Biển Đông : Kênh Ba Sĩ, điểm nóng mới trong cạnh tranh Trung - Mỹ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Biển Đông : Kênh Ba Sĩ, điểm nóng mới trong cạnh tranh Trung - Mỹ



Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan, trong lần hoạt động tại Biển Đông ngày 16/10/2019. AFP - CATHERINE LAI

Từ nhiều ngày qua, nhiều hoạt động quân sự của Trung Quốc và Mỹ đã diễn ra trong một khu vực ít được biết đến ở Biển Đông : Kênh Ba Sĩ (Bashi), nằm giữa Đài Loan và Philippines. Tuy nhiên dần dần khu vực này đang trở thành điểm chiến lược của cuộc đọ sức giữa 2 cường quốc, khu vực mà giới phân tích nhận định sẽ là điểm nóng mới trong quan hệ giữa hai cường quốc thế giới.

Có vẻ như cuộc xung đột thương mại, những cáo buộc nhau về chuyện xử lý khủng hoảng y tế hay về Hồng Kông vẫn chưa đủ. Từ đầu tháng Bảy đến giờ, các cuộc diễn tập quân sự của Trung Quốc và Mỹ trong vùng Biển Đông đang khuấy động thêm quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.

Chủ yếu các cuộc phô trương sức mạnh giữa hai cường quốc đang diễn ra trong một vùng biển hẹp ít được biết đến nhưng lại mang tính chiến lược với Trung Quốc. Đó là kênh Ba Sĩ, nằm giữa Đài Loan và Philppines trên Biển Đông. « Rất hiếm khi thấy hai cường quốc tiến hành các hoạt động quân sự cùng lúc trong vùng này », Helena Lagarda, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng thuộc viện Mercator Institute for China Studies ( Merics), một trung tâm tư vấn của Đức về Trung Quốc, ghi nhận trong cuộc phỏng vấn của France 24.

Điểm nóng mới ?

Kênh Ba Sĩ là tuyến đường thủy nằm giữa đảo Y'Ami của Philippines và đảo Lan của Đài Loan. Dòng biển này đang thành điểm nóng mới trong cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ - Trung.




Hành lang biển này "sắp tới có thể sẽ là thùng thuốc súng trong cuộc cạnh tranh trên biển giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ", nhật báo Hồng Kông South China Morning Post nhận định trong số ra ngày 05/07. Không quân Mỹ đã  xuất hiện hôm 4 tháng 7 và thực hiện các hoạt động trinh sát liên tục 13 ngày trong khu vực này. Tiếp đó Washington đã điều hai tàu sân bay Nimitz và Ronald Reagan đi qua kênh này để hướng tới quần đảo Hoàng Sa ở phía nam, hiện do Trung Quốc chiếm đóng nhưng Việt Nam đòi chủ quyền.

Hoa Kỳ vẫn thường đưa tàu chiến đi vào các vùng biển đang có tranh chấp như vậy, nhật báo Mỹ  New York Times nhắc lại. Nhưng đã sáu năm nay, Mỹ chưa hề điều cùng một lúc 2 tàu sân bay vào vùng biển đang rất nóng vì các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ.

Phó đô đốc, George Wikof, chỉ huy tàu sân bay Ronald Reagan khẳng định với báo Wall Street Journal : « Mục đích là gửi đến các đối tác và đồng minh của chúng ta một thông điệp rõ ràng là chúng ta cam kết duy trì ổn định và an ninh trong vùng ».

Đó cũng là trực tiếp trả lời  cho hoạt động của không quân Trung Quốc trong  khu vực kênh Ba Sĩ trong thời gian gân đây.  Theo ghi nhận của  South China Morning Post, hồi cuối tháng 5, Trung Quốc đã điều hàng chục máy bay, trong đó có các máy bay ném bom bay lượn trên vùng trời không xa Đài Loan, khiến chính quyền Đài Bắc không khỏi lo ngại.

Ba tuần sau đó, các chiến đấu cơ Trung Quốc lại áp sát một tàu tiếp dầu của hải quân Mỹ được không quân Mỹ hộ tống. « Về mặt ngoại giao mà nói, đó là một hành vi nguy hiểm. Mục đích của nó là để đánh tín hiệu cho thấy là Bắc Kinh biết họ đang ở đâu », ông Chang Chinh, cựu chỉ huy hải quân Đài Loan nhận định trên báo Financial Times.




Lợi dụng suy yếu của Donald Trump ?

Tiếp đó, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc tập trận kéo dài một tuần xung quanh quần đải Hoàng Sa, từ ngày 1 đến 5 tháng 7. Hoạt động quân sự này đã bị Việt Nam và Philippines chính thức phản đối. Từ nhiều năm nay, hai nước này vẫn thường xuyên phản đối các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trên nhiều khu vực ở Biển Đông.

Nếu như thời gian qua, Trung Quốc tỏ ra phiêu lưu như vậy có thể là họ định lợi dụng những vấn đề nội bộ của tổng thống Mỹ Donald Trump. Giữa các vấn đề nội tình của nước Mỹ như tổng thống Trump bị chỉ trích về vai trò cầm lái trong cuộc khủng hoảng y tế, các cuộc biểu tình chống bạo lực cảnh sát, kỳ thị chủng tộc và chiến dịch tranh cử tổng thống đầy khó khăn, « chắc chắn Trung Quốc muốn hành động nhanh trong lúc tổng thống đang phải bận đối phó với tình hình xấu ở Mỹ », một quan chức chính quyền Mỹ giấu tên khẳng định với tờ Wall Street Journal.

Kênh Ba Sĩ, dưới cái nhìn của Bắc Kinh là điểm tốt nhất để thử xác lập sự kiểm soát không phận trong vùng biển có nhiều tranh chấp này. «Đó là nơi qua lại rất quan trọng phải kiểm soát vì nó chính là gianh giới trên biển giữa vùng Biển Đông  với phần còn lại của Thái Bình Dương và lại nằm sát cạnh Đài Loan. Đó là vùng có nhiều thách thức ưu tiên đối với quân đội Trung Quốc », chuyên gia Helena Legarda, được trích dẫn ở trên nhận định.

Kiểm soát hàng rào đảo đầu tiên

Con đường hàng hải này cũng khiến Bắc Kinh lo lắng. Ngay từ những năm 1980, các chiến lược gia quân sự Trung Quốc đã xác định đây là  vấn đề đối với an ninh quốc gia vì kênh Ba Sĩ nằm trên cái gọi là «  vành đai đảo đầu tiên », theo chuyên gia viện Merics, Helena Legarda.




Đó là biên giới tự nhiên hình thành từ chuỗi quần đảo trải dài từ quần đảo Kouril (bắc Nhật Bản) cho tới quần đảo Borneo, dài khoảng 6200 km từ bắc xuống nam. Chính quyền Trung Quốc sợ rằng những mẩu đất trên dọc hàng rào đảo nằm giữa Đài Loan và Philippines bị các thế lực nước ngoài mà đứng đầu là Hoa Kỳ, sử dụng làm các chốt chặn lối ra Thái Bình Dương hay thậm chí để làm bàn đạp tấn công Trung Quốc, theo phân tích của bà Helena Legarda.  

Nhưng đó không chỉ là thách thức về quốc phòng đối với Trung Quốc. Dần dần Bắc Kinh ngày càng công khai xác nhận tham vọng trở thành cường quốc khu vực rồi đến toàn cầu, các hòn đảo trong « vành đai đầu tiên » dọc kênh Ba Sĩ đã bắt đầu được Bắc Kinh chú trọng như một hậu cứ tiềm năng, trang mạng chuyên về các vấn đề địa chính trị châu Á, The Diplomat nhấn mạnh.

Tiến hành các hoạt động quân sự tại vùng kênh Ba Sĩ đã trở thành vấn đề sống còn đối với Trung Quốc. Các hoạt động đó nhằm để cho hải quân và không quân Trung Quốc làm quen với  hoạt động mà mục tiêu chính là mở rộng trường ảnh hưởng của Trung Quốc.

Các hoạt động quân sự của Trung Quốc và Mỹ trong những tuần qua ở khu vực kênh Ba Sĩ tạo thành một cuộc chiến giữa giao thông hào mà trong đó mỗi bên cố gắng ngăn chặn đối phương tiến thêm qua giới tuyến tự nhiên. Về bản chất, điều này không có gì bất thường mà đã diễn ra hơn 5 năm nay rồi. Nhưng căng thẳng Trung-Mỹ và cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đã làm cho tình hình bùng lên mạnh hơn bao giờ.

Trung Quốc triển khai những phương tiên lớn « để cho thấy rằng dịch Covid-19 không làm họ quên đi các mục tiêu địa chính trị và để phát đi tính hiệu rằng quân đội của họ có khả năng tác chiến hoàn hảo », chuyên gia Helena Legarda nhận định. Hoa Kỳ không thể không hành động trước việc phô trương sức mạnh của Trung Quốc.

Nhưng nguy cơ, như Wall Street Journal nhấn mạnh, đó là tổng thống Donald Trump, cũng giống như mọi chính khách khác, trong thế cùng có thể phản ứng thái quá và gây ra rắc rối.




© Anh Vũ
    RFI
    Theo France24.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad