Việt Nam không tham gia RIMPAC có phải là một chọn lựa đúng? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

Việt Nam không tham gia RIMPAC có phải là một chọn lựa đúng?


Theo bản tin từ VOA cho biết “Việt Nam không có tên trong danh sách 10 nước đang tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) năm nay ở Hawaii, dù đã được mời. Hà Nội chưa thông báo lý do không tham dự RIMPAC – cuộc diễn tập chỉ diễn ra trên biển từ ngày 17 tới 31 tháng Tám và không có các sự kiện giao lưu trên bờ do các quan ngại về virus Corona”.


Tàu khu trục MSDF JS Ashigara đi cùng hai khinh hạm lớp Halifax của Hải quân Hoàng gia Canada HMCS Winnipeg và HMCS Regina trên đường đến Hawaii tham dự RIMPAC 2020. Hình ảnh Hải quân Hoàng gia Canada.

Nội dung bản tin làm nhiều người theo dõi tình hình Biển Đông hụt hẫng, Hụt hẫng và tiếc rẻ cho thái độ thiếu quyết đoán của Việt Nam khi Mỹ đang tung hết chiêu thức trên mặt trận “ngoại giao quốc phòng”, theo cách nói của The Washington Post, để cho Trung Quốc thấy sức mạnh hải quân của họ cũng như đồng minh trên biển. Sức mạnh ấy được phô diễn không những chỉ để phối hợp tấn công nếu xảy ra chiến tranh, ở đây rõ ràng là với Trung Quốc, mà còn trực tiếp cho thấy tiềm lực mà hải quân Mỹ hiện có.




RIMPAC (the Rim of the Pacific Exercise) là “Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương” cuộc tập trận tác chiến trên biển có quy mô quốc tế lớn nhất thế giới. RIMPAC được tổ chức hai năm một lần của các năm chẵn tại Hawaii. Nó được điều hành và chi huy bởi Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hải quân Hoa Kỳ, như một phương tiện thúc đẩy sự ổn định trong khu vực vì lợi ích của tất cả các quốc gia tham gia.

Năm nay Mỹ chính thức mời Việt Nam tham dự nhưng lại tiếp tục không mời Trung Quốc cho thấy thái độ của chính quyền Mỹ là dứt khoát và có lẽ việc không mời Trung Quốc khiến Việt Nam lo ngại, không dám tiếp tục tham gia như năm 2018 mặc dù năm đó cũng không có mặt Trung Quốc.

Theo The Washington Post việc Hoa Kỳ một lần nữa không mời Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận RIMPAC năm nayWashington dường như đang đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ về quốc phòng, thay vì ngoại giao.


Hơn ai hết Hà Nội biết rất rõ tại sao Mỹ không mời Trung Quốc tham gia, thái độ này làm Việt Nam vừa hy vọng lại không kém lo âu. Hy vọng Mỹ sẽ có thái độ trực diện với Trung Quốc khi Bắc Kinh tiếp tục xem Biển Đông là vùng biển của Đại hán nhưng cùng lúc Hà Nội chừng như chưa sẵn sàng tỏ thái độ chống lại ý đồ xâm lấn của Trung Quốc. Việt Nam tiếp tục chọn cách im lặng và nhẫn nhịn mặc dù có đưa ra những phản đối hồi gần đây về vụ Bãi Tư Chính. Giới lãnh đạo Hà Nội vẫn cho rằng giải pháp hòa hoãn với Trung Quốc từ trước tới nay vẫn là chính sách duy nhất trong tình trạng một nước Trung Quốc quá mạnh và quá quyết đoán.

Có thể Hà Nội đã đúng trong quá khứ tức là từ năm 1990 khi ký tên vào Hội Nghị Thành Đô nhưng từ những năm gần đây diễn biến chống Trung Quốc của Mỹ và các nước ngày một căng thẳng hơn thì thái độ im lặng chịu đựng ấy có lẽ không còn phù hợp.

Có thể trận chiến tranh 1979 vẫn còn ám ảnh giới lãnh đạo quốc phòng của Việt Nam nhưng nếu mang những lo sợ ấy vào quyết sách bảo vệ đất nước trong tình hình hiện nay là thái độ trùm chăn và kiến thức khoa học quân sự bị lệch lạc. Năm 1979 Trung Quốc bất ngờ tiến đánh Việt Nam trong lúc cán bộ chiến sĩ không thể ngờ người bạn chí cốt của mình lại ra tay trong lúc Việt Nam đang bận rộn với chiến dịch biên giới Tây Nam. Tuy bất ngờ nhưng Việt Nam vẫn chống trả thành công và Trung Quốc mặc dù thắng thế nhưng hậu quả vô cùng nghiêm trọng và khó làm cho họ đủ can đảm ra tay lần thứ hai trên mặt trận này.




Lý do là tình hình hiện nay rất khác. Hệ thống theo dõi, phát hiện đối phương từ khi chúng tập trung không còn như cách đây 40 năm. Chỉ cần một đại đội di chuyển về phương Nam, Hà Nội dễ dàng được báo động và chuẩn bị phản công. Trung Quốc không thể càn quét Việt Nam như lúc trước nhất là khi cả thế giới đang theo dõi từng động tác của họ.

Và nhất là hiện nay Mỹ không còn là kẻ thù của Việt Nam.

Sự sợ hãi chiến tranh trên mặt biển là lo âu chung của các nước trong khu vực chứ không riêng gì Việt Nam. Từ Malaysia, Indonesia cho tới Philippine và thậm chí kể cả Brunei…đều là nạn nhân nếu Trung Quốc ra tay. Mỹ thấy rõ điều đó và những động thái canh chừng Trung Quốc qua cách biểu đạt “tự do thông thương hàng hải” đã phần nào khiến Trung Quốc dè chừng nhất là những chống đối mạnh mẽ chưa từng thấy gần đây của Mỹ đã khiến Trung Quốc phải chọn thái độ co cụm trong cách ứng xử ngoại giao với các nước.

Bất kể nổ lực lôi kéo Việt Nam bằng những động thái giúp đỡ, hứa hẹn lẫn chống Trung Quốc của Mỹ Hà Nội vẫn tỏ ra lơ là và hình ảnh đi giây ngày một rõ hơn. Trong quá khứ việc đi giây được xem là hợp lý bao nhiêu thì trong tình hình hiện tại bị đánh giá là sai lầm bấy nhiêu. Việt Nam lo ngại trở thành tiền đồn chống Trung Quốc của Mỹ nhưng mặc nhiên chấp nhận thân phận phên giậu của mình khó làm cho Mỹ tiếp tục kiên nhẫn.

Cách đối phó của Bắc Kinh là tiếp tục bóp cổ Hà Nội bằng quân sự, bằng tiền bạc, bằng kinh tế, bằng liên quan đảng phái….không cho phát ra tiếng vang, mà tiếng vang hiệu quả nhất là thái độ hợp tác với Mỹ qua việc tham dự RIMPAC.

Chờ xem sau RIMPAC là gì và việc từ chối tham gia RIMPAC của Việt Nam là một chọn lựa thất bại hay không. Nếu đợi đến RIMPAC 2022 mới tham gia e rằng Việt Nam đã lỡ tàu vì lúc ấy có lẽ con tàu Washington đã đổi tài xế lẫn đường ray.


© Cánh Cò
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad