Đại hội 13: “Kịch tính” chuyển giao quyền lực tổng bí thư? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2020

Đại hội 13: “Kịch tính” chuyển giao quyền lực tổng bí thư?


“Trường hợp đặc biệt”, từng là “bất thường” tại Đại hội 12, nay tiếp tục “nóng”, trong đó việc chuyển giao quyền lực tổng bí thư đang là “kịch tính”, trước thềm Đại hội 13 tới đây. Khác với trước đây, lần này truyền thông của Đảng đưa công khai để dọn đường dư luận.


Hình minh hoạ. Đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Việc Đảng Cộng sản giới thiệu một hay hơn các ứng viên không nằm trong tiêu chuẩn đã quy định để có thể tham gia hoặc tiếp tục giữ chức vụ quan trọng nhất của chế độ được gọi là “trường hợp đặc biệt”.

Bài viết phân tích “trường hợp đặc biệt” trong bối cảnh khủng hoảng của quá trình chuyển đổi chế độ đảng toàn trị nói chung. Đối với Việt Nam việc phá vỡ các tiêu chuẩn chuyển giao quyền lực liên tiếp trong hai nhiệm kỳ phản ánh một trong dấu hiệu “tình huống bất ổn”.

Liệu quá trình chuyển đổi chế độ sẽ thay đổi như thế nào và liệu việc chuyển giao quyền lực ai sẽ là tổng bí thư tại Đại hội 13 là hai khía cạnh của cùng vấn đề được quan tâm.

Chuyển đổi đang khủng hoảng

Dưới chế độ đảng cộng sản toàn trị các lãnh tụ có vai trò quyết định bởi quyền lực tập trung tuyệt đối, điển hình trong thời kỳ sau cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và cho một số nước như Trung Quốc, Việt Nam và Cu Ba theo ý thức hệ này sau khi giành độc lập. Các lãnh tụ thường duy trì quyền lực tối cao suốt đời, cho đến chết. J. Stalin cai trị Liên Xô cũ 36 năm (1927–1953), Mao Trạch Đông cầm quyền ở Trung Quốc từ năm 1949 cho đến khi qua đời năm 1976, F. Castro lãnh đạo Cu Ba khoảng 50 năm từ năm 1961 –2011…




Thực tế đã minh chứng nhận định của John Locke là đúng khi cho rằng quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hoá tuyệt đối, và các nhà nghiên cứu chính trị cho rằng chế độ chuyên chế đã đang chuyển đổi. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh các tiêu chuẩn chuyển giao quyền lực được thiết lập, như giới hạn không quá 2 nhiệm kỳ, quy định độ tuổi cho cấp lãnh đạo, cơ chế lãnh đạo tập thể… tuỳ thuộc mỗi quốc gia cộng sản.


Tuy nhiên, trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh, đặc biệt gần đây các tiêu chuẩn trên bị phá vỡ thường xuyên hơn với nhiều hình thức biểu hiện phức tạp. Tập Cận Bình, sau khi bắt đầu nhiệm kỳ cai trị thứ hai 2017-2022, đã thay đổi hiến pháp và điều lệ đảng để có thể tiếp tục duy trì chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước; hoặc hậu cộng sản. V. Putin cũng đã có động thái tương tự sau khi ở cương vị Tổng thống Liên bang Nga hơn 20 năm. A. Lukashenko đã cai trị Belarus 28 năm, từ 1991 đến nay, và đang bị cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử trong cuộc bầu cử vào tháng 8/2020…


Hình minh họa. Các tấm souvenir với hình chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình được bán ở một cửa hàng tại Bắc Kinh nhân đại hội 19 Đảng Cộng sản TQ hôm 21/10/2017

Mô hình Trung Quốc dường như không còn là “biểu tượng” đối với các nước mới nổi. Việc bộc lộ ngày càng hung hăng tính chất chuyên chế của chế độ toàn trị trong bối cảnh khủng hoảng y tế và kinh tế gây nên bởi đại dịch COVID-19. Ngoài ra, sự leo thang căng thẳng cuộc thương chiến dẫn đến đối đầu Mỹ - Trung sang các hồ sơ bành trướng lãnh hải, lãnh thổ, nhân quyền, dân chủ, dân tộc và tôn giáo… kéo theo sự thay đổi chính sách ngoại giao của các nước Phương Tây… Một trật tự thế giới mới đang được dự báo, có thể là “cuộc chiến tranh lạnh mới”, trong đó thời kỳ chuyển đổi của chế độ chuyên chế có thể sẽ chấm dứt?

Kịch tính chuyển giao quyền lực

Chế độ đảng cộng sản ở Việt Nam, không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi nêu trên, cũng đang trong khủng hoảng. Từ sau khi có đường lối Đổi mới, năm 1986, Đảng “mở cửa” để hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới việc chuyển giao quyền lực đã diễn ra theo các tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo là tương đối ‘trật tự’. Tuy nhiên, một quan sát rất đáng lưu tâm để có lý giải thoả đáng, rằng công tác quy hoạch cán bộ, trong có vị trí tổng bí thư đảng luôn gặp thách thức, hơn thế đã không thể được thực hiện. Quá trình chuyển giao quyền lực qua các thế hệ lãnh đạo dường như đang thay đổi nhằm hạn chế tốc độ cải cách thể chế kinh tế theo hướng thị trường.


Hình minh họa. TBT Nguyễn Phú Trọng (giữa) phát biểu giữa 200 uỷ viên Trung ương Đảng tại lễ bế mạc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016

Đã có những ‘đồn đoán’ về phe phái được cho “cải cách” và “bảo thủ” trong Đảng. Tuy nhiên, theo tôi, đã không tồn tại bất cứ dấu hiệu “chuyển hoá” sang chế độ dân chủ, mà chủ yếu là sự khác biệt về quan niệm và cách thức điều hành nền kinh tế “thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Trong nhiệm kỳ trước những sai lầm của chính sách tăng trưởng nóng vội và cải cách thể chế chính trị trì trệ bởi ý thức hệ, không phù hợp với chuyển đổi kinh tế đã dẫn đến hậu quả “nhà nước tư bản thân hữu” với những “nhóm lợi ích”, quan chức suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng trầm trọng…

“Trường hợp đặc biệt” quá tuổi theo quy định được cho là “bắt buộc” khi được áp dụng tại Đại hội 12 đối với chức danh tổng bí thư và 4 uỷ viên trung ương trong điều kiện bất ổn thể chế và kinh tế vĩ mô. Dàn cán bộ lãnh đạo cấp cao của nhiệm kỳ 12 này được cho là kết quả thoả hiệp theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Đây cũng chính là lý do để Đảng tập trung quyền lực cao hơn để duy trì sự tồn vong của chế độ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng được tăng cường. Một mặt, Đảng ban hành các quy định mới về công tác cán bộ, trong đó có các tiêu chuẩn riêng cho từng loại lãnh đạo cấp cao nhất. Mặt khác, nhiều tổ chức đảng và hàng nghìn quan chức bị kỷ luật và kết án tù vì vi phạm quy định của đảng và pháp luật trong chiến dịch chống tham nhũng và “suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống”.




Việc chuyển giao quyền lực tiếp tục bất ổn khi “trường hợp đặc biệt” trở nên kịch tính trước thềm Đại hội 13. Truyền thông của Đảng nhấn mạnh rằng xem xét trường hợp đặc biệt “phải vì lợi ích của Đảng, của Nhân dân” và lý giải quy trình này. Thời gian một nhiệm kỳ dường như chưa đủ để thử thách ứng viên thay thế chức vụ tổng bí thư hiện tại, vốn đã là “trường hợp đặc biệt” tại Đại hội 12. Nhà phân tích chính trị Việt Nam David Hutt suy đoán, rằng “cuộc đua tam mã”, nghĩa là có ba “trường hợp đặc biệt” quá tuổi, hiện đang nắm các vị trí chủ chốt, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Một hay ba trường hợp đặc biệt, thậm chí Tổng bí thư đương nhiệm có thể “kéo dài để giữ ổn định”… vẫn là phương án chứa đựng “kịch tính”, bởi vì, theo quy trình, kết quả được quyết định bởi lá phiếu của các uỷ viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành trung ương khoá 12, nhưng trên chính trường luôn có những bất ngờ, nhất là còn đó những bài học từ những trường hợp đặc biệt trong nhiệm kỳ trước!

Tóm lại, việc chuyển giao quyền lực dưới chế độ đảng toàn trị một cách hoà bình và trật tự như trước đây có thể đã chấm dứt. Khi người dân đứng ngoài “trò chơi quyền lực” thì sự ổn định chế độ vẫn phụ thuộc vào ‘sự anh minh’ và vai trò của tổng bí thư đảng.


© TS. Phạm Quý Thọ gửi từ Hà Nội
    Blog RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad