Phim lịch sử chiến tranh cổ trang là một trong những chủ đề vô cùng "hot" với những khán giả mê điện ảnh. Những khung cảnh chiến tranh đại cảnh khốc liệt, hoành tráng luôn làm phấn khích mọi thế hệ người xem. Các nhà làm phim Hollywood cũng như điện ảnh Hoa Lục nhiều năm qua đã đem đến cho khán giả rất nhiều siêu phẩm mô tả về chiến tranh, những cảnh quay kinh điển như thế, cho đến nay vẫn còn chưa hết hấp dẫn...
Tuy nhiên người viết cho rằng những bộ phim đó vẫn còn chưa đủ cấp độ, nhất là khi họ thiếu những trận chiến tuyệt vời nhất thế giới diễn ra ngay tại Việt Nam, vùng đất đã từng khuất phục biết bao danh tướng xâm lược và các vương triều lừng danh thế giới. Lịch sử nước ta với mấy nghìn năm chống lại các thế lực xâm lược binh hùng tướng mạnh, nếu vận dụng tốt ''đại phim trường" này, bảo đảm cũng có thể cho ra lò những trận đại chiến vô cùng kinh điển. Vậy nếu những trận chiến Đại Việt được chọn làm phim trong các siêu phẩm bom tấn thì sẽ ra sao nhỉ? Chúng ta hãy cùng nhau thả sức tưởng tượng các trận chiến lừng danh sử Việt sẽ như thế nào khi thay thế cho các siêu phẩm bom tấn của Mỹ và Trung Quốc...
600 - The impossible war: 600 - Cuộc chiến bất khả thi
Nếu như Phần 2 của bộ phim 300 kể về cuộc hải chiến khốc liệt của quân Hy Lạp chống lại quân xâm lược Ba Tư thì phần 2 của phim 600 sẽ kể về trận tập kích thủy công bộ chiến kinh điển đánh tan toàn bộ quân xâm lược Nguyên Mông trên đất Đại Việt. Là chiến công nối tiếp lấy lại giang sơn, trả thù cho trận đánh hy sinh oanh liệt của 600 tướng sĩ Thánh Dực Dũng Nghĩa Binh và tướng quân Trần Bình Trọng.
Bối cảnh và cốt truyện:
Sau nhiều cuộc rượt đuổi bất tận xuyên khắp đất nước phương Nam nhỏ bé mà vẫn không bắt được nhà vua Đại Việt và đánh tan quân chủ lực như ý đồ ban đầu, các tướng lãnh Nguyên Mông bắt đầu thấy bất an. Đặc biệt là sau trận chiến bi tráng trong phần 1 với đạo quân Thánh Dực tử sĩ kỳ lạ kia, họ dần nhận ra một sự thật đáng sợ, bản thân dường như không còn là một thợ săn nữa mà đang biến thành một con mồi trong cái lồng to lớn là cả cái đất nước khó chịu này. Những “con mồi” kia vốn đã bị đánh tan tác trong các lần đọ sức trước không hiểu sao nay lại dần dần tụ tập lại đông hơn gấp 10 lần. Họ có mặt ở khắp nơi, nhẹ nhàng siết chặt tấm lưới để tiêu diệt các “thợ săn”. Đúng như câu thơ của nhà vua Trần Nhân Tông đã viết:
“Cối Kê việc cũ ngươi nên nhớ
Hoan Diễn vẫn còn mười vạn quân”...
Tuy nhiên các danh tướng dày dạn trận mạc Nguyên Mông cũng không hề đơn giản. Quân Nguyên Mông đã quyết định biến đổi chiến lược đánh nhanh thắng nhanh thành đánh chắc tiến chắc. Với một lực lượng quân sự khổng lồ, họ đã chia quân ra thành nhiều đồn lớn từ Thăng Long dọc theo sông Hồng ra đến biển, khống chế chắc chắn một nửa nước ta trong tay, chờ đợi đoàn quân Toa Đô từ phía Nam trở ra hội quân xong sẽ cùng nhau bình định Đại Việt. Đây quả là một kế hoạch đầy khả thi với quân Nguyên Mông và vô cùng nguy hiểm đối với quân Đại Việt. Trong khi đó, vua quan nhà Trần và đại quân đã hoàn toàn lui vào Nam đóng tại Thanh Nghệ. Do đó một chiến dịch mạnh mẽ tập kích để đập tan sự khống chế này mới có thể đẩy lùi quân xâm lăng khỏi bờ cõi.
Đập nát một đạo quân đồn trú phòng thủ vững chắc, quân số đông hơn 5 lần (500 nghìn quân và dân phu so với 10 vạn quân) với trang bị vũ khí mạnh mẽ hơn quả là một thử thách lớn. Đây đúng là một trận chiến bất khả thi. Một “Mission impossible of war” vậy.
Đại cảnh chiến đấu chính:
Để khai thông "tử huyệt" của đất nước lúc đó là con sông Hồng đang bị quân Nguyên chiếm giữ, nhà Trần đã dùng đến quân bài mạnh nhất trong tay, đội thủy quân hùng mạnh trứ danh với truyền thống vinh quang từ thời nhà Lý trước đó trăm năm. Do đó chuỗi chiến trận Hàm Tử - Chương Dương - Vạn Kiếp, diệt gọn đạo quân Mông Nguyên khét tiếng chính là thể loại thủy quân bộ chiến và tập kích thuộc hàng kinh điển xứng tầm siêu phẩm trong lịch sử quân sự thế giới.
Trận Hàm Tử:
Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật phụng mệnh dẫn hai vạn đại quân chia thành 4 đạo tập kích quân Nguyên đóng tại Hàm Tử. Bốn cánh quân Đại Việt cả thủy lẫn bộ đã diệt gọn căn cứ Hàm Tử khiến cho quân của Toa Đô (Sogetu) không hội quân được. Sau đó ít ngày, đoàn quân của Toa Đô từ biển tiến vào sông Thiên Mạc để hội quân với Thoát Hoan mà không biết định mệnh bi thảm đang chờ đợi mình...
“Chiêu Thành vương, Trần Quốc Toản dồn đám giặc còn sống sót lên bờ. Trong bãi rậm rạp đầy lau sậy, cỏ lác, quân ta đã phục chờ. Trận giao chiến cuối cùng của mặt trận Tây Kết xảy ra trên bãi Màn Trò. Đây là trận Nguyễn Khoái, Chiêu Thành vương, Trần Quốc Toản quyết đánh trả thù cho người anh hùng Trần Bình Trọng, cách đây đúng 5 tháng đã bỏ mình trên doi đất này.
Quân ta đánh quyết liệt, giặc không chống đỡ được, cũng không chạy được. Vì vậy kẻ nào không chịu hàng tất phải bỏ mạng. Biết không chạy thoát, dù chỉ còn vài chục dặm nữa là tới Thăng Long, nhưng tổng quản nhà Nguyên là Trương Hiển buộc phải đầu hàng. Mặt y xám ngoét, hai tay run run bê chiếc mũ Tổng binh cùng thanh gươm và ấn tướng, trao tận tay quân ta.
Tới nửa chiều thì giặc tan. Chiến trường lặng ngắt, không một âm thanh. Trên mặt sông lập lờ trôi những cán giáo gẫy, những áo quần, cờ xí, những mảnh buồm, những ván thuyền, và đó đây những chiếc thuyền chìm còn thoi thóp ngoi lên chiếc cột buồm đơn côi, như những nén hương khổng lồ cắm rải khắp một quãng sông dài, tựa như một bãi tha ma dưới nước. Và dòng sông đỏ lựng màu máu cứ lững lờ trôi xuôi.” (Trích tiểu thuyết “Thăng Long nổi giận”- Hoàng Quốc Hải).
Cũng tại trận chiến khốc liệt này, Nguyên soái Toa Đô, dũng tướng nổi danh nước Nguyên, đã mất mạng sau một cuộc tỷ thí võ công nghẹt thở trên chiến thuyền với thiếu niên anh hùng Trần Quốc Toản:
“Thình lình Toa Đô xả một chiêu rất thô kệch. Vương phi Ý Ninh đứng lược trận, nhắc con: – Kiếm pháp Hồi cương. Bất đắc dĩ Quốc Toản phải trực diện đỡ. Chát một tiếng, kiếm của Toa Đô bị đứt tận chuôi. Biết nguy, y lao đầu vào Quốc Toản, hai tay bóp cổ Hầu [Hầu - tên gọi khác của Trần Quốc Toản]. Lúc tay y vừa mới dơ lên, Hầu xỉa kiếm vào nách phải y. Kiếm xuyên thủng áo giáp từ ngực xéo xuống bụng. Quá đau, y bóp cổ Hầu. Bạch viên ở trên cao thấy chủ lâm nguy, nó nhảy xuống, tay xáng một côn vào lưng Toa Đô. Bốp, xương sống Toa Đô bị dập, y buông Quốc Toản ra, người lảo đảo. Hầu rút kiếm khỏi thân y, đưa một nhát, đầu y rơi xuống đất.” (Trích tiểu thuyết “Gươm thiêng Hàm Tử” - Trần Đại Sĩ).
Trận Chương Dương:
Đây là căn cứ thủy quân lớn nhất, đồn trú lực lượng quân Nguyên tinh nhuệ đông đảo nhất, đồng thời cũng là lá chắn bảo vệ cho Thoát Hoan lúc này đang đóng ở Thăng Long. Thượng tướng Thái sư Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải đích thân chỉ huy chiến dịch lớn này. Ông cùng Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản và Phạm Ngũ Lão thân dẫn thủy quân tinh nhuệ cùng đoàn thiết kỵ binh thần tốc đánh gục đoàn quân đông đảo nhưng tinh thần rệu rã của Thoát Hoan.
Các dũng sĩ thiết kỵ binh Thánh Dực Quân với trường mâu, giáp sắt và lực cơ động mạnh mẽ đã nhanh chóng đánh gục quân kỵ binh Mông Cổ vốn đã thoi thóp sau nhiều đợt tổn thất trước đó. Trận đánh kỵ chiến vỗ mặt này đã mở toang căn cứ Chương Dương trên bộ, tạo điều kiện cho thủy quân Đại Việt áp sát tràn lên chiếm lĩnh trận địa từ sau lưng địch. Quân Mông Cổ tại chỗ hầu như đã tan rã sau đợt cường công mạnh mẽ hai mặt đó. Các binh đoàn Thánh Dực hùng dũng tiến thẳng về Thăng Long.
Thoát Hoan nghe tin thất trận lập tức thân dẫn đại quân ra khỏi thành chi viện cho Chương Dương thì trúng phải phục kích của quân Đại Việt do Trần Quang Khải dày công sắp đặt từ trước. Hai mặt giáp công, sức ép của đoàn thiết kỵ Thánh Dực và hạm đội thủy quân khổng lồ hừng hực khí thế xung sát đến đã khiến đạo quân cứu viện của Thoát Hoan hoàn toàn bị tiêu diệt. Thoát Hoan và các tướng lãnh phải dẫn tàn quân tháo chạy nhục nhã khỏi Thăng Long.
Trần Quang Khải dẫn đoàn quân khải hoàn khôi phục kinh đô, đã để lại những vần thơ bất hủ:
“Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm Tử quan
Thái bình tu trí lực
Vạn cổ thử giang san.”
(Tụng giá hoàn kinh sư).
Trận chung kết Vạn Kiếp:
Trấn Nam Vương Thoát Hoan khó khăn lắm mới đưa hết tàn quân chạy khỏi Thăng Long về đến biên giới. Càng gần đến biên giới, đạo quân Nguyên Mông tả tơi càng nhẹ lòng. Tuy nhiên họ đã lầm, xưa có câu “quả báo nhãn tiền” thực đúng vậy, ngay trận địa Vạn Kiếp mà mới năm ngoái họ còn vênh váo đánh tan quân nhà Trần dễ dàng thì nay lại trở thành tử địa cho toàn quân. Than ôi đường về cố quốc sao mà xa xôi quá:
“Thoát Hoan mới đưa được hơn hai chục vạn quân qua sông Bình Giang, tiền quân gần tới ải Nội Bàng thì bị quân Đại Việt chặn lại. Viên hữu thừa A-ba-tri với năm ngàn kỵ binh cùng hàng vạn quân bộ theo sau, đánh nhau từ sáng tới quá trưa vừa đói vừa mệt mà tiền quân không nhúc nhích được bước nào, đôi ba phen bị đẩy lùi rồi người chết, ngựa chết lăn quay. Xác người, xác ngựa chồng đống lên nhau ngáng trở đường quân đi. Thấy tiền quân không nhích lên được, Thoát Hoan sai Áo-lỗ-xích phái thêm viện binh hợp lực với A-ba-tri để thoát khỏi Nội Bàng mới có đường chạy tiếp về đất Trung Hoa. Thấy có quân tiếp viện, A-ba-tri gom nhanh số quân còn lại thúc chúng tiến lên. Nhưng xem ra cả người và ngựa đều đói và đã mệt nhoài, quân uể oải không đứa nào chịu tiến. Để làm gương cho binh sĩ, A-ba-tri hét một tiếng thật to rồi bấm ngựa lao về phía trước. Quả nhiên đám kỵ binh đều lao theo chủ tướng.
Quân Đại Việt ngăn cản quyết liệt, không biết họ ở đâu và từ đâu bắn ra, chỉ biết bốn phía, phía nào cũng có tên bay về phía kỵ binh Mông Cổ. Cùng một lúc A-ba-tri trúng ba mũi tên độc. Một mũi cắm trên đỉnh đầu, một mũi xuyên từ cổ ra phía sau gáy, mũi thứ ba xoáy vào đùi sau khi đã xuyên thủng lớp quần da. Loáng một cái mặt A-ba-tri đã sưng húp lên, da tím đen văng từ trên mình ngựa xuống chết không kịp ngáp. Quân Nguyên hoảng hốt, người ngựa lùi lại rất xa. Chúng vón lại với nhau như một bầy kiến gặp nước, chứ không dám tản ra hai bên đường là những rừng cây rậm rạp tối om. Trong khi đó, tiếng trống đồng, tiếng tù và, tiếng kèn vẫn cứ sôi sục từ mọi phía khiến tâm thần quân giặc càng thêm bấn loạn.
Thấy tình thế nguy ngập, bình chương chính sự Áo-lỗ-xích cùng mấy ngàn quân tinh nhuệ phải luôn đi sát để hộ vệ Thoát Hoan. Viên thần nỗ Giả Nhược Ngu xông xáo chống đỡ, che chắn cho chủ tướng và y không dám rời khỏi Thoát Hoan nửa bước. Các viên vạn hộ hầu Lưu Thế Anh, Đa-ra-tri dấn quân lên, chúng phải liều chết mở đường máu mới dẫn được Thoát Hoan qua cửa tử Nội Bàng. Vừa qua Nội Bàng được vài dặm thì được tin quân Đại Việt đã án ngữ dày đặc ở cửa quan Nữ Nhi và núi Khâu Cấp. Trên một trăm dặm đường thiên lý không nơi hiểm yếu nào là không có quân Đại Việt mai phục, còn hố bẫy ngựa thì rải rác không biết đâu mà lường. Sự thật số ngựa sa hố kéo theo cả người rải khắp dọc đường không phải là ít.
Quân Nguyên đã bỏ đường Khâu Ôn, nay lại bỏ cả đường Khâu Cấp tìm qua đường Đơn Kỷ để vượt về Tư Minh qua ngả Lộc Châu. Nhưng không một nơi nào giặc tìm được sự yên ổn. Ngay cả các đầu mục người man, lúc giặc mới vào họ cho quân tản vào rừng, nay họ cũng tập hợp lại đón đánh quân giặc bằng mọi loại khí giới mà họ được triều đình cung cấp hoặc họ tự chế ra. Xác giặc rải trên đường vô số kể. Bị đánh ở bất cứ chỗ nào, chúng đều liều chết cướp lấy đường mà chạy, chứ không dám dừng lại giao tranh hoặc chia quân vây hãm đối phương như hồi chúng mới đem quân vào đất Giao Châu cách đây mới có hơn ba tháng.
Vừa qua Đơn Kỷ được vài dặm thì trời đổ tối, cũng là lúc giặc rơi vào ổ phục kích của quân ta. Tại đây không có lửa đốt, không có tiếng trống tiếng kèn thôi thúc, chỉ có sự tĩnh lặng đến ghê rợn. Con đường độc đạo heo hút len lách một bên là rừng rậm một bên là vách núi tối om như một chiếc bẫy khổng lồ. Tiếng ngựa thở phì phì, tiếng chân giẫm đạp của đoàn quân trên lớp lá khô mục đều bị rừng đêm nuốt chửng. Mấy chục vạn quân như một con rắn khổng lồ mà đầu, mình nhiều khúc đã bị băm vằm cứ oằn mình trườn đi chậm chạp...
Bỗng một tiếng nổ đinh tai, ánh sáng lóe lên như một tia chớp rồi tiếng tên vun vút lao tới. Vậy là bị đánh tạt sườn tại khúc giữa đoàn quân. Giặc hốt hoảng cắm đầu chạy. Bước qua xác nhau mà chạy. Giẫm đạp lên cả những đứa bị thương đang kêu cứu mà chạy. Đang bám riết phía sau Thoát Hoan, Giả Nhược Ngu nghe thấy tiếng xé gió. Biết mũi tên sẽ bay thẳng vào Thoát Hoan, y rướn lên nửa bước ngựa để kịp đưa thân mình ra chắn. Mũi tên xuyên trúng bả vai viên thần nỗ. Khen thay Giả Nhược Ngu có cái tai thần, ngay trong đêm tối cũng “nhìn rõ” đường bay của mũi tên. Đúng là Giả Nhược Ngu có lòng xả thân cứu chủ, nếu không Thoát Hoan đã phải đền tội ác. Vạn hộ Lưu Thế Anh cùng tả thừa Đa-ra-tri dẫn quân liều chết mở đường máu mới thoát ra được. Chạy được khoảng nửa dặm đường, Giả Nhược Ngu níu áo Thoát Hoan nói giọng thều thào:
“Trấn Nam vương bảo trọng!”... Viên thần nỗ gục chết trên lưng ngựa. Thoát Hoan sai quân mang xác Giả Nhược Ngu đi theo và bắt phải giữ lại bộ cung tên mà vị thần nỗ thường dùng”.
(Trích tiểu thuyết “Gươm thiêng Hàm Tử” - Trần Đại Sĩ).
Mời xem toàn bộ: Phần 1, Phần 2 và Phần 3 (Kết)
© Minh Bảo
NTDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét