Khi nhìn những chậu hoa vàng hực chung quanh cái sân khấu đỏ chót của Đại hội Đảng một huyện nào đó nhiều người dân phất tay một cách xem thường và cho rằng đó là cung cách le lói của mấy tay có căn bệnh thẩm mỹ nhà quê, nó chỉ đáng cười chứ không đáng để tâm cho nặng ruột.
Cái cung cách ấy đã có từ lâu chứ không phải mới đây, nhất là từ khi chiếm được cả một vùng tài nguyên mông mênh của miền Nam thì người người trong đảng có nhu cầu minh họa các phát biểu bằng hoa, hoa gì cũng được miễn đắt tiền là nói lên được cái đảng cấp của những người đứng phía sau những chậu hoa đó. “Chậu” chứ không phải là bó hay bình. Chỉ có chậu mới chứng tỏ quyền lực và tầm văn hóa của lời nói, cho dù lời nói ấy thường chỉ lập lại một cách chấp vá và trơn tru như thoa mỡ.
Vài ngày nay tư duy của nhiều tỉnh đã có vẻ thay đổi hơn huyện, thay đổi một cách triệt để. Các ủy ban tổ chức Đại hội Đảng cấp tỉnh đã tỏ ra văn minh hơn khi chọn lựa thay vì trang trí cho sân khấu họ đã chọn trang trí cho hàng trăm đại biểu tham dự. Có lẽ đã nhận ra sự lòe loẹt của sân khấu trong khi cái cần hơn lại không chú ý, đó là khuôn mặt đại biểu, thứ mà khi nhìn vào nhân dân lập tức đánh giá phẩm chất đại hội chứ không phải là sân khấu, vốn vô hồn và dễ gây phản cảm.
Đại biểu năm nay được “tân trang” cho phù hợp với cuộc sống hiện đại của đảng viên. Đại hội nắm bắt yêu cầu cao của thời đại đòi hỏi đảng viên đại biểu tham dự phải xứng tầm với tấm thẻ mà đảng giao phó. Họ không được làm mất mặt Bí thư Tỉnh ủy, vốn là sứ quân của một phương. Họ không được làm lộ bộ mặt nghèo đói của Tỉnh qua trang phục “bình dân” như năm xưa Bác từng thủ diễn.
Họ phải được trang bị máy tính bảng Samsung Galaxy Tab S6 Lite như tỉnh Quảng Ninh cung cấp cho từng đại biểu có phương tiện làm việc. Họ phải đồng hồ lấp lánh, có cặp da cao cấp mà mỗi chiếc cặp được ép kim nội dung lên miếng da, khắc laser tên từng đại biểu, như Đắk Lắk, Cao Bằng. Họ phải được trang bị bút bi hiện đại và nhất là phải có vòng đeo tay thông minh của hãng Xiaomi (Trung Quốc) sản xuất, có màn hình cảm ứng, hỗ trợ cảm biến nhịp tim, đếm bước chân, nhắc nhở vận động… như Gia Lai chăm lo cho sức khỏe của đại biểu tham dự.
Chưa đủ, nếu họ có những thứ ấy nhưng không lẽ mặc một bộ veston quá thô lậu, được may từ nhiều năm về trước há không mất mặt nhân dân sao?
Vậy là Tỉnh uỷ Tuyên Quang đã lấp đầy nỗi lo lắng đó bằng cách gọi thầu 428 bộ trang phục với tổng dự toán 2 gói thầu là hơn 2,5 tỉ đồng. Yêu cầu đối với tất cả 428 bộ trang phục này là "chất liệu CASHMERE của Italy, nguyên phụ liệu: Cúc áo, khoá quần, chỉ may nhập của Đức; chất liệu vải lót trong của Nhật". Mỗi bộ sẽ được may theo số đo cụ thể của từng đại biểu. Nhà thầu sẽ phải cung cấp sản phẩm tới tận nhà của từng đại biểu.
Ôi, chúng tôi yêu Đảng quá. Chắn chắc trong khi ngồi ở hội trường đại hội chúng tôi sẽ hết lòng chọn ra những từ ngữ đẹp đẽ, sang trọng, kêu vang và xa nhất để phát biểu cho nhân dân thấy sự quan tâm của Đảng đối với nhân dân vì thật ra chúng tôi là những người được đảng giao phó trực tiếp phục vụ nhân dân, chúng tôi là nhân dân chứ còn ai vào đây nữa?
Tại Ấn Độ mỗi khi người Hindu tổ chức lễ hội thì con bò thường được trang trí lên thân thể những vật liệu óng ánh, sặc sỡ để tỏ lòng kính ngưỡng.
Những đại biểu dự đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13 sắp đến cũng được mặc áo veston, mang cặp da đắt tiền với chiếc máy tính hiện đại vào dịp lễ hội của Đảng. Tuy sặc sỡ không kém những con bò Ấn Độ nhưng họ có tư duy hơn và vì vậy được dân chúng ngưỡng mộ hơn. Có điều, tư duy của họ vẫn chung quanh bó rơm khô mà đảng phân phát mỗi lần xoa đầu khen ngợi.
© Cánh Cò,
Blog rfa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét