Tuyên truyền về chủ quyển biển, đảo của Việt Nam ‘bị động’ trước Trung Quốc? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 26 tháng 7, 2020

Tuyên truyền về chủ quyển biển, đảo của Việt Nam ‘bị động’ trước Trung Quốc?



Nhóm khách du lịch Trung Quốc mặc áo thun có in hình "đường lưỡi bò" tại nơi làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Cam Ranh, Khánh Hoà. (Ảnh minh họa chụp trước đây)



Thực tế trong thời gian qua cho thấy Việt Nam thường xuyên phải đối phó trước những sự việc đã rồi liên quan đến chủ quyền Biển Đông. Có thể kể đến những vụ như đoàn du khách Trung Quốc mặc áo có in bản đồ hình lưỡi bò xuống tại Sân Bay Cam Ranh, nhiều du khách Trung Quốc nhập cảnh với hộ chiếu có in hình lưỡi bò…

Việt Nam còn lơ là cảnh giác trong vấn đề tuyên truyền, đến độ hình đường lưỡi bò bị sót ngay cả trong những tài liệu phổ biến ở Việt Nam, như trong giáo trình “Luyện kỹ năng đọc hiểu Tiếng Hoa” tồn tại ở Việt Nam nhiều năm mới được phát hiện.

Trong khi đó, về mặt nổi việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc có thể thấy có chủ trương, có đường lối cụ thể. Điều này khiến nhiều người nêu câu hỏi cho rằng, liệu có phải Việt Nam thua Trung Quốc hoàn toàn trên mặt trận tuyên truyền về chủ quyền biển đảo?

TQ mạnh hơn VN gấp ngàn lần trong vấn đề tuyên truyền, về bài báo khoa học quốc tế, về chiếm lĩnh tất cả các hội nghị quốc tế, thì TQ là thượng thừa, trong khi VN đếm trên đầu ngón tay.

-NNC Đinh Kim Phú

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 7 năm 2020 liên quan vấn đề này, Thạc sĩ Hoàng Việt, một nhà nghiên cứu biển Đông lâu năm, nói:

“Để mà so sánh thì phải nắm tường tận công việc của hai bên, nhưng hầu như hai bên đều giữ bí mật nên khó so sánh. Nhưng nếu chỉ nhìn bề nổi, thì Trung Quốc họ tuyên truyền rất bài bản và rộng khắp, từ các nhà khoa học, dân thường, cho đến các hoạt động sản xuất, hoặc các nhà ngoại giao... đều như là sứ giả, để mang thông điệp của Trung Quốc về vấn đề biển Đông đi khắp nơi.”

Còn đối với Việt Nam thì theo Thạc sĩ Hoàng Việt tiềm lực nhỏ hơn, xuất hiện trong giới khoa học cũng như cộng đồng quốc tế cũng không nhiều bằng Trung Quốc. Ông nói tiếp:




“Cho nên rõ ràng việc tuyên truyền ra tầm thế giới, cũng như thị trường Việt Nam thì các hàng hóa... hay bị Trung Quốc gài vào trong đó, cũng khiến cho Việt Nam lúng túng, trong khi Trung Quốc chủ động trong việc này, còn Việt Nam thì bị động chạy theo. Còn tuyên truyền nói chung thì Việt Nam cũng có tuyên truyền của mình, tuy nhiên mức độ hiệu quả như thế nào cũng khó đánh giá, vì chưa có một tổng kết chính xác để đánh giá.”

Một ví dụ mới nhất về việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc, là vào ngày 16 tháng 3 năm 2020, trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Ý đăng tải 2 hình ảnh với ý nghĩa là, Ý đã giúp Trung Quốc trong dịch SARS hồi năm 2008, Bắc Kinh không bao giờ quên và đến giờ là lúc Trung Quốc giúp lại Ý trong dịch COVID-19.


Tuy nhiên, cư dân mạng Việt Nam phát hiện một trong hai bức họa có bản đồ Trung Quốc kèm theo đường lưỡi bò (đường chữ U, đường 9 đoạn) do nước này tự vẽ ra bao trùm toàn bộ Biển Đông. Trong đó có cả bản đồ Đài Loan được đính kèm và tô cùng màu đỏ ngầm khẳng định Đài Loan thuộc về Trung Quốc.

Đến ngày 20 tháng 3 năm 2020, như thường lệ các phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Việt Nam lại cho phát đi phát lại cái mà nhiều người trong nước ví như ‘đoạn băng rè’ như: ...Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán... Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa... cũng như chủ quyền các vùng biển phù hợp với luật pháp quốc tế... Do đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ tại Biển Đông...


Hai hình bản đồ với đường chín đoạn ở Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ ra Courtesy of FB Chinese Embassy in Italy

Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh, cựu Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Lạt, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 7 năm 2020 liên quan vấn đề này, nhận định:

“Theo tôi Việt Nam ở trong thế bị động, cho nên rất khó đối phó với họ. Mà cái bị động này ngay từ thời kỳ tranh chấp biên giới trên bộ, thì Việt Nam đã thất thế ngay từ thời đó... Và hiện nay chúng ta đối phó vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển vẫn theo kiểu cũ đó, thì ta vẫn thất thế thôi. Nếu muốn giải quyết vấn đề này thì rất khó, tôi nghĩ phải có sự thay đổi về đường lối ngoại giao, bởi vì tuyên truyền dựa vào đường lối ngoại giao.”

Nhưng Nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh cho rằng, hiện nay đường lối ngoại giao của Việt Nam vẫn không thay đổi, vẫn ở trong thế bị động. Trong khi Trung Quốc đã có chủ trương từ rất sớm, từ những năm 1950 - 1951, từ Hội nghị San Francisco, khi đó Trung Quốc đã có đường lối nhất quán. Còn Việt Nam theo ông, nếu không thay đổi thì kế hoạch tuyên truyền sẽ vẫn ở trong thế bị động như vậy mà thôi.




Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định thêm:

“Thật ra tuyên truyền tốt nhất là không nói gì cả, bởi vì có sao nói vậy là được. Và quan trọng là lẽ phải thuộc về Việt Nam nhiều hơn trong tranh chấp biển Đông. Còn Trung Quốc thì mặc dù họ mạnh, nhưng họ thiếu chính nghĩa, cho nên có tuyên truyền kiểu gì chăng nữa thì nó chỉ được một phần. Tuy nhiên, như đã nói, tuyên truyền chỉ là phần nhỏ, quan trọng là phải đưa những thông tin về tranh chấp biển Đông cho tất cả mọi người trên khắp đất nước Việt Nam thì nó tốt hơn.

Ngoài ra, theo Thạc sĩ Hoàng Việt, việc cần phải truyền tải thông tin về các chính sách của Việt Nam đến với cộng đồng quốc tế, thì Việt Nam làm chưa được tốt và vẫn còn một số hạn chế trong việc này.

TQ họ tuyên truyền rất bài bản và rộng khắp, từ các nhà khoa học, dân thường, cho đến các hoạt động sản xuất, hoặc các nhà ngoại giao... đều như là sứ giả, để mang thông điệp của TQ về vấn đề biển Đông đi khắp nơi.

-Thạc sĩ Hoàng Việt

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Đài Á Châu Tự Do hôm 24 tháng 7 năm 2020 liên lạc Nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, và được ông cho biết như sau:

“Trung Quốc mạnh hơn Việt Nam gấp ngàn lần trong vấn đề tuyên truyền, về bài báo khoa học quốc tế, về chiếm lĩnh tất cả các hội nghị quốc tế, thì Trung Quốc là thượng thừa, trong khi Việt Nam đếm trên đầu ngón tay. Riêng tại Việt Nam, tuyên truyền phục vụ theo chiến dịch, ví dụ có sự cố gì trên Biển Đông thì mới tiến hành. Nếu tôi nhớ không lầm dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quỹ tuyên truyền biển đảo là 180 tỷ. Nhưng như tôi là một nghiên cứu tự do, cũng như Thạc sĩ Hoàng Việt, Anh Phạm Hoàng Quân, Anh Lê Vĩnh Trương... không có một đồng bạc nào trong vấn đề tuyên truyền biển đảo.”

Nhưng theo Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, vấn đề tuyên truyền biển đảo không phải ai cũng tuyên truyền được, không phải mấy ông báo viên hay dư luận viên, mà phải là những người chuyên sâu và sống chết vì đất nước này, biển đảo này. Vì bất cứ một chữ viết nào, lời nói nào thì Trung Quốc đều ghi nhận, để rồi mai sau nếu ra các Tòa án Quốc tể để xử vấn đề tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và Trung Quốc, thì Trung Quốc họ có rất nhiều dữ kiện chứng minh rằng... các nhà nghiên cứu, quan chức, dư luận viên của Việt Nam đã nói như vậy... thì sẽ như thế nào? Ông nói tiếp:

“Tuyên truyền biển đảo không có nghĩa là đi triển lãm bản đồ. Bản đồ chỉ có giá trị nếu đi theo tất cả các văn bản của nhà nước, các hội nghị mà phù hợp công pháp quốc tế. Tuyên truyền biển đảo là phải làm sao cho cả thế giới biết rằng, chính nghĩa thuộc về Việt Nam, có nghĩ rằng Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển phụ cận, thuộc về Việt Nam, phù hợp công pháp quốc tế, hay luật biển của LHQ năm 1982.”

Theo Nhà nghiên cứu biển Đông Đinh Kim Phúc, tuyên truyền không phải là quan điểm, và đó là điểm yếu nhất của chính quyền Việt Nam trong vấn đề tuyên truyền về chủ quyền biển đảo hiện nay.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad