Nghịch lý của tự do báo chí - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2020

Nghịch lý của tự do báo chí


Những nhà báo trung thực với nghề, phải chăng, đang chịu đựng cảnh trở thành “nạn nhân của công nghệ”? Ngắn hạn có thể như thế. Nhưng dài hạn, giới nhà báo vẫn phải tiếp tục cuộc chiến đấu của mình cho sự thật. Bởi công nghệ vẫn phải do con người tạo ra.



Những nhà báo trung thực với nghề, phải chăng, đang chịu đựng cảnh trở thành “nạn nhân của công nghệ”? Ngắn hạn có thể như thế. Nhưng dài hạn, giới nhà báo vẫn phải tiếp tục cuộc chiến đấu của mình cho sự thật. Bởi công nghệ vẫn phải do con người tạo ra.

Đừng sợ!

Tôi đang nghe Elton John hát bài “Ngọn nến trước gió” (The candle in the wind). Chỉ trong một tuần, hai bạn cùng lớp của tôi ra đi. Tôi có lý do để nghe lại Elton John hát. Nhưng bỗng dưng nỗi buồn trong tôi như sâu hơn khi nghe lại lần này, không phải vì bạn thân bất ngờ ra đi, mà vì bất ngờ tôi nhận ra “nghịch lý của nghề” mà mình đã dấn thân trên 30 năm!

“Và nỗi đau là cái giá chị phải trả
Ngay cả khi chị chết
Báo chí vẫn săn lùng chị,
Tất cả các tờ báo đều đăng tin:
“Marilyn chết trong trần truồng”
(1).

Phải chăng chàng ca sĩ cay đắng thương tiếc một thiên tài mệnh yểu: Marilyn Monroe. Khi chị chết rồi mà giới báo chí vẫn không tha, nhạo báng và bóp méo cái chết của chị, một ngôi sao điện ảnh sáng giá.

Theo nền đạo đức và văn hóa Việt Nam thì “Nghĩa tử nghĩa tận”. So ra như vậy, giới báo chí kia thật… vô đạo!

Nếu chính trị là quyền lực, thì báo chí là sự thật, nhưng trên thực tế, sự thật luôn được tiếp cận từ nhiều hướng khác nhau.




Không phải vậy mà tiền bối Vũ Bằng (1913 - 1984), một nhà báo, nhà văn nổi tiếng của nước ta, từng viết sách “40 năm nói láo”, dựa trên lời cảnh cáo đanh thép của dân gian: “Làm báo nói láo ăn tiền”!

Khi còn làm báo Tuổi Trẻ, tôi từng chứng kiến một đồng nghiệp đã bị cha mẹ bạn gái thẳng thừng từ chối: “Thà chết chứ không gả con cho anh, đơn giản vì anh làm báo”.

Tuy vậy, báo chí vẫn là nghề hấp dẫn bởi lý tưởng của nó là “sự thật”. Bản chất của nó là “tự do”. Không một quốc gia nào lại không tuyên bố về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận. Khổ nỗi sự thật đã khó định lượng, tự do còn khó hơn.

Tuy vậy, một phần của quyền tự do này là có thể phê bình chính báo chí. Tôi, cũng như bất cứ ai khác, đều có toàn quyền phê bình như vậy.

Nơi nào có tự do báo chí nhất thì nơi đó những người nổi tiếng - từ chính trị gia đến ngôi sao nghệ thuật - rất sợ và ghét báo chí. Cựu thủ tướng Anh, Tony Blair, đã dành bài diễn văn từ nhiệm để “phê bình” báo chí, mà báo Times rút ra cái tựa thật đáng sợ: “Báo chí như con thú hoang hung dữ đang xé nhân dân ra nhiều mảnh” (The media is a feral beast, tearing people to pieces).

Nếu bạn đam mê nghề làm báo và đặt sự nghiệp làm báo lên trên tiền bạc; nếu bạn biết săn tin và viết tốt; nếu bạn luôn luôn đòi hỏi vươn cao hơn những thành công tầm thường, lúc đó bạn mới thật sự là một người bảo vệ sự thật.
Tại sao? Bởi vì, theo cựu thủ tướng: "Chưa bao giờ, giới truyền thông lại sợ mất đất sống như bây giờ, nên phải tìm cách lấy lại với bất cứ giá nào. Vì vậy, giống như một con thú hoang hung dữ, truyền thông đang xé nhân dân và uy tín ra thành nhiều mảnh nhưng không ai dám bỏ đi” (diễn văn từ nhiệm ngày 13-6-2007).

Nhà bác học Alber Einstein, cha đẻ của thuyết tương đối cũng “sợ” báo chí, vì ông đã “trải nghiệm” cách tường thuật bóp méo sự thật của báo lá cải. Ông kể:

“Anh hãy tưởng tượng một buổi sáng kia một tay phóng viên đến gặp anh và vui vẻ hỏi rằng, liệu anh có thể nói đôi điều về ông N. bạn anh được không.

Thoạt tiên có lẽ anh sẽ cảm thấy phẫn nộ vì một câu hỏi như vậy. Song anh nhanh chóng nhận ra rằng, sẽ chẳng có cách nào chạy thoát. Bởi nếu anh từ chối trả lời, tay phóng viên sẽ viết: “Tôi đã hỏi một trong những người bạn gọi là thân nhất của N., nhưng ông này đã khéo léo từ chối. Mong độc giả tự rút ra kết luận từ thái độ ấy”.




Vì không có cách nào chạy thoát, anh trả lời như sau:

“Ông N. có một nhân cách hào hiệp, thẳng thắn, được tất cả bạn bè quý mến. Ở bất kỳ hoàn cảnh nào, ông cũng nhận ra được mặt tốt. Ông là người chịu khó và đảm nhận được nhiều việc cùng lúc, nghề của ông đòi hỏi ông phải dành hết tâm sức cho công việc. Ông là người yêu gia đình, luôn dành cho vợ tất cả những gì ông có”.

Còn bài viết của tay nhà báo: “ N. không thật sự coi trọng điều gì và có tài lấy lòng tất cả mọi người, hơn nữa lúc nào ông cũng đóng vai một người dễ dãi và mềm mỏng. Ông thuộc loại nô lệ cho công việc, đến mức không bao giờ nghĩ đến những chuyện riêng tư hay tham gia vào một hoạt động tinh thần nào khác. Chiều chuộng vợ hết mực, ông là tên đầy tớ ngoan ngoãn phụng sự cho các nhu cầu của bà ấy”.

A.Einstein viết tiếp: “Ở một tay nhà báo đích thực, bài báo sẽ còn giật gân hơn thế nhiều, nhưng với anh và ông N., bạn anh, như thế đã đủ. Ông ấy sẽ đọc những điều trên vào sáng ngày mai trên báo, và sự giận dữ của ông ta với anh là vô giới hạn. Nỗi đau khổ của ông ta sẽ làm anh đau đớn không nói ra được”(2).

Tinh thần lắng nghe

Tất nhiên, vì bản chất của báo chí là tự do, công khai, đại chúng, nên khi bạn đã chọn nghề làm báo bạn phải chuẩn bị đủ tinh thần tự do lắng nghe chỉ trích.

Thế kỷ 21 xuất hiện một loại báo chí, theo nghĩa đơn giản nhất của từ này, đó là mạng xã hội, mà lớn nhất là “tờ báo” có 3 tỉ thành viên, vừa là người đọc, vừa là người sản xuất thượng vàng hạ cám các thể loại truyền thông.

Tờ báo có tên Facebook mà ông chủ báo còn rất trẻ và ngây thơ tin rằng “nhân chi sơ tính bản thiện”, mọi thành viên của cộng đồng Facebook đều có thành ý chia sẻ mọi thứ có trên đời.

Mark Zuckerburg còn tin rằng cộng đồng mạng sẽ hỗ trợ những người không xài Facebook - gọi là offline - không bị bỏ lại phía sau.

Nhưng chính Facebook lại là nơi phơi bày tất cả nghịch lý của tự do. Đài truyền hình quốc gia Đức DW trong một phóng sự về dùng thuật toán đếm tin giả trên mạng xã hội đã cho thấy, trên 70% tin về Covid-19 từ tháng 1 đến tháng 3 năm nay là tin giả.




Ngay tại Việt Nam chúng ta, khi đại dịch xảy ra, cũng có biết bao tin giả đủ loại: bịa đặt, bóp méo, xuyên tạc, lắp ghép, có mục đích hoặc chỉ để “cho vui”.

Nhưng Philippines mới là nơi có nhiều tin giả nhất, vì đó là nơi gần 97% dân số dùng Facebook, đến mức Mark Zuckerburg khôi hài: “Còn 3% kia thế nào?”. Có nghĩa là tỷ lệ phải 100% ông mới hài lòng?

Tất nhiên, phần lớn dân số tiếp nhận truyền thông trên Facebook và phần lớn, dù tin hay không tin, vẫn bị chi phối, nếu không muốn nói là “bị thao túng” bởi loại “bom tấn” từ mạng xã hội.

Trong cuốn sách mới nhất có tựa là “Facebook, câu chuyện bên trong”(3), nhà báo Steven Levy cho rằng các nhà quản trị Facebook đều biết tình trạng tin giả, nhưng họ cố tình không hành động để ngăn chặn.

Đây là lý do tại sao khi một trong những nhà báo hàng đầu của Philippines, Maria Ressa, bắt đầu xây dựng trang web có tên Rappler vào năm 2010, cô đã thiết kế nó đặc biệt để chạy trên Facebook.

“Tôi đã luôn nghĩ rằng công nghệ này sẽ giúp giải quyết các vấn đề của người dân thấp cổ bé miệng”, Ressa nói. Cô cho rằng các kỹ sư Facebook đã thiết kế các công nghệ mới, không có bộ lọc nhằm nâng cao số lượng người dùng.

“Facebook tràn ngập các bài đăng như một băng sex giả, trong đó nhà đối lập hàng đầu bị ghép lên cơ thể của một nữ diễn viên khiêu dâm”, Steven Levy cho biết(4).

Báo chí: chiến thắng của trí tuệ

Nếu những kẻ muốn lợi dụng nền tảng công nghệ để bóp méo thế giới, thì tại sao cộng đồng những nhà báo chính trực không biết học công nghệ để sử dụng mạng xã hội, đẩy lùi bóng tối của tin giả?
Những nhà báo chuyên nghiệp và chính trực không nói dối, nhưng những lời nói dối vẫn lan truyền nhanh hơn cả virus.

Vậy phải chăng những nhà báo trung thực với nghề phải chịu đựng cảnh trở thành “nạn nhân của công nghệ”? Ngắn hạn có thể như thế. Nhưng dài hạn, giới nhà báo vẫn phải tiếp tục cuộc chiến đấu của mình cho sự thật. Bởi vì công nghệ vẫn phải do con người tạo ra.

“Văn dĩ tải đạo”, cụ Nguyễn Đình Chiểu, nhà thơ yêu nước cuối thế kỷ 19, đã từng nói và cho dù thời đại 4.0 đang đến, điều đó vẫn rõ ràng. Không một nghề nghiệp nào quan trọng hơn nghề báo, bởi vì không có công việc nào có giá trị hơn là bảo vệ sự thật.

Khi đến thăm báo New York Times năm 1996, tôi thấy bài thơ được khắc trên bảng đồng trước cửa tòa báo. Các đồng nghiệp Mỹ cho rằng đó là “tuyên ngôn của báo chí hiện đại”. Tôi nghĩ rằng không chỉ báo in mà còn đúng với cả truyền thông và hiện đại. Và tôi đã dịch bài thơ vô danh xuất hiện từ năm 1911.




“Tôi là báo in, sinh ra từ Mẹ Đất.

Tim tôi cứng như thép, chân tôi vững như sắt và ngón tay tôi chắc như đồng.

Tôi ngợi ca cuộc đời, hùng biện cho lịch sử, và là bản hòa tấu của mọi thời đại.

Tôi là giọng nói của hôm nay, tiếng vọng của ngày mai. Tôi dệt nên những sợi dọc của quá khứ, những sợi ngang của tương lai.

Tôi công bình trước tin tức chiến tranh và hòa bình.

Tôi làm cho trái tim của con người đập mạnh với niềm đam mê và thân ái. Tôi lay động mạch máu đất nước, thúc giục người can đảm hành động dũng cảm hơn, làm cho người lính sẵn sàng hy sinh.

Tôi an ủi người thợ lúc nửa đêm, khi anh ta thiếp đi trên khung cửi, ngẩng đầu lên lần nữa và nhìn vào không gian bao la không hề sợ hãi, mong tìm nguồn an ủi bất tận của hy vọng.

Khi tôi cất tiếng, vô số người lắng nghe. Nào là người Saxon, người Latin, người Celtic, người Hung hay người Ấn, tất cả đều hiểu tiếng nói của tôi.

Tôi là cây kèn đưa tin không mệt mỏi. Tôi chia sẻ niềm vui và nỗi buồn trên mỗi phút giây. Tôi nâng đỡ đầu óc người thiểu năng.Tôi là ánh sáng, tri thức và sức mạnh.

Tôi tiêu biểu chiến thắng của trí tuệ đối với tất cả khó khăn.

Tôi là bản ghi của thành quả con người. “Đứa con” của tôi đến với bạn trong ánh đèn rực rỡ, giữa tù mù của nghèo đói và chói chang của giàu có, lúc mặt trời lên, trưa nóng cháy hay vào buổi chiều tàn.

Tôi là nụ cuời và nước mắt của thế giới, và tôi sẽ không bao giờ chết, cho đến khi cát bụi trở về với cát bụi bất biến”.


Nếu những kẻ muốn lợi dụng nền tảng công nghệ để bóp méo thế giới, thì tại sao cộng đồng những nhà báo chính trực không biết học công nghệ để sử dụng mạng xã hội, đẩy lùi bóng tối của tin giả?

Nếu bạn đam mê nghề làm báo và đặt sự nghiệp làm báo lên trên tiền bạc; nếu bạn biết săn tin và viết tốt; nếu bạn luôn luôn đòi hỏi vươn cao hơn những thành công tầm thường, lúc đó bạn mới thật sự là một người bảo vệ sự thật.

Chỉ khi đó, Elton John sẽ không muốn hát câu: “Chị chết rồi, mà báo chí vẫn không tha…” hay Einstein sẽ không còn nói lời giận dữ: “Ôi khổ biết dường nào”.


© Trần Ngọc Châu
    Kinh Tế Sài Gòn
Chú thích:

(1) And pain was the price you paid; Even when you died; Oh the press still hounded you; All the papers had to say;
Was that Marilyn was found in the nude.

(2)Albert Einstein, Mein Weldbild (Thế giới như tôi thấy), bản dịch tiếng Việt của NXB Tri thức, tr.89-90, Hà Nội, 2013.

(3)Steven Levy, Facebook-The inside story, NXB Blue Rider Press, New York, 2020.

(4)Steven Levy, Facebook, Penguin Publishing Group, Kindle Edition, 2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad