Trung Quốc: Virus Corona đang làm suy mòn “Con đường tơ lụa mới” như thế nào? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 16 tháng 7, 2020

Trung Quốc: Virus Corona đang làm suy mòn “Con đường tơ lụa mới” như thế nào?


Nguồn: Jean-Raphaël Chaponnière, Chine: comment le virus corona sape les “Nouvelles Routes de la Soie” | Asialyst, 27/06/2020.

Trong quý đầu của năm 2020, số lượng những dự án được dán nhãn “Con đường tơ lụa mới” đã giảm 15,6%. (Nguồn: Asia Society)

Tiếp sau sự sụt giảm đáng kể các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, sự tài trợ vào những dự án được dán nhãn “Con đường tơ lụa mới” cũng đã giảm mạnh kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng virus corona. Xu hướng lâu dài hay gián đoạn tạm thời?

Năm 2020, hai cột trụ của toàn cầu hóa đã sụp đổ. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) dự đoán kim ngạch thương mại thế giới sẽ giảm 30%, một mức giảm chưa từng có tiền lệ kể từ năm 1945. Tổ chức Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD, United Nations Conference on Trade and Development), cơ quan đo lường các luồng đầu vào và đầu ra của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), và thực hiện khảo sát các doanh nghiệp lớn về ý định đầu tư của họ, dự báo là sau khi giảm từ năm 2015 và phục hồi nhẹ vào năm 2019, các nguồn vốn FDI sẽ co lại 40% vào năm 2020 và, lần đầu tiên kể từ năm 2005, sẽ giảm xuống dưới mốc 1.000 tỷ US$. UNCTAD dự báo nguồn vốn FDI sẽ còn giảm thêm (từ 5 đến 10%) vào năm 2021.

Diễn biến này liên quan đến Trung Quốc. Từ năm 2010 đến năm 2019, quốc gia này đứng thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ về các luồng đầu vào nguồn vốn FDI – trung bình 122 tỷ US$ mỗi năm – và đứng thứ ba về các luồng đầu ra nguồn vốn FDI sau Hoa Kỳ và Nhật Bản – trung bình 129 tỷ US$. Trong quý đầu năm 2020, trong khi Trung Quốc tiếp tục thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, thì nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài đã sụp đổ cùng với các khoản vay mà các ngân hàng Trung Quốc được phép tài trợ cho các dự án của “Con đường tơ lụa mới”, “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” hay BRI, theo tên gọi chính thức.




Trung Quốc vẫn thu hút các công ty nước ngoài

Lợi ích của các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc không suy yếu, theo các phân tích của Rhodium. Một minh họa gần đây là việc Telsa, nhà chế tạo lớn nhất của Mỹ, khởi động xây dựng nhà máy sản xuất ô-tô điện được dự kiến ​​từ năm 2018. Đây là khoản đầu tư được gọi là đầu tư “sáng tạo” hay đầu tư “greenfield” theo tiếng Anh[*], đầu tư một nhà máy mới, là loại hình đầu tư phổ biến nhất ở Trung Quốc, quan trọng hơn rất nhiều so với các hình thức sáp nhập và mua lại. Trong mười năm qua, số tiền đầu tư của các hình thức sáp nhập và mua lại đã tăng trung bình từ 20 đến 25 tỷ US$ một năm ở Trung Quốc, và năm 2019 đã tăng lên 35 tỷ US$. Năm 2020, trong khi số tiền đầu tư trong lãnh vực nói trên đang giảm trên thế giới, thì Covid-19 đã không làm gián đoạn động thái này ở Trung Quốc. Trong năm tháng đầu tiên, các thương vụ sáp nhập và mua lại của nước ngoài đạt 9 tỷ US$, vượt xa các thương vụ tương đương của Trung Quốc ở nước ngoài.

Lý giải như thế nào về xu hướng nói trên? Các doanh nghiệp nước ngoài bị thu hút bởi sức tiêu dùng của tầng lớp trung lưu – ví dụ như Pepsi đã mua lại Be & Cheery. Họ cũng nắm bắt những cơ hội được nới rộng từ các biện pháp tự do hóa bằng cách mua lại cổ phần từ các đối tác của mình – vì thế, Volkswagen đã nắm quyền kiểm soát Tập đoàn ô-tô Anhui Jianghuai với giá 1 tỷ USD. Cuối cùng, họ tìm cách mua cổ phần của các doanh nghiệp Trung Quốc đã phát triển trong ngành công nghệ – cũng chính Volkswagen đã mua lại 26% vốn của một nhà chế tạo pin.

Đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc sụp đổ

Đầu tư ở nước ngoài của Trung Quốc đạt đỉnh điểm 196 tỷ US$ vào năm 2016. Các luồng vốn đáng kể này đôi khi che giấu các luồng vốn trái phép – tiền tiết kiệm của những người giàu nhất [Trung Quốc] được đầu tư vào lĩnh vực bất động sản của Mỹ. Kể từ cuối năm 2016, chính quyền Trung Quốc đã phản ứng lại bằng các biện pháp kiểm soát vốn. Các luồng vốn ra nước ngoài đã giảm còn 143 tỷ US$ vào năm 2018 và 116 tỷ US$ vào năm 2019. Với sự xuất hiện của Covid-19, các luồng vốn đó gần như đã dừng lại trong quý đầu của năm 2020.




Diễn biến tương tự cũng xảy ra đối với các luồng vốn nước ngoài dưới hình thức các khoản tín dụng và hiếm khi là các hình thức FDI – vốn từng tài trợ cho các dự án BRI trải rộng trên 68 quốc gia. Các luồng vốn đó đạt đỉnh điểm từ năm 2015 đến năm 2016. Theo chuyên gia về kinh tế Trung Quốc Bùi Mẫn Hân (Mixin Pei), Bắc Kinh lúc đó không hề biết gì về tất cả những số tiền đã chảy ra khỏi đất nước: khoản cho vay của các tổ chức công, của các doanh nghiệp nhà nước hoặc của các doanh nghiệp tư nhân, không phải tất cả đều được ghi vào sổ sách. Người ta chỉ phát hiện ra vấn đề khi các nước gặp phải những vấn đề giống như Venezuela. Một nhóm các nhà nghiên cứu, trong đó có Carmen Reinhart, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới kể từ ngày 15 tháng 6 vừa qua, đã tổng hợp hàng ngàn khoản cho vay của Trung Quốc kể từ năm 1949, tượng trưng cho một số dư nợ là 530 tỷ US$. Họ kết luận: có 200 tỷ US$, tức gần một nửa số dư nợ, mà các định chế tài chính quốc tế không hề hay biết. Một tình huống đáng lo ngại, bởi vì điều kiện của các khoản cho vay này (lãi suất, thời hạn) gần giống với các khoản cho vay thương mại hơn là các khoản cho vay của các ngân hàng phát triển.

Sự sụp đổ trong việc tài trợ BRI: hãy để cơn bão đi qua?

Các khoản tài trợ cho dự án BRI cũng không miễn nhiễm với Covid-19. Sau khi sụt giảm vào năm 2017 và phục hồi vào năm 2018, các khoản tài trợ đó đã giảm trong quý đầu của năm 2020. Theo báo cáo của Refinitiv được tạp chí Asia Nikkei Review trích dẫn, số lượng các dự án được dán nhãn BRI đã giảm 15,6%, từ 218 dự án trong quý đầu năm 2019 còn 184 dự án trong quý đầu năm 2020, và giá trị của các dự án đã giảm 64%, từ 386 tỷ US$ còn 137 tỷ US$.




Đó là những dự án được công bố, nhưng chưa triển khai. Việc hồi hương người lao động Trung Quốc đã làm hoãn lại việc triển khai thực hiện: ví dụ, dự án xây dựng tàu điện ngầm Hà Nội đã bị chậm trễ rất lâu. Nhiều dự án lớn đã bị từ bỏ: các nhà máy nhiệt điện Hamrawien ở Ai Cập và Gazaria ở Bangladesh, cũng như cảng Bagamoyo ở Tanzania trong đó có một điều khoản thuê lại trong 99 năm mà “chỉ một kẻ say rượu mới có thể ký”, theo lời của vị tổng thống mới của nước này. Ở Nigeria, quốc hội đã thông qua một đạo luật yêu cầu rà soát lại tất cả những dự án do Trung Quốc tài trợ.

Trung Quốc sẽ phải đối mặt với yêu cầu gia hạn nợ ngày càng tăng. Ngày 17 tháng 6, tại hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Châu Phi về cuộc chiến chống lại Covid-19, Tập Cận Bình đã tuyên bố hủy bỏ các khoản hoàn trả nợ với lãi suất bằng không trong năm nay và yêu cầu các ngân hàng tiến hành đàm phán các khoản cho vay thương mại một cách thân thiện. Việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại làm tăng thêm những khó khăn của BRI, vốn rất quan trọng đối với chủ tịch Trung Quốc, và Bắc Kinh sẽ không từ bỏ – trừ khi Tập Cận Bình bị mất quyền lực, một điều rất khó xảy ra. Ván cược của Trung Quốc rất đơn giản: một khi cuộc khủng hoảng kết thúc, các dự án sẽ tiếp tục và sẽ đảm bảo cung cấp các tiêu trường cho ngành công nghiệp Trung Quốc.


© Jean-Raphaël Chaponnière
    Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
    Phân Tích Kinh Tế
Nguồn: Jean-Raphaël Chaponnière, Chine: comment le virus corona sape les “Nouvelles Routes de la Soie” | Asialyst, 27/06/2020.

Giới thiệu tác giả

Jean-Raphaël Chaponnière là thành viên của nhóm Asie21 (Futuribles) và là cộng sự nghiên cứu tại Asia Centre [Trung tâm châu Á]. Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với Marc Lautier: “Economie de l’Asie du Sud-Est, au carrefour de la mondialisation” [Kinh tế Đông Nam Á, ở ngã tư toàn cầu hóa] (Bréal, 2018) và “Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché [Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường]” (Armand Colin, 270 trang, 2014).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad