Giờ xin gọi nó là cái “che miệng!” Hay là cái “bịt miệng.” Nó là thứ người ta không thích nhưng vẫn phải đeo; để ngăn không truyền con virus corona trong phổi mình bay qua mũi người khác.
Khi loài virus corona mở cuộc tổng tấn công, nhiều người dân Mỹ đã phản đối chính quyền bắt họ phải “bịt miệng,” theo nghĩa đen.
Nhưng ở nhiều nước độc tài trên thế giới thì người dân đang “bịt miệng” theo nghĩa bóng, cũng vì con vi khuẩn corona.
Một người bị bịt niệng đầu tiên có lẽ là Bác sĩ Lý Văn Lượng. Ông nghĩ rằng bệnh nhân của mình mắc một căn bệnh lạ, một loài vi khuẩn mới xuất hiện. Ông hỏi ý kiến, trên mạng, trao đổi với một số đồng nghiệp. Nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc ra lệnh bịt miệng ông ngay. Bác sĩ Lý Văn Lượng phải công khai tự kiểm thảo, và im tiếng. Sau này Bắc Kinh phong ông làm “liệt sĩ,” gia đình được trợ cấp, giống như các người khác đã chết vì bệnh Covid 19!
Trung Cộng tiếp tục bịt miệng gần 900 triệu công dân mạng trong lục địa. Nhiều thông tin bị đục bỏ ngay khi xuất hiện trên mạng, nếu có những chữ như tên vi khuẩn Coronavirus hay tên Lý Văn Lượng. Giáo sư Thôi Vĩnh Nguyên, dạy Đại học Truyền thông ở Bắc Kinh bàn luận quá nhiều về bệnh Covid 19 với 20 triệu người theo dõi anh, cũng bị bịt miệng. Chương mục của anh trên Weibo, bị đóng cửa.
Các chính quyền độc tài khắp thế giới cũng ra tay bịt miệng những người có ý kiến khác họ, nhân cơn bệnh dịch Covid 19: Đóng cửa báo, cắt các chương mục trên mạng, hoặc bắt bỏ tù.
Ngày Thứ Sáu, 26 tháng 6, mười ba người đã lãnh giải Nobel, 62 cựu lãnh đạo các quốc gia, cùng hơn 400 nhân vật nổi tiếng thế giới trong nhiều lãnh vực đã ký một bức thư ngỏ báo động lý tưởng tự do dân chủ đang bị đe dọa.
Bức thư viết, “Khi tiếng nói của những người dân có tinh thần trách nhiệm bị ngăn chặn thì sẽ gây hậu quả chết người!” Và họ nhắc đến sai lầm của chính quyền Cộng sản Trung Quốc, dù không nêu tên: “Không phải một chuyện tình cờ ngẫu nhiên khi cơn bệnh dịch này khởi đầu từ một quốc gia chủ trương bưng bít không cho thông tin được tự do.”
Cơn Đại Dịch Covid 19 sẽ thay đổi thế giới. Trước mắt, là câu chuyện tương quan giữa người cai trị và dân bị trị.
Các quốc gia được thành lập để bảo vệ người dân trước nạn ngoại xâm, bắt đầu với các lãnh chúa xây dựng thành trì, rồi đến các ông vua chuyên chế. Đó là một thứ “hợp đồng xã hội” hiểu ngầm với nhau, khiến dân chúng phải lặng im chấp nhận, kể cả các bạo chúa.
Nhưng tư tưởng dân chủ tự do đã phát sinh khi mọi người ý thức rằng ngoài mối lo an ninh, trật tự, con người còn cần phải no đủ, sống tự do, bình đẳng và công lý; cho nên người cầm quyền phải bảo đảm các nhu cầu đó. Bản hợp đồng xã hội đã được viết lại, thể hiện trong chế độ dân chủ từ mấy thế kỷ nay.
Cơn bệnh dịch Covid 19 có nguy cơ xóa bỏ bản hợp đồng xã hội đó; không những trong nhiều quốc gia mà còn trên cả việc bang giao quốc tế. Chế độ dân chủ tự do thực sự có ích lợi hay không?
Hiện nay Cộng sản Trung Quốc đang tìm cách tuyên truyền rằng chế độ “Xã hội Chủ nghĩa với Đặc tính Trung Hoa” là ưu việt, đáng làm gương mẫu cho cả thế giới. Họ đưa ra bằng chứng: Trung Quốc đã ngăn chặn được Covid 19 nhanh chóng, kinh tế đã được mở cửa lại sớm hơn nhiều nước dân chủ tự do.
Vì cơn bệnh dịch toàn cầu vẫn đang diễn ra và còn gia tăng, chưa thể kết luận quốc gia nào, hay hệ thống chính trị nào thành công hơn trong công tác ngăn bệnh, cứu dân. Nhưng chỉ nhìn vào những kết quả trước mắt cũng thấy các lời khoe khoang của Bắc Kinh không có cơ sở vững chắc.
Thứ nhất, có các quốc gia dân chủ đã thành công hơn Trung Quốc, như Nam Hàn, Đài Loan, Singapore, Đức, Đan Mạch, Tân Tây Lan, vân vân.
Các nước này đã ngăn coronavirus bằng cách đóng cửa biên giới, thử nghiệm (test) người mắc bệnh, tìm kiếm những ai đã tiếp cận với bệnh nhân, cô lập hóa những người nghi đã nhiễm vi khuẩn. Và không một chính phủ nào tại các nước đó phải tước bỏ các quyền tự do căn bản của người dân, dù chỉ là tạm thời.
Ngày 31 tháng 12, 2019 khi nghe tin một bệnh “cúm mới” xuất hiện ở Vũ Hán, Đài Loan đã yêu cầu mọi cơ sở y tế chuẩn bị. Ngày 2 tháng Giêng 2020, khi Bắc Kinh cho biết mới có mấy trường hợp mắc bệnh (dù con số thực có thể lên mấy trăm ngàn người ở Vũ Hán), Đài Bắc đã huy động Trung tâm Ngăn ngừa Bệnh dịch đứng dầu cuộc phòng ngự, điều hợp hoạt động của các hoạt động y tế công và tư nhân. Họ kiểm soát, khám bệnh những người bay từ Vũ Hán qua, cô lập hóa họ; ra lệnh quân đội sản xuất các dụng cụ y khoa để bảo vệ nhân viên y tế; phổ biến tin tức nhằm giáo dục dư luận về bệnh dịch, ngăn chặn các thông tin sai lạc. Phương tiện, dụng cụ thử nghiệm được sản xuất cấp thời để làm test. Ngày 21 tháng Giêng Đài Loan mới phát hiện bệnh nhân đầu tiên.
Cho đến nay Đài Loan đã làm test cho hơn 76 ngàn người, trong đó chưa tới 500 người bị bịnh. Và chỉ có 7 người dân chết vì Covid 19. Nếu việc chống Covid 19 cũng có hiệu quả như Đài Loan, với tỷ số 7 tử vong trong dân số 23 triệu, thì ở nước Mỹ sẽ chưa tới 100 người chết. Và lục địa Trung Hoa cũng chỉ gần 500 người thiệt mạng chứ không phải gần 5 ngàn người.
Tại các quốc gia dân chủ khác, những nơi mà người dân sẵn sàng tin tưởng vào chính quyền, thì việc chống bệnh dịch cũng thành công. Nhật Bản, Đức, Hồng Kông, Nam Hàn, Singapore đã sản xuất lấy các dụng cụ thử nghiệm. Nam Hàn dựng các trạm làm test ở ngoài đường cho người qua lại ghé vào thử. Đan Mạch và Đức phản ứng nhanh chóng khi nghe tin có bệnh lạ ở Vũ Hán. Cho đến cuối Tháng Ba, hơn triệu người Đức đã được test; ở Bavaria mỗi ngày làm 13 ngàn test, trong đó 11 ngàn làm ở các phòng thí nghiệm tư nhân.
Một sức mạnh của các nước dân chủ tự do là, khi người dân tin tưởng vào chính quyền, thì họ tự động tham gia cùng đề phòng và chống bệnh, không cần bị công an đe dọa. Trong khi các chính phủ độc tài chỉ ra lệnh cho dân và tạo cho người dân thói quen ỷ lại, chờ lệnh “các quan trên” thì các nhà kinh doanh ở các xã hội tự do chạy đua với nhau, mỗi sáng kiến và sáng chế đều được tưởng thưởng bằng lợi tức. Người ta tự đi tìm các phương pháp tốt nhất để ngừa bệnh, chữa bệnh, và các ý kiến hay được truyền bá nhanh chóng.
Những nước thành công nhất trong việc ngăn chặn Covid 19 cũng là những nước sử dụng các kỹ thuật tân tiến nhiều nhất, những kỹ thuật do nền kinh tế tư bản sáng tạo ra và thương mại hóa. Điện thoại di động là một thí dụ.
Chính phủ Nam Hàn yêu cầu dân chúng cài vào điện thoại của mình một cái app để có thể theo dõi và biết những ai đã đến gần một người mới được test và thấy có bệnh. Người bệnh mà đi ra ngoài, xa nơi mình bị cô lập, thì cái cell phone cũng tiết lộ ngay. Cái app của chính phủ Singapore còn tiết lộ trong quá khứ ai đã đến gần một người bị bệnh mà không biết.
Tất cả những cái app như trên có “xâm phạm” vào đời tư của người dân hay không? Chắc chắn là có xâm phạm! Người ta đành phải chấp nhận, cũng như đã chấp nhận nếu mình uống quá nhiều rượu, dù trong lòng tin chắc mình vẫn tỉnh táo, nhưng vẫn không được lái xe! Những điều như vậy đã có sẵn trong bản Hợp đồng Xã hội! Chính phủ Singapore chứng tỏ muốn tôn trọng đời tư của người dân bằng cách, trước khi đặt cái app vào trong điện thoại của dân, đã làm cho những cái app này sẽ tự động “chết” sau thời gian sáu tháng!
Các nước tự do dân chủ trên đây vẫn ngăn ngừa được Covid 19 hữu hiệu mà không cần phải bịt miệng dân.
Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chế độ dân chủ đã hoàn hảo. Cơn đại dịch Covid 19 báo động cho người dân các nước thấy rằng rất nhiều định chế dân chủ đã xây dựng từ mấy trăm năm qua vẫn cần xét lại. Người ta sẽ đặt những câu hỏi: Tại sao các nhà chính trị không đồng tâm được với nhau cùng lo ngăn chặn cuộc xâm lăng của coronavirus? Tại sao chỉ một việc cỏn con là có bịt mũi, che miệng hay không cũng được chính trị hóa và gây chia rẽ đảng này với đảng nọ, đến nỗi có người sách súng bắn chết người? Tại sao cơ quan Phòng Bệnh Quốc Gia đưa ra các khuyến cáo cho dân thi hành để tránh mắc bệnh mà hơn một nửa dân số không thèm nghe theo? Có những câu hỏi quan trọng hơn nữa như: Những người giầu có thể an tâm vì mình bảo hiểm y tế tốt hay không, khi chung quanh mình những người nghèo bị bịnh truyền nhiễm mà không được khám bệnh? Sống tự do có ý nghĩa gì không nếu sức khỏe của người dân không được bảo đảm?
Khi mọi người được lên tiếng đặt những câu hỏi như vậy, thì chúng ta có thể tin tưởng vào tương lai. Một sức mạnh của thể chế dân chủ là nó có khả năng tự kiểm soát, tự thay đổi để sửa chữa các sai lầm. Người dân đóng vai ông bà chủ, mà ông bà chủ nào cũng có lúc quyết định sai.
Các quốc gia dân chủ sẽ cải thiện không ngừng; vì không ai có quyền bịt miệng những người như Bác sĩ Lý Văn Lượng hay Giáo sư Thôi Vĩnh Nguyên! Trong cơn đại dịch mà bịt miệng dân sẽ gây hậu quả chết người!
© Ngô Nhân Dụng
Blog VOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét