Việt Nam quyết ‘không để hình thành tổ chức chính trị đối lập’ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2020

Việt Nam quyết ‘không để hình thành tổ chức chính trị đối lập’



Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương phát biểu tại phiên họp của Quốc hội hôm 14/9/2020 ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Cổng thông tin điện tử hội Việt Nam)

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương hôm 14/9 cho biết rằng Việt Nam đã “ngăn ngừa các âm mưu “bạo loạn, khủng bố, phá hoại” và quyết “không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước,” theo trang tin chính thức của Quốc hội Việt Nam.

Báo cáo về kết quả công tác phòng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực an ninh quốc gia tại trụ sở Quốc hội Việt Nam ở Hà Nội, ông Vương nói rằng các “thế lực thù địch trong và ngoài nước” vẫn tiếp tục gia tăng các “hoạt động chống phá” trên nhiều lĩnh vực.

“An ninh nội địa còn tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây bất ổn; an ninh kinh tế diễn biến phức tạp,” Thượng tướng Vương nói. “Tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng ngày càng nghiêm trọng. Hoạt động nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19. Tình hình khiếu kiện vẫn còn rất phức tạp.”




Tuy nhiên, theo vị thượng tướng này, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động thực hiện các giải pháp đấu tranh “làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động.”

Từ đó, Bộ Công an đã “ngăn ngừa âm mưu bạo loạn, khủng bố, phá hoại, không để hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước,” Thứ trưởng Vương nói, và nhấn mạnh rằng quyết “không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.”

“Kịp thời khởi tố điều tra các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, góp phòng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước,” ông Vương được trang tin Quốc hội trích lời nói tại cuộc họp.


Một trong những vụ án gần đây nhất liên quan đến “đảm bảo an ninh quốc gia” ở Việt Nam là việc bắt giữ và khởi tố Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, người từng là giám đốc Công an TP Hà Nội, với cáo buộc “chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.”

Bộ Công an trước đó khởi tố vụ án “Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước” của công ty Nhật Cường liên quan đến hai cán bộ thân cận của ông Chung.

Bộ Công an trong những tháng gần đây tăng cường các hoạt động “bảo đảm an ninh quốc gia” đặc biệt khi Việt Nam sắp tổ chức Đại hội Đảng vào đầu năm sau.

Người đứng đầu Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm, hồi đầu tháng 7 chỉ đạo các cơ quan liên quan “giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện đông người, không để các đối tượng thù địch lợi dụng chống phá” dịp Đại hội Đảng, theo VietNamNet.




Trước đó vào tháng 6, truyền thông trong nước dẫn lời Trung tướng Lương Tam Quang, một thứ trưởng khác của Bộ Công an, cũng lên tiếng cảnh báo rằng các “âm mưu hoạt động chống phá, gây bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phản động” ở Việt Nam “ngày càng thâm độc, nguy hiểm hơn.”

Trung tướng Quang dự báo rằng “các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá chúng ta, muốn lật đổ, bôi nhọ chế độ ta. Đây là những âm mưu mà chưa bao giờ chúng phát động mạnh mẽ như hiện nay.”

Cáo buộc “âm mưu lật đổ chính quyền” đã được Việt Nam áp dụng trong những vụ án xét xử người Việt Nam quốc tịch nước ngoài trong những năm gần đây. Gần đây nhất vào tháng 6 năm ngoái, Công dân Mỹ gốc Việt Michael Phuong Minh Nguyen, đã bị kết án 12 năm tù với cáo buộc này.

Theo nhận định của các tổ chức nhân quyền quốc tế, dù Việt Nam đã đạt được nhiều cải cách về kinh tế và cởi mở hơn về những thay đổi trong xã hội, nhưng Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn thực thi sự kiểm soát nghiêm ngặt về truyền thông và không dung thứ cho những chỉ trích nhắm vào chính quyền.


© VOA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad