Mỹ tố cáo 4 thành viên quân đội Trung Quốc đội lốt nhà nghiên cứu - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2020

Mỹ tố cáo 4 thành viên quân đội Trung Quốc đội lốt nhà nghiên cứu



FBI công bố hình ảnh Juan Tang trong trang phục quân đội Trung Quốc, nhưng đội lốt nghiên cứu sinh tại Hoa Kỳ. (Ảnh: FBI/Davisenterprise)

Bộ Tư pháp Mỹ công bố cáo trạng đối với 4 sĩ quan Trung Quốc đội lốt nghiên cứu sinh ở Hoa Kỳ, và tiếp tục điều tra hàng loạt trường hợp tương tự.

Trong thông báo hôm 23/7, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết 4 nhà nghiên cứu Trung Quốc mới bị phát hiện là người của quân đội và Đảng Cộng sản Trung Quốc cài cắm vào các cơ sở của Mỹ để lấy trộm kiến thức về công nghệ, khoa học.

"Bốn cá nhân này đã bị buộc tội gian lận thị thực liên quan đến việc nói dối về tư cách của họ là thành viên của quân đội Trung Quốc (PLA), để được ở lại nghiên cứu tại Hoa Kỳ. Ba người trong số đó đã bị bắt và Cục Điều tra Liên bang (FBI) đang truy tìm người thứ tư là trú ẩn tại Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco", thông báo viết.

Ngoài các vụ bắt giữ này, FBI gần đây đã thực hiện các cuộc phỏng vấn bổ sung về những người có thị thực bị nghi ngờ có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc tại hơn 25 thành phố của Mỹ.




"Những thành viên của Quân đội Trung Quốc đã nộp đơn xin thị thực nghiên cứu trong khi họ che giấu mối quan hệ thực sự với PLA", Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp John C. Demers nói.

"Đây là một phần trong kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhằm lợi dụng xã hội mở của chúng ta và các tổ chức học thuật. Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành cuộc điều tra này cùng với FBI," Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ nhấn mạnh.

"Hoa Kỳ chào đón sinh viên, học giả và nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới. Thông báo hôm nay cho thấy chính phủ Trung Quốc đã lợi dụng sự cởi mở của nước Mỹ trong một thời gian dài", John Brown, Trợ lý Giám đốc điều hành của Chi nhánh An ninh Quốc gia FBI nói. "Trên khắp nước Mỹ, FBI đã phát hiện ra âm mưu che giấu tư cách thực sự của những nhà nghiên cứu Trung Quốc để lợi dụng Hoa Kỳ và người dân Mỹ".

Những nhà nghiên cứu này có thể đối mặt với án tù đến 10 năm và khoản phạt 250.000 USD cho tội lừa đảo thị thực, theo thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ.

Xin Wang - thiếu tá quân đội Trung Quốc

Wang đến Hoa Kỳ vào ngày 26/3/2019, sau khi nhận được thị thực không di dân J1 vào tháng 12/2018. Đơn xin thị thực của Wang nói rằng mục đích của chuyến đi của anh ta là tiến hành nghiên cứu khoa học tại Đại học California, San Francisco (UCSF).

Nhưng Wang bị cáo buộc đã có những tuyên bố gian lận trong đơn xin thị thực này. Cụ thể, Wang đã từng nói rằng ông từng là Phó giáo sư Y khoa trong Quân đội Trung Quốc (PLA), từ ngày 1/9/2002 đến ngày 1/9/2016.

Trên thực tế, khi các nhân viên của Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới (CBP) thẩm vấn ngày 7/6, Wang đã cung cấp thông tin rằng anh ta hiện vẫn là một kỹ thuật viên "cấp bậc 9" của PLA, được thuê bởi một phòng thí nghiệm của trường đại học quân sự. CBP cũng có được thông tin rằng vị trí của Wang tương đương với cấp bậc Thiếu tá.




Theo các tài liệu của tòa án, Wang vẫn được PLA sử dụng khi anh ta đang học tập tại Hoa Kỳ và Wang đã khai báo sai trong đơn xin thị thực để tăng khả năng được nhận visa J1.

Wang đã cung cấp thông tin cho CBP rằng anh ta được hướng dẫn bởi giám đốc phòng thí nghiệm đại học quân sự ở Trung Quốc, để quan sát cách bố trí phòng thí nghiệm UCSF và tìm cách tái tạo nó ở Trung Quốc. Wang cũng nói rằng anh ta đã sao chép một số nghiên cứu của các giáo sư Mỹ.

Juan TANG - sĩ quan của Không quân Trung Quốc

Tang, một nhà nghiên cứu tại Đại học California, đã nộp đơn xin thị thực J1 không di dân vào ngày 28/10/2019. Thị thực được cấp vào tháng 11/2019, và Tang vào Hoa Kỳ từ ngày 27/12/2019. Tang bị cáo buộc đã có những tuyên bố gian lận trong đơn xin thị thực, khi nói chưa từng làm việc ở PLA.


Trên thực tế, Tang là một sĩ quan của Không quân PLA (PLAAF). FBI đã tìm thấy một bức ảnh của Tang trong trang phục của PLAAF và thông tin về việc làm của Tang tại Đại học Quân y Không quân. FBI thẩm vấn Tang vào ngày 20/6, tuy nhiên cô ta đã phủ nhận.

FBI đang tìm cách bắt giữ Tang, sau khi cô ta trú ẩn tại lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco.

Chen SONG - làm việc cho Không quân Trung Quốc

Theo bản khai, Song, 38 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, đã nộp đơn xin thị thực không di dân J1 vào tháng 11/2018. Cô đã đến Hoa Kỳ vào ngày 23/12/2018.

Trong đơn xin thị thực, trả lời câu hỏi "Bạn đã từng phục vụ trong quân đội chưa", Song tuyên bố rằng cô ấy chỉ phục vụ trong quân đội Trung Quốc từ ngày 1/9, đến hết ngày 30/6/2011. Cô cũng nói rằng hiện đang làm việc cho Bệnh viện Xi Diaoyutai. Song mô tả bản thân là một nhà thần kinh học đến Mỹ để nghiên cứu tại Đại học Stanford chuyên về bệnh não.

Cáo buộc cho rằng đây là những lời nói dối, và Song là thành viên của PLA khi cô vào Hoa Kỳ. Bản khai xác định bốn bài báo nghiên cứu mà cô là đồng tác giả, trong đó cho thấy Song có liên kết với các đơn vị của Không quân PLA. Ngoài ra, kể từ ngày 13/7, một trang web chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc đã liệt kê Song là một bác sĩ của Khoa Thần kinh của Bệnh viện Đa khoa Không quân PLA, và kèm theo một bức ảnh Song đang mặc đồng phục quân đội.




Ngoài ra còn nhiều chứng cứ khác về việc Song làm việc cho Không quân PLA. Song đã bị bắt vào ngày 18/7.

Kaikai Zhao - làm việc cho Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc

Zhao, một sinh viên nghiên cứu về máy học và trí tuệ nhân tạo tại Đại học Indiana, đã nộp đơn xin thị thực không di dân F1 vào tháng 6/2018. Trong đơn xin thị thực, Zhao nói chưa từng phục vụ trong quân đội.

Nhưng trên thực tế, Zhao phục vụ trong Đại học Công nghệ Quốc phòng, tổ chức nghiên cứu khoa học và giáo dục hàng đầu của PLA, trực thuộc Ủy ban Quân sự Trung ương của Trung Quốc. Zhao cũng từng học tại Đại học Hàng không (AUAF), một học viện quân sự Trung Quốc. Sinh viên AUAF là những thành viên nghĩa vụ quân sự tích cực, được huấn luyện quân sự.

Ngoài ra, FBI cũng tìm thấy hình ảnh Zhao trong trang phục của quân đội Trung Quốc. Zhao bị bắt vào ngày 18/7.

Tháng trước, giám đốc FBI Christopher Wray cho biết gần một nửa trong số 5.000 điều tra tình báo mà cơ quan này đang thực hiện là có liên quan đến Trung Quốc.

Đại sứ quán Trung Quốc chưa đưa ra bình luận về diễn biến mới nhất.


© Nguyễn Sơn
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad