Tôi không phải là một học trò khá giỏi khối A: điểm Toán chỉ ở tầm trung và năng lực Hóa vừa qua khỏi mức “liệt”. May mắn thay, với mức điểm Lý “kịch trần”, tôi giành được một suất vừa vặn trong ngành giám sát không lưu không quá nóng hổi tại thời điểm đó, nhưng có vẻ rất hứa hẹn và ổn định. Kinh tế có phát triển hay không thì hàng hóa, con người vẫn cứ phải bay, tôi tự nghĩ. Riêng ngành hàng không tại Việt Nam chỉ có phát triển hơn nữa mà thôi.
Cũng trong kỳ thi đại học năm đó, tôi may mắn đậu thêm vào một trường đại học luật ở phía Nam bằng khối D. Vấn đề là gia đình tôi không có ai theo ngành luật. Vì vậy, như đại đa số học sinh phổ thông vừa ra trường chọn thi trường này, tôi không được định hướng rằng mình sẽ có thể làm gì với ngành luật, đặc biệt trong môi trường Việt Nam. Tôi từng rất quan tâm đến đời sống chính trị Việt Nam, nhưng khi nói đến tiền và việc duy trì đời sống thường nhật của mình bằng luật, cá nhân tôi quả thực thấy rất mơ hồ.
Về lý tính, đi theo con đường hàng không là giải pháp an toàn nhất cho tôi.
Tháng 10, tôi đang hoàn tất tháng thứ hai học tập tại Học viện Hàng không. Cùng lúc đó, thư mời nhập học và thông báo về việc bắt đầu tuần lễ định hướng của trường đại học luật đến tay. Lựa chọn thế nào đây?
Ở thời điểm này, trời xui đất khiến thế nào tôi tò mò bấm vào đường link một bản lậu của tập phim tài liệu vừa phát hành có tên gọi “The Most Dangerous Man in America”, mà theo tôi nhớ là chỉ vừa phát hành tại liên hoan phim Toronto vài tháng trước.
Bộ phim kể về nhà phân tích có tên Daniel Ellsberg của Lầu Năm Góc (tức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ), người tuồn những thông tin mật về chiến tranh Việt Nam cho tờ New York Times, và sau cùng là cho công chúng Mỹ. Vụ việc thường được biết đến với tên gọi “Vụ bê bối Hồ sơ Lầu Năm Góc” (The Pentagon Papers scandal). Đây không phải là những thông tin mới lạ với người có tìm hiểu sơ lược về chiến tranh Việt Nam. Chính phủ Mỹ quyết định kiện tờ New York Times vì đã công bố những tài liệu mật này, mà sau này trở thành án lệ New York Times Co. v. United States nổi tiếng trong lịch sử Mỹ.
Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tuyên chính phủ thua kiện để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của tờ New York Times và của công dân Mỹ. Đánh đổi lại là những thông tin tuyệt mật về chiến tranh – thứ mà tôi luôn nghĩ phải được bảo vệ bằng mọi giá – bị phơi trên mặt báo.
Khó có thể miêu tả cho bạn đọc biết cảm giác của tôi lúc đó ra sao, nhưng nói ngắn gọn, bản án như mở ra cho tôi một thế giới khác. Nó nhắc nhở tôi biết rằng xã hội loài người luôn còn đầy ắp những lý tưởng khác, con đường khác và lựa chọn khác.
Nhưng đó vẫn chưa phải là điều lý thú tôi muốn nói đến với bài viết dài dòng này.
Tìm đọc bản án, tôi nhận ra rằng trong các phán quyết của mình, các thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ không chỉ trích dẫn những điều luật khô khan để tuyên án. Họ còn bình luận về vai trò của luật pháp, về công lý, về lẽ phải, về cái gọi là sự thật trong một bản án, về ngôn luận, về nhà nước và về vai trò của tòa đối với xã hội. Tôi cũng biết thêm rằng họ không chỉ ghi nhận lại những quan điểm của các thẩm phán bỏ phiếu thuận với phán quyết cuối cùng (judgment và concurring opinion), mà còn ghi lại quan điểm của các thẩm phán phản đối (dissenting opinion). Và đây chính là thứ tôi muốn nhấn mạnh trong bài viết này.
Tôi đã gật gù, khi đọc phần ý kiến đồng thuận của Thẩm phán William O. Douglas:
“Mục tiêu quan trọng của Tu Chính Án thứ Nhất là nhằm ngăn chặn việc phổ biến kiểu hành xử đàn áp thông tin của chính quyền. Xét về lịch sử, chúng ta biết rằng Tu Chính Án được thông qua nhằm vô hiệu hóa các án lệ thông luật liên quan đến tội phỉ báng (seditious libel – ND) luôn rình rập đe dọa những người dám chống lại các thế lực quyền uy. Vụ việc này sẽ đi vào lịch sử như là một ví dụ kinh điển của nguyên tắc mà Tu Chính Án muốn bảo vệ.
…
Bí mật trong hoạt động của Chính phủ luôn có bản chất phi dân chủ, và sẽ chỉ làm trầm trọng hơn những sai sót hành chính quan liêu. Trong khi đó, những tranh luận và thảo luận mở về các vấn đề công cộng lại cực kỳ quan trọng cho sức đề kháng của quốc gia.”
Nghe có vẻ rất hợp lý. Nhưng rồi cũng chính bản thân tôi sau đó lại phải tự vấn những gì mình vừa đồng tình khi đọc phần quan điểm phản đối của Chánh thẩm Warren E. Burger:
“…mệnh lệnh vì một nền báo chí tự do, không ràng buộc đã phải đối mặt với một mệnh lệnh quan trọng không kém – quá trình quản trị hiệu quả một nhà nước dân chủ hiện đại phức tạp. Cụ thể hơn, đó là năng lực thực hiện trơn tru những quyền năng mà Hiến pháp trao cho chính phủ.
Chỉ có những người cho rằng Tu Chính Án thứ Nhất là một quyền tự do tuyệt đối, một cách nhìn tôi tôn trọng nhưng cực lực phản đối, mới có thể nói rằng giải quyết sự mâu thuẫn giữa hai mệnh lệnh là một công việc dễ dàng.
… New York Times viện dẫn ‘quyền được biết’ của công dân Hoa Kỳ để tung ra các bài viết về bộ Hồ sơ Lầu Năm Góc, cho rằng họ là người được công chúng ‘ủy thác’ chỉ vì chức năng báo chí của họ.
Nhưng chẳng phải cũng chính họ đã nắm giữ nguồn tin mật này một cách phi pháp nhiều tháng liền trước khi tung ra chúng hay sao?
Tôi tin là có lý do tốt đẹp cho việc đó. Họ cần phải đọc đến 7.000 trang tài liệu, tìm hiểu và nhận biết vấn đề của chúng, chưa nói đến việc viết ra một bài báo hay. Tốt thôi. Nhưng nếu ngay cả một người nắm giữ phi pháp những thông tin này được phép lựa chọn thời điểm công bố thông tin, tại sao Chính phủ Hoa Kỳ lại bị đặt vào áp lực công bố ngay, công bố toàn bộ những tài liệu mà họ – người sở hữu hợp pháp của lượng thông tin khổng lồ nói trên – còn chưa đủ thời gian để đánh giá vai trò và tác động của chúng đối với cuộc chiến và công luận?”
Từ đó, quyết định pháp lý đối với tôi quan trọng không phải là kết quả của nó ra sao.
Đến cuối cùng, bản án không phải nơi chứng minh “sự thật khách quan”. Trong nhiều trường hợp, kể cả kẻ thủ ác cũng không thể xác định “sự thật khách quan” là gì và đã diễn ra như thế nào. Vì vậy, đóng góp của một bản án cho “sự thật khách quan” không quan trọng bằng đóng góp của nó cho triết học, lập luận và nhân sinh quan đằng sau kết quả cuối cùng.
Bản án là nơi những con người bằng xương bằng thịt theo đuổi niềm tin về công lý của chính bản thân mình. Bản án là nơi các quan điểm, cách tiếp cận, cách diễn đạt và các học thuyết chính trị – pháp lý được đưa vào thực tiễn; với động lực lý giải những hành vi được “giả định” là đã diễn ra thông qua hệ thống bằng chứng được thu thập một cách quy chuẩn, hợp pháp.
Các ý kiến bình luận của thẩm phán về những vấn đề nói trên có thể đại diện của lương tri,
có thể là động lực của sự phát triển triết học pháp lý tại một quốc gia,
có thể là nguồn của những thảo luận mới trong cộng đồng luật học,
có thể là cây cầu dẫn công chúng đến tương lai.
Và đôi khi chúng cũng là cảm hứng cho các câu chuyện nghề nghiệp mới cho người trẻ.
Đó là những điều mà các văn bản quy phạm pháp luật vô tri không bao giờ làm được.
Không có những ý kiến bình luận, những phản biện đi kèm, các phán quyết như cái cây không chịu mọc rễ. Chúng muốn tồn tại trong đất nhưng lại từ chối ăn sâu vào đời sống bằng những diễn giải hợp lý hay bằng cạnh tranh trí tuệ sòng phẳng.
***
Nói đến đây, có lẽ bạn đọc biết được tôi đã quyết định chọn ngành học gì và bỏ ngành học gì.
Và cũng may là, nhờ vào việc được đào tạo bài bản hơn, tôi biết rằng có những khác biệt cơ bản giữa tòa thông luật (kiểu Anh – Mỹ) và tòa dân luật (kiểu châu Âu lục địa). Tôi biết vì sao các thẩm phán dân luật sẽ luôn ở một vị thế thụ động hơn, yếu ớt hơn trong quá trình lập luận và giải thích quy định pháp luật.
Tôi từng lắc đầu ngao ngán khi đọc và bình luận nhiều bản án hình sự dài chưa tới 20 trang của các Tòa Cấp cao Việt Nam, với 15 trang nội dung chép thẳng lại từ biên bản điều tra (được xem như “sự thật khách quan”) và đúng hai trang ý kiến của thẩm phán với khuynh hướng kết luận “đúng người, đúng tội”. Tôi thường tự trấn an mình rằng đây chỉ là bản chất của các tòa cấp thấp trong hệ thống dân luật mà thôi.
Nhưng Tòa Tối cao thì sao?
Cour de Cassation (Tòa phá án) hay Conseil d’État (Hội đồng Nhà nước) của Cộng hòa Pháp, quốc gia dân luật điển hình, có thể cho thấy sự phóng khoáng của những tòa tối cao thật sự trong các thảo luận và phản biện pháp lý liên quan đến các vụ án cụ thể, từ đó định hình nền tư pháp. Vậy nên ở một mức độ nào đó, Tòa Tối cao của một quốc gia cần tận dụng những thời khắc nhất định để khẳng định vai trò của mình đối với đời sống pháp luật quốc dân.
Chiều ngày 8 tháng 5 năm 2020, phiên giám đốc thẩm của vụ án làm chấn động giới luật học và thu hút sự chú ý của hàng triệu độc giả Việt Nam đưa ra quyết định gần như cuối cùng.
Tôi không phải một “đại luật sư” của ngành pháp luật hình sự, và cũng chẳng phải một chuyên gia đầu ngành triết học pháp lý. Tôi lại càng không có “hồ sơ án” trong tay, như nhiều người đòi hỏi.
Vậy nên, tôi đã sẵn sàng chấp nhận mọi kết quả mà tòa có thể đưa ra. Tuy nhiên, tôi khao khát kết quả đó sẽ đi kèm với những bình luận (opinions) sắc sảo, đanh thép của các thẩm phán, mở ra những con đường mới, những thảo luận mới cho khoa học pháp lý Việt Nam.
Điều đó đã không xảy ra.
Quyết định cuối cùng được đi đến bằng cách bỏ phiếu. Toàn văn quyết định giám đốc thẩm không có gì khác ngoài viện dẫn các điều luật “chay” và những lập luận cũn cỡn. Quan điểm phản biện bên trong nội bộ Tòa Tối cao lại càng không thể tồn tại với tỷ lệ 17/17 thẩm phán đồng ý bác kháng nghị. Nói cách khác, các thẩm phán chỉ phán xét mà không cho công chúng và giới luật học biết lý do tại sao họ lại phán xét như vậy.
Chỉ nhìn vào một vài “kết luận” của các thẩm phán thôi cũng có thể thấy hàng loạt những thảo luận pháp lý đang bị bỏ mặc.
Thế nào là “…có sai sót nghiêm trọng tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án”? Và thế nào là “bản chất vụ án”?
Bản chất của vụ án rõ ràng không thể ám chỉ “sự thật khách quan”, bởi làm sao các cơ quan điều tra, các tòa biết được “sự thật khách quan”.
Bản chất vụ án lại càng không thể được dựng nên dựa vào lời khai của bị can, bị cáo. Nguyên tắc trọng chứng hơn trọng cung đã tồn tại trong pháp luật hình sự Việt Nam được vài thập kỷ. Và việc xây dựng “bản chất vụ án” dựa theo lời khai tạo quá nhiều kẽ hở cho lạm quyền, mớm cung và bạo lực.
Cái gọi là “bản chất vụ án” mà quyết định giám đốc thẩm nhắc đến chỉ có thể được xây dựng trên quá trình tố tụng và thu thập chứng cứ hợp pháp. Nếu những quá trình này xuất hiện các hiện tượng sai phạm và thiếu sót nghiêm trọng, như những gì Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mô tả (và Hội đồng Thẩm phán thừa nhận), vậy “bản chất vụ án” mà quyết định giám đốc thẩm nói đến có còn là bản chất thật sự của vụ án?
Viện Kiểm sát Tối cao đặt vấn đề rằng, chiếc ghế gây án, tấm thớt gây án và con dao gây án đều bị… tiêu hủy. Vậy cơ sở nào cho rằng chúng là hung khí? Không phải chỉ từ lời khai của bị can, bị cáo hay sao? Và cũng chính Viện Kiểm sát chỉ ra những thiếu sót từ việc xác định thời điểm chết của nạn nhân, vết máu, cơ sở ADN, dấu vân tay, địa điểm bán các vật dụng mà bị cáo cướp đoạt…
Ở đây, tôi cũng xin nhắc lại là mình không minh oan hay làm thay việc của Viện Kiểm sát, của cơ quan điều tra, hay của Tòa. Thứ tôi khao khát là những lập luận, những diễn giải khiến tôi gật gù tâm đắc như tôi hơn 10 năm trước đã từng.
Những thảo luận chuyên sâu hơn cho câu khẳng định giản đơn “…có sai sót nghiêm trọng tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất của vụ án” hoàn toàn có thể làm khuynh đảo các nguyên tắc hình sự nền tảng của nền tư pháp hình sự Việt Nam. Và Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao lại từ bỏ cơ hội có một không hai này để cho quốc dân thấy năng lực thật sự của mình.
Thiếu diễn giải, 17 lá phiếu bác kháng nghị trở nên vô hồn, như những thuật toán tự động được lập trình trước.
Thiếu phản biện, 17 lá phiếu bác kháng nghị trở nên cưỡng ép, hời hợt.
***
Câu khẩu hiệu “đúng người, đúng tội” mà các thẩm phán nói đi nói lại vẫn còn văng vẳng trong tai tôi. Nhưng vì sao họ cho rằng bản án tử hình của Hồ Duy Hải là “đúng người, đúng tội” thì họ không nói. Trong khi, đáng lẽ ra, đó mới là công việc chính của họ.
* Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả
© Nguyễn Quốc Tấn Trung
Luật Khoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét