Giải mã một hiện tượng truyền thông ở Việt Nam - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 17 tháng 8, 2020

Giải mã một hiện tượng truyền thông ở Việt Nam



Hình minh hoạ. Người dân làm lễ kỷ niệm cuộc chiến biên giới Việt - Trung hôm 17/2/2016 ở Hà Nội

Vấn đề cần giải mã ở đây là cái gì đứng đằng sau quyết định chiếu bộ phim về cuộc chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ngày 17/2/1979 vào giờ vàng của VTV1? Phải chăng đây là sự “xoay trục” của Ban Tuyên giáo? Hay đơn giản, đây là thông điệp muốn gửi tới Trung Quốc, hoặc đây chỉ là động thái tuyên truyền như bao ấn phẩm khác, sau khi được các cấp hữu quan bật đèn xanh…

Tối 11/8/2020, nhiều người lính còn sót lại từ cuộc chiến tranh biên giới 17/2/1979 đã khóc khi xem bộ phim “Biên niên sử truyền hình: Năm 1979”. Còn các chuyên gia trong và ngoài nước thì “bình loạn” về mọi chiều kích vốn rất đỗi bình thường nhưng lại rất bất thường liên quan đến một sự kiện lịch sử cách đây 41 năm. Nếu trong xã hội dân chủ thì điều này không có chi là lạ. “Tôi không đồng ý với anh nhưng tôi sẵn sàng sống chết để anh có cơ hội trình bày ý kiến của mình” (Một nhà dân chủ xứ nào đấy từng dạy dỗ như thế). Nhưng ở nước ta, nói khác và nghĩ khác với chính thống thì hệ quả sẽ là còng số tám, nhà tù hay ít nhất cũng tạm giữ điều tra… Vậy thì đích thị đây là một hiện tượng truyền thông rồi. Lời bình trong phim không phải là thứ ngôn ngữ gỗ lâu nay thường nấp dưới các uyển ngữ để che đậy về “nước lạ” hay “quốc gia láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại Quảng Ninh”.




Vấn đề cần giải mã là điều bí ẩn nào đứng đằng sau quyết định “trình làng” bộ phim chiếu vào giờ vàng của Võ Văn Thưởng và Thuận Hữu, tức là từ những nhân vật đứng đầu trong cái “Ban biên tập” của bảy tám trăm tờ báo và tạp chí ở Việt Nam thời nay? Phải chăng: i) Đây là sự “xoay trục” (pivot) của Ban Tuyên giáo Trung ương, thậm chí có thể cao hơn, của một cánh nào đó trong bộ máy quyền lực cấp thượng đỉnh? ii) Hay chỉ đơn giản, đây là một thông điệp gửi tới Trung Quốc, rằng quân đội Trung Quốc không nên vượt qua “làn ranh đỏ” trong bang giao Việt – Trung? và iii) Nói cho cùng, chẳng là gì cả, đó chỉ là một bộ phim để tuyên truyền như bao ấn phẩm khác, chỉ là “chuyện thường ngày ở huyện” hay khá hơn một chút thì cũng chỉ là một liều dopping trước kỳ Đại hội ĐCSVN lần thứ 13?


Ngược lại với chủ nghĩa chiết trung, tác giả không chia đều xác suất cho mỗi khả năng. Về kịch bản thứ nhất, bản thân không mặn mà lắm với dự báo Việt Nam sẽ có một bước chuyển hay đột phá nào đấy của Ban Tuyên giáo trong chính sách đối với Trung Quốc (vì vậy, chỉ đặt cược khoảng 10% thôi). Bang giao Việt – Trung quá phức tạp, quá gai góc để có thể bất ngờ xuất hiện một Thái Anh Văn trước hoặc sau Đại hội 13 (mà giả sử nếu có thì Madam Tổng bí thư hay Chủ tịch nước ấy buộc phải chuyển giới, vì Việt Nam chưa quen với tập quán người lãnh đạo tối cao là đàn bà). Hà Nội từng nghiên cứu các nguyên tắc của Đài Loan trong quan hệ với Trung Quốc cộng sản: kiên trì hoà bình giữa hai bờ eo biển, bảo vệ được nền dân chủ quốc nội, duy trì đối thoại với đại lục… Tuy nhiên, bang giao Trung – Việt quá giăng mắc và quá chằng chịt để Ba Đình có thể tham khảo con đường của Đài Bắc, bẻ lái “chuyển trục” một cách đơn giản bằng cách cho chiếu một bộ phim lịch sử.


Hình minh hoạ. Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ở Hà Nội hôm 27/2/2019 AFP

Dẫu việc thay đổi chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc là có thật chứ không phải là một thao tác vận động tranh cử tổng thống, dẫu Mỹ sẽ cứng rắn hơn về cả tuyên bố lẫn hành động trên vấn đề Biển Đông và những vấn đề cốt tử khác trong quan hệ hai nước lớn, Việt Nam vẫn sẽ hết sức thận trọng trong đối sách với Trung Quốc. Theo Giáo sư Trần Ngọc Vương, từ Đại học Quốc gia Hà Nội, “nước xa không cứu được lửa gần”, bất luận các nhân tố ngẫu nhiên hay tất yếu nào sẽ xuất hiện trên thế giới hay trong khu vực hiện nay, những tham vọng bành trướng của Trung Quốc đối với Việt Nam trên đất liền lẫn biển đảo còn lâu mới suy suyển. Điều này, các nhà lãnh đạo Việt Nam thuộc các thế hệ tiền bối cũng như các thế hệ cận đại ý thức rất rõ. Vì vậy, sau thông điệp Thời báo Toàn cầu (Global Times) gửi Hà Nội, các nhà hoạch định chính sách ngồi ở Ba Đình khá tỉnh táo để không “pivot” vào thời điểm đầy sóng gió hiện nay ở trong nước cũng như trên vũ đài quốc tế.




Về kịch bản thứ hai, người viết cũng chỉ đánh cược 20% vào xác quyết, Việt Nam muốn chuyển một thông điệp cụ thể vào một thời điểm cụ thể cho Trung Quốc. Quan hệ Việt – Trung vốn được diễn ra trên rất nhiều kênh. Không ít lần Ba Đình từng phải “ngộp thở” trong cái mớ bòng bong các sự kiện và xu hướng đầy xung đột. Hãy suy ngẫm về một cái tít sặc mùi kim tiền trong quan hệ song phương giữa “thiên triều” và “phiên thuộc”: “Việt Nam quyết đoán hơn về Biển Đông, Trung Quốc cho vay tiền” là một cái tít trên RFI ngày 20/7/2020, một trang mạng từ Pháp (vốn chưa được mang hỗn danh là báo của các thế lực thù địch). Hai vế xung đột chỉ trong một tiêu đề là gì nếu như không hàm ý: Bắc Kinh có ý đồ chiêu dụ Việt Nam sau khi Hoa Kỳ ra tuyên bố coi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp? Ôn lại tuyên bố “Dạy cho Việt Nam một bài học” phải chăng để nhắc nhở về những bài học sắp tới Bắc Kinh có thể sắp “dạy” Hà Nội?

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nhiều lần lặp lại không vì quan hệ thương mại mà nhân nhượng chủ quyền với Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, quyết tâm ấy không phải lúc nào cũng đứng vững trước những hành động thô bạo và dai dẳng của Trung Quốc trong những lần ngang nhiên và phi pháp xâm phạm các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam trên Biển Đông. Việc Việt Nam vừa mất một khoản tiến lớn để đền bù cho các đối tác nước ngoài khi phải huỷ nhiều hợp đồng làm ăn ra khỏi các EEZ của mình là một dẫn chứng cho sự ưu thắng của tư duy thoả hiệp trong đội ngũ lãnh đạo. Đã đành là ngày 13/7 vừa qua, Mỹ đã hứa những quốc gia ở ĐNÁ nào bị Trung Quốc bắt nạt ngay trên “sân nhà” của mình sẽ được Mỹ bảo vệ và Mỹ cũng đã vạch “làn ranh đỏ” cảnh báo Trung Quốc không nên vượt qua. “Khoát nước theo mưa”, liệu nhân dịp này, Hà Nội có muốn nhắn với Bắc Kinh rằng, để người dân Việt Nam oán hận sẽ nguy hiểm cho chính lợi ích của Trung Quốc?




Tác giả đặt cược 70% cho kịch bản thứ ba: việc chiếu bộ phim ấy vào một dịp mông lung thế này chỉ là một màn diễn. Diễn để khuấy động dư luận đang bế tắc trước các nguy cơ khủng hoảng, từ lòng tin đến kinh tế, từ đại dịch đến ganh đua chiến lược Trung – Mỹ. Trong bối cảnh COVID Vũ Hán mà Bắc Kinh vẫn không tha Việt Nam, vẫn điên cuồng tập trận, điên cuồng doạ nạt chiếm thêm đảo trên Biển Đông thì cảnh tỉnh dư luận bằng câu chuyện lịch sử không phải là thừa. “Khi xem tất cả những thước phim tư liệu ấy… chúng tôi khóc. Tất cả những cái khốn nạn của đất nước mình là đều do sự sắp xếp của các cường quốc và Trung Quốc đã lợi dụng để ép Việt Nam vào con đường phục vụ cho Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc chia sẻ. Vậy từ nay, “cái gì của Caesar hãy trả lại cho Caesar!” Cuốn phim đúng là một liều doping đối với các đầu óc cố lãng quên về cuộc chiến.

*

Chưa bàn đến chuyện Trung – Mỹ đụng nhau, chỉ bàn đến quy trình ứng phó việc Trung Quốc nổ súng để cướp hoặc bao vây một số đảo ở Trường Sa, thì việc “trình làng” bộ phim tư liệu nói trên là rất hữu ích, bất luận ý đồ của những người bật đèn xanh là gì. Theo Charlie Lyons Jones, từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Australia, Trung Quốc hiện đã đặt trọng tâm ngăn cản không cho hải quân Mỹ đi vào vùng Đường lưỡi bò. Ông Jones nhận xét, Trung Quốc đã tăng cường lực lượng phòng không và xây dựng một hàng rào phòng thủ gồm các hỏa tiễn và phi cơ thả bom đặc biệt nhắm đánh các chiến hạm. Khi độc lập, chủ quyền của đất nước bị đe doạ, con cháu các chiến binh từ những chiến trường xưa – Điện Biên Phủ (1954), Hồ Chí Minh (1975), chiến tranh biên giới (1979) – sẽ lại là những người đầu tiên xung phong ra trận. Mặc dầu thế hệ ngày nay biết rõ rằng, sau mọi cuộc chiến, bất luận thắng bại, nhân dân vẫn sẽ là người thua thiệt nhiều nhất.


© TS Đinh Hoàng Thắng
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad