Bệnh nhân người Anh (The English Patient) - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 14 tháng 7, 2020

Bệnh nhân người Anh (The English Patient)


Câu chuyện mang tính cách hư cấu của Michael Ondaatje, nhưng thật tình cờ và cũng thật bất ngờ, tại Việt Nam trong mùa đại dịch Virus Corona cũng có một “Bệnh nhân người Anh”, và anh ta cũng là mộ phi công của hãng Vietnam Airlines.


“The English Patient” với các diễn viên Ralph Fiennes, Juliette Binoche, Willem Dafoe, Kristin Scott Thomas

“Bệnh nhân người Anh” (The English Patient) là một cuốn phim nổi tiếng đã dành được 9 giải Oscar năm 1997, trong đó có giải Phim xuất sắc nhất, Hình ảnh đẹp nhất, Đạo diễn xuất sắc, Vai phụ xuất sắc. Bên cạnh đó là 2 giải Quả Cầu Vàng và 6 giải BAFTA cho phim hay nhất. Phim đã đạt doanh số 232 triệu đô la tại các phòng vé!

Cuốn phim là chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Michael Ondaatje, viết năm 1992, kể lại sự nghiệt ngã của tình yêu và sự mất mát xảy ra vào thời cuối của Thế chiến II. Một chiếc máy bay bị Đức Quốc Xã bắn hạ và rơi xuống khu vực sa mạc Sahara. Trong chiếc máy bay là một phụ nữ đã chết và một người đàn ông bị phỏng nặng.

Anh ta được gọi là “Bệnh nhân người Anh". Sau tai nạn, bệnh nhân không nhớ được một chút gì về mình cũng như tất cả những gì đã xảy ra. Nhưng qua một loạt các cảnh hồi tưởng, người đọc sách cũng như người xem phim dần dần biết được về quá khứ của anh.

Bệnh nhân này thực ra không phải là người Anh mà là một người Hungary tên là Laszlo de Almasy - một phi công làm việc cho Hiệp hội Địa lý hoàng gia của Ai Cập trước chiến tranh. Rất nhiều tình tiết mang tính cách gián điệp thời chiến được kể lại trong cuốn sách và người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Câu chuyện mang tính cách hư cấu của Michael Ondaatje, nhưng thật tình cờ và cũng thật bất ngờ, tại Việt Nam trong mùa đại dịch Virus Corona cũng có một “Bệnh nhân người Anh”, và anh ta cũng là mộ phi công của hãng Vietnam Airlines.




Anh được biết đến qua bí danh “Bệnh nhân 91” theo số thứ tự của các ca nhiễm COVID-19 và cũng là bệnh nhân có số ngày điều trị dài nhất tại Việt Nam. Đầu tiên, anh được điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 18/3 đến 22/5 và sau đó chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Chợ Rẫy từ chiều 22/5.

Báo Tuổi Trẻ Online ngày 6/6 đưa tin:

"Tin phi công người Anh hoàn toàn tỉnh táo khiến các y bác sĩ từng điều trị cho anh rất vui. Có lẽ mọi người dân Việt đều cảm thấy xúc động và ấm áp. Bệnh nhân 91 đã hoàn toàn tỉnh táo, thật là kỳ diệu, đó như là một kỳ tích trong y khoa".

“Nhớ lại những ngày đầu điều trị cho bệnh nhân 91, bệnh nhân vẫn tỉnh táo, đi lại bình thường. Bệnh nhân không chịu ăn thức ăn Việt nên nhân viên y tế của bệnh viện đã phải liên hệ với nơi công tác của bệnh nhân là Vietnam Airlines để hỗ trợ đặt thức ăn riêng. Vài ngày sau bệnh nhân mới bị suy hô hấp tăng dần, cần được hỗ trợ hô hấp thở oxy mũi. Từ ngày 25-3, bệnh nhân phải chuyển sang thở oxy qua mặt nạ”
.

(hết trích)


Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy động viên “bệnh nhân thứ 91”

Cũng theo Tuổi Trẻ Online, thông tin từ Bộ Y tế cho biết Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã làm việc với đại diện công ty cung cấp bảo hiểm cho bệnh nhân 91, có khả năng công ty sẽ chi trả phí điều trị cho bệnh nhân này.

“Tổng lãnh sự quán Anh tại TP.HCM đã có thư gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và các bệnh viện, các bác sĩ đã và đang điều trị, hỗ trợ cho bệnh nhân. Báo chí Anh cũng đã viết về ca bệnh này, các nỗ lực của bác sĩ Việt Nam trong hành trình điều trị cho bệnh nhân như một câu chuyện rất đặc biệt trong mùa dịch COVID-19 năm nay”.




Phi công người Anh được Bộ Y tế công bố nhiễm Covid-19 vào ngày 18/3. Đây cũng là bệnh nhân nhiễm Covid-19 được phát hiện tại ổ dịch bar Buddha (phường Thảo Điền, Q.2, TP.HCM), có tổng cộng 18 bệnh nhân liên quan đến ổ dịch này.

Trên trang web của Bộ Y tế đưa tin:

“Đến cuối giờ chiều ngày 8/6, nam phi công người Anh - bệnh nhân 91 đã có thể ngồi dậy, thực hiện y lệnh của nhân viên y tế, đung đưa cả hai chân. Đồng thời, nam bệnh nhân đã tự viết vào bảng và tự bấm nút điều chỉnh độ cao của giường bệnh…”


Bệnh nhân đã tự cầm cốc uống nước và thực hiện được y lệnh của bác sĩ

BBC News Tiếng Việt bình luận:

“Bệnh nhân 91, thường được báo chí Việt Nam gọi là "phi công người Anh", đến từ vùng North Lanarkshire, Scotland. Anh ấy bắt đầu công tác và đang được huấn luyện về tiêu chuẩn làm việc của Vietnam Airlines từ tháng 12/2019. Ngày 16/3/2020, phi công thực hiện chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Việt Nam với tư cách cơ phó máy bay Boeing 787… Chuyến bay đầu tiên cũng là chuyến bay cuối cùng trước khi bệnh nhân này nhập viện do nhiễm Covid-19 vào ngày 18/3”.

"Buổi tiệc lễ thánh Patrick hôm đó thu hút khoảng 200 người. Đó là đêm cuối cùng trước khi có lệnh cấm quán bar hoạt động trong thời kỳ giãn cách xã hội. Còn giãn cách ở quán thì chủ yếu là ý thức cá nhân, chúng tôi không thể ép buộc khách được", một nam nhân viên của quán bar kể lại với BBC News Tiếng Việt. Nhân viên này về sau cũng được xác định nhiễm Covid-19, là bệnh nhân 127”.


(hết trích)


Săn sóc bệnh nhân

Đoạn kết của chuyện “Bệnh nhân người Anh” thuộc loại “không có hậu” vì những tin tức trái chiều xuất hiện trên mạng xã hội. Thứ nhất, Stephen Cameron (tức Bệnh nhân 91) có đưa 3 nguyện vọng nhờ Tổng lãnh sự Anh Quốc gửi cho phía Việt Nam rằng:

(1) Không muốn tiếp xúc với giới truyền thông khi ông ra viện vào ngày 11/7, không muốn chụp hình hoặc tham gia phỏng vấn với bất kỳ báo, đài nào;

(2) Chỉ đồng ý tiếp đón lãnh đạo thành phố, các sở ban ngành và lãnh đạo bệnh viện đến động viên và chào tạm biệt;

(3) Chỉ đồng ý có sự tham gia của 1 nhiếp ảnh gia thuộc Bệnh viện Chợ Rẫy.


Lãnh sự quán Anh đưa 3 nguyện vọng của bệnh nhân người Anh

Sau khi ngành y tế và truyền thông Việt Nam tỏ ra hả hê về việc đã chữa khỏi căn bệnh Covid 19 cho viên phi công người Anh từng thập tử nhất sinh, thì nhiều biểu hiện dồn dập đã khiến dư luận… ngỡ ngàng.

Cơ quan truyền thông chính thống của nhà nước là Đài Tiếng nói Việt Nam đăng tin với một hàng tít không bình thường “Bệnh nhân người Anh rối loạn tâm lý hay một kiểu “chảnh”? Trang tin của VOV ghi:

“Trong quá trình điều trị, bệnh nhân người Anh nhiều khi thiếu hợp tác với các bác sĩ. Anh cũng không muốn xuất hiện tại lễ xuất viện, nơi các bệnh nhân thường chính thức nói lời cảm ơn các bác sĩ đã cứu sống họ. Có thể anh chỉ nhận hoa chúc mừng của bệnh viện rồi ra thẳng sân bay để về nước”.


Bản tin của Đài tiếng nói Việt Nam

Báo nhà nước cũng tường thuật rõ ràng:

“Ngoài VOV, nhiều cơ quan truyền thông khác đã đề nghị phỏng vấn Stephen Cameron, bằng hình thức trực tiếp hoặc email hay hình thức nào đó phù hợp, nhưng thông qua bệnh viện, anh cho biết không đồng ý chia sẻ bất cứ điều gì với báo chí Việt Nam …”




“Không chỉ từ chối sự quan tâm của xã hội và các cơ quan báo chí Việt Nam, BN91 cũng thiếu hợp tác với ngay cả chính Bệnh viện Chợ Rẫy, nơi anh đang được điều trị. Bệnh viện cho biết, để cập nhật tình hình bệnh nhân này với công chúng, bệnh viện đã chụp và cung cấp một bức hình (có che mặt) bệnh nhân cùng thông tin về quá trình điều trị cho báo chí, nhưng BN91 đã bày tỏ sự không hài lòng về điều này. Thậm chí sau khi biết ekip bác sĩ có trao đổi với các phóng viên về tình hình điều trị Stephen Cameron đã phản ứng bằng cách nhịn ăn và không phối hợp luyện tập”.

“Đến sát ngày được trở về Anh, bệnh nhân 91 đã từ chối cả việc xuất hiện trong lễ xuất viện (dự kiến diễn ra ngày 11/7) để chính thức nói lời cảm ơn, hành động mà các bệnh nhân khác thường làm khi được công bố ra viện …. có ý kiến cho rằng, anh đang sử dụng quyền riêng tư đối với các thông tin cá nhân của mình, anh có quyền cung cấp hay bán câu chuyện rất đặc biệt của mình cho cơ quan truyền thông nào đó theo cách anh muốn, hoặc giữ cho riêng mình, và điều đó là bình thường từ góc nhìn của người Anh..”


(hết trích)


Phi công người Anh được đưa về nước bằng dòng máy bay mà ông từng lái trước đó

Để thay lời kết, trên FB Lê Nguyễn, ngày 12/7/2020, đã có một ý kiến sắc sảo:

“Những gì diễn ra trong thời gian qua cho người cả nước nhìn thấy cả một chiến dịch truyền thông nhằm mượn hình ảnh chữa trị bệnh nhân BN91 để khoe khoang thành tích của chính quyền và ngành y tế Việt Nam trước cộng đồng quốc tế. Muốn quảng bá thành tích thì phải thường xuyên tiếp cận với đối tượng và những toan tính này đã nhanh chóng khiến cho đối tượng có cảm giác mình là một loại “con tin”, một phương tiện truyền thông để người khác lợi dụng.

“Điều đó cho thấy bất cứ hành động tốt đẹp nào cũng có thể mang đến những tác dụng ngược lại. Đó là chưa kể sự chữa trị đầy quyết tâm của chính quyền và ngành y tế VN dành cho một cá nhân người nước ngoài đã làm chạnh lòng hàng triệu bệnh nhân người Việt đang sống dở chết dở trong những phòng bệnh chật ních con người, những thân nhân của họ có khi phải dùng cả gầm giường để làm chỗ ngủ qua đêm. Ngoài ra, còn hàng chục ngàn công nhân VN bị mất việc, sống đói khát, cù bơ cù bất ở nước ngoài, chưa biết đến bao giờ được trở về quê hương, mà vẫn chưa thấy chính phủ có một quyết sách nào rõ ràng.




“Dù gì thì bệnh nhân số 91 cũng sắp - hay đã - gặp lại người thân ở quê nhà. Thái độ của anh có thể bị xem là vô ơn, song suy nghĩ xa hơn, đó là thái độ sòng phẳng, nếu như anh ta lập luận thế này về các cơ quan chức nặng đã cứu sống anh “các ông đã chữa trị cho tôi, và đã dùng hình ảnh của tôi để quảng bá cho các ông nhiều rồi, thế là huề nhé! Từ nay hình ảnh của tôi là của tôi, tôi độc quyền sử dụng nó, chứ không phải ai khác!”.

“Đó là bài học về truyền thông cho những ai thích khoe mình một cách quá đáng, bằng cách sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của người khác, dù với một chiêu bài, một mục tiêu cao đẹp nào. Bài học này không hề nhỏ, đối với những ai mang bệnh thành tích trầm kha!”



Đúng 23 giờ đêm, ngày 11/7/2020, chuyến bay khởi hành từ sân bay Nội Bài


© Nguyễn Ngọc Chính
    Blog Nguyễn Ngọc Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad