Trung cộng đang lo CSVN kiện - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

Trung cộng đang lo CSVN kiện


...tương lai của đảng CSVN là lý do chính làm cho đảng đắn đo, chần chừ, không dứt khoát kiện Trung Cộng chứ không phải vì lý do nào khác...


Hình minh họa: vanews tổng hợp

Hãy tưởng tượng Trung Cộng bất ngờ đem hải quân ra đảo Thitu Island, Philippines gọi là Pag-asa để tàn sát 64 người Philippines như họ đã làm đối với Gạc Ma của Việt Nam.

Hãy tưởng tượng tàu chiến Trung Cộng đuổi theo và giết chết bảy ngư dân Philippines như họ đã làm đối với bảy ngư dân Thanh Hóa trước đây.

Hãy tưởng tượng hải quân Trung Cộng liên tục đánh chìm các ghe đánh cá của ngư dân Philippines như họ đã tháng này qua tháng nọ, năm này qua năm khác, đánh chìm ghe đánh cá của ngư dân Việt Nam, trong đó sự kiện mới nhất xảy ra đầu tháng 4, 2020 khi ghe của tám ngư dân bị đâm thủng.

Nếu Trung Cộng làm như vậy đối với Philippines xung đột vùng Đông và Nam Á Châu đã bùng nổ. Khó tiên đoán mức độ bùng nổ vì sẽ có nhiều nước tham gia nhưng cục diện Đông Nam Á hôm nay đã thay đổi nhiều.

Không. Trung Cộng chưa hề đối xử với Philippinnes như vậy. Trung Cộng , một nước lớn nhiều tiền của nhưng có một giới lãnh đạo hèn hạ, chỉ cướp đất đai của những nước nhỏ thế cô dần dần cho đến khi các nước nhỏ này cạn kiệt.

Tại sao trước cũng như sau vụ kiện 2016, Trung Cộng không dám có những hành động tương tự với Philippines?




Bởi vì Philippines, không chỉ là một quốc gia dưới chế độ cộng hòa, dân chủ, độc lập, chủ quyền mà còn có trong tay vũ khí hữu hiệu nhất đó là phán quyết thắng kiện do Tòa Trọng Tài Thường Trực (the Permanent Court of Arbitration, PCA ) công bố ngày 12 tháng 7, 2016.

Để tránh nhầm lẫn trong cách gọi một số tổ chức, người viết xin nhắc lại vài kiến thức và nguyên tắc căn bản của vụ Philippines kiện Trung Cộng.

Ngày 22 tháng 1, 2013, Cộng Hòa Philippines dựa vào Điều 287 (chọn thủ tục) và Phụ lục số Bảy (Annex VII) của Công Ước Liên Hiệp Quốc Về Luật Biển (United Nations Convention on the Law of the Sea, UNCLOS) để nộp đơn lên Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển (The International Tribunal on the Law of the Sea, ITLOS) tố cáo Trung Cộng vi phạm UNCLOS đối với Philippines và thách thức cái gọi là “Quyền lịch sử” của Trung Cộng trên Biển Đông.

ITLOS là tòa án được UNCLOS thành lập để giải quyết các tranh chấp quốc tế trong tinh thần của UNCLOS trong đó có tranh chấp về luật biển.

PCA là Tòa Trọng Tài Thường Trực, tổ chức cung cấp các dịch dịch vụ, trong trường hợp này là tiến hành, thực hiện các thủ tục tố tụng, điều hợp các tiện nghi, công bố các phán quyết của ITLOS.

Theo thủ tục kiện, mỗi bên có quyền đề cử hai trong số năm thẩm phán trọng tài dựa theo danh sách thẩm phán trọng tài của Liên Hiệp Quốc. ITLOS chọn thẩm phán trọng tài thứ năm. Ngày 22 tháng 1, 2013 chính phủ Philippines trao cho đại sứ Trung Cộng tại Philippines một công hàm ngoại giao trong đó trình bày lý do Philippines kiện Trung Cộng lên ITLOS và trọng tài thứ nhất Philippines chọn là luật gia người Đức Rüdiger Wolfrum. Ngày 19 tháng 2, 2013 Trung Cộng thông báo cho chính phủ Philippines biết Trung Cộng sẽ không tham gia vụ kiện. Vì Trung Cộng tránh nên các trọng tài còn lại đều do chủ tịch ITLOS đề cử. Nhắc lại, chủ tịch ITLOS trong thời gian đó lại là Shunji Yanai, người Nhật. Vì không tham gia nên Trung Cộng không có quyền đề cử thẩm phán trọng tài, không có luật sư biện hộ. Kết quả như cả thế giới đều biết hôm nay, Philippines chẳng những thắng phần mình mà còn làm toàn bộ cái gọi là “quyền lịch sử” dựa theo bản đồ do Trung Cộng vẽ trở thành tờ giấy lộn. (Mời đọc thêm các chi tiết case 2013-19 trên trang nhà của PCA)




Dù lên tiếng phủ nhận và tiếp tục mạnh miệng về cái gọi là “quyền lịch sử”, Trung Cộng biết vụ kiện của Philippines là một thất bại đắng cay.

Thất bại của Trung Cộng phát xuất từ các lý do: (1) cơ chế chính trị chủ động cách hành xử các tranh chấp quốc tế , (2) lý luận “quyền lịch sử” chỉ tác động trong đầu óc cực đoạn đại Hán tại lục địa Trung Cộng nhưng không thể dùng thuyết phục các luật gia quốc tế, (3) Trung Cộng không chuẩn bị thủ tục pháp lý cho vụ kiện và (4) bản chất thủ đoạn và cơ hội của giới lãnh đạo Trung Cộng làm họ quá lo sợ không dám đương đầu ngoài ánh sáng.

Lấy cuộc đàm phán thương mại với Mỹ làm ví dụ. Trong vòng đàm phán đầu Trung Cộng chấp nhận gần hết các điều kiện do Mỹ đưa ra. Khi mang hồ sơ về nhà nghiền ngẫm, phái đoàn Trung Cộng mới nhận tranh chấp mậu dịch không giống như trong phim cao bồi “bắn chậm thì chết” mà Mỹ cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn. Sau đó Trung Cộng thay đổi nhiều điều khoản trước khi hai bên thỏa thuận hoàn tất giai đoạn thứ nhất vào đầu tháng 12, 2019.

Trung Cộng tỏ ra bối rối khi nhận công hàm báo tin khởi kiện của Philippines. Hầu hết các cuộc đàm phán lãnh thổ giữa Trung Cộng và các quốc gia có xung đột biên giới như Liên Sô, Bắc Hàn v.v.. đều là các đàm phán song phương. Kết quả các cuộc đàm phán này không dựa trên luật quốc tế mà dựa trên mối quan hệ chính tri giữa hai bên trong thời điểm đó. Nhu cầu chính trị ảnh hưởng lớn trong các quyết định của giới lãnh đạo Trung Cộng.

Với võ khí thắng kiện, trong tháng 6, 2020, chính phủ Philippines, hoàn tất kế hoạch hiện đại hóa đảo Thitu thành một cơ sở dân sự và cả quân sự. Tuy không lớn và không mạnh như các căn cứ quân sự của Trung Cộng trên biển Đông nhưng Philippines muốn chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền.

Bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana phát biểu khi đến thăm đảo vào tháng 4, 2020: “Đại sứ Trung Cộng có tiếp xúc và yêu cầu ông không ra thăm đảo, lý do, các quốc gia khác cũng sẽ làm tương tự.” Dĩ nhiên Delfin Lorenzana không nghe lời đại sứ Trung Cộng.

Theo Lorenzana, đề án tân trang đảo Thitu bắt đầu khoảng nửa năm sau khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực công bố kết quả vụ án do Philippines đệ trình lên Tòa Án Quốc Tế về Luật Biển trong đó Philippines thắng lớn.

Dù ngoài miệng tiếp tục phủ nhận giá trị của phán quyết, Trung Cộng trong thực tế đã thừa nhận Philippines thắng kiện.




Hai bằng chứng cụ thể: (1) Các tàu chiến Trung Cộng thường xuyên qua lại gần đảo Thitu, cách đảo nhân tạo Subi Reef do Trung Cộng chiếm chỉ 16 dặm nhưng không dám có hành động gây hấn nào. (2) Trung Cộng thay đổi chiến lược khi áp dụng một khái niệm mới có tính cách hành chánh gọi là Tứ Sa thay cho “đường chín gạch” theo bản đồ họ đã vẽ trước đây không còn giá trị về mặt công pháp quốc tế.

Việc Philippines thắng kiện tạo một tiền lệ thuận lợi cho các quốc gia tranh chấp Biển Đông, nhất là Việt Nam.

Lo sợ viễn ảnh thua kiện, Trung Cộng vừa đe dọa trừng phạt kinh tế vừa nêu ra những điểm khó của CSVN chẳng hạn như cái gọi là “công hàm Phạm Văn Đồng”.

Từ nhiều năm, “công hàm Phạm Văn Đồng” đã được đem ra bàn thảo, xào nấu không biết bao nhiêu lượt nhưng vụ kiện của Philippines cho thấy các luật gia quốc tế phân tích, đánh giá và quyết định bao trùm mọi góc cạnh pháp lý chứ không dựa vào cảm tính hay lý lẽ hạn hẹp từ một phía. Trung Cộng sẽ trừng phạt kinh tế ? Giả thiết là sẽ có nhưng Trung Cộng không chỉ là nguồn cung cấp duy nhất cho kinh tế Việt Nam và trong quan hệ mậu dịch song phương thiệt hại không chỉ một bên nào phải chịu.

Hôm 20 tháng 6, 2020 vừa qua, Ngô Sỹ Tồn (Wu Shicun), Chủ tịch Viện Nghiên Cứu "South China Sea" đặt tại thủ phủ Hải Khẩu tỉnh Hải Nam trong bài viết đăng trên tờ South China Morning Post cho rằng Trung Cộng có thể sẽ không nhắm mắt làm ngơ nếu CSVN đưa đơn kiện Trung Cộng trước tòa án quốc tế. Ngô Sỹ Tồn cảnh cáo “Thật sai lầm nếu nghĩ rằng Trung Cộng sẽ biểu hiện sự xót thương chỉ vì hai nước có cùng cơ chế CS.”

Nhắc lại vấn đề cơ chế CS, Ngô Sỹ Tồn, chuyên gia về lịch sử đảng CS Trung Quốc, muốn nhấn mạnh đến mối quan hệ lý luận, tư tưởng và tổ chức giữa hai đảng CS.

Mà thật vậy, tương lai của đảng CSVN là lý do chính làm cho đảng đắn đo, chần chừ, không dứt khoát kiện Trung Cộng chứ không phải vì lý do nào khác.

Kiện Trung Cộng là chặt chiếc cầu quan hệ, là phát động cuộc chiến tranh biên giới lần thứ hai, chỉ khác với lần trước, lần này CSVN tuyên chiến.


© Trần Trung Đạo
    FB_TTĐ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad