Ai ký sinh ai? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Ai ký sinh ai?


...Thật ra không phải Anh Quang là người duy nhất đọc lời giới thiệu cho phóng sự này mà còn một người khác trên hệ thống VTV cũng đọc y khuôn. Như vậy có thể khẳng định người viết những câu chữ này là lãnh đạo hay ít nhất cũng là thủ trưởng của chương trình...


Trong bản tin Tài chính - kinh doanh sáng 17-8 phát sóng trên VTV1, biên tập viên gọi người bán hàng rong là "sống ký sinh trùng" trên đường phố. Ảnh chụp màn hình VTV1

Khi nhân dân được xem là ký sinh trùng thì phản ứng dữ dội là lẽ đương nhiên, nhất là đối với mạng xã hội, nơi mà thông tin xuất hiện và được nhân rộng nhanh như sấm chớp.

Trang Facebook bỗng dưng không còn Covid, không còn đám tang lãnh tụ, không còn Biển Đông hay Hong Kong…chiếm lĩnh hầu hết hiện nay là khuôn mặt điển trai của anh BTV Anh Quang của VTV1 với bản tin tài chính kinh doanh sáng ngày 17 tháng 8 năm 2020 trong đó có câu giới thiệu cho một chương trình phóng sự về hàng rong tại tp HCM như sau:




“Dịch covid 19 đã khiến cho những con phố du lịch hay chủ yếu phục vụ khách nước ngoài đến thành phố HCM trở nên tiêu điều và khi những con phố không còn sức sống như gánh hàng rong vốn được xem là sống ký sinh trùng bên trên những con phố này sẽ tồn tại ra sao?”

Câu hỏi đặt ra cho mọi người là tại sao anh chàng BTV này lại sử dụng một cụm từ hỗn hào như thế trong khi tướng mạo của anh ta không phải là kẻ thiếu giáo dục đến nỗi không hiểu “ký sinh trùng” là gì.

Thật ra không phải Anh Quang là người duy nhất đọc lời giới thiệu cho phóng sự này mà còn một người khác trên hệ thống VTV cũng đọc y khuôn. Như vậy có thể khẳng định người viết những câu chữ này là lãnh đạo hay ít nhất cũng là thủ trưởng của chương trình. Căn cứ vào chỗ ngồi của anh ta có thể giả định hai trường hợp: thứ nhất anh ta mua chức nhưng dốt nát, thứ hai anh ta có học và hiểu nghĩa của từ “ký sinh trùng” nhưng vẫn áp dụng vào người bán hàng rong vì trong tiềm thức anh ta cho rằng mình đang mặc áo cổ cồn và có quyền bực bội, khinh bỉ và tuôn ra nhóm từ làm cho dư luận nổi sóng.

Từ câu nói này nảy sinh một câu hỏi khác: Có phải quả thật những người bán hàng rong là sống ký sinh lên người khác, hay nói rõ hơn là ký sinh trên hệ thống chính quyền để họ phải bực mình mà nói lời khốn nạn như vậy?


Dĩ nhiên là không, bởi gánh hàng rong là hình thái của nền kinh tế gia đình, từ cái gánh ấy là công sức, mồ hôi, tiền bạc và thời gian mà đôi khi cả gia đình phải bỏ ra như một cách đầu tư kiếm sống. Nếu là người bán bún thì họ phải đi chợ mua hàng, thức rất khuya để nấu bún, nước lèo, nhặt rau quả và vội vàng gánh ra phố bán cho những người cũng nghèo khổ không khác gì họ.

Sự thực này đối lập rất rõ những hình ảnh khác cũng lồ lộ trên đường phố khắp mọi nơi trên đất nước, đó là những quan lớn lẫn bé ngồi trong phòng máy lạnh, áo cổ cồn, nhìn dân bằng nửa con mắt, làm việc qua loa rồi còn tụ tập ăn nhậu hoành tráng trong các nơi kín đáo nhưng đầy vi khuẩn của lòng tham từ những đồng tiền đút lót.

Những đồng tiền mà họ vơ vét lấy ra từ đồng thuế của những người bán hàng rong trước cơ quan mà họ đang ngồi.

Cao hơn một cấp là những chữ ký của cấp bộ, cấp trung ương. Họ ký cho những dự án, những đặc khu, những khu công nghiệp hay chí ít là những mảnh đất vàng của người dân với danh nghĩa phát triển. Những chữ ký làm Thủ Thiêm rướm máu, làm Vũng Án đặc mùi xú uế, làm Hà Nội, Sài Gòn ngập nước, làm đường cao tốc xe chưa chạy đã vênh. Những chữ ký ấy lấy đồng tiền của cả nước trong đó không ít từ những gánh hàng rong nghèo khó.




Ăn dày và bí hiểm hơn là những đồng tiền rút ra từ ngân sách nhà nước để nuôi một hệ thống ăn theo. Chúng là những đơn vị nhà nước dưới cái tên Hiệp hội như Hội Phụ nữ, Hội bảo vệ trẻ em, Hội nhà văn, Hội nông dân…lãnh lương hàng ngàn tỷ nhưng chưa hề có một việc làm nào được báo chí vinh danh.

Nhưng đau lòng nhất cho các bà, các mẹ, các chị hàng rong là đồng tiền gia đình của họ đang bị lấy ra đóng trực tiếp cho Đảng Cộng sản Việt Nam sinh hoạt. Họ sinh hoạt hàng tuần, hàng quý, hàng năm…và họ rất hãnh diện về nhửng sinh hoạt ấy và gọi chúng là đại hội.

Với người sống là thế, bọn ký sinh ấy còn bám vào người chết nữa.

Đám tang của lãnh tụ nào cũng vĩ đại nhưng có thực sự họ yêu mến lãnh tụ đến mức xếp hàng cả ngày hay không? Khó nói lắm, nhất là người dân vẫn nhận xét rằng họ đang bám vào xác chết để kiếm điểm với cơ quan. Vậy là ký sinh trên xác chết.

Người bán hàng rong không thể ký sinh bằng chữ ký, bằng đại hội, bằng xác chết. Vậy thì ai mới là ký sinh đúng nghĩa? Chắc phải đợi VTV làm một phóng sự khác có cái tựa rất hấp dẫn: Ai ký sinh ai?


Trong bản tin Tài chính - kinh doanh sáng 17-8 phát sóng trên VTV1, biên tập viên gọi người bán hàng rong là "sống ký sinh trùng" trên đường phố.


© Cánh Cò
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad