địa phương cảm nhận rõ những thay đổi của dòng sông, đó là vào Mùa Nước Nổi nhưng lũ rất thấp, đặc biệt năm 2015 gần như không có lũ. Nhà ông bên sông Vàm Nao, nơi hợp lưu giữa hai dòng Sông Hậu và Sông Tiền.
Tình trạng ấy đã lặp lại những năm gần đây.
Cũng chẳng lạ nếu miền Tây mất mùa nước nổi vì nếu ngược về phía thượng nguồn của dòng Mekong, người ta thấy Biển Hồ Tonle Sap ở Campuchia đang trơ đáy, còn ở đoạn trên của Mekong chảy qua Lào, người dân có thể đá bóng dưới lòng sông theo miêu tả trong một bài báo vào năm 2019 của tờ tuoitre.vn
Những quốc gia chung dòng Mekong đều chịu ảnh hưởng mạnh của dòng chảy suy giảm của con sông này trong những năm gần đây. Trong đó những tác động mạnh nhất có thể kể đến sự sụt giảm của nguồn nước, nguồn thủy sản, nguồn lương thực hoa màu, cấu trúc địa chất thổ nhưỡng, môi trường sinh cảnh, du lịch, văn hóa, giao thông…
Mặn ruộng đồng, đắng chát lòng người
"Đây con sông như dòng sữa mẹ, nước về xanh ruộng lúa vườn cây. Và ăm ắp như lòng người mẹ, chở tình thương trang trải đêm ngày…” đó là những ngợi ca một thời về con sông Vàm Cỏ Đông, một phụ lưu của dòng Mekong trên ĐBSCL. Dẫu những vần thơ ấy còn có những ẩn ý và mục đích khác nữa thì nó cũng đã sử dụng một hình ảnh so sánh ý vị sâu sắc và đầy cảm xúc. Nếu ví dòng Mekong như một người mẹ, thì người mẹ ấy đã hào phóng ban tặng cho những người con nước Việt dòng sữa màu chocolate từ những phù sa nơi thượng nguồn; dòng sữa quý giá ấy trong hàng nghìn năm đã bồi đất, lấn biển tạo nên một vùng châu thổ mênh mang trù phú để con dân nước Việt sinh cơ lập nghiệp. Đã bao đời nay, dòng nước “cam lộ” ấy chưa hề phụ bạc con người trong các nền văn minh ở hai bên bờ của nó. Những nền văn minh ấy có khi hòa bình, có lúc va chạm dữ dội với nhau nhưng chưa bao giờ họ đối xử thô bạo với dòng sông… cho đến những thập kỷ gần đây.
Trong tác phẩm “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, cố học giả Nguyễn Hiến Lê, nguyên là một kỹ sư đạc điền, cho biết “độ cao của vùng Đồng Tháp chỉ cao hơn mực nước biển từ nửa mét đến một mét”.
Có nghĩa là nếu “sữa mẹ Mekong” không về thì biển sẽ lấy lại những gì đã từng thuộc về nó. Khi miền Tây mất mùa nước nổi, nước biển sẽ xâm nhập ruộng đồng theo con nước thủy triều, gây nên nhiễm mặn cho đất và nước. Đất mặn thì cây khô, cây khô thì dân khổ. Môi sinh bị tàn phá, động thực vật tàn lụi, con người sẽ sống ra sao khi đồng khô cỏ cháy?
Thực tế là từ vài tháng đầu năm 2020, người dân vùng Đồng Tháp Mười một thời trù phú ấy đang gặp rất nhiều khó khăn vì hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn với nồng độ cao khiến nhiều loài cây bị héo, chết. Trớ trêu thay, nơi ngày xưa nước ngập mênh mang thì nay người ta phải đi mua từng khối nước một nếu không muốn dừng mọi hoạt động sản xuất. Trồng lúa, chanh, cam, thanh long... hay nuôi tôm thẻ, cá điêu hồng, rô phi, ếch Indo thì đều phải có nước. Mà nước ngọt là của Trời cho, sức người sao có thể bù đắp?
Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, tác giả quyển Last Days of the Mighty Mekong - Những ngày cuối cùng của Mekong hùng mạnh, cho biết rằng mỗi năm có đến 300.000 người Việt phải rời bỏ ĐBSCL trong vài năm gần đây.
“Nước mất, nhà tan”, hình như câu nói ấy có nhiều tầng ý nghĩa hơn ta tưởng.
Eyler cũng đồng thời cho biết: Nhiều khu vực ĐBSCL, nơi sinh sống của 20% dân số Việt Nam, đang “lún” xuống biển. Thủ phạm chính là các con đập, ngoài ra còn do tình trạng khai thác cát và hiện tượng biến đổi khí hậu.
Một vài dữ kiện và số liệu đáng lo ngại về tình trạng nhiễm mặn và lở đất ở ĐBSCL
Nhà nông học Võ Tòng Xuân nói: "Chúng tôi đã chứng kiến những cánh đồng lúa lan rộng trong mùa khô trên khắp các vùng Đông Bắc Thái, Nam Lào và Cam Bốt, đã rút đi một lượng nước sông rất đáng kể trong vùng. Nhiều năm qua, nguồn nước cung cấp cho các vụ lúa mùa khô nơi ĐBSCL đã bị sút giảm nghiêm trọng, hậu quả là nạn nhiễm mặn tiến sâu vào đất liền xa tới 80km và gây tổn hại cho mùa màng”. (26-10-2013).
“Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) hình thành do sự bồi lắng của phù sa từ sông Mekong và dòng bùn cát ven biển tạo nên. Do vậy, ĐBSCL có cấu tạo nền địa chất rất yếu và rất dễ bị tổn thương. Năm 2010, ĐBSCL chỉ có 99 điểm xói lở và sạt lở; đến năm 2019 số điểm sạt lở đã lên đến 681 điểm, tăng gấp 7 lần. Trong đó, từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, tỉnh An Giang xuất hiện 78 điểm sạt lở với trên 91,2 km bờ sông và tỉnh Đồng Tháp xuất hiện 52 điểm sạt lở dọc sông Tiền, sông Hậu, với tổng chiều dài và diện tích sạt lở 28,5 km và 17,98ha. Các điểm sạt lở này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, gây cản trở giao thông nghiêm trọng”. (theo Báo An Giang).
Có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng các chuyên gia và các nhà môi trường học đều có chung nhận định: khi phù sa suy giảm, độ bồi lắng thấp cùng với đó là quá trình xâm thực của nước biển vào đất liền thì sụt lở ở ĐBSCL sẽ xảy ra và sẽ ngày càng nghiêm trọng nếu dòng chảy của sông Mekong thay đổi.
Trong cuộc hội thảo “Diễn đàn nhân dân khu vực Mekong” nói trên, một nông dân khác đến từ Cà Mau có tên là Huỳnh Thị Kim Duyên đã nói rằng những năm gần đây lượng nước đổ về ít làm giảm lượng phù sa nên đất mũi không còn bồi lấn ra biển như xưa, đồng thời cũng gây sạt lở, mất đất rừng ven biển. Vào tháng 10/2015 đã xuất hiện nhiễm mặn ở một số nơi.
Một nhạc sĩ nổi tiếng đã từng viết trong một bài hát như sau về mảnh đất Cà Mau - một tỉnh thuộc ĐBSCL, mảnh đất phía cực nam của tổ quốc: “một hạt phù sa lấn biển thêm rừng, đều giục người đi nhanh nhanh đôi bàn chân, nhanh nhanh những nghĩ suy và ước vọng. Về đất biển Cà Mau, thấy đất trời thêm rộng lớn…”.
Những lời hát ấy đại diện cho những say sưa của thế kỷ trước. Còn giờ đây, khi Mekong đang hấp hối, chúng ta đang có nghĩ suy gì? Và còn ước vọng nào nữa?
Văn hóa, văn minh đến và đi theo các dòng sông
Theo tin báo Phnom Penh Post (31/10/2015) Thủ tướng Hun Sen một lần nữa đã phải ký sắc lệnh huỷ bỏ ngày Lễ Hội Nước dự trù tổ chức vào ngày 24 tới 26 tháng 11 "do mực nước sông quá thấp và tình trạng hạn hán mà Vương quốc Campuchia đang phải đối đầu, đồng thời đòi hỏi mọi người phải tập trung nỗ lực và vận dụng mọi phương tiện có thể có được nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước trên các ruộng lúa trong mùa khô." Đây là lần thứ tư trong vòng 5 năm chính phủ Hun Sen đã phải huỷ bỏ Lễ Hội Nước truyền thống hàng năm, thường tụ hội hàng mấy trăm ngàn người đổ về thủ đô Phnom Penh để tham dự lễ hội đua thuyền trên sông Tonle Sap.
Người Việt xưa đã có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”. Khi sinh kế do dòng sông mang lại đã mất đi, vùng châu thổ sông Mekong không còn là mảnh đất trù phú nữa thì những hoạt động văn hóa như Lễ Hội Nước ở đất nước Chùa Tháp liệu có thể tồn tại? Cũng tương tự, khi miền Tây Nam Bộ của Việt Nam không còn mùa nước nổi ngọt lành và đang phải gồng mình chống chịu với hạn mặn, với lở đất, với sản lượng lúa và hoa màu, trái cây, sản lượng thủy sản suy giảm, kéo theo sự thay đổi của một loạt các ngành nghề phụ trợ khác; khi đất liền đang bị nuốt dần bởi nước biển xâm thực và vô số người dân bỏ đi các vùng miền khác để tìm kế sinh nhai… thì hoạt động văn hóa, du lịch, giao thông ở đây liệu có còn phong phú, nhộn nhịp như xưa?
Đất chết, cây chết, cá hết, con người phiêu dạt ly tán, nước biển tràn về, cũng mặn như nước mắt của vùng châu thổ.
Thủy điện - sát thủ giấu mặt
Vì sao mà Mekong cạn nước?
“Những con đập là mối đe dọa lớn nhất đối với Mekong và sự trong sạch môi trường. Xây một con đập chẳng khác nào bóp kẹp một động mạch trên cơ thể. Nếu máu không lưu thông, hẳn nhiên cơ thể bị tổn thương”. ông Witoon Permpongsachareon – chủ tịch nhóm bảo vệ môi trường TERRA (Towards Ecological Recovery & Regional Alliance; trụ sở Bangkok) đã phát biểu như thế.
Đã có quá nhiều công trình nghiên cứu, các báo cáo của các tổ chức môi trường và các bài báo chỉ ra nguyên nhân của nó là do các đập chắn của hệ thống thủy điện trên lưu vực sông Mekong suốt từ thượng nguồn của nó trên lãnh thổ do Trung Quốc kiểm soát, xuống đến vùng hạ lưu thuộc Lào, Thái Lan, Campuchia.
Hiện nay số lượng các đập thủy điện trên lưu vực chính sông Mekong là hàng chục con đập, chưa kể đến con số 94 đập thủy điện trên các dòng nhánh của Mekong (Wikipedia). Riêng Lào tính đến đầu năm 2020 đã đưa vào vận hành 50 con đập và dự trù xây dựng ít nhất 50 con đập nữa trên dòng sông này.
Hiện nay số lượng các đập thủy điện trên lưu vực chính sông Mekong là hàng chục con đập, chưa kể đến con số 94 đập thủy điện trên các dòng nhánh của Mekong
Tại sao các đập thủy điện lại được xây dựng ồ ạt trên lưu vực sông Mekong?
Theo Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thủy điện dòng chính Mê Kông (ICEM 2010), được xem là báo cáo đánh giá toàn diện nhất cho đến nay về các tác động của các dự án thủy điện dòng chính, thì có mấy nguyên nhân sau đây:
- Nhu cầu năng lượng gia tăng
- Tiềm năng lớn về thủy điện của dòng Mekong
- Thủy điện được kỳ vọng là đòn bẩy kinh tế
- Thủy điện được coi là nguồn năng lượng bền vững
- Sự cổ vũ gián tiếp của các thể chế tài chính lớn trên thế giới và trong khu vực
Tuy nhiên, sau một giai đoạn dài ồ ạt đầu tư xây dựng các công trình thủy điện, người ta mới phát hiện ra những sự thật hoàn toàn trái ngược với những suy diễn lạc quan ban đầu. Như là:
- Thủy điện chưa hẳn là nguồn năng lượng sạch: Ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là ở khu vực nhiệt đới, là nguồn phát thải khí nhà kính đáng kể. Các nhà khoa học của Viện nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil đã ước tính rằng các đập lớn của thế giới phát thải 104 triệu m3 tấn khí methan mỗi năm từ mặt hồ chứa, tuốcbin, đập tràn và hạ nguồn đập. Từ đó nghiên cứu đã kết luận rằng, đập thủy điện chịu trách nhiệm khoảng 4% tác động do con người gây ra đối với biến đổi khí hậu (theo Lima et al. n.d.). Theo bản báo cáo của Uỷ ban Đập nước Thế giới (WCD), ở nơi nào đập nước lớn so với công suất phát điện (ít hơn 100 watt trên mỗi km2 diện tích bề mặt) và không có việc phá rừng trong vùng được tiến hành trước khi thi công đập nước, khí gas gây hiệu ứng nhà kính phát ra từ đập có thể cao hơn những nhà máy nhiệt điện thông thường.
- Thủy điện không phải nguồn năng lượng rẻ: Sản xuất thủy điện chỉ rẻ khi đập đã được vận hành vì chi phí xây đập rất cao và thời gian cần thiết để hoàn thành công trình rất dài. Theo tính toán của Ủy ban Đập Thế giới, trung bình chi phí xây dựng mỗi con đập vượt 56% so với dự toán. Đặc biệt, năng suất thiết kế của đập thường cao hơn năng lượng thực tế mà đập sản xuất được. Vì vậy, khi biến đổi khí hậu đang ngày càng khiến khô hạn tăng về tần suất và mức độ thì thủy điện không thể là nguồn năng lượng giá rẻ (International Rivers 2008).
- Đập thủy điện không thể kiểm soát lũ hiệu quả: Đập có thể cắt lũ theo quy luật nhưng thường thất bại trước những cơn lũ lớn, bất thường. Khi có lũ lớn, tác động thường lớn hơn trường hợp không có đập, nhất là khi các nhà vận hành hồ chứa cho xả lũ bất ngờ khi có lũ vượt quá khả năng chứa của đập hoặc xảy ra sự cố vỡ đập. Đặc biệt, biến đổi khí hậu đang làm tăng tính khắc nghiệt của lũ cùng với các rủi ro lớn hơn cho an toàn đập (International Rivers 2008).
Không có thủy điện thì sao?
Thực tế, theo báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thủy điện dòng chính Mekong (ICEM 2010) thì:
“Nếu không có thủy điện dòng chính, Lào vẫn có đủ tiềm năng thủy điện trên các phụ lưu sông Mê Kông trong trung hạn, để tiếp tục tạo ra các nguồn thu dồi dào từ xuất khẩu điện và khuyến khích đầu tư vào nền kinh tế năng động của Lào.” (ICEM 2010).
“Thủy điện dòng chính ít có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành năng lượng của Thái Lan và Việt Nam. Những dự án này chỉ có tác động nhỏ đến giá điện (thấp hơn 1,5%) và có ảnh hưởng hạn chế đến các chiến lược cung cấp năng lượng so với quy mô của các ngành năng lượng ở hai nước này. (...) 96% nhu cầu điện dự báo đến năm 2025 là từ Thái Lan và Việt Nam và hai nước này có khả năng cần mua đến gần 90% lượng điện sản xuất ra từ các dự án trên dòng chính. Nếu Thái Lan và Việt Nam quyết định không mua lượng điện sản xuất từ dòng chính, thì các dự án này - tất cả đều thiêt kế để xuất khẩu - sẽ có khả năng không thể triển khai” (ICEM 2010).
Cũng như theo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam thì:
“Việt Nam nằm ở hạ nguồn nên 60% lưu lượng nước phụ thuộc vào thượng nguồn nằm ngoài biên giới Việt Nam. Những năm gần đây, các nước vùng thượng nguồn xây dựng các công trình khai thác, phát triển thủy năng với quy mô lớn khiến nguồn nước chảy vào Việt Nam ngày càng cạn kiệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu vực phụ thuộc mạnh vào nguồn nước trên. Cụ thể, sông Cửu Long phụ thuộc 95% nguồn nước quốc tế, trong khi đây là vùng sử dụng nhiều nước nhất, tỷ lệ lưu trữ nhỏ nhất, mật độ dân số cao nhất và có số hộ nghèo cao thứ hai trong cả nước” (Bộ Tài nguyên và Môi trường 2010).
Đối với Việt Nam và Thái Lan, thủy điện dòng chính ở phần hạ lưu Mekong không có có tầm quan trọng lớn đối với nhu cầu năng lượng quốc gia. Lợi ích ròng đến từ các đập dòng chính là nhỏ, ước tính khoảng 655 triệu đô la Mỹ đối với Thái Lan và Việt Nam, nhỏ hơn 1% tổng giá trị hàng năm của ngành điện của các quốc gia này tính cho năm 2025. Vì vậy, thủy điện dòng chính sẽ có tác động rất nhỏ lên giá điện của các hệ thống điện này (giảm chi phí cho người tiêu dùng khoảng 1,5% theo ICEM2010). Nói cách khác, với nhu cầu điện lớn của hai quốc gia trên thì thủy điện trên dòng chính sông Mekong không phải là một phương án có nhiều ý nghĩa.
Hơn nữa, dự báo điện của các quốc gia Mekong chủ yếu dựa vào dự báo phát triển kinh tế trong dài hạn, và do vậy có tính chắc chắn không cao và luôn cao hơn nhu cầu thực tế. Năm 2009, Thủ tướng Thái Lan đã chỉ đạo cho EGAT (Cơ quan điện lực Thái Lan) rà soát lại nhu cầu điện của quốc gia này sau cuộc khủng hoảng kinh tế vì dự báo nhu cầu điện trước cuộc khủng hoảng là khá thiếu chính xác. Đây không phải lần đầu mà EGAT bị chỉ trích vì đưa ra những ước lượng quá cao về nhu cầu điện dẫn đến việc đầu tư tràn lan không cần thiết đối với thủy điện và các nguồn khác. Và đây không phải là vấn đề của riêng EGAT, đó là vấn đề của dự báo.
Rõ ràng, nếu cân nhắc lợi hại thì thủy điện dòng chính sông Mekong không phải là lựa chọn khôn ngoan và duy nhất cho các nước vùng châu thổ sông Mekong.
Đập thủy điện trên dòng Mekong có từ khi nào?
Cho đến cuối thế kỷ 20, Mekong vẫn là một trong số ít những con sông lớn chưa bị ngăn đập trên dòng chảy. Cuối những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu lên kế hoạch xây ít nhất 7 đập thủy điện trên thượng nguồn Mê Kông và đến nay đã hoàn thành và đưa vào vận hành 11 con đập. (Wikipedia)
Những đập thủy điện ấy kiểm soát dòng chảy của Mekong một cách hỗn loạn, ngăn cản hành trình của các loài cá và thủy sản cũng như sự bồi lắng phù sa ở phía hạ lưu sông Mekong, nhiều nhất là trên lãnh thổ Việt Nam và Campuchia, nhấn chìm hoặc gây hạn nhiều vùng đất nông nghiệp trù phú hai bên bờ sông... Bằng việc lần ngược lên theo bậc thang thủy điện này, chúng ta sẽ tìm đến đầu mối của tai họa đối với Mekong nằm trên những công trình thủy điện đồ sộ nhất, nơi giữ lại phần lớn lượng nước của Mekong ở 2200km thượng nguồn. Còn xa hơn thế, có thể ta sẽ khám phá ra đằng sau những công trình thủy điện ấy là những tư tưởng, văn hóa đáng sợ nào.
Đó sẽ là nội dung trong kỳ tới.
© Nguyên Phong
NTDVN
Chú thích:
(1): chục với những địa phương ở miền Tây có số lượng khác nhau, có nơi là 12 hoặc 14 hoặc 16
(2): Campuchia
(3): Một loài chim hình dáng và trọng lượng gần giống như gà; lông xanh và đen, mỏ và mào đỏ, phá lúa.
(2): Campuchia
(3): Một loài chim hình dáng và trọng lượng gần giống như gà; lông xanh và đen, mỏ và mào đỏ, phá lúa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét