Sữa học đường thời "Mỹ Ngụy" và thời "Đảng Cộng sản Việt Nam Quang vinh" (*) - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2020

Sữa học đường thời "Mỹ Ngụy" và thời "Đảng Cộng sản Việt Nam Quang vinh" (*)


Năm xưa thằng nhỏ cần xác nhận thì mới được KHÔNG UỐNG SỮA. Bây giờ thằng nhỏ cần xác nhận thì mới ĐƯỢC UỐNG SỮA! Hai sự xác nhận có hai mục đích ngược hẳn chiều nhau!


Hình minh họa: vanews.org

Năm 1962 tụi tui học lớp Năm, lớp Tư (tức lớp 1, lớp 2 bây giờ) tại trường tiểu học Bàn Cờ. Mấy năm đó đi học, tới giờ ra chơi học sinh sắp hàng theo cô giáo đi tới cuối sân trường uống sữa miễn phí.

Góc sân có một cái bàn to, trên bàn để một cái nồi cũng thiệt to đầy sữa. Lớp này theo sau lớp kia, từng lớp theo hàng rất trật tự tiến tới gần bàn. Hai cô bận áo màu trắng, coi giống áo y tá, liền tay múc, đưa, múc, đưa… Uống xong học sinh đi vòng ra phía sau, nơi đặt một chiếc bàn nhỏ hơn, để chiếc ly không trên đó.

Mỗi học sinh bắt buộc uống một ly, bạn nào thèm xin thêm ly nữa! Tui thích vị sữa, thích mùi sữa nên có khi uống ba ly. Đám con nít quẹt miệng không sạch, nhiều đứa còn sót bọt sữa đóng trên mép, coi giống như ria mép màu trắng, đứa này lêu lêu chỉ trỏ đứa kia cười hỉ hả!

Hồi đó còn nhỏ, sáu bảy tuổi, tui hay tiêu chảy, có bữa đi học giữa đường phải quay về nhà thay đồ! Bụng dạ con đi re re thế này chắc không uống sữa được đâu, Mẹ tôi phán. Thế là Mẹ tôi phải viết lá thơ, dắt tôi vào trao thơ tận tay cô giáo, xác nhận thằng nhỏ bị đau bụng, xin cô cho nó được không uống sữa. Khi dắt tôi vào gặp cô giáo, Mẹ tôi mặc áo dài.




Kể từ đó, giờ ra chơi tôi phải ở lại lớp, thèm thuồng ngó mấy đứa bạn lục tục theo cô đi ra rồi lục tục về trên mép có hàng ria sữa và miệng thơm mùi sữa.

Sáng nay đọc báo Tuổi Trẻ online (ngày 23/6/2020), thấy trong bài viết về Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM vừa có buổi khảo sát việc thực hiện đề án "Sữa học đường" có câu:

“Để uống được sữa miễn phí, các em hộ nghèo, cận nghèo phải có sổ xác nhận hộ nghèo”

Ôi chu choa, ai mà có thể nghĩ ra một chuyện bất cận nhân tình như vậy? Các em học sinh nghèo và cận nghèo ơi, gia đình các em phải đi xin để được cho sự xác nhận! Còn các em không phải “nghèo và cận nghèo” muốn uống thì phải đóng 50% tiền sữa! Không có cái gì miễn phí vô điều kiện cả, dù là miễn phí cho các mầm non tương lai Tổ Quốc!

Mà đám học sinh trẻ con đầu óc trắng trong kia rất cần môi trường không phân biệt, chan hòa tình bạn bình đẳng và yêu thương. Môi trường giáo dục đầu đời cho trẻ con rất cần thấm đẫm tính bình đẳng nhân văn! Cớ sao đưa cái sự phân biệt nghèo, không nghèo vào đây? Chỉ vì một ly sữa con con mỗi ngày!




Hồi đó, sáu mươi năm xưa, người làm công chức rất trong sạch, liêm chính, và học sinh tiểu học được uống sữa miễn phí. Bây giờ, trong hệ thống công quyền, người ta đầu tư những công trình đắp chiếu bỏ hoang hàng chục triệu, hàng trăm triệu đôla Mỹ, người ta tham nhũng cũng mức hàng chục triệu, hàng trăm triệu đôla Mỹ, không ít quan chức cấp quận, cấp huyện đã có biệt phủ rồi, thì xã hội lại không thể dành chút đỉnh nào cho những đứa trẻ tiểu học được uống sữa miễn phí và bình đẳng sao?

Năm xưa thằng nhỏ cần xác nhận thì mới được KHÔNG UỐNG SỮA. Bây giờ thằng nhỏ cần xác nhận thì mới ĐƯỢC UỐNG SỮA! Hai sự xác nhận có hai mục đích ngược hẳn chiều nhau! Xin các anh chị Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM cân nhắc xem chiều nào có tinh thần trách nhiệm hơn, chiều nào có tính giáo dục cao đẹp hơn. Để có chủ trương, quyết sách có lợi cho sự nghiệp giáo dục các em!

Cũng xin thưa chuyện thêm. Cô giáo dạy tôi năm lớp Năm là cô Băng Tâm, người tới giờ nhớ mỗi khi nhớ lại lòng tôi vẫn tràn ngập yêu thương. Dù đã gần 60 chục năm trôi qua, tôi nghĩ những ai cùng lứa tuổi tôi học trường Bàn Cờ chắc vẫn còn nhớ. Cô là con dâu của Đốc phủ Chấn. Đốc phủ Chấn là bạn thân của các ông Trần Văn Hữu, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Ngọc Thơ. Không như các ông bạn tham chính của mình, đốc phủ Chấn sống đời công chức hiền lành, không tham gia chính trường. Gia thế danh giá và giàu sang tót vời, cô Băng Tâm có cuộc sống giản dị, ngày ngày tới trường trên xe xích lô, áo dài yêu thương chăm sóc học trò!

(*) Lê Học Lãnh Vân -Sữa học đường xưa và nay

© Lê Học Lãnh Văn
    Văn Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad