Một lo ngại mới cho Mekong: Tonle Sap không đảo ngược dòng chảy - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Một lo ngại mới cho Mekong: Tonle Sap không đảo ngược dòng chảy



Người dân Phnom Penh xem đua thuyền rồng trên Tonle Sap ngày 23 tháng 11 năm 2018 trong lễ Bon Om Touk, đánh dấu việc đảo ngược dòng chảy hàng năm của Tonle Sap. [Ảnh: RFI]

Tonle Sap là một phụ lưu đặc biệt của sông Mekong, nối liền hồ nước ngọt lớn nhất ở Đông Nam Á có cùng tên với sông Mekong ở Phnom Penh, thủ đô của Cambodia. Thông thường, nước từ hồ Tonle Sap chảy vào sông Mekong. Nhưng trong mùa mưa, khi mực nước trong sông Mekong dâng đủ cao, dòng chảy trong Tonle Sap đảo ngược và nước từ sông Mekong chảy vào hồ Tonle Sap, khiến diện tích của mặt hồ rộng khoảng 2.500 km2 trong tháng 6 tăng lên đến 16.000 km2 vào cuối tháng 10 hay đầu tháng 11 [1]. Nhiều vùng chung quanh hồ bị ngập trở thành nơi sinh sản và tăng trưởng của cá, giúp hồ Tonle Sap có sản lượng cá đánh được hàng năm từ 177.000 đến 252.000 tấn [2]. Hồ Tonle Sap vận hành như một hồ chứa nước lụt thiên nhiên của hệ thống sông Mekong: điều tiết lưu lượng lũ ở hạ lưu Phnom Penh trong mùa mưa và bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong mùa khô.

Hồi năm rồi, một sự kết hợp của thay đổi khí hậu, El Niño và các đập trên dòng chánh Mekong và các phụ lưu khiến cho Tonle Sap đảo ngược dòng chảy trong tháng 8, thay vì trong tháng 6, và chỉ kéo dài 6 tuần thay vì nhiều tháng như thường lệ [3]. Năm nay, Tonle Sap có thể đảo ngược dòng chảy trễ hơn thường lệ một lần nữa, vì theo Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC), mực nước sông Mekong ở Stung Treng, Kratie, Kampong Cham và Neak Luong vẫn còn thấp hơn mực nước thấp nhất đo được từ năm 1960 đến 2019 [4]. Đây là những triệu chứng làm cho nhiều chuyên viên lo ngại: Tonle Sap không đảo ngược dòng chảy. Việc nầy không chỉ làm cho thủy sản của hồ Tonle Sap tụt giảm mà toàn thể hệ sinh thái của Tonle Sap cũng lâm nguy [5] rồi kéo theo ĐBSCL.



Thỏa ước Mekong 1995

Đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap là một sự kiện thủy học quan trọng được ấn định trong các Điều 5, 6, và 26 của Thỏa ước Mekong 1995 [6].

Điều 5. Sử dụng Hợp lý và Công bằng. Để sử dụng nước của hệ thống sông Mekong một cách hợp lý và công bằng trong lãnh thổ của mình, dựa trên tất cả các yếu tố và tình huống xác đáng, Quy định cho việc Sử dụng Nước và Chuyển nước Liên Lưu vực được ấn định trong Điều 26 và các mục A và B dưới đây:

A. Trên các phụ lưu của sông Mekong, kể cả Tonle Sap, việc sử dụng nước trong lưu vực và chuyển nước liên lưu vực phải được thông báo cho Ủy ban Hỗn hợp.


B. Trên dòng chánh sông Mekong:

1. Trong mùa mưa:

a. Sử dụng nước bên trong lưu vực phải thông báo cho Ủy ban Hỗn hợp.
b. Chuyển nước liên lưu vực phải được tham vấn trước để được Ủy ban Hỗn hợp đồng ý.

2. Trong mùa khô:

a. Sử dụng nước bên trong lưu vực phải được tham vấn trước để được Ủy ban Hỗn hợp đồng ý.
b. Bất cứ dự án chuyển nước liên lưu vực nào cũng phải được sự đồng ý của Ủy ban Hỗn hợp qua một thỏa thuận riêng cho mỗi dự án trước khi chuyển nước. Tuy nhiên, nếu có dư nước sau khi tất cả các bên sử dụng trong mùa khô, được Ủy ban Hỗn hợp kiểm chứng và nhất trí xác nhận, việc chuyển số nước dư liên lưu vực có thể được thực hiện sau khi tham vấn trước.

Điều 6. Duy trì Lưu lượng trên Dòng chánh. Để hợp tác trong việc duy trì lưu lượng trên dòng chánh vì việc chuyển nước, xả nước trong hồ chứa, hay các hoạt động thường trực khác; ngoại trừ trường hợp hạn hán và/hay lũ lụt nghiêm trọng lịch sử:

A. Không thấp hơn lưu lượng tối thiểu hàng tháng tự nhiên của từng tháng trong mùa khô;
B. Để giúp dòng chảy tự nhiên trong Tonle Sap đảo ngược có thể chấp nhận được trong mùa mưa; và,
C. Ngăn ngừa đỉnh lũ trung bình hàng ngày vượt quá cái xảy ra trung bình trong mùa lũ.




Ủy ban Hỗn hợp sẽ đưa ra các hướng dẫn về vị trí và mức độ của lưu lượng, và theo dõi và có hành động cần thiết cho việc duy trì được ấn định trong Điều 26.

Điều 26. Quy định về việc Sử dụng Nước và Chuyển nước Liên Lưu vực. Ủy ban Hỗn hợp sẽ soạn thảo và đề nghị lên Hội đồng Bộ trưởng để chấp thuận, cùng các việc khác, Quy định về việc Sử dụng Nước và Chuyển nước Liên Lưu vực theo các Điều 5 và 6, bao gồm nhưng không hạn chế trong việc: 1) thiết lập thời biểu cho mùa mưa và mùa khô; 2) thiết lập địa điểm các trạm thủy học, và ấn định và duy trì lưu lượng cần thiết tại mỗi trạm; 3) ấn định tiêu chuẩn để xác định lượng nước dư trong mùa khô trên dòng chánh; 4) cải thiện cơ chế theo dõi việc dùng nước bên trong lưu vực; và 5) thiết lập cơ chế để theo dõi việc chuyển nước liên lưu vực từ dòng chánh.

Thủy học của hệ thống Tonle Sap [7]



Một điểm đặc biệt của hệ thống là hồ Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất ở ĐNA. Nó vận hành như một hồ chứa nước tự nhiên, có thể chứa 20% dòng chảy trong mùa mưa của sông Mekong từ việc đảo ngược dòng chảy của Tonle Sap – một điểm đặc biệt khác – nối hồ Tonle Sap với sông Mekong ở Phnom Penh. Dòng chảy trong Tonle Sap đảo ngược vì sự sai biệt mực nước trong dòng chánh Mekong và hồ Tonle Sap là hiện tượng độc nhất trên thế giới. Trung bình, có 43 km3 nước sông Mekong chảy vào hồ mỗi năm, chiếm 52% tổng số nước của hệ thống (35% từ các phụ lưu và 13% từ mưa).




Dựa trên lưu lượng đo đạc tại trạm Prek Kdam trên Tonle Sap từ năm 1962 đến 1972, việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap có những đặc tính như sau:

· Dòng chảy thường bắt đầu đảo ngược vào đầu tháng 6, nhưng có thể sớm hay trễ hơn 1 tháng. Lưu lượng chảy vào hồ lên cao nhất vào cuối tháng 8;
· Thông thường, dòng chảy ngược kéo dài trong 4 tháng và chấm dứt vào cuối tháng 9, nhưng có thể sớm hay trễ hơn 2 tuần;
· Sau đó, dòng chảy đảo ngược lại để chảy ra sông Mekong và lên cao nhất trong tháng 11;
· Trong nhiều năm, việc đảo dòng với lưu lượng lên đến 7.500 m3/sec có thể xảy ra trong vòng vài ngày; và
· Lưu lượng chảy ra từ hồ trong tháng 3 đến tháng 5 chỉ có vài trăm m3/sec, phản ánh mùa khô và sai biệt mực nước ít.



Ảnh hưởng của việc trữ nước tạm thời trong hệ thống Tonle Sap hay điều tiết lũ lụt tự nhiên của sông Mekong có những lợi ích như sau:

· Đỉnh lũ trong sông Mekong bị cắt, đo đó, làm giảm cường độ và phạm vi ngập lụt ở ĐBSCL; và
· Trong ½ mùa khô, nước từ hồ Tonle Sap gia tăng lưu lượng ở hạ lưu Phnom Penh giúp cho việc canh tác và hạn chế sự xâm nhập của nước mặn vào ĐBSCL;
· Lưu lượng trung bình hàng tháng lên cao nhất 32.000 m3/sec trong tháng 8 ở Phnom Penh. Ở Tân Châu và Châu Đốc, lưu lượng trung bình trong tháng 8 thấp hơn khoảng 5.000 m3/sec và lên cao nhất trong tháng 9; và
· Lưu lượng trong mùa khô từ tháng 11 đến tháng 2 tăng lên đáng kể.

Ngoài các lợi ích trên, việc điều tiết của hồ Tonle Sap cũng làm cho mực nước lụt ở ĐBSCL dâng lên rất chậm (dưới 10 cm/ngày) và có thể tiên đoán trước, do đó, người dân ở ĐBSCL có thời gian để chuẩn bị đối phó.



Duy trì lưu lượng trên dòng chánh Mekong

Các quy định về việc duy trì dòng chảy trên dòng chánh sông Mekong được trình bày chi tiết trong một phúc trình của MRC có tựa đề Hướng dẫn Kỹ thuật về việc Thực hiện các Thủ tục để Duy trì Dòng chảy trên Dòng chánh – Phiên bản đang Soạn (Technical Guidelines on Implementation of the Procedures for the Maintenance of Flows on the Mainstream – Working Version) [8]. Hướng dẫn Kỹ thuật gồm có các điểm chánh như sau:

Các định nghĩa then chốt

Thỏa ước Mekong 1995 đề cập đến lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu chấp nhận được; lưu lượng đảo ngược tự nhiên chấp nhận được; hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng lịch sử; mùa khô, mùa mưa và mùa lũ.

Lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu chấp nhận được là lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu cho từng tháng trong mùa khô. Lưu lượng đảo ngược tự nhiên chấp nhận được là lưu lượng của sông Mekong ở Kratie cho phép Tonle Sap đảo ngược dòng chảy để nâng mực nước hồ Tonle Sap lên mức tối ưu chấp nhận được.




Hạn hán được xem là nghiêm trọng lịch sử khi mực nước đo đạc hàng ngày trong mùa khô thấp hơn mực nước có tỉ lệ xảy ra 1:20 của mực nước hàng ngày từ 1960 đến 2009. Lũ lụt được xem là nghiêm trọng lịch sử khi mực nước đo đạc hàng ngày trong mùa mưa cao hơn mực nước có tỉ lệ xảy ra 1:20 của đỉnh lũ hàng ngày từ năm 1960 đến 2009.

Mùa khô kéo dài 6 tháng từ ngày 1 tháng 12 đến 31 tháng 5. Mùa mưa kéo dài 6 tháng từ ngày 1 tháng 6 đến 30 tháng 11. Mùa lũ kéo dài 4 tháng từ 1 tháng 7 đến 31 tháng 10.

Ấn định các trạm thủy học

Theo Điều 26.2 của Thỏa ước Mekong 1995, 9 trạm thủy học được chọn để làm nền tảng cho việc duy trì lưu lượng trên dòng chánh: Chiang Saen, Vientiane, Khong Chiam, Pakse, Stung Treng, Kratie, Tân Châu và Châu Đốc. Ba trạm Phnom Penh Port, Prek Kdam và Kampong Luong nằm trong hệ thống Tonle Sap được chọn để theo dõi việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap.



Ấn định lưu lượng

Theo Điều 6.A – Lưu lượng hàng tháng tối thiểu chấp nhận được cho từng tháng trong mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 5): Áp dụng cho tất cả các trạm thủy học, ngoại trừ Kampong Luong và Prek Kdam. Đồng ý thử nghiệm 2 sự lựa chọn: Tỉ lệ Xảy ra (Annual Recurrence Interval (ARI)) từ 1:4 đến 1:5 hay 80-90% Xác suất Xảy ra (Flow Duration Curve (FDC))



Theo Điều 6.B – Lưu lượng đảo ngược tự nhiên chấp nhận được của Tonle Sap xảy ra trong mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 11): Áp dụng cho trạm Kratie trên sông Mekong và trạm Prek Kdam và Kampong Luong trên hệ thống Tonle Sap. Xác suất xảy ra của tổng số dòng chảy trong mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 11) ở Kratie nằm trong khoảng trên và dưới 90% của mức Căn bản (Baseline).



Theo Điều 6.C – Ngăn ngừa đỉnh lủ hàng ngày trung bình vượt quá đỉnh lũ tự nhiên trong mùa lũ (từ tháng 7 đến tháng 10): Áp dụng cho tất cả các trạm thủy học, ngoại trừ trạm Prek Kdam và Kampong Luong. Đỉnh lũ hàng ngày trung bình trong mùa lũ (từ tháng 7 đến tháng 10).



Thiếu sót trong Hướng dẫn Kỹ thuật của MRC

Thiếu sót thứ nhất là lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu chấp nhận được, được MRC định nghĩa là được là lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu cho từng tháng trong mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 5. Nhưng sông Mekong trong vùng đông bắc Thái Lan gần như khô cạn ngay trong mùa mưa năm 2019 và lại xuống đến mức thấp trong mùa mưa năm nay; vì thế, định nghĩa của lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu chấp nhận được cần được nới rộng để bao gồm lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu cho từng tháng trong năm, mùa khô lẫn mùa mưa.

Thiếu sót thứ hai là sự khó khăn và phức tạp của việc sử dụng tổng số dòng chảy trong mùa mưa ở Kratie và dòng chảy ngược cộng dồn ở Prek Kdam để xác định việc đảo ngược dòng chảy của Tonle Sap trong mùa mưa. Việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap có thể được xác định dễ dàng hơn bằng mực nước tại các trạm Phnom Penh Port, Prek Kdam và Kampong Luong.

Thiếu sót thứ ba là không cứu xét đến dòng chảy từ các phụ lưu, nhất là các phụ lưu có nhiều đập thủy điện đang hoạt động. Quan trọng nhất là lượng nước xả xuống hạ lưu từ đập cuối cùng trên phụ lưu, thí dụ như Nam Ou 1, Nam Ngum 1, Pak Mun và Hạ Sesan 2.

Thiếu sót sau cùng nhưng không kém phần quan trọng là việc duy trì lưu lượng trong mùa lũ (từ tháng 8 đến tháng 11) của sông Mekong ở Tân Châu và Châu Đốc để duy trì “mùa nước nổi” ở ĐBSCL, nếu lượng mưa trên lưu vực trên mức trung bình đáng kể. Mùa nước nổi ở ĐBSCL có thể duy trì bằng cách giữ cho mực nước hàng ngày của sông Mekong ở Châu Đốc dao động giữa mực nước báo động 3,80 m và mực nước lụt 4,20 m [9]. Lợi ích của mùa nước nổi đã được người dân ở ĐBSCL biết đến từ lâu và được MRC kiểm chứng có giá trị hàng năm từ 8 đến 10 tỉ USD so với thiệt hại từ 60 đến 70 triệu USD cho toàn thể hạ lưu vực Mekong [10].




Phần kết luận

Tonle Sap là một phụ lưu đặc biệt của sông Mekong, nối liền hồ Tonle Sap với sông Mekong ở Phnom Penh, thủ đô của Cambodia. Tonle Sap là con sông duy nhất trên thế giới mà dòng chảy trong sông đảo ngược hàng năm. Vào mùa khô, nước từ hồ Tonle Sap chảy vào sông Mekong. Nhưng trong mùa mưa, khi mực nước trong sông Mekong dâng đủ cao, nước từ sông Mekong chảy vào hồ Tonle Sap, khiến diện tích của mặt hồ tăng lên gấp 6 lần cung cấp nơi sinh sản và tăng trưởng của cá. Hồ Tonle Sap điều tiết lưu lượng lũ của sông Mekong khiến lũ lụt ở ĐBSCL “hiền hòa” và bổ sung nước cho đồng bằng nầy trong mùa khô.

Vào năm 2019, Tonle Sap đảo ngược dòng chảy trễ hơn thông thường và chỉ kéo dài có 6 tuần thay vì nhiều tháng. Năm nay, theo MRC, Tonle Sap có thể đảo ngược dòng chảy trễ hơn thường lệ một lần nữa. Đây là những triệu chứng làm cho nhiều chuyên viên lo ngại: Tonle Sap không đảo ngược dòng chảy; khiến thủy sản của hồ Tonle Sap tụt giảm và toàn thể hệ sinh thái của Tonle Sap cũng lâm nguy rồi kéo theo ĐBSCL.

Mặc dù Thỏa ước Mekong 1995 có những điều khoản quy định việc duy trì việc đảo dòng của Tonle Sap, những hướng dẫn của MRC để thực hiện những quy định nầy còn thiếu sót hoặc rất phức tạp để áp dụng. Để cải thiện việc áp dụng các điều khoản trong Thỏa ước Mkong 1995, những hướng dẫn nầy cần được sửa đổi để 1) bao gồm lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu chấp nhận được trong mùa mưa, 2) dùng mực nước ở các trạm Phnom Penh Port, Prek Kdam và Kampong Cham để theo dõi việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap, 3) cứu xét các dòng chảy từ phụ lưu có đập đang hoạt động, và 4) duy trì mùa nước nổi cho ĐBSCL, một sự kiện thủy học quan trọng không kém gì việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap.

Sơ lược về tác giả

Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972. Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975. Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ. Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989. Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles. Về hưu từ năm 2016.



© Trân Văn
    Mekong-Cửu Long
Chú thích:

[1] Wikipedia. 16 July 2020. “Tonlé Sap.” Wikipedia
[2] FAO. Accessed August 5, 2020. “Part II. Tonle Sap Fisheries.” FAO.  
[3] Tyler Roney. April 23, 2020. “The fate of Tonle Sap is decided upriver.” China Dialogue.  
[4] Sao Da. August 5, 2020. “MRC sees ‘very critical situation’ in Tonle Sap as flow reversal still delayed.Khmer Times.  
[5] Tyler Roney. August 15, 2019. “Cambodia’s Tonle Sap Lake Under Threat.” Asia Sentinel.  
[6] Mekong River Commission for Sustainable Development (MRC). 1995 Mekong Agreement and Procedural Rules. MRC.  
[7] Technical Support Division and Planning Division. April 2018. Procedures for the Maintenance of Flows on the Mainstream (PMFM) – Compregensive Information Report. MRC.  
[8] MRC. October 2017. Technical Guidelines on Implementation of the Procedures for the Maintenance of Flows on the Mainstream. Working Version. MRC.  
[9] Nguyễn Minh Quang. Tháng 10 năm 2000. “Nhận xét về trận lũ lụt năm 2000 ở Đồng bằng sông Cửu Long.” Đi Tới. Montreal, Canada.
[10] MRC. Accessed August 5, 2020. “Flood & Drought.” MRC.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad