Kể từ những năm 1940, đồng đô la Mỹ vẫn luôn là đồng tiền thống trị, trong khi với đồng euro và đồng nhân dân tệ bị tụt lại phía sau về dự trữ ngoại hối toàn cầu.
Gần đây, các động thái của Washington nhằm trừng phạt các quan chức Trung Quốc về những vi phạm đàn áp dân chủ và nhân quyền, càng làm nổi bật thêm sức mạnh của đồng đô la Mỹ.
Điều khiến Bắc Kinh ‘ganh ghét’ chính là sự thống trị của đồng đô la Mỹ
Điều khiến Bắc Kinh “ganh ghét” chính là sự thống trị của đồng đô la Mỹ trên thế giới, và Trung Quốc đã cố gắng trong hơn một thập kỷ qua để làm suy yếu vai trò của đồng đô la Mỹ trong thương mại và đầu tư toàn cầu.
Các nhà phân tích cho biết mong muốn của Trung Quốc trong việc “truất ngôi” "đồng tiền dự trữ chính của đồng đô la Mỹ" khó có thể trở thành hiện thực.
Sự khó chịu của Trung Quốc với đồng đô la Mỹ gần đây đã trở nên gay gắt hơn khi Washington có các động thái nhằm trừng phạt các quan chức Trung Quốc và Hong Kong tham gia vào việc đàn áp dân chủ ở Hong Kong; đồng thời đe dọa trừng phạt các tổ chức tài chính có giao dịch với những cá nhân này, bao gồm trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam.
Sức mạnh này của Washington bắt nguồn từ sự thống trị của đồng đô la Mỹ, khiến Trung Quốc có rất ít lựa chọn để "đánh trả". Trong một kịch bản cực đoan, Mỹ có thể "cắt" các doanh nghiệp và ngân hàng Trung Quốc tiếp cận với Hệ thống thanh toán bằng đô la Mỹ
Điều này có thể được xem là “đòn sấm sét” làm gián đoạn nghiêm trọng dòng chảy thương mại và đầu tư xuyên biên giới của Trung Quốc.
Trung Quốc cũng không hài lòng với “đặc quyền quốc tế” mà Washington được hưởng khi đồng đô la Mỹ đóng vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế chính, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiến hành nới lỏng tiền tệ để giải quyết các vấn đề kinh tế trong nước, như đã làm trong năm nay, vốn là “một cách hiệu quả” để làm suy yếu tiền tệ.
Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, cũng cảnh báo rằng đợt “kích thích” chưa từng có này có thể đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác.
Tài sản ở nước ngoài và hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ bị mất giá
Mối quan tâm của Guo xuất hiện sau khi Mỹ cung cấp hàng nghìn tỷ đô la Mỹ kích cầu để thúc đẩy nền kinh tế đối mặt với cuộc khủng hoảng viêm phổi Vũ Hán. Các chương trình mua chứng khoán và bơm tiền vào hệ thống tài chính của FED - còn được gọi là nới lỏng định lượng - đã khiến bảng cân đối kế toán của nó tăng từ 4 nghìn tỷ USD vào giữa tháng 3/2020 lên khoảng 7 nghìn tỷ USD vào tháng 8/2020.
Sự suy yếu của đồng đô la Mỹ trong những tháng gần đây - chỉ số đô la Mỹ đã mất khoảng 11% kể từ mức đỉnh vào cuối tháng 3/2020 - "đặc biệt so với đồng euro" - đã làm Bắc Kinh gia tăng thêm lo ngại rằng tài sản ở nước ngoài và hơn 1 nghìn tỷ đô la Mỹ dự trữ ngoại hối sẽ bị mất giá.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích khác cho rằng, vị thế của đồng đô la Mỹ khó có thể thay đổi trong thời gian tới vì một số ưu điểm mà các đồng tiền khác chưa thể sánh được.
Đồng đô la Mỹ được coi là tiền tệ dự trữ và tài chính của thế giới, hoàn toàn do các yếu tố quy luật
Cho dù Bắc Kinh có cố gắng vượt qua đồng đô la Mỹ bằng cách nào, thì vai trò chủ đạo trên toàn cầu của đô la Mỹ vẫn được đảm bảo trong tương lai gần.
Đối với Trung Quốc, thực tế phũ phàng sẽ tiếp diễn: nước này vẫn còn quá ít “quân bài” nếu Mỹ hạn chế quyền tiếp cận của các ngân hàng Trung Quốc theo luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt lên Hong Kong, các nhà phân tích cho biết.
Cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Hoa Kỳ Mark Sobel, người hiện là chủ tịch Diễn đàn Các Định chế Tài chính và Tiền tệ Chính thức Hoa Kỳ - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, cho biết suy đoán về sự sụp đổ của đồng đô la Mỹ khiến nó mất vị trí tiền tệ dự trữ quốc tế là “cực kỳ viển vông và không thể tin được”.
Theo Sobel, Mỹ vẫn có thị trường vốn sâu nhất và thanh khoản nhất trên thế giới, hệ thống tài chính của nước này linh hoạt và có một “sức nặng” toàn cầu để hỗ trợ việc tiếp tục sử dụng đô la Mỹ.
“Đồng đô la Mỹ không trở thành tiền tệ dự trữ và tài chính của thế giới do một quy định hay được ai đó được tuyên bố như vậy. Nó xảy ra do các yếu tố quy luật - một nền kinh tế sôi động rộng lớn, thị trường vốn thanh khoản sâu và quyền sở hữu mạnh mẽ. Những đặc điểm này sẽ không được nhân rộng ở những nơi khác trong thập kỷ tới”, ông Sobel nói thêm.
Đô la Mỹ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế vào năm 1944 sau Hiệp định Bretton Woods. Ngày nay, nó vẫn chiếm khoảng 62% dự trữ ngoại hối của thế giới - mặc dù con số này đã giảm so với mức đỉnh là 85% vào những năm 1970 - tiếp theo là đồng euro ở mức khoảng 20%, theo IMF.
Đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế, và đặc biệt là các ngân hàng trung ương quản lý dự trữ ngoại hối, nắm giữ đô la Mỹ có nghĩa là nắm giữ Chứng khoán kho bạc Hoa Kỳ.
Trong trường hợp của Trung Quốc, số liệu mới nhất cho thấy 58% dự trữ ngoại hối của Trung Quốc tính đến cuối năm 2015 được giữ bằng đô la Mỹ.
Barry Eichengreen, giáo sư kinh tế tại Đại học California, Berkeley, và là cựu cố vấn chính sách cấp cao của IMF, cho biết đồng đô la Mỹ mạnh lên trong bối cảnh virus Corona Vũ Hán lây lan khắp thế giới vào tháng 3/2020, vì đây là “kênh trú ẩn an toàn” gắn kết với Kho bạc Hoa Kỳ; và nó bắt đầu giảm giá sau khi FED cung cấp thanh khoản vào thị trường tài chính bắt đầu từ tháng 5/2020.
Trung Quốc bắt đầu hành động để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ
Trung Quốc bắt đầu hành động để giảm bớt sự phụ thuộc vào đô la Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, với việc Bắc Kinh thúc đẩy việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch xuyên biên giới.
Tuy nhiên, vì đồng nhân dân tệ không được chuyển đổi tự do, nó không phải là một giải pháp thay thế cho đồng đô la Mỹ.
Cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên cũng đã đưa ra ý tưởng sử dụng quyền rút vốn đặc biệt, một đơn vị kế toán tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), để thay thế một số chức năng nhất định của đồng đô la Mỹ.
Trong động thái mới nhất, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hiện tại Yi Gang đã viết trong một bài báo trên tờ Financial Times vào tháng trước, rằng IMF nên phân bổ quyền rút vốn đặc biệt cho các nước thành viên để giúp chống lại tác động của dịch Covid-19 đối với kinh tế toàn cầu; mặc dù vậy, có rất ít cập nhật mới về đề xuất này.
Triển vọng đồng nhân dân tệ thay thế đồng đô la Mỹ chỉ là ‘ảo tưởng’
James McCormack, người đứng đầu về xếp hạng quốc gia và siêu quốc gia toàn cầu tại Fitch Ratings, nói rằng rõ ràng các nhà hoạch định chính sách ở một số quốc gia có mong muốn hạn chế sự thống trị của đồng đô la Mỹ, nhưng sự thay đổi thực sự vẫn chưa có tác dụng.
Trong khi các nhà kinh tế nói chung đồng ý rằng xác suất đồng đô la Mỹ bị dịch chuyển là không đáng kể trong ngắn hạn, liệu nó có khả năng xảy ra trong dài hạn hay không sẽ phụ thuộc một phần vào sự xuất hiện của một “giải pháp thay thế khả thi”, nhưng hiện không có đối thủ được coi là một lựa chọn thay thế.
Triển vọng đồng nhân dân tệ thay thế đồng đô la Mỹ với tư cách là đồng tiền dự trữ của thế giới vẫn nằm ngoài khả năng.
Tỷ trọng nhân dân tệ dự trữ của các ngân hàng trung ương toàn cầu chỉ chiếm khoảng 2%, trong đó 1/4 là do Nga nắm giữ. Moscow cũng “khuyến khích” Bắc Kinh quyết đoán hơn trong việc thách thức vai trò thống trị của Washington trong nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc nỗ lực trong ‘vô vọng’ nhằm thoát khỏi quỹ đạo của đồng đô la Mỹ
“Thực sự là không có thị trường nào ở Châu Âu đủ lớn để hấp thụ một dòng tiền lớn từ Kho bạc [Hoa Kỳ]. Tình hình tài chính bất ổn vào tháng 3/2020 cho thấy một thời kỳ khốn khó thực sự, bạn vẫn cần đô la Mỹ. Và các ngân hàng trung ương châu Á đang quay trở lại thị trường, mua đô la Mỹ để giữ cho đồng tiền của họ không tăng giá. Đồng đô la không có bất kỳ nguy cơ nào mất vị trí là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới”, nhà kinh tế Setser cho biết.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thoát khỏi quỹ đạo của đồng đô la Mỹ chỉ mang lại những kết quả hạn chế.
Tại Hong Kong, vào năm 2013 Bắc Kinh đã hy vọng rằng tiền gửi bằng đồng nhân dân tệ ở đây sẽ nhanh chóng vượt qua 3 nghìn tỷ nhân dân tệ. Tuy nhiên, vào cuối tháng 6/2020, tiền gửi bằng nhân dân tệ chỉ còn 639,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 92,5 tỷ USD); giảm 7,9% so với một năm trước đó, theo Cơ quan tiền tệ Hong Kong.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cố gắng xây dựng một liên minh để "chống đô la hóa", bằng cách ký kết các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với các ngân hàng trung ương bao gồm Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và Belarus.
Theo Nikkei Asia Review, Nga và Trung Quốc cũng đã tiến hành kế hoạch "không đồng đô la Mỹ", cắt giảm đáng kể việc sử dụng đô la Mỹ trong thương mại song phương trong vài năm qua, giảm xuống mức thấp kỷ lục 46% trong quý đầu tiên của năm 2020.
Nhưng tỷ trọng thanh toán quốc tế của đồng nhân dân tệ vẫn chưa đến 2% vào tháng 7/2020, rất nhỏ so với tỷ trọng hơn 40% của đô la Mỹ, tiếp theo là đồng euro vào khoảng 32%, theo SWIFT - mạng lưới chính được các ngân hàng trên toàn cầu sử dụng để thực hiện các giao dịch tài chính.
“Liệu có một sự thay thế thực sự cho đồng đô la Mỹ? Kết quả tốt nhất mà Trung Quốc có thể có không phải là lật đổ đồng đô la Mỹ mà là tìm cách tự bảo vệ [khỏi quyền bá chủ của nó].
“Ví dụ, Trung Quốc có thể giảm nắm giữ tài sản bằng đô la Mỹ của mình… nhằm có ít tài sản hơn mà Mỹ có thể thu giữ. Đó là một chiến lược chạy trốn khỏi nó thay vì thách thức nó”, nhà kinh tế Trung Quốc Yu nói thêm.
© Thiện Nhân
NTDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét