Ngăn chặn một cuộc chiến tranh lạnh không cần thiết - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Ngăn chặn một cuộc chiến tranh lạnh không cần thiết


Nguồn: Óscar Fernández & Javier Solana, “Averting a Cold War of Choice”, Project Syndicate, 18/06/2020.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (L) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự một sự kiện lãnh đạo doanh nghiệp bên trong Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh vào ngày 9 tháng 11 năm 2017. (AFP PHOTO / MANILA BULLETIN)

Các xã hội phương Tây hiện đang bị ám ảnh bởi ý tưởng đáng ngại rằng chúng ta đang bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới, lần này là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dòng quan điểm này bắt đầu trở nên nổi bật do tranh chấp thương mại Trung – Mỹ, và bây giờ cuộc khủng hoảng COVID-19 càng đưa nó trở thành tâm điểm. Nhiều người cho rằng tốt hơn hết là nên chuẩn bị tâm thế để đối diện thay vì ngây thơ bỏ qua cuộc cạnh tranh bá quyền này, điều vốn định hình tình trạng “bình thường mới” của thế giới.

Nhưng những cảnh báo này đang biến thuyết định mệnh thành chủ nghĩa hiện thực, biến các khả năng lựa chọn thành thực tế. Mỹ và Trung Quốc có thể là các siêu cường đối địch, nhưng họ không nhất thiết phải tái hiện cuộcChiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô.

Tuy nhiên, ngày nay, ngay cả các tài liệu chính thức cũng hàm chứa các ngầm định về chiến tranh lạnh. “Tiếp cận chiến lược của Hoa Kỳ đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, một báo cáo do chính quyền Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đưa ra hồi tháng Năm, tuyên bố rằng “Bắc Kinh công khai thừa nhận rằng họ đang tìm cách thay đổi trật tự quốc tế để phù hợp với lợi ích và ý thức hệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc [ĐCSTQ]”. Hệ thống của Trung Quốc, báo cáo nói thêm, “bắt nguồn từ cách diễn giải của Bắc Kinh về ý thức hệ Marxist-Leninist và kết hợp một chế độ độc tài độc đảng dân tộc chủ nghĩa; một nền kinh tế do nhà nước dẫn dắt; việc triển khai khoa học công nghệ phục vụ nhà nước; và việc đè nén các quyền cá nhân để phục vụ các mục tiêu của ĐCSTQ”.




Việc miêu tả Trung Quốc một cách lệch lạc như vậy có thể gây ra phản ứng thái quá và các so sánh sai. Trước tiên, bất chấp các luận điệu của các nhà lãnh đạo Trung Quốc về chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc từ lâu đã áp dụng chủ nghĩa tư bản – như nhà kinh tế học Branko Milanovic đã lập luận một cách thuyết phục.

Sự tiến hóa của Trung Quốc không có nghĩa là tất cả sự khác biệt giữa mô hình phương Tây tự do hơn và môhình nhà nước hơn của Trung Quốc đã bị xoá bỏ, và điều đó cũng không loại trừ sự cạnh tranh giữa hai bên với nhau. Nhưng ảnh hưởng về ý thức hệ đã chảy chủ yếu từ phương Tây sang Trung Quốc kể từ khi Đặng Tiểu Bình đưa ra chính sách cải cách và mở cửa vào năm 1978. Ngược lại, ảnh hưởng ý thức hệ của Liên Xô lớn hơn rấtnhiều.

Giống như bất kỳ cường quốc đang trỗi dậy nào khác, Trung Quốc sẽ tìm cách định hình bối cảnh toàn cầu theo lợi ích của họ. Họ cũng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của các nhóm dân cư nhất định ở nước ngoài. Nhưng họ sẽ không cố gắng định hình lại các quốc gia khác theo viễn ảnh của mình như Liên Xô đã làm, và như Hoa Kỳ cũng thường làm.

Trung Quốc tự hào là không ai có thể thể bắt chước được họ, và lịch sử họ bị khuất phục bởi các cường quốc nước ngoài trước đây đã khiến họ từ chối can thiệp sâu vào các quốc gia khác. Hơn nữa, trong khi một số đặc điểm của hệ thống Trung Quốc có thể thu hút những người ủng hộ chủ nghĩa phi tự do ở phương Tây và các nơi khác, thì sức mạnh mềm của Trung Quốc trên thực tế vẫn còn tương đối hạn chế.

Trung Quốc cũng khác cơ bản so với Liên Xô khi không có một phạm vi ảnh hưởng; Triều Tiên và Pakistan được cho là đồng minh duy nhất hiện tại của họ. Quả thực, sự trỗi dậy của Trung Quốc có thể khiến các quốc gia khác nhảy lên cỗ xe của họ để hưởng lợi. Nhưng các chính phủ châu Á thường cảnh giác với nước láng giềng ngày càng lớn mạnh và dân tộc chủ nghĩa này, cũng như sự tham gia của nó vào vô số tranh chấp lãnh thổ, và do đó họthích một sự cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ hơn.




Hơn nữa, việc coi trật tự quốc tế ngày nay là một trật tự lưỡng cực đã không tính đến Liên minh châu Âu, vốn đủtư cách trở thành một cực đúng nghĩa. Mặc dù EU không phải là một quốc gia có chủ quyền, và đã phải chịu đựng những biến động nội bộ nghiêm trọng như Brexit trong những năm gần đây, hội nhập châu Âu đã có những bước tiến đáng kể kể từ sau Chiến tranh Lạnh, bao gồm cả việc thành lập một thị trường chung.

Ngày nay, EU là khối thương mại lớn nhất thế giới và là đối tác thương mại hàng đầu của 80 quốc gia. Và mặc dù có những sai sót và khiếm khuyết, EU vẫn là một ngọn hải đăng toàn cầu về quyền con người, quyền riêng tư cá nhân, phúc lợi xã hội và nhận thức về môi trường. Mặc dù nhà khoa học chính trị Andrew Moravcsik đã hợp lý khi gọi EU là “siêu cường vô hình”, nhưng ảnh hưởng của EU đối với nhiều vấn đề lớn và ở nhiều nơi trên thế giới thực sự rất rõ ràng.

Do đó, EU sẽ không chấp nhận trở thành sợi dây thừng trong một cuộc chơi kéo co Trung – Mỹ, và sẽ vẫn tập trung vào thúc đẩy sự hợp tác giữa hai cường quốc. Tinh thần cởi mở này nên là thứ thúc đẩy toàn bộ thế giới hậu đại dịch.

Sự thiếu hụt các nguyên liệu thiết yếu đã khiến nhiều người kêu gọi các nước trở nên tự chủ về kinh tế hơn. Và sự tái gia tăng căng thẳng thương mại Trung – Mỹ có thể xảy ra sau đó. Chắc chắn là chuỗi giá trị toàn cầu thường không đủ bền bỉ hoặc nhanh nhạy trước các thay đổi, và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế có thể trở thành một vũ khí.

Nhưng, như Henry Farrell của Đại học George Washington và Abraham Newman của Đại học Georgetown đã lập luận, sẽ là điên rồ nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc theo đuổi việc tách rời kinh tế một cách toàn diện. Chưa bao giờ hai siêu cường toàn cầu lại phụ thuộc lẫn nhau đến vậy và có nguy cơ tự làm hại mình bằng cách cố gắng làm tổn thương người kia đến vậy.

Theo một cách nào đó, ý tưởng về sự phụ thuộc lẫn nhau có thể có tác dụng răn đe cũng xuất hiện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, làm nền tảng cho học thuyết “sự hủy diệt lẫn nhau chắc chắn” (Mutually Assured Destruction, hay MAD). Nhưng Chiến tranh Lạnh thực sự nóng bỏng ở nhiều khu vực và học thuyết MAD đã không thể ngăn chặn thế giới tiến gần đến một cuộc chiến tranh hạt nhân trong một vài trường hợp.




Ngày nay, may mắn thay, chiến tranh hạt nhân dường như là một khả năng cực kỳ xa vời, và chúng ta không gặpphải một cuộc chạy đua vũ trang theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn tương đối ổn định, và khả năng quân sự của Trung Quốc – bất chấp tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn của nước này – vẫn còn nhỏ hơn nhiều so với Mỹ.

Tuy nhiên, mọi thứ có thể thay đổi nếu các nhà lãnh đạo chính trị và các nhà bình luận có ảnh hưởng bắt đầu áp dụng các luận điệu đối đầu không cần thiết. Việc so sánh tình hình hiện nay với Chiến tranh Lạnh trước đây có thể trở thành một lời tiên tri tự trở thành hiện thực và đẩy thế giới xuống một con dốc trơn trượt. Thật vậy, đã có những dấu hiệu cho thấy cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tháng 11 này ít nhất một phần xoay quanh việc đối đầu với Trung Quốc như thế nào, với việc cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa buộc cùng phải làm cho lập trường của mình trở nên cứng rắn hơn.

Trong khi đó, mặc dù Trung Quốc có truyền thống không thích so sánh “chiến tranh lạnh”, nhưng sức mạnh kinh tế lớn hơn so với Liên Xô của họ có thể khiến nước này chấp nhận một lập trường cứng rắn quá mức. Ví dụ, cách tiếp cận của Trung Quốc đối với Hồng Kông và Biển Đông đều không mang lại kết quả tích cực.

Nhưng vẫn chưa quá muộn để cứu vãn tình hình. Xuống thang căng thẳng chắc chắn phù hợp với lợi ích dài hạn của tất cả các nước, nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Tư duy chiến tranh lạnh không phù hợp cho việc giải quyết những thách thức lớn nhất hiện nay, như chống lại đại dịch COVID-19 đang diễn ra, đảm bảo phục hồi kinh tế vững chắc hay giảm biến đổi khí hậu. Hơn nữa, không có gì ngăn cản sự phát triển của các mối quan hệ giữa các siêu cường: mặc dù sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, nhưng điều đó không ngăn cản việc tìmkiếm các con đường hợp tác.

Có một điều rất rõ ràng: một cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một cuộc chiến mà họ có quyền lựa chọn tiến hành hay không, chứ không phải là định mệnh bắt buộc. Còn nếu là một lựa chọn, thì đó sẽ là một lựa chọn thật khủng khiếp.


© Óscar Fernández & Javier Solana
    Phan Nguyên biên dịch
    Nghiên Cứu Quốc Tế
Nguồn: Óscar Fernández & Javier Solana, “Averting a Cold War of Choice”, Project Syndicate, 18/06/2020.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad