Công bố khoa học trên các tập san có bình duyệt là một chỉ số tương đối khách quan phản ảnh tình hình hoạt động khoa học của một quốc gia. Có nhiều nguồn để thẩm định con số này. Nguồn uy tín nhứt là Clarivate, nhưng cách lấy số liệu hơi khó khăn. Nguồn thứ hai kém hơn chút là danh mục Scopus có nhiều tập san hơn, nhưng cũng bao gồm 'vàng thau' trong đó. Dùng con số của Scopus thì chúng ta sẽ thấy Việt Nam tuy có tăng tưởng về công bố khoa học trong thời gian 2010 – 2019 [2], nhưng vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong vùng về lượng lẫn phẩm chất.
Lượng
Năm 2019, Việt Nam công bố được 12475 bài báo khoa học trên các tập san trong danh mục Scopus. Con số này tăng gấp 5.7 lần so với năm 2010, và đó là một tín hiệu rất tích cực. Nhưng chúng ta phải nhìn sang các nước khác nữa để biết mình đang ở đâu.
Trong năm 2019, Mã Lai công bố 36037 bài báo khoa học, cao hơn Việt Nam gấp 2.9 lần. Singapore công bố 23079 bài, Thái Lan thì 19628 bài. Tất cả các nước đó đều hơn Việt Nam. Thật ra, Việt Nam chỉ hơn Phi Luật Tân (5201 bài).
Đặc biệt là Nam Dương chỉ trong năm 2019 công bố 44576 bài, tăng gấp 15 lần so với con số năm 2010! Nam Dương ngày nay đã vượt qua cả Singapore và Mã Lai về số bài báo khoa học. Là người hay theo dõi tình hình, tôi thấy rất ngạc nhiên về trường hợp của Nam Dương, và hi vọng trong tương lai sẽ có thời giờ xem kĩ hơn.
Phẩm chất
Tuy nhiên, đó chỉ là phần lượng, còn phần chất quan trọng hơn, nhứt là muốn trở thành 'hàng đầu'. Phẩm chất khoa học có thể 'đo' qua chỉ số trích dẫn, tuy không chính xác nhưng cũng được. Tuy nhiên, gần đây có hiện tượng tự trích dẫn (self-citation) để nâng cao con số cho mình, nên điều này cũng cần phải xem xét đến.
Năm 2019 các công trình nghiên cứu từ Việt Nam được trích dẫn 12150 lần, nhưng vấn đề là gần 40% con số đó là nhờ tự trích dẫn. Con số trích dẫn độc lập thấp hơn nhiều. Thật ra, tỉ lệ tự trích dẫn của Việt Nam chỉ kém hơn Nam Dương (56%). Còn các nước 'đàng hoàng' khác như Singapore và Thái Lan thì tỉ lệ tự trích dẫn dao động từ 10-23%.
Tóm lại, những dữ liệu về hoạt động khoa học trên cho thấy vị thế của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn trong vùng. Khiêm tốn cả về lượng lẫn chất. Tỉ lệ tự trích dẫn quá cao là điều đáng quan tâm, vì tình hình giống như đi theo vết xe đổ của Tàu (tự mình khen mình). Trong 10 năm qua Việt Nam đã đạt được một sự tăng trưởng về công bố khoa học cao, nhưng đó là vì Việt Nam xuất phát từ cái 'base' thấp hơn các nước như Thái Lan, Mã Lai và Singapore. Việt Nam tăng thì các nước khác cũng tăng, chớ họ đâu đứng một chỗ. Có lẽ Việt Nam chỉ hơn Phi Luật Tân thôi.
Đó là tình hình cả nước, còn chỉ riêng Hà Nội thì chẳng nhằm nhò gì so với Singapore và các thành phố như Kuala Lumpur. Những con số về số đại học và viện nghiên cứu mà ông Huệ đề cập chẳng có ý nghĩa gì. Thật ra, các đại học Việt Nam chưa có mặt trong các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới, trong khi Thái Lan, Mã Lai, Nam Dương, Phi Luật Tân và Singapore đều có đại học hàng đầu ở Á châu. Nghiên cứu cơ bản về y sinh thì Việt Nam chẳng nhằm nhò gì so với Singapore. Do vậy, ước vọng Hà Nội trở thành trung tâm khoa học số 1 của Đông Nam Á có lẽ chỉ là ước vọng thôi. Hiện nay, Việt Nam thậm chí còn không nằm trong radar quan sát của giới khoa học trong vùng. Thay vì tuyên bố quá cao, cách tốt nhứt là tập trung làm cho tốt và có thực chất cái đã.
© GS Nguyễn văn Tuấn
Chú thích:
Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 40 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam, khi trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 7 năm 2020, nhận định liên quan việc này:
“Tôi không biết ông Huệ nói ‘sẽ’ là bao lâu? Là 10 năm, 100 năm hay 1.000 năm... Chứ trong thời gian ngắn hạn trước mắt thì không có cơ sở nào để mà ngành khoa học nói chung của Hà Nội, có thể vượt ví dụ là Singapore... Chỉ một số ngành nào đó thì có thể, ví dụ như toán. Chứ còn nói chung thì không có hy vọng gì, ông Huệ là người lạc quan quá mức, hoặc là ông chỉ nói chuyện đùa vui.”
Trong thời gian ngắn hạn trước mắt thì không có cơ sở nào để mà ngành khoa học nói chung của Hà Nội, có thể vượt ví dụ là Singapore...
-PGS. TS. Hoàng Dũng
Còn Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak - Singapore, nói với Đài Á Châu Tự Do hôm 16 tháng 7 năm 2020, rằng nhận định này là không có cơ sở, ông đưa ra so sánh với Singapore, dù theo ông quy mô quốc gia cũng như dân số của Singapore thấp hơn Việt Nam nhiều:-PGS. TS. Hoàng Dũng
“Ông Bí thư này đang nói một cái việc không đúng, không có cơ sở gì cả. Singapore cũng có một số công ty mang tính khoa học... nhưng là khoa học ứng dụng. Còn Việt Nam thì chưa bao giờ là trung tâm khoa học cả, tất cả các thông số về công trình nghiên cứu, số lượng các nhà khoa học, chất lượng các nhà khoa học thì hai bên khác nhau xa.... trong khi Singapore là nước bé, tổng số người làm việc chỉ 5 triệu trong khi Việt Nam chính mươi mấy triệu. Tỷ lệ nhà khoa học trên dân số của Việt Nam hiện rất thấp, Hà Nội càng rất thấp... cho nên không thể nói như thế được, tôi rất ngạc nhiên về cái đấy.”
Tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, cần có các nhiệm vụ tập trung xây dựng Hà Nội thành trung tâm khoa học với tiềm lực mạnh về nghiên cứu. Ông Huệ nêu lên những điểm cần thảo luận, trong đó tập trung vào cơ chế chính sách khoa học công nghệ mang tính đột phá phù hợp với đặc thù Thủ đô.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học người Việt tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ, từng có nhiều năm hợp tác trong lãnh vực đào tạo tại Việt Nam, cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình, hôm 16 tháng 7 năm 2020:
“Việt Nam mình thấy mấy nhà lãnh đạo hay nói vậy, trước đây thì nói rằng muốn Hà Nội thành cái Paris của Đông Nam Á... bây giờ lại thêm chuyện Hà Nội thành trung tâm khoa học của Đông Nam Á. Tôi thấy cái này nói cho vui thôi, chứ đâu có cơ gì mà nói như vậy. Đâu có một trung tâm nghiên cứu nào ở Hà Nội mà nổi trội đâu? Chỉ có Viện Nghiên cứu Toán học ở Hà Nội là tương đối đắt giá, nhưng muốn thành trung tâm khoa học đâu chỉ toán học, mà còn có những ngành khoa học khác, phải có điều kiện sinh hoạt rộng mở, cởi mở, để đón nhận nhân tài. Tôi biết nhiều sinh viên đi du học, thì rất đông trong số đó không chịu đi về phục vụ tại Hà Nội, cũng như Việt Nam nói chung.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, tại buổi làm việc với Bộ Khoa học và Công nghệ hôm 14 tháng 7 năm 2020. Courtesy most.gov.vn |
“Khoa học chỉ có thể xây dựng trên môi trường trung thực, tôn trọng sự thật, riêng cái này Việt Nam nói chung và đặc biệt Hà Nội chưa có gì sáng tỏ. Cho nên nói thật, tôi nghe như vậy thì tôi cũng rất là mong mỏi, là ông Huệ có thể làm cái gì đó cụ thể hơn, để sớm trở thành hiện thực. Chứ bây giờ tôi thấy nó hoàn toàn tù mù, và không có cơ sở để tôi có thể tin tưởng nó trở thành hiện thực trong một ngày không xa.”
Theo cơ sở dữ liệu của Thomson-Reuters được Viện Thông tin quốc tế ISI trích dẫn, về năng suất nghiên cứu quốc gia, tức số lượng công bố quốc tế trên một triệu dân, thì năm qua Việt Nam thấp hơn Thái Lan 6,5 lần và Malaysia 9.5 lần. Singapore dẫn đầu khu vực về năng suất nghiên cứu quốc gia, cao hơn Việt Nam 170 lần và Indonesia 530 lần. Việt Nam chỉ cao hơn Indonesia và Philippines 3 lần.
Theo ISI, cho tới nay, tổng số công bố quốc tế của cả Việt Nam vẫn còn ít hơn một trường đại học Thái Lan như Chulalongkorn hay Mahidol. Ngoài ra, trong khi các tác giả trong nước của Thái Lan chiếm gần 80%, thì các công bố quốc tế của tác giả trong nước ở Việt nam chỉ là 38%. Trong đó, toán học và vật lý lý thuyết thường là hai lãnh vực có nhiều công bố quốc tế nhất của Việt Nam.
Nếu so sánh trên quy mô quốc gia, Việt Nam còn kém xa các nước trong khu vực, thì sao Hà Nội có thể thành Trung tâm khoa học của Đông Nam Á được?
Khoa học chỉ có thể xây dựng trên môi trường trung thực, tôn trọng sự thật, riêng cái này Việt Nam nói chung và đặc biệt Hà Nội chưa có gì sáng tỏ.
-GS. Nguyễn Đăng Hưng
Tuy nhiên Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, muốn phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của Hà Nội, cần tập trung vào các giải pháp đồng bộ tài chính, đầu tư và huy động nguồn lực xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học công nghệ; các giải pháp thu hút đào tạo đội ngũ nhân lực và tri thức về khoa học công nghệ... Ông cho rằng, cần chú trọng đào tạo, để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước.-GS. Nguyễn Đăng Hưng
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng nhận định thêm:
“Chất lượng đại học của Việt Nam tụt hậu là do Việt Nam đi lạc đường. Người ta không đào tạo con em người Việt theo hướng tự do, đa chiều để họ có thể có đầu óc phản biện và có được tinh thần độc lập. Phải như vậy họ mới có thể sáng tạo và phát minh. Cho nên phải cải tiến môi trường và tư duy giáo dục của nhà chức trách Việt Nam và ban Tuyên giáo Việt Nam. Anh phải làm thế nào để bỏ đi việc dùng trường học làm cơ sở để tuyên truyền chính trị.”
Lý giải nhận định của mình, ông Vương Đình Huệ cho rằng, nhìn vào tiềm lực, Hà Nội có 124 trường đại học, 113 viện nghiên cứu, 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với hàng nghìn doanh nghiệp khoa học và công nghệ tiềm năng. Dù ghi nhận những đóng góp của khoa học và công nghệ vào phát triển, nhưng ông Huệ cho rằng chưa tương xứng với tiềm lực vốn có. Vì vậy ông Huệ muốn Hà Nội trở thành hình mẫu hợp tác giữa địa phương với Bộ Khoa học và Công nghệ để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng.
Tuy nhiên khi trả lời RFA Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, khoảng cách giữa thủ đô Hà Nội và các thành phố phát triển hiện nay đang còn rất xa. Vì vậy đòi hỏi phải cố gắng rất nhiều. Muốn đáp ứng mục tiêu như vậy, theo ông phải có những giải pháp đột phá cụ thể. Ông cho rằng, cần phải có nghiên cứu sâu hơn, để có những biện pháp cụ thể.
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét