Một khoảnh khắc cách mạng - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2020

Một khoảnh khắc cách mạng


Nguồn: Marr, David G. (1995). “Vietnam 1945: The Quest for Power”. Cambridge: Cambridge University Press, pp. 382-401.


Tại cuộc họp của Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội của Việt Minh vào tối ngày 16 tháng 8, mọi thành viên đều đồng ý rằng thời điểm hành động quyết liệt đã đến, nhưng các hình thức và trình tự chính xác vẫn còn là một cuộc thảo luận căng thẳng đang để ngỏ. Vào thời điểm này, các bản sao Quân lệnh số 1 của Việt Minh ngày 13 tháng 8 và lời kêu gọi “đánh đuổi lũ kẻ cướp Nhật Bản” từ Tân Trào có thể đã về đến Hà Nội vào ngày 14 tháng 8, nhưng rõ ràng là bất kỳ cuộc tấn công trực tiếp nào vào quân đội Nhật được vũ trang đầy đủ trong thành phố sẽ mang tính tự sát.

Mặt khác, có thể nắm chính quyền mà không cần đối đầu với quân Nhật. Cuộc họp có thể đã nghe một báo cáo từ một thành viên của Việt Minh – người vừa thảo luận với Thống sứ Nishimura; qua báo cáo, người này đề nghị rằng súng có thể được cung cấp “không chính thức” từ các đơn vị của Nhật ở ngoại vi thành phố, mặc dù về mặt chính thức thì tất cả vũ khí phải được giao nộp cho đại diện của lực lượng Đồng Minh.

Cuối cùng, cuộc họp quyết định bỏ khẩu hiệu đánh đuổi quân Nhật để thay bằng khẩu hiệu “Phản đối mọi sự can thiệp của đế quốc vào nền độc lập của nhân dân Việt Nam”. Nguyễn Huy Khôi được một cảm tình viên Việt Minh ủy nhiệm soạn thảo một truyền đơn để dịch khẩn cấp sang tiếng Nhật, kêu gọi các thành viên Quân đội Đế quốc [Nhật Bản] tập trung hồi hương cho người thân của họ, vốn đang không để ý đến những nỗ lực giải phóng đất nước của người Việt. Khi có tin Tổng hội Công chức Việt Nam được Nhật Bản cho phép triệu tập họp công khai tại Nhà Hát Lớn vào chiều hôm sau, Ủy ban Quân sự Cách mạng quyết định sử dụng các đội tự vệ vũ trang để kiểm soát các diễn biến tiếp theo, và nếu có thể, biến chúng thành một cuộc biểu tình của quần chúng do Việt Minh lãnh đạo ở xung quanh thành phố.

Cũng vào tối hôm đó, các đội “thanh niên xung kích” có vũ trang thuộc Đảng Dân chủ đã tiến vào ba rạp hát ở Hà Nội để kêu gọi mọi người tham gia vào cuộc nổi dậy sắp diễn ra. Tại rạp hát Tố Như, một sĩ quan Nhật bị bắn chết khi chạy khỏi tòa nhà. Không giống như trường hợp của những sự cố như vậy trước đây, đã không có sự trả đũa khắc nghiệt nào.

Sáng ngày 17 tháng 8, Đại hội Hiệp thương Toàn quốc được lên kế hoạch từ lâu của chính phủ hoàng gia [Bảo Đại] tại Bắc kỳ đã được triệu tập tại giảng đường của Hội Khai Trí Tiến Đức, cách Nhà Hát Lớn khoảng 600 m, ngang qua Hồ Gươm. Các thành viên bao gồm nhiều giáo viên, nhà báo, nhà văn mới, bác sĩ và chuyên gia đang làm việc cho chính phủ, nhưng không có bất kỳ hội viên nào thân Pháp nào hoặc có quan hệ công khai với Việt Minh. Một lực lượng cảnh sát đông đảo đã có mặt để trông chừng những người không lien quan, nhưng sự quan tâm của dân chúng dường như là rất ít. Sau khi ban nhạc Dân Vệ hát quốc ca, và đại biểu lớn tuổi nhất có mặt tuyên bố đại hội bắt đầu, Khâm sai Phan Kế Toại đọc một bài diễn văn rất khái quát, sau đó ra khỏi tòa nhà theo giai điệu của bài hát diễu hành phổ biến nhất thời điểm đó, ‘Tiếng gọi Thanh Niên’.


Khi xác định chắc chắn rằng ba mươi sáu trong số năm mươi chín đại biểu có mặt, đủ số đại biểu theo quy định, trợ lý của ông, bác sĩ Phạm Hữu Chương, đã tuyên bố phiên họp là hợp pháp theo các sắc lệnh của triều đình ban bố vào tháng Năm, và kêu gọi những người được đề cử vào các vị trí trong “Hội đồng quản lý”. Nguyễn Xiển đề xuất phương án đề cử bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đứng đầu, và đã được nhanh chóng chấp thuận, sau đó, bác sĩ Chương trở lại bục phát biểu và xin phép rời đi trước, lấy cớ có việc gấp tại Văn phòng Khâm sai.

Gần như ngay lập tức, đại hội đã tranh cãi về việc có nên tuân theo chương trình nghị sự do Khâm sai chuẩn bị trước hay thay vào đó sẽ thành lập một “ủy ban cứu quốc” khẩn cấp để giải quyết những vấn đề quan trọng như thống nhất các nhóm hoạt động chính trị đa dạng, huy động quân đội, mua vũ khí, quyên tiền, tiếp quản đài phát thanh, và xây dựng chiến lược để đối phó với quân Đồng Minh sắp đổ bộ.

Vào 12 giờ 30 phút trưa, đại hội được tin triều đình Huế đã trao cho Ủy ban Giám đốc Chính trị Bắc kỳ gồm bốn thành viên mới được “toàn quyền giải quyết các vấn đề trong các tình hình bất thường hiện nay”. Tin này dường như làm đã dập tắt nỗ lực đàm phán để hình thành một ủy ban cứu quốc. Một bức điện thư trả lời được đại hội thông qua đã tái khẳng định niềm tin vào Nhật hoàng và chính phủ của ông, kêu gọi đoàn kết dân tộc để bảo vệ nền độc lập, và cam kết hy sinh tất cả cho cuộc đấu tranh “nếu người Pháp vẫn âm mưu quay lại thống trị chúng ta một lần nữa”. Đồng thời, một số quan chức địa phương đã đánh điện cho Hà Nội tái cam kết lòng trung thành. Tri phủ Sơn Tây còn đi xa hơn, đảm bảo với Khâm sai rằng mọi tầng lớp nhân dân đều kiên quyết ủng hộ ông và nói rõ: “Đã thực hiện các bước cần thiết để gặp bất kỳ tình huống nào. Không phải lo lắng về tình hình đê điều”.

Ngày hôm sau, Sơn Tây bị vỡ đê. Khi Đại hội Hiệp thương toàn quốc tạm dừng để ăn trưa, một số thành viên chủ chốt đến Dinh Khâm sai để thảo luận các vấn đề với Phan Kế Toại và Nguyễn Xuân Chữ, người đứng đầu mới được bổ nhiệm của Ủy ban Giám đốc Chính trị. Có vẻ như vào thời điểm này Toại đã quyết định rằng vị trí của mình là không thể đảm bảo, nhưng ông đã trì hoãn tuyên bố từ chức cho đến tận buổi tối. Toại đã sốt sắng thông báo cho người Nhật về ủy ban mới và yêu cầu Ủy ban này nhận một số lượng súng ống để kháng cự một khi quân Pháp quay trở lại.

Khi đại hội triệu tập lại lúc 5 giờ chiều, thảo luận chủ yếu tập trung vào các vấn đề đối ngoại, một nghị quyết đã được thông qua yêu cầu triều đình Huế “phản đối dữ dội” các tuyên bố của Pháp, đặc biệt là Tuyên bố Brazzaville đầu tháng Hai năm 1944. Một tiểu ban đã được chọn ra để chuẩn bị một tập sách bác bỏ các tuyên truyền của người Pháp, một công việc khác của Ủy ban do Nguyễn Xuân Chữ lãnh đạo. Tuy nhiên, trước 7 giờ tối, đại hội đã hoãn lại, sự chú ý của nhiều thành viên đã bị chuyển hướng sang sự ồn ào được tạo ra bởi những người đang tham tuần hành phía bên kia Bờ Hồ.

Tinh mơ sang ngày 17, những đứa trẻ bán báo đã chạy khắp các con phố Hà Nội, rao to: “Báo đây! Báo mới đây! Hai giờ chiều nay, một cuộc họp đặc biệt tại Nhà Hát Lớn, do Tổng hội Viên chức tổ chức… Xin mời mua báo để biết chi tiết!”. Đầu giờ chiều, dưới thời tiết nóng nực, ẩm ướt và u ám ngột ngạt, một đám đông gồm ít nhất hai mươi nghìn người đã tụ tập tại quảng trường đối diện Nhà Hát Lớn. Một số đến vì họ được lệnh của ông chủ. Một cậu bé mười một tuổi nhìn hai người anh rể của mình, các thư ký luật ù lỳ trong chính quyền thuộc địa, đang miễn cưỡng tuân theo các chỉ thị, giương ô và đi bộ đến quảng trường, trước sự thích thú của những người vợ họ – những người vốn chưa từng thấy họ mạo hiểm theo cách này từ trước. Những người khác đến vì họ nghe nói rằng Việt Minh, vốn vẫn đang hoạt động bí mật cho lúc đó, sẽ xuất hiện tại cuộc họp. Một số công chức chính phủ, những người tình cờ là lãnh đạo Hướng đạo sinh đã mặc đồng phục của họ – một số người bí mật mang cờ Việt Minh theo. Chủ một cửa hàng radio ở đó, một hướng đạo sinh lâu năm, đã đóng góp một micrô và loa phóng thanh cho sự kiện này.

Hai giờ chiều, một lãnh đạo của Tổng Hội tiến đến chiếc micrô để đọc chương trình và giám sát việc kéo cờ hoàng gia, kèm theo dàn kèn cử quốc ca. Khi vị thủ lĩnh thứ hai của Tổng Hội bắt đầu phát biểu, một số thanh niên gần đó đã giương lá cờ Việt Minh trên tay, đó là tín hiệu cho các đội tự vệ trên khán đài vẫy những lá cờ nhỏ và hô vang “Hoan hô lá cờ Việt Minh!“. Sự hỗn loạn đã xảy ra sau đó, khi một số người trong đám đông tụ tập xung quanh những người mang cờ và vượt qua quảng trường. Vài trăm lính dân sự với súng trường đã giúp ổn định tình hình, nhưng không can thiệp. Cảnh sát cũng vậy. Có lẽ sau năm phút, trong khi các nhà lãnh đạo Tổng Hội kêu gọi mọi người lập lại trật tự không có kết quả, một đội vũ trang Việt Minh đã chiếm bục phát biểu và cắt lá cờ của chính phủ. Ngay sau đó, một đội khác trên lan can Nhà Hát Lớn đã phất một lá cờ Việt Minh lớn phía trước tòa nhà, trước sự ngạc nhiên của đám đông, họ đã vỡ òa trong những tràng pháo tay không ngớt.

Tiếp theo, bài phát biểu ngắn gọn của Ngô Quang Châu thuộc Đảng Dân chủ Việt Nam kêu gọi đám đông tham gia vào “cuộc tổng khởi nghĩa”, nhưng cẩn thận tránh mọi lời kêu gọi bạo lực chống lại người Nhật hoặc “chính phủ hoàn toàn bất lực của Trần Trọng Kim”. Châu cảnh báo rằng ngay lúc đó Tướng de Gaulle đã thúc ép quân Đồng minh đưa Đô đốc d’Argenlieu vào Đông Dương với tư cách là Toàn quyền và tuyên bố rằng chỉ có một “cuộc cách mạng của mọi công dân” mới có đủ sức mạnh để “yêu cầu Quân đội Nhật rút khỏi Việt Nam, tập trung công dân Pháp tại một địa điểm, và để đối phó với nhiều tham vọng điên rồ của những người mong muốn trở lại đất nước này”. Nền độc lập tự do của Việt Nam chỉ có thể được xây dựng trên “máu xương” của nhân dân Việt Nam. Có lúc Châu phấn khích đến mức làm đổ cả micro. Sau đó, một thiếu nữ trẻ tên là Nguyễn Khoa Diệu Hồng, với bộ áo dài trắng đầy nghiêm trang, nói một cách điềm tĩnh bằng giọng Huế đặc trưng về sự cần thiết của sự đoàn kết và hy sinh. Cô kết thúc bằng cách dẫn dắt khán giả trong tiếng hò reo cổ vũ cho quốc gia và cho Việt Minh.

Sau đó, một nhóm Việt Minh khác đã dẫn đầu đám đông hát một loạt các giai điệu yêu nước và cách mạng. Đây là lần đầu tiên bài “Tiến quân ca” của Văn Cao – sắp trở thành quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – được nghe bởi một lượng khán giả lớn như vậy. Bài hát “Diệt phát-xít” của Nguyễn Đình Thi, với những cáo buộc sâu sắc về việc tịch thu lương thực, bỏ tù, tra tấn và giết người của người Nhật và “bầy chó đê hèn” của chúng, cũng đã được hát vang như vậy.

Trong không khí xúc động này, Nguyên Khang quyết định thực hiện bước tiếp theo. Phát biểu trước quần chúng, ông nói ngắn gọn và đầy ngẫu hứng, rồi kêu gọi đám đông tham gia vào cuộc tuần hành vì hòa bình qua các đường phố Hà Nội. Các thành viên của lực lượng tự vệ mang theo cờ Việt Minh đã dẫn đầu đoàn tuần hành đi ra phố Tràng Tiền, dường như đã bắn một vài phát súng lục trên không để tạo ấn tượng. Tại mỗi ngã tư, cuộc biểu tình tiếp tục thu hút người tham gia. Bầu không khí lễ hội, hòa bình, không có nỗ lực xâm nhập vào các tòa nhà chính phủ quan trọng, và không có mối đe dọa nào nhắm vào các công dân Nhật Bản và Pháp gặp tại một số điểm trên đường đi. Một đơn vị Cảnh vệ Dân sự vốn đã thận trọng sử dụng vỉa hè để bám sát đội ngũ chính của Việt Minh cuối cùng đã hòa vào đám đông. Khi đi qua trước đồn cảnh sát chính, các nhà hoạt động Việt Minh đã lớn tiếng kêu gọi thả Nguyễn Văn Tuệ, một thanh niên hai mươi hai tuổi bị bắt mấy ngày trước đó với ba khẩu súng lục; nhưng không có động thái quá đà nào. Tại ngã năm, khi sấm bỗng rền lên và mưa bắt đầu rơi, đám đông chia ra và một số nhóm lớn tiếp tục tuần hành trên đường khoảng hơn một tiếng đồng hồ, hô vang khẩu hiệu như “Ủng hộ Việt Minh!”, “Đả đảo lũ bù nhìn!” và “Độc lập hoàn toàn cho Việt Nam!”

Một vị chỉ huy của cảnh sát Việt Nam, người nộp báo cáo vào ngày hôm sau về các sự kiện của ngày 17 tháng Tám, đã đặc biệt ấn tượng trước sự sẵn sàng của công chúng để hỗ trợ các hành động của Việt Minh. Sau cuộc biểu tình, ông nói, tin đồn đã tràn ngập thành phố rằng Việt Minh đang tham gia thảo luận với Tướng Tsuchihashi, rằng phái đoàn Đồng Minh sắp tới sẽ bao gồm các đại diện của Việt Minh, và Tướng de Gaulle đã hoan nghênh một nước Việt Nam độc lập. Một phần dựa trên những tin đồn đó, quan chức này kết luận, mọi người rất lạc quan về tương lai, “tin rằng sẽ không có bất kỳ vụ đổ máu nào xảy ra ở đất nước chúng ta”. Cấp phó phụ trách vấn đệ dân sự của Tướng Tsuchihashi, Tsukamoto Takeshi, trong một bức điện gửi về Tokyo, ghi nhận “cảnh tượng kỳ lạ thực sự” của những lá cờ Việt Minh xuất hiện giữa cuộc họp của Tổng Hội, nói thêm rằng người Pháp đã “hoảng sợ”.

Đêm ngày 17 tháng Tám, các ủy viên Xứ ủy Bắc kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại ngoại ô thị xã Hà Đông, cách Hà Nội mười cây số, đã có thể đánh giá những thay đổi bất thường của ngày hôm đó. Về phía “kẻ thù”, Đại hội Hiệp thương Quốc gia của chính phủ đã không thể tự điều chỉnh để hành động, Khâm sai đã từ chức hoặc bị cách chức, Lực lượng Bảo vệ Dân sự có vẻ bối rối, và Nhật đã chọn không đàn áp một lượng lớn người của Việt Minh diễu hành quanh thành phố. Về phía “cách mạng”, người dân đã nhanh chóng hưởng ứng khi các đội Việt Minh tiến hành cuộc họp ở Nhà Hát Lớn, hăng hái theo cờ Việt Minh trên khắp các khu phố, và tránh những hành vi bạo lực có thể kích động quân đội Nhật phản công. Với sự thay đổi vận mệnh có tính chất quyết định này, Xứ ủy đã đảo ngược các ưu tiên của mình chỉ hai ngày trước đó, giờ đây tập trung chủ yếu vào việc nắm quyền ở Hà Nội và tỉnh lân cận Hà Đông, thay vì các vùng nông thôn xung quanh.

Cũng trong đêm đó, một cuộc họp “mở rộng” của Ủy ban Quân sự Cách mạng Hà Nội đã vạch ra những kế hoạch chi tiết cho việc tiếp quản. Những người tham dự đồng ý rằng dành nhiều ngày để tổ chức cẩn thận sẽ có nguy cơ làm mất đi sự nhiệt tình của quần chúng và có thể xảy ra một cuộc đảo chính như một đòn phủ đầu của những người chống đối Việt Minh. Ngày 18 là quá sớm để lan truyền hiệu quả, Chủ nhật ngày 19 được chọn làm mục tiêu. Các sự kiện của ngày 17 giờ đây được coi như một cuộc diễn tập cho ngày 19, ngoại trừ mục tiêu vào Chủ nhật là đưa ít nhất một trăm nghìn người vào cùng một quảng trường Nhà Hát Lớn và giành quyền kiểm soát các tòa nhà chính phủ trong các cuộc biểu tình quần chúng tiếp theo. Những nơi bị quân Nhật chiếm đóng sẽ phải tránh xa, đặc biệt là Dinh Toàn quyền, Khu tham mưu của Quân đội Hoàng gia Nhật, căn cứ hải quân trên sông và Thành cổ Hà Nội, nơi quân đội Pháp vẫn bị [quân đội Nhật] giam giữ. Nếu quân Nhật chuyển sang giải giáp các đội của Việt Minh, hoặc kích động đối đầu, thì cần phải rút ra ngoại ô, tập hợp lại, bắt đầu chiến thuật du kích, và đợi các đơn vị Giải phóng Quân từ các vùng đồi núi xung quan hành quân đến trước khi cố gắng chiếm thành phố. Ủy ban Quân sự hoãn lại ngay trước khi gà trống gáy sáng và chân trời phía Đông được nhuộm hồng.

Háo hức muốn phổ biến thông tin về sự thành công của Việt Minh ngày 17 tháng Tám đến các tỉnh xung quanh, các đảng viên Đảng Dân chủ đã tiến vào văn phòng nhật báo Tin Mới và yêu cầu chủ bút Mai Văn Hàm đăng bài báo của họ về các sự kiện trong số ra buổi sáng của ông. Ngay sau đó, một nhóm khác, đại diện cho Hội Văn hóa Cứu quốc, vào cơ sở này để đưa ra một yêu cầu giống hệt, khiến các cuộc tham vấn diễn ra vội vàng, lúng túng và đã quyết định đưa cả hai bài báo lên trang nhất. Trong khi máy in đang chạy, hai người mặc quân phục Nhật Bản, đeo kiếm và tự xưng là sĩ quan Kenpeitai cũng đến hiện trường. Xác định họ là đảng viên Đại Việt cải trang, những thợ in có cảm tình với Việt Minh đã chế ngự hai người đàn ông này, trói họ và ném họ vào một căn phòng phía sau. Khi việc in báo hoàn tất, những người ủng hộ Việt Minh đã mang theo các số báo để phân phát, Hàm và các nhân viên của ông bị nhốt trong tòa nhà, và chìa khóa được đưa cho đồn cảnh sát địa phương, cùng với một ghi chú để chứng thực câu chuyện sau đó của Hàm rằng ông đã in các bài báo dưới sự ép buộc.

Sáng ngày 18, một chiếc ô tô cắm cờ Việt Minh, với những thanh niên đứng trên bục cửa la hét qua loa phóng thanh, di chuyển chậm rãi qua các đường phố, theo sau là một đoàn người đi xe đạp phát tờ rơi thông báo về cuộc mít-tinh sáng Chủ nhật. Các đội khác thì vác cờ đi bộ, dán tờ rơi, hô khẩu hiệu, và thu hút đám đông ồn ào đầy phấn khích tại mỗi ngã tư. Các cửa hàng may bận rộn may cờ, trong khi các gia đình tìm kiếm những mảnh vải đỏ và vàng khan hiếm để tự may cờ. Tại một số nhà máy và cửa hàng, công nhân đã kiểm soát mặt bằng vào ngày 18, chuẩn bị các biểu ngữ, chốt gác bảo vệ máy móc hàng tồn kho để chống lại cướp bóc hoặc phá hoại.

Ngày càng tự tin hơn, Ủy ban Quân sự Cách mạng chuyển trụ sở từ ngoại thành vào trung tâm thành phố, đến một biệt thự trống của con gái Hoàng Trọng Phu – một vị quan khét tiếng hợp tác với Pháp. Lúc đó, Ủy ban sở hữu một đài phát thanh tốt, một máy đánh chữ và một chiếc ô-tô dành cho cấp chỉ huy quân sự. Như một người tham gia chính nhớ lại cảnh:

“Công việc của cách mạng cứ dồn dập. Các đồng chí từ các làng ngoại thành đã nắm chính quyền đến gặp chúng tôi để xin lời khuyên về việc xác lập chính quyền và muốn biết tên các thành viên của ủy ban khởi nghĩa. Một số người phải hỏi đường, và một số đội viên tự vệ của ta hỗ trợ. Công nhân thuộc các nhóm bảo vệ quốc gia trong các nhà máy hoặc xí nghiệp hỏi về cách đối phó với các ông chủ và đốc công. Người ta đến xin khẩu hiệu đấu tranh, hoặc muốn có cán bộ đến phát biểu. Yêu cầu nào cũng rất khẩn thiết”.

Ủy ban đã gửi một bức thư đến căn cứ chính của Lực lượng Bảo vệ Dân sự với một tối hậu thư yêu cầu họ “đầu hàng cách mạng”, nhưng không nhận được hồi âm. Trong suốt ngày 18 tháng Tám, Nguyễn Xuân Chữ, người đứng đầu Ủy ban Giám đốc Chính trị mới của chính phủ [Bảo Đại], và trên thực tế là của Khâm sai Bắc Kỳ, đã cố gắng điên cuồng để khẳng định quyền lực của mình. Tuy nhiên, việc liên lạc với một số tỉnh thành bị hạn chế do đường dây điện báo và điện thoại bị cắt, cũng như các tuyến đường sắt bị tắc nghẽn. Tại Hà Nội, các nhóm Việt Minh đã được trang bị vũ khí khiến phong trào chính thức ngày càng trở nên nguy hiểm. Nhiều cảnh sát không giữ liên lạc với lý do đó là ngày cuối tuần. Sở Y tế thành phố báo cáo với thị trưởng rằng ba người đàn ông có vũ trang đã bắt giữ hai xe cứu thương và 160 lít cồn nhiên liệu, nói rằng họ cần phải đến Hải Phòng và Bắc Giang. Trong buổi họp ngày thứ hai, Đại hội Hiệp thương toàn quốc đã triệu tập Chỉ huy trưởng Cảnh vệ dân sự, Đại úy Vũ Văn Thu, để hội ý khẩn cấp, nhưng được cho biết ông là “quá bận”. Trong một sáng kiến bất thường vào phút cuối trong ngày 18 tháng Tám, ba quan chức cấp cao của chính phủ hoàng gia đã đến trụ sở mới của Ủy ban Quân sự Việt Minh ở trung tâm thành phố Hà Nội để cố gắng tránh một cuộc đối đầu. Đứng đầu là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục, và bao gồm cả Tiến sĩ Nguyễn Xuân Chữ và Phạm Hữu Chương, rõ ràng là họ đã liều lĩnh trước rủi ro bị giam giữ, trừ khi một số trung gian đã được Việt Minh bảo đảm trước. Theo các nguồn tin của Đảng Cộng sản, Hoàng Xuân Hãn đề nghị Việt Minh kiểm soát bên ngoài Hà Nội, trong khi chính phủ hoàng gia kiểm soát thêm súng từ quân Nhật và giữ quyền kiểm soát bên trong thành phố; cùng nhau, họ sẽ gặp những người đại diện của Đồng Minh sắp tới. Theo Hoàng Xuân Hãn, ông chủ yếu muốn thể hiện thiện chí bằng cách chuyển lời đề nghị của Nhật Bản về việc giải giáp vũ khí và sau đó sẽ thông báo cho ông về địa điểm. Dù nội dung của đề xuất của Tiến sĩ Hãn là gì, nó đều vấp phải sự từ chối thẳng thừng từ các đại diện Việt Minh đang có mặt, mặc dù ông và hai vị quan chức kia không bị cản trở khi quay trở lại Dinh Khâm sai. Vài giờ sau, khoảng ba nghìn công nhân từ nhà máy Stai, cơ sở sửa chữa ô tô Aviat và các xí nghiệp khác đã đến biểu tình trước Dinh Khâm sai, lớn tiếng tố cáo “chế độ bù nhìn”, nhưng không cố gắng vào trong khuôn viên.

Trong khi không có bằng chứng trực tiếp, có vẻ như trong ngày 18 tháng Tám, Ủy ban Quân sự Cách mạng đã có thể truyền đạt cho các quan chức Nhật Bản đề xuất thiết yếu rằng các tổ chức Việt Minh được phép chiếm một số cơ sở ở Hà Nội để đổi lấy việc để yên cho công dân Nhật và Pháp đang chờ lực lượng Đồng Minh đến. Phan Kế Toại, nguyên Khâm sai đại thần, có thể là trung gian chủ chốt; Theo một nguồn tin, ông đã bị Việt Minh “hộ tống” từ chiều ngày 18. Hoàng Minh Giám, người được Trần Trọng Kim bổ nhiệm làm trưởng “Văn phòng liên lạc Nhật-Việt” chỉ ba tuần trước đó, có lẽ còn duy trì những liên lạc đáng tin cậy hơn nữa với các lãnh đạo Việt Minh. Mặt khác, những trí thức ưu tú có liên hệ với Đảng Dân chủ Việt Nam cũng có thể đóng vai trò này. Người Nhật đặc biệt muốn đánh giá năng lực của các nhà lãnh đạo Việt Minh trong việc kiểm soát đám đông sau những thành công ban đầu của họ. Trong khi đó, theo cách riêng của mình, Kenpeitai vào ngày 18 tháng Tám đã trả tự do cho tất cả các chính trị phạm còn lại, cả hai đều tuyên bố là người ủng hộ Việt Minh và những người đã từng làm việc cho Pháp trước cuộc đảo chính ngày 9 tháng Ba. Một điệp viên bí mật của Nhật tên là Tachibana đã điều động hơn năm hoặc sáu khẩu súng trường tự động cho một liên lạc viên Việt Minh, để nhận lại một tấm vé thông hành có chữ ký của “V.T.V”. Như đã xảy ra, một sự cố vào chiều ngày 18 tháng Tám đã giúp hai bên kiểm tra độ tin cậy của nhau. Hai công nhân từ xưởng sửa chữa Aviat đã được cử qua sông Hồng bằng một chiếc ô-tô của chỉ huy để nhận khoảng hai mươi khẩu súng hỏa mai. Khi đi ngang qua cầu Paul Doumer (Long Biên), ngang nhiên cắm cờ Việt Minh trên nóc xe, lính Nhật chặn xe, phi tang vũ khí và nhất quyết bắt giữ những người phạm tội. Một đám đông tụ tập, thông tin lan truyền nhanh như cháy rừng khắp thành phố, và hàng nghìn người nữa tập trung trên đường phố trước trụ sở Bộ Tổng tham mưu Nhật Bản, nơi hai người đàn ông và chiếc xe đã bị bắt. Một số công nhân muốn tấn công người Nhật và hét lên “Không sợ những người lùn đã bị đánh bại!” và “Đả đảo phát-xít Nhật!” đã được đón nhận bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt. Người Nhật gửi quân tiếp viện, bao gồm bốn xe tăng hạng nhẹ, nhưng các cuộc biểu tình vẫn lan rộng, chẳng hạn như những người trông coi cửa hàng trên phố Tràng Tiền đã kéo đồ đạc ra đường để cản trở sự kháng cự của người Nhật. Một số thanh niên đứng trước xe tăng, trong khi một nữ đồng đồng trẻ tuổi của họ kêu gọi đám đông, “Các đồng đội, đừng rút lui, họ sẽ không dám giết chúng ta!” Cuối cùng một cuộc gặp đã được sắp xếp giữa một sĩ quan Nhật Bản và Trần Đình Long, thành viên Ủy ban Quân sự Cách mạng Việt Minh, người sau này đảm bảo với người Nhật rằng vũ khí là để giành độc lập, và nói: “Nếu các thành viên của Quân đội Nhật Bản không can thiệp vào công việc của chúng tôi, chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh vật chất cho họ”. Sau khi màn đêm buông xuống, với đám đông vẫn đang vây xung quanh, một sĩ quan Nhật Bản, như một biểu hiện thiện chí, đã trao cho Long lá cờ Việt Minh từng cắm trên xe tải và hai khẩu súng lục, và có thể ông đã hứa hẹn với Long sẽ giao nộp các vũ khí khác vào ngày hôm sau. Tuyên bố đã chiến thắng, các nhà lãnh đạo Việt Minh thuyết phục người dân giải tán.

Khi các nhà lãnh đạo Việt Minh ở Hà Nội chuẩn bị cho những bước cuối cùng vào đêm 18, rạng sáng ngày 19 tháng Tám, họ có thể đã có được gần tám trăm thành viên thuộc đơn vị tự vệ dưới sự điều khiển trực tiếp của họ, được lập thành mười “đại đội” được trang bị khoảng 90 khẩu súng, cũng như rựa, kiếm, giáo và dao. Tuy nhiên, ít nhất một nửa số súng nằm trong tay một đại đội là “Đoàn Thanh niên Xung phong Hoàng Diệu” do Đảng Dân chủ tổ chức. Trong đêm, một số đơn vị tự vệ khác đến từ vùng nông thôn gần đó, đã bàn giao thêm ba mươi đến ba mươi lăm khẩu súng. Đạn dược vô cùng khan hiếm, có lẽ chỉ có mười hoặc mười lăm viên đạn cho súng trường hoặc súng lục, và chắc không thay thế cho nhau được. Để chống lại các đơn vị Việt Minh có tổ chức này có thể có tới 1.500 vệ binh dân sự, tất cả đều mang súng trường, cộng với một số nhóm vũ trang của Đại Việt, Thanh niên Yêu nước và Việt Nam Quốc dân Đảng. Tuy nhiên, tâm trạng tại trụ sở Việt Minh rất phấn chấn. Thêm hàng nghìn thanh niên nam nữ chưa được cơ cấu vào các đơn vị tự vệ, nhưng họ đã biết đường lối của Việt Minh và sẵn sàng làm theo chỉ thị. Khi một nhà lãnh đạo 24 tuổi xem một người dân đang lau chùi vũ khí và hát những giai điệu hành quân của Việt Minh, ông nhớ lại câu nói được một giảng viên quân sự của Đảng Cộng sản Đông Dương truyền cho ông vào cuối năm 1944: “Phòng thủ là con đường chết trong một cuộc nổi dậy có vũ trang”.

*

Suốt buổi chiều ngày 18 tháng Tám, tin tức về một vụ vỡ đê nghiêm trọng ở thượng nguồn sông Hồng lan đến Hà Nội. Kể từ tháng 6, mưa to diễn ra liên tục và Văn phòng Khâm sai đã nhận thức được rằng tình hình nghiêm trọng đang dần hình thành vào ngày 13 tháng Tám, thực sự lấy đó làm cớ để cảnh báo các đại diện Việt Minh để chống lại các hành động gây rối của họ. Vụ vỡ đê đầu tiên ở tỉnh Vĩnh Yên không làm giảm bớt nguy cơ ở hạ lưu, mặc dù bản thân các đê ở Hà Nội vẫn vững chắc; trong vòng vài ngày, 150 vụ vỡ đê đã được báo cáo quanh vùng đồng bằng, kết quả là khoảng một phần ba diện tích lúa mùa của Bắc Kỳ bị ngập lụt. Trong khi một số nhà lãnh đạo Việt Minh lo lắng rằng lũ lụt có thể khiến người dân quê hương họ không nổi dậy ngay lập tức, những người khác hẳn nhận ra rằng nó có tác dụng tạm thời trong việc kìm hãm sự di chuyển của phương tiện của cả quân đội Nhật Bản và Trung Quốc, cũng như làm tiêu tan uy tín còn lại mà chính phủ hoàng gia có thể có, vì bằng cách lơ là, nó đã thất bại một trong những bài thử nghiệm cổ xưa nhất về tính chính danh chính trị tại Việt Nam. Việc có bao nhiêu đồng hương của họ có thể chết trong trận lụt hoặc hậu quả của nó không phải là mối bận tâm trung gian của các nhà lãnh đạo Việt Minh, mặc dù một số nhóm sau đó đã giúp đỡ để tổ chức các nỗ lực cứu trợ và đắp đê tại địa phương.

Các thành viên cụ thể của Ủy ban Quân sự Cách mạng nhận trách nhiệm về các khía cạnh khác nhau của kế hoạch cuối cùng. Nguyễn Huy Khôi phụ trách chương trình của cuộc mít-tinh tại Nhà Hát Lớn, bao gồm việc soạn thảo bài diễn văn chính. Nguễyn Khang đảm bảo các băng rôn mang những khẩu hiệu có thể chấp nhận được, và mỗi nhóm đều biết mình phải đứng ở đâu trong quảng trường, cũng như cuộc tuần hành đông đảo nào sẽ diễn ra sau cuộc biểu tình. Khang cũng được chỉ định lãnh đạo việc tiếp quản Dinh Khâm sai và Văn phòng Thị trưởng, trong khi Nguyễn Quyết chịu trách nhiệm chiếm giữ doanh trại chính của Cảnh vệ dân sự, ước tính có một nghìn lính đang đóng quân. Các thành viên khác của Ủy ban thực hiện các vòng tuần tra quanh thành phố, kiểm tra sự chuẩn bị của từng nhóm tự vệ và nhận báo cáo về những nhóm thù địch.

Vào đầu giờ sáng ngày 19 tháng Tám, hàng chục nghìn người dân ở vùng nông thôn xung quanh bắt đầu diễu hành về phía thành phố với âm thanh của trống, chũm chọe và kèn. Những người diễu hành có một số súng cầm tay nhưng chủ yếu là giáo, dao rựa, dao, móc câu và liềm. Một số người còn mang theo cuốc, xẻng, và các thanh tà vẹt, vốn đã được dùng để đào đường và xây dựng đường ray, nhằm cố gắng cô lập thành phố. Tại tỉnh Hà Đông, từ trước đó, Trương Thị Mỹ đã giao cho các nhóm may cờ và biểu ngữ, chuẩn bị lương thực và trưng dụng vũ khí từ các trưởng thôn. Vào 3 giờ sáng, bà dẫn hàng trăm người lên đường, đón thêm nhiều người biểu tình trong cuộc tuần hành kéo dài mười ba ki-lô-mét tới Hà Nội. Xe chở binh lính của Nhật Bản vượt qua đám đông mà không xảy ra sự cố. Mặc dù những nhóm nông dân háo hức này là sự bổ sung đầy giá trị cho cuộc biểu tình, nhưng Ủy ban Quân sự Cách mạng hẳn phải lo lắng về việc liệu họ có tuân theo các kế hoạch khởi nghĩa đã định trước hay không và tuân theo lệnh của sinh viên và công nhân trẻ trong giai đoạn quan trọng của việc chiếm các tòa nhà chính phủ. Trên đường đi, một nhóm lớn dân làng quyết định chiếm một tư dinh của quan huyện ở ngoại ô, khiến vị này phải bỏ chạy và đội lính bảo vệ của ông đầu hàng và giao nộp vũ khí.

Sáng ngày 19 tháng Tám trời nắng đẹp và gió nhẹ, không giống như những những ngày nhiều mây âm u ẩm ướt trước đó. Một đội trong nhóm Thanh niên Xung kích Hoàng Diệu di chuyển vào quảng trường Nhà Hát Lớn từ sớm để tước vũ khí hoặc đuổi một số ít cảnh sát xung quanh. Tại thời điểm này, người Nhật có thể dễ dàng đánh chặn từ trước các kế hoạch của Việt Minh bằng cách tấn công các đường phố xung quanh Nhà Hát Lớn, nhưng có lẽ họ đã lựa chọn không hành động vì điều đó có thể sẽ kích động đám đông bị đẩy lùi tràn ra phần còn lại của thành phố. Một số đơn vị tự vệ đã thành lập các cơ quan và trường học, sau đó diễu hành phía sau các biểu ngữ và là cờ hướng về quảng trường, hát và hô vang các khẩu hiệu như “Đả đảo chế độ bù nhìn Trần Trọng Kim!” và “Việt Nam muôn năm!”. Một vài đơn vị đã cố gắng tự trang bị cho mình những bộ quần áo tương tự – ví dụ, áo sơ-mi màu nâu nhạt, quần đùi sẫm màu và dép cao su trắng cho nam thanh niên và khăn trùm đầu, áo cánh nâu và quần tây đen cho nữ thanh niên. Công nhân ưa chuộng trang phục màu xanh lam đậm tiêu chuẩn của họ. Trí thức, sinh viên, chủ cửa hàng trong trang phục áo sơ-mi trắng gọn gàng nhất. Nông dân hầu hết mặc áo chàm hoặc đen. Không khí trên đường đến quảng trường tràn đầy tính lễ hội, mọi người cười nói và truyền tin đồn cho nhau. Ví dụ, người ta tuyên bố rằng năm thành viên đơn vị tự vệ đã đứng trước bốn xe tăng Nhật và buộc chúng phải rút lui, rằng quân Nhật vừa giao một xe tải súng, rằng chính quyền đã được tiếp quản ở hầu hết các huyện nông thôn bao quanh thành phố. Dần dần, quảng trường và các con phố lân cận chật cứng lên đến hai trăm nghìn người, lúc này nhóm Thanh niên xung kích Hoàng Diệu đứng hàng thứ ba, diễu hành sau lá cờ Việt Minh lớn mới thêu, kèm theo những tràng vỗ tay từ đám đông. Thủ tục chính thức bắt đầu lúc 11:00 sáng. với một phút mặc niệm cho những người đã hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, một người bắn 3 phát súng trường và chào cờ theo giai điệu “Tiến quân ca”. Phần lớn đám đông đã học cách chào của quân đội Việt Minh, rút ra từ các buổi thực hành tại công đoàn lao động từ trước chiến tranh – cánh tay phải đẩy ra sau, gập mạnh khuỷu tay, bàn tay nắm chặt vào thái dương. Trên đỉnh Nhà Hát Lớn, các thành viên đơn vị tự vệ đã thả hàng nghìn tờ truyền đơn bay lả tả trong gió. Tại một số thời điểm trong cuộc mít-tinh, một máy bay Đồng Minh bay qua Hà Nội đã thu hút sự chú ý của đám đông và hỏa lực phòng không của Nhật đã bắn trả.

Bài diễn văn chính của Nguyễn Huy Khôi ngắn gọn, không khoa trương và không cường điệu như các bài diễn văn của Việt Minh. Ông tuyên bố: “Theo lệnh của hoàng đế của họ, người Nhật đã ngừng chiến đấu trên mọi mặt trận”. Khôi giải thích, kế hoạch là “rất vừa phải để tránh mọi cuộc giao tranh hoặc ẩu đả vô nghĩa, không có ích cho bên nào, đồng thời triển khai ngoại giao để Nhật Bản hiểu rõ tình hình, đồng tình với cách mạng Việt Nam, và giao vũ khí cho chúng ta”. Khôi phớt lờ chính quyền hoàng gia [của Bảo Đại] gần như hoàn toàn, rõ ràng coi đó là một lực lượng đã sụp đổ. Mặt khác, đối với những phần tử Pháp đã “nuôi dưỡng tham vọng điên cuồng nhằm tái lập chủ quyền ở Đông Dương”, thì việc đứng lên chống lại chúng, bằng chiến tranh nếu cần, là điều vô cùng cần thiết, “phản đối sự xâm lược của chúng và của bất kỳ những kẻ đế quốc khác”. Muốn vậy, cần phải thành lập ngay một chính phủ nhân dân cách mạng Việt Nam để “ban hành các quyền tự do cho mọi công dân, nâng cao điều kiện vật chất và tinh thần của nhân dân, đồng thời huy động lực lượng của cả nước để bảo vệ và củng cố nền độc lập chính đáng của dân tộc mình “.

Sau những lần hô khẩu hiệu sôi nổi và sự lặp lại của quần chúng, các thành viên của Ủy ban Quân sự Cách mạng đã đưa ra hướng dẫn cuối cùng qua micro đối với vấn đề vũ trang, nhưng hy vọng sẽ không đổ máu, di chuyển để chiếm các điểm đã định trước. Đoàn biểu tình diễu hành đến Tòa Khâm Sai, cách đó chỉ khoảng hai dãy nhà. Khi những lời hô hào của đám đông dành cho hai trăm lính gác dân sự phía sau cổng thành không có tác dụng, một số thanh niên đặc biệt táo bạo đã vượt qua hàng rào sắt và đối đầu trực tiếp với những người lính. Rõ ràng là không có mệnh lệnh rõ ràng từ các sĩ quan của họ và được những người có cảm tình với Việt Minh trong hàng ngũ thuyết phục rằng họ sẽ không bị đối xử tệ bạc, những người lính canh đã vứt súng trường của họ vào một đống lớn và bỏ đi. Trong khi súng ống được phân phát và mọi người di chuyển để tiếp quản tòa nhà Văn phòng Khâm Sai ở ngay cạnh và lớn hơn nhiều, một công nhân đã trèo lên mái nhà, hạ lá cờ hoàng gia xuống, và giương lá cờ Việt Minh lên. Trần Tử Bình, lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng Cộng sản Đông Dương đang có mặt tại Hà Nội, đã tiến hành bắt giữ Nguyễn Xuân Chữ và một số cộng sự, cùm họ và giải về làng Phù Đổng, tỉnh Bắc Ninh. Sau đó, Bình điều khiển tổng đài điện thoại của Tòa Khâm Sai để gọi cho các quan lại ở một số tỉnh, thông báo về việc Việt Minh đã tiếp quản Hà Nội và ra lệnh cho họ đầu hàng. Ông cảnh báo, sự phản kháng sẽ bị “trừng phạt nghiêm khắc”.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại Dinh Khâm sai, phần lớn đám biểu tình đã diễu hành đến Tòa thị chính Hà Nội, nơi Thị trưởng Trần Văn Lai đang chờ đón Nguyễn Huy Khôi và sẵn sàng chuyển giao quyền lực “cho nhân dân”. Tại trụ sở cảnh sát ở ngay cạnh, giám đốc có thể đã triệu tập sáu mươi cán bộ của mình tham gia các nghi lễ chuyển giao chính thức, mặc dù quyền kiểm soát Hỏa Lò phải đến bốn ngày sau mới được chuyển giao. Tại bệnh viện Phủ Doãn, ba phát súng từ một khẩu súng lục của Việt Minh đã khiến giám đốc Nhật và phó giám đốc Pháp bỏ chạy, người thì giương thanh kiếm dài, người thì nắm chặt một tập tài liệu tóm tắt đầy đủ hồ sơ bệnh viện. Việc chiếm giữ tòa nhà Bưu điện và Kho bạc Đông Dương vẫn tiếp tục mà không có sự cố. Tuy nhiên, khi một đám đông đến gần tòa nhà Ngân hàng Đông Dương, họ đã gặp phải những khẩu súng máy được bố trí cẩn thận của Nhật. Các nỗ lực thuyết phục quân Nhật rút lui đều không được đáp lại, mặc dù chỉ huy đơn vị đã cho phép Việt Minh để một số thành viên nhóm tự vệ “chia sẻ” nhiệm vụ canh gác. Một kết quả tương tự đang chờ đợi những người biểu tình cố gắng chiếm giữ đài phát thanh tại Bạch Mai.

Cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất trong ngày xảy ra tại các doanh trại Bảo vệ Dân sự, mục tiêu chính của đám biểu tình thứ hai sau khi rời quảng trường Nhà Hát Lớn. Khi lính canh không chịu mở cổng chính, Nguyễn Quyết đã chỉ thị cho một đội tự vệ đến cưỡng chế, điều này rõ ràng đã khiến chỉ huy trưởng là Đại úy Vũ Văn Thu phải thay đổi quyết định và mời đại diện Việt Minh vào trong khuôn viên. Một cuộc họp mở rộng diễn ra sau đó tại văn phòng của Thu, trong đó Quyết yêu cầu tất cả lính canh dân phòng đầu hàng vũ khí, sau đó họ có thể được “cách mạng giúp đỡ” để trở về quê hoặc tình nguyện tham gia lực lượng Việt Minh. Thu tỏ ý sẵn sàng “đi theo cách mạng” và giao chìa khóa kho vũ khí, nhưng khăng khăng yêu cầu đơn vị của mình phải được bảo tồn nguyên vẹn và đặt câu hỏi về khả năng của những người lính Việt Minh được huấn luyện sơ sài liệu có thể đối đầu với quân Pháp nếu họ quay trở lại. Quyết trả lời: “Chúng tôi không chỉ phòng thủ được, mà nếu chúng dám đến làm phiền Việt Nam một lần nữa chúng tôi sẽ tóm cổ chúng và ném chúng xuống biển”. Khi Quyết cho rằng Thu chỉ đứng ngồi không yên, ông ra hiệu cho một số đồng đội rời khỏi phòng, vào các vị trí chủ chốt trong đồn và bắt đầu thuyết phục lính canh bỏ vũ khí. Đã có một vài phụ nữ Việt Minh ăn mặc đẹp đẽ vào khu sinh hoạt của Lực lượng Bảo vệ Dân sự để nói chuyện lịch sự và hòa nhã với các thành viên của đội quân nhạc.

Trong khi điều này đang diễn ra bên trong căn cứ, một tiếng gầm giận dữ vang lên từ đám đông vẫn còn bên ngoài cổng. Xe tăng và quân đội Nhật Bản đã đến hiện trường và vào vị trí khai hỏa. Nguyễn Quyết đã tìm cách điện thoại cho Nguyễn Khang, trong khi các cộng sự tiếp cận viên sĩ quan phụ trách Nhật Bản, người lúc đầu yêu cầu giải giáp lực lượng Việt Minh và doanh trại Cảnh vệ Dân sự trở lại. Một số người theo Việt Minh muốn chiến đấu, nhưng đã đồng ý nên cố gắng thuyết phục quân Nhật rút lui. Căng thẳng gia tăng khi một bộ phận đám đông trước đó đã chiếm Dinh Khâm Sai và Văn phòng Thị trưởng đi đến phía bên kia xe tăng. Ủy ban Quân sự Cách mạng khẩn cấp cử Trần Đình Long và Lê Trọng Nghĩa đến trụ sở Bộ Tổng tham mưu Nhật, tại đây họ tập trung cố gắng thuyết phục các sĩ quan có mặt rằng vũ khí mới trang bị của Việt Minh sẽ không được sử dụng để chống lại quân Nhật. Phái đoàn này hoặc các đại diện Việt Minh khác tại Hà Nội đã mời Tsukamoto Takeshi ăn trưa; và thật ngạc nhiên, ông đã nhận lời. Băn khoăn trước thái độ kiên cường của một số thành viên trung thành của Việt Minh, và lưu ý rằng một số sĩ quan quân đội Nhật muốn dạy cho Việt Minh một bài học, Tsukamoto đã tiến hành thỏa hiệp. Vào lúc 4 giờ chiều, lực lượng Nhật Bản rút lui khỏi doanh trại của Lực lượng Bảo vệ Dân sự, trước sự vui mừng của đám đông. Khác với Nguyễn Xuân Chữ, Đại úy Thu không bị bắt. Thật vậy, một số đơn vị Cảnh vệ Dân sự vẫn giữ nguyên bản sắc của họ trong những tháng đầu tiên của chính phủ lâm thời VNDCCH, với Thu là “giám đốc”.

Tối ngày 19, các thành viên của Đảng Đại Việt và Việt Nam Quốc dân Đảng đã họp tại Hà Nội để đánh giá hiện trạng của họ. Hầu hết các đảng viên trung kiên của Đại Việt miễn cưỡng chấp nhận sự tiếp quản của Việt Minh và sẵn sàng hợp tác hoặc rút lui để chờ đợi các cuộc tiếp quản. Một lãnh đạo của Quốc dân Đảng, Lê Khang, đã tranh luận sôi nổi chống lại quan điểm này. Ông cảnh báo, để cho những người cộng sản giành được ưu thế là mang tính tự sát. Tuyên bố rằng người Nhật vẫn cung cấp hàng nghìn khẩu súng, Khang ủng hộ một biện pháp phản kháng ngay lập tức, sau đó là bỏ tù tất cả các đảng viên Đảng Cộng sản. Khi ngay cả các đồng chí Quốc dân Đảng cũng không ủng hộ ông, Khang đã trốn ra khỏi cuộc họp, tập hợp một số đảng viên trung thành, và rời Hà Nội đến Vĩnh Yên với ý định biến tỉnh đó thành căn cứ để chống lại Việt Minh.

Trong khi cuộc gặp gỡ kín đáo này diễn ra để tiến hành đánh giá lại trong tâm trạng buồn bã, thì không khí trên đường phố Hà Nội thật náo nhiệt. Sự thay đổi mang tính cách mạng được thể hiện rõ rệt vào buổi tối hôm đó bằng cách người ta loại bỏ các đèn chớp đen của cuộc không kích trên tất cả các đèn đường, mang lại ánh sáng rực rỡ cho thành phố lần đầu tiên sau nhiều năm. Cờ Việt Minh được treo trên hàng trăm tòa nhà. Hàng nghìn công dân đã đi dạo trên vỉa hè ở trung tâm thành phố, tận hưởng cảm giác tự do mới. Mọi người dừng lại để chiêm ngưỡng những vệ binh vũ trang mới trước các tòa nhà công cộng, đặc biệt là một lính canh kiêu hãnh trước Dinh Khâm sai, đang đeo một bang đạn đeo trên ngực. Họ cũng ngạc nhiên trước sự xuất hiện của một lá cờ không lồ trên cột thu lôi của Dinh. Theo các nguồn tài liệu của Pháp, cột cờ tạm bợ này đã bị sập vào một thời điểm nào đó, gây ra nhiều bình luận mê tín. Nếu vậy, nó chỉ là một cái bóng giữa sự vui vẻ nói chung. Như một người tham gia trẻ tuổi từng hồi ức lại, thậm chí trong trí tưởng tượng hoang đường nhất của mình, ông chưa từng hình dung được một sự thay đổi lớn như vậy lại chỉ diễn ra trong một ngày.


© David G. Marr
    Nguyễn Trung Kiên dịch
Nguồn: Marr, David G. (1995). “Vietnam 1945: The Quest for Power”. Cambridge: Cambridge University Press, pp. 382-401.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad