Dân tù đày, nhiều người sống cả đời trên mặt mước - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2020

Dân tù đày, nhiều người sống cả đời trên mặt mước


Chú thích: Ben Mauk, A People in Limbo, Many Living Entirely on the Water | New York Times – March 28, 2018
This article was written with the support of the Pulitzer Center on Crisis Reporting. Bài viết nầy được sự bảo trợ của Trung tâm Tường trình Khủng hoảng Pulitzer.
Các làng nổi ở khắp nơi trên mặt nước của các thủy lộ sông Mekong, là nơi cư trú của dân Việt Nam mà tình trạng trong xã hội Cambodia lênh đênh mãi mãi.


Người thợ khéo tay nhất trong số thuyền nhân ở Chong Koh tên là Taing Hoarith. Hầu hết mọi ngày, Hoarith thức dậy lúc 5:00 sáng và mua một tô mì từ một thuyền tam bản đi ngang, một loại cửa hàng bán dạo tương tự như của vợ anh, Vo Thi Vioh, bán rau cải từ nhà nổi nầy qua nhà nổi khác. Khi chị rời nhà trong ngày, khoảng 6:00, Hoarith cuốn chiếc chiếu của họ và đi làm.


Chong Koh là một trong hàng trăm làng nổi, gồm có hàng chục ngàn gia đình, trên Tonle Sap và hồ cùng tên ở Cambodia. Nguy hiểm trên làng nổi tăng gấp nhiều lần trong mùa mưa. Khi tôi đến đây lần đầu tiên, vào cuối tháng 7, luôn luôn có việc để Hoarith làm: sửa một vách lá bị hư vì giông gió, dọn lục bình tấp vào trước hiên nhà. Thỉnh thoảng, nhà phải được kéo gần bờ để giông gió hay sóng từ các tàu đi qua không lật được. Cứ vài tháng, anh lại bắt cái máy bơm hơi làm việc và lặn xuống bên dưới nhà, miệng ngậm ống cao su, để bơm các bồn xi măng giúp nhà nổi trên mặt nước. Anh trông chừng các con trăn.



chiều, Hoarith đang ngồi chồm hỗm trước một bếp nấu butane cũ, cạo cái chốt gas rỉ sét. Rỉ sét là kẻ thù phổ biến trên mặt nước. Ai đó đã liệng nó đi, nhưng anh nghĩ anh có thể sửa rồi bán lại trong chuyến đi đến hồ sắp tới. Chiếc thuyền gỗ neo vào nhà, đầy hàng được phủ bằng vải nhựa, đưa anh đến các làng nổi xa đến 90 miles. “Tôi biết Tonle Sap như bàn tay của tôi,” anh nói. Prek Ror, một làng xa xôi nơi mọi gia đình, nghèo hay giàu, đều có 1 lồng gỗ để nuôi cá sấu. Và Kbal Taol, nơi ngư dân sống trong các nhóm nhà trên mặt nước, đầy rủi ro với các cơn giông hàng ngày, tranh nhau để bắt cá mới nở bằng lưới dài đến ½ miles. Hoarith đến mọi nơi. Thỉnh thoảng, anh ở trên hồ cả tháng, bán nồi và bếp, ngủ dưới mái thuyền bằng gỗ.


Đọc thêm:


Nhưng anh luôn luôn trở lại Chong Koh, nhà của anh trong nhiều năm, nơi dân làng sống trên các nhà nổi nhỏ và ghe mành xếp thành những hàng ngăn nắp thẳng góc với bờ. Ở khoảng trống giữa các nhà, một số gia đình nuôi cá chép hay cá bông lau trong các lồng bằng tre hay làm các vườn nổi với các chậu ớt và cây đu đủ. Các làng khác là sự lan rộng rối ren của các thị trấn ven bờ gần đó, với các kinh đào Venice rộng và các ngõ hẻm chằng chịt, chùa nổi, nhà thờ, trường học và các nhà máy làm nước đá. Chong Koh tương đối nhỏ, và đang thụ hẹp – chánh quyền Cambodia muốn nó biến mất hoàn toàn – nhưng nó cách trung tâm của Kampong Chhnang khoảng 1 mile, thị xã của tỉnh, và khi Hoarith làm việc, một đoàn người bán hàng rong đều đặn đưa thuyền của họ đến và rời các chợ.


Trong khi Hoarith mở cái bếp bằng con vít, một người hàng xóm nằm trên võng và nhìn anh làm. Người hàng xóm, giống như Hoarith và mọi người khác trong làng, là người Việt Nam, và ông có tên Việt Nam, Vieng Yang Nang. Nhưng hầu hết ông được gọi là Samnang, có nghĩa là “may mắn” trong tiếng Khmer, ngôn ngữ của đa số người Cambodia. Cả 2 có 2 tên trên mặt nước – một Khmer, một Việt Nam – và đổi qua đổi lại tự nhiên. Họ cảm thấy như là nhà trong cả 2 thế giới, mặc dù họ không được chấp nhận trong thế giới thứ nhất. Ở Cambodia, nơi quan niệm về quốc tịch và dân tộc không thể giải quyết, thành viên của người thiểu số Việt Nam được gọi là yuon, một tiếng xấu thỉnh thoảng có nghĩa là “man rợ.”


Đánh cờ trước hiên nhà nổi trong làng Chhnol Trou. [Ảnh: Andrea Frazzetta]


Tôi ngồi dưới đất lắng nghe Sanmnang và Hoarith nhắc lại buổi nói chuyện trước đây ở trong ngày. Vào buổi sáng, chúng tôi đến trường và chùa Việt Nam, các nhà trên cọc gỗ gần chợ cá nơi là Chong Koh trước đây. Chánh quyền địa phương trục xuất làng trong năm 2015, buộc cư dân di chuyển hơn 1 mile về phía hạ lưu, và nay cả 2 rất khó đi đến. Việc trục xuất như thế rất thường xuyên và không thể đoán trước, và thỉnh thoảng đưa đến vấn đề khác. Sau khi Hoarith yêu cầu chánh quyền giúp anh chi phí cho việc di chuyển, cảnh sát bắt giữ anh và tố cáo anh kích động dân làng chống lại việc trục xuất. Anh nằm trong xà lim bẩn thỉu 3 tháng trước khi Thi Vooh mượn đủ tiền để anh được thả, sau đó việc buộc tội của anh bị hủy bỏ. Họ chỉ muốn cho anh biết một thông điệp, anh nghĩ. “Tôi không phạm tội gì cả,” anh nói. “Tôi có một thanh danh.”


Hoarith và Samnang đồng ý rằng anh không thể chống việc trục xuất trên mặt nước. Định cư nổi là bất hợp pháp về mặt kỹ thuật, và riêng người Việt thì không có quyền hạn để chống lại việc trục xuất như thế. “Người nghèo sẽ nghèo hơn,” Samnang nói. Hoarith không nói gì, chỉ quét một đống rỉ sét mà anh tích lũy trong một cái lỗ trên sàn nhà. Anh đặt một bình butane vào bếp và bấm cái nút mồi lửa. Một tia lửa màu xanh xuất hiện. Chúng tôi cùng cười. Cách đó vài nhà, một người đàn bà hát các bài ca trữ tình trên hệ thống karaoke chạy bằng bình điện xe hơi.



Hạ lưu vực sông Mekong bao la, bao gồm một phần của Myanmar và Thái Lan, gần như tất cả Lào và Cambodia và một phần của miền nam Việt Nam, nơi, sau hành trình dài 3.000 miles qua 5 biên giới quốc gia, sông mẹ phân thành nhiều nhánh thành một hệ thống châu thổ phức tạp và đổ vào Biển Đông. Hồ Tonle Sap nằm ở khoảng giữa của dãy đất tươi tốt nầy. Trên bản đố, nó giống như một ngón tay vặn vẹo màu xanh bắt đầu từ Mekong ở gần Phnom Penh. Nhưng nó thường được mô tả như quả tim của Cambodia, vì nhịp lũ nhịp nhàng và vai trò của nó trong nền kinh tế và nguồn cung cấp lương thực của quốc gia.


Thủy học cá biệt của Tonle Sap khiến nó trở thành một trong những hệ sinh thái mầu mỡ nhất trên hành tinh. Trong ½ năm, Tonle Sap chảy theo hướng đông nam từ hồ đến Phnom Penh. Nhưng trong mùa mưa, sông Mekong phình ra khiến Tonle Sap đảo ngược dòng chảy, và hồ nở lớn ra gấp 6 lần diện tích trong mùa khô, 2 điều kỳ diệu của sự phong phú mà hàng ngàn năm đã thu hút ngư dân và nông dân trồng lúa tới bờ hồ giàu dinh dưỡng. Lươn, ếch, tôm và cá nẩy nở phong phú, đặc biệt trong các lòng lạch nơi, khi nhìn từ trên không, sông giống như hàng chục sợi chỉ xanh trước khi bện lại thành một.


Biên giới giữa Việt Nam và Cambodia, phân chia Đồng bằng sông Cửu Long, đã chứng kiến nhiều chiến trường hơn bất cứ quốc gia nào ở Á Châu. Người dân sống ở hai bên đã liên lạc với nhau ít nhất 1 ngàn năm, một sự trao đổi lao động và hàng hóa liên tục trong 4 thế kỷ qua đã được đánh dấu bởi sự bành trướng rõ rệt của Việt Nam. Trong thập niên 1630s, vua Cambodia cưới một công chúa Việt Nam và cho phép người Việt Nam thiết lập các cảng quan thuế dọc theo sông Mekong. Những người di dân, sau rốt, sát nhập khu vực nầy, cắt đứt đường ra Biển Đông của Cambodia khiến cho nhiều người Khmer kẹt lại ở Việt Nam, nơi họ phát triển cá tính dân tộc khác biệt là Khmer Krom. Việc chiếm đóng “Hạ Cambodia” không bao giờ bị quên.


Taing Hoarith, người thợ khéo tay và sửa chữa bếp ở Chong Koh. [Ảnh: Andrea Frazzetta]


Biên giới của Cambodia được chánh thức hóa khi nước nầy là đất bảo hộ trong năm 1863. Người Pháp nhập cảng công nhân Việt Nam cho các đồn điền cao su và thu hút các tinh hoa được giáo dục của Sài Gòn để làm nhân viên hành chánh. Con số người Việt ở Cambodia tăng lên gấp 30 lần, đến trên 150.000, hay 6% dân số. Vào lúc Cambodia tuyên bố độc lập trong năm 1953, nước nầy có nhiều dân tộc và đa quốc gia, với các vùng đất của bộ lạc và dân thiểu số bản xứ khác, dân số nói tiếng Hoa, Lào và Việt và ranh giới ít giống như thời tiền thuộc địa. Nó rơi vào tay của lảnh tụ hiện đại thứ nhất của Cambodia, Norodom Sihanouk, để đoàn kết quần chúng trong tình thế nguy hiểm nầy.


Ý tưởng lớn của Sihanouk là tái định nghĩa từ ngữ lịch sử “Khmer” để bao gồm nhiều bộ tộc rộng rãi. Chánh sách giúp hầu hết các nhóm người bản xứ, kể cả người Hồi Chàm thiểu số, hậu duệ của dòng dõi đế quốc cổ. Nhưng người Việt không có chỗ đứng trong địa hình mới của quốc gia. Mặc dù có một số ít đã sống trong nước hàng thế kỷ, họ là kẻ thù truyền kiếp của Cambodia. Sau cuộc đảo chánh năm 1970, họ trở thành mục tiêu của các cuộc tàn sát và chém giết, cộng thêm các xáo trộn cả thập niên, bắt đầu với cuộc nội chiến rồi chiến dịch bỏ bom tàn bạo của Hoa Kỳ và chấm dứt với việc chiếm đóng của quân đội Việt Nam. Trong giai đoạn giao thời, 5 năm cai trị của Khmer Đỏ, hàng triệu người chết vì bị hành quyết, đói khát và bệnh tật.


Kể từ năm 1979, Đảng Nhân dân của Cambodia, hay CPP (Cambodia’s People Party) (với cựu sỉ quan chỉ huy Khmer Đỏ Hun Sen là lãnh tụ), đã giữ người Việt trong tình trạng tù đày, không chánh thức ban bố hay hủy bỏ các quyền hạn tùy theo không khí chánh trị ở địa phương. Đối lập với CPP, Đảng Cứu Quốc Cambodia, hay CNRP (Cambodia National Rescue Party), bài ngoại hơn, đe dọa trục xuất những người Việt xâm chiếm và tái lập “Hạ Cambodia.” Nguyên lãnh tụ đảng, Sam Rainsy, đã từng đề nghị “trả lại các di dân yuon,” và trước cuộc tổng tuyển cử năm 2013, ông tuyên bố rằng “nếu chúng ta không cứu nước của chúng ta, 4 hay 5 năm nữa là quá trễ - Cambodia sẽ đầy người Việt; chúng ta sẽ trở thành nô lệ của Việt Nam.”



Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) môt tả sự thù ghét truyền kiếp của người Cambodia với người Việt như “một căn bệnh.” Nó nặng nhất trong các thành phố, nhất là ở Phnom Penh, nơi rất khó có thể phân biệt giữa tham nhũng và âm mưu vô căn cứ. Có những khổ đau chánh đáng về việc đốn gỗ và đánh cá trái phép của các công ty Việt Nam, nhưng một số người cũng nhấn mạnh rằng người Việt lây bệnh AIDS hay Pol Pot là một điệp viên Việt Nam được đưa sang để tiêu diệt người Khmer. Sự thù ghét có tính địa phương. Người Cambodia bị đau bụng nói bao tử của họ “làm ở Việt Nam,” và vắn tắt, cây có gai nhọn gây ngứa ngái cả ngày, tràn lan đến khu vực nhanh chóng, là ban la yuon: râu của người Việt Nam.


Rất cám dỗ để xem các làng nổi, nơi tập trung người Việt đông nhất, như hậu quả của cuộc sống trôi nổi chánh trị. Thật tình, lịch sử của các làng nổi rất dài và tối tăm, và không ai biết nó bắt đầu xuất hiện ở Cambodia vào lúc nào. Nhà thiên nhiên học người Pháp Henro Mouhot – người “khám phá” Angkor Wat trong thập niên 1850s, mặc dù chưa hề mất đối với người địa phương – đã tìm thấy ở Phnom Penh một dân số nổi 20.000 người, nhiều hơn gấp đôi số dân sống trên đất liền. Ông mô tả một làng Khmer và các con buôn người Việt ở ngoại ô thủ đô:


Đi về phía cực nam của thành phố, chúng tôi đi qua một thị trấn nổi, gồm có trên 500 chiếc thuyền, hầu hết có kích thước lớn. Chúng là kho hàng cho một số con buôn, và nơi cư trú cho những người khác. Tất cả tiền bạc và phần lớn hàng hóa của họ được cất giữ ở đây, và trong trường hợp báo động, chúng có thể sẵn sàng rời đi khi được cảnh báo.


Cũng có những kỷ niệm tập thể, hiếm được ghi lại, của người dân làng nổi, minh chứng cho trực giác của Mouhot rằng cuộc sống của họ là lối sống được mài dũa qua nhiều thế hệ để chống lại việc thất thu, băng cướp và những người cai trị không thân thiện khiến cho người Việt dễ tổn thương. Một số người nói với tôi rằng họ sở hữu đất đai trong những năm đầu sau khi được độc lập và họ chỉ sống trên nước theo mùa cho đến khi đất đai của họ bị tịch thu. Những người khác nói họ luôn luôn sống trên thuyền. Một số xác nhận mạnh mẽ là người Cambodia, trong khi những người khác xem câu hỏi về quốc tịch là ngớ ngẩn. “Chúng tôi sống trên mặt nước, nơi dễ đánh cá,” một nhà sư ở Kampong Chhnang nói với tôi. “Chúng tôi sống ở khắp nơi.”


Hoarith có thể xác nhận có ít nhất 4 thế hệ tổ tiên ở chung quanh Tonle Sap. Sinh ra ở miệng hồ, anh lên 9 tuổi khi Khmer Đỏ tiến vào Phnom Penh. Gia đình anh bị bắt và đưa đến một trại lao động ở trong núi. Sau 4 tháng ở trại – nơi, anh nói, “họ muốn giết ít nhất 10 gia đình người Việt Nam mỗi ngày” – những người lính đưa các tù nhân lên các xà lan để trục xuất “trở lại” Việt Nam. Hoarith chưa hề ở Việt Nam. Anh không biết Việt Nam ở đâu. Anh hỏi bà của anh, nhưng bà cũng không biết. Xà lan mất 5 ngày để đến biên giới. Ai chết được quăng xuống nước.



Khoảng 150.000 người Việt bị trục xuất khỏi Cambodia bằng cách nầy, cùng với khoảng 400.000 đã đào thoát cuộc tàn sát của Cộng hòa Khmer quốc gia cực đoan. Người Việt là vật tế thần được ưa thích của cả 2 chế độ: “những con cá sấu vô ơn” muốn nuốt trọn Cambodia. Những người còn sống sau cuộc hành trình được đánh đổi với Việt Nam bằng muối và gạo và sống qua thập niên 1970s thảm khốc trên các nông trại ở thôn quê. Những người ở lại Cambodia – 20.000 đến 30.000 người – bị giết chết, cùng với 90.000 người Chàm và khoảng 100.000 dân Khmer bị tố cáo là phạm tội mang “cơ thể Khmer và tâm hồn Việt Nam.”


Khi quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh trong năm 1979 và thiết lập chánh phủ bù nhìn mà sau đó trở thành CPP, hàng trăm ngàn thường dân đi theo. Nhiều người là người tị nạn trở lại nhà, nhưng những người khác là di dân, và sự hiện diện của họ sống làm sống lại nỗi lo sợ ám sát tương tự trong thời Khmer Đỏ. Hoarith và gia đình anh định cư trong làng nơi anh sinh ra. Nó vẩn còn nguy hiểm. Năm 1998, trong đợt chống đối cuối cùng của Khmer Đỏ, những người lính lội vào Chnok Trou vào lúc nửa đêm với súng phóng lựu và AK-47. Làng pha trộn, vì thế trước khi bắn, họ hỏi: “Anh là yuon hay Khmer?”


Có một truyền thống đa nguyên nông thôn ở Cambodia đi ngược với lịch sử bạo động chủng tộc gần đây. Hầu hết các làng nổi tôi thấy là những tập hợp thanh bình của ngư dân người Việt, Khmer và Chàm, và nhiều người mà tôi gặp, kể cả Hoarith, là sản phẩm của việc kết hôn giữa người Khmer và Việt. Nhưng mọi người đều đống ý rằng các làng nổi là lối sống cổ truyền Việt Nam, phát sinh từ nhu cầu kinh tế để bao gồm các nhóm khác. Ngày nay người Việt sống trên mặt nước vì họ không thể sống ở nơi khác. Dù là công dân có giấy tờ hay, trong hầu hết trường hợp, di dân, họ là những người mà chánh phủ thường mô tả như “người ngoại quốc tại chỗ (nonimmigrant foreigners).” Họ không thể theo học ở các trường công hay mở trương mục ngân hàng, lấy bằng lái xe hay làm công nhân trong hãng xưởng hay sở hữu đất đai hay bất động sản. Con cái của họ không được cấp giấy khai sanh, tạo thành một cho chu kỳ thế hệ vô tổ quốc trên thực tế.


Một ngôi mộ trong nghĩa trang Việt Nam gần Chong Koh. [Ảnh: Andrea Frazzetta]


“Ba mươi năm trước, không có chuyện nầy,’ Christoph Sperfeldt, một nhà nghiên cứu về công dân gốc Việt Nam ở Cambodia, nói với tôi: “Không có người Cambodia nào có giấy tờ. Không có sự hiện hữu của quốc gia. Nhưng từ lúc nhà nước bắt đầu đăng ký người dân, vấn đề thình lình xảy ra.” Các dịch vụ mở rộng, bao gồm giáo dục và y tế, và chủ quyền, bao gồm sở hửu đất đai, loại ra ngoài lề những người được xem là ngoại kiều.


Năm rồi, lo sợ khoảng cách bầu cử thu hẹp, chánh phủ Hun Sen giải tán CNRP và bắt giữ người kế nhiệm của Rainsy với tội danh phản quốc. Trong một nỗ lực để giảm căng thẳng bài ngoại châm ngòi cho việc chống đối, nhà nước cũng bắt đầu tiến trình bình thường hóa tình trạng của người Việt như ngoại kiều. Tháng 10 vừa qua, Bộ Nội vụ xác nhận tối thiểu 70.000 hầu hết là “ngoại kiều” Việt Nam sở hửu “các giấy tờ hành chánh bất thường.” Có thể có thêm hàng trăm ngàn người. Chánh quyền bắt đầu càn quét trên cả nước, tịch thu giấy căn cước và sổ gia đình và yêu cầu người dân hoặc tự nguyện về Việt Nam – nơi họ cũng được xem là ngoại kiều – hay nộp phí ½ năm để có thẻ di trú người Việt Nam. “Chúng tôi không tước bỏ quốc tịch của họ; họ là người Việt,” giám đốc nhập cư của Cambodia nói về việc thanh lọc. “Chúng tôi chỉ lấy giấy tờ của người Cambodia.”


Không có căn cước pháp lý chánh thức và có ít quyền lợi như làng giềng Khmer và Chàm, người Việt nói phải hối lộ lớn lao cho cảnh sát thủy sản, cảnh sát môi trường, cảnh sát biển và những người khác, những khuôn mặt có thẩm quyền mơ hồ hơn, một số tự cho là phóng viên địa phương. Họ có thể bị trục xuất, tấn công và đi tù bất thường. Hoarith được thả trong tháng 2 năm 2016, nhưng khi tôi gặp anh khoảng 1 năm rưỡi sau, sự nhục nhã của việc bắt bớ, mà anh nói vì không phải là công dân, tiếp tục ở trong đầu của anh. “Tôi phải được công nhận như người Khmer,” anh nói trong buổi chiều hôm đó, xích lại gần. Mắt của anh màu xanh rêu. “Gia đình tôi sống ở Cambodia qua nhiều thế hệ.” Anh kéo cái màn của căn phòng chật hẹp, cho thấy một người đàn bà đang ngũ trên võng. “Mẹ tôi 76 tuổi,” anh nói. “Ngay bà cũng không có giấy tờ.” Nay, anh cũng không có. Khi anh bị bắt, cảnh sát đã tịch thu giấy khai sanh, hôn thú và căn cước anh được cấp nhiều năm trước.


Tôi đồng ý ở qua đêm trong một nhà nổi bỏ hoang ở kế bên. Một số tấm phên tung lên khi anh bước lên, và hầu hết sàn nhà là nguồn cung cấp của Hoarith: các tấm tôn rỉ sét, một cuộn lưới kẽm, mấy cái cân. Chúng tôi dọn dẹp một chỗ để ngủ, và Samnang và tôi đi xuống thuyền của bà bán vải cũ để mua một cái mùng.


Bữa ăn tối có cá đập mỏng chiên trên bếp mà Hoatith sửa lại hồi chiều. Samnang gọi vợ ông để cho biết ông ở lại để dùng bữa. Vợ và mẹ của Hoarith cùng ăn trên nhà nổi khác; mẹ anh khéo léo nhẩy qua khoảng cách để lấy một lon bia trong thùng nước đá. Bà nhặt vài hột cơm rơi từ chén của tôi. “Trong thời Khmer Đỏ, đây là cả buổi cơm chiều,” bà nói. “Đây là tất cả thức ăn trong ngày của chúng tôi.”


Bên trong một ngôi chùa ở Chhnok Trou. [Ảnh: Andrea Frazzetta]


Khi đêm xuống, Thi Vooh rửa chén trong một chậu nước sông, và Hoarith mua các bịt chè đậu từ chiếc tam bản cuối cùng của buổi chiều, một thuyền bán đồ tráng miệng dưới ánh đèn màu. Chúng tôi nghe nhiều tàu bè gầm gừ lên xuống lòng lạch sẩm tối. Những người trẻ trong làng thích gắn máy xe vào thuyền để đua vào ban đêm. Mỗi họng của động cơ phun không khí lán áp tiếng kêu của côn trùng.


Trong một trong những lúc vắng lặng ngắn ngủi Samnang giải thích làm sao anh của ông đã chết hồi năm ngoái khi một thuyền đua đâm vào thuyền đánh cá của ông. Đứa cháu 4 tuổi cũng chết đuối trong năm đó trong lúc cha mẹ đi làm. Nước có nguy hiểm của nó, bao gồm tiêu chảy (nguyên nhân phổ biến nhất của tử vong ở trẻ con), tai nạn và chết đuối. Hầu hết trẻ con dưới 5 tuổi mang phao khi cha mẹ có thể mua, và các vật dụng cải tiến – nhẫn tâm nhất mà tôi thấy là một bình dầu không buộc vào một sợi dây choàng qua cổ của một đứa bé – khi họ không thể mua phao.


Mọi người đi ngủ lúc 11 giờ. Từ bờ vọng lại âm thanh của của vỏ trống đập vào gốc đước. Phía sau ½ tấm vách gần chiếc chiếu của tôi, một vài khoảng trống trên sàn nhà cho phép tôi thấy khung cảnh của sông giữa chân tôi: các cơ sở. Dưới cái mùng, thế giới trôi đi trong hoa hồng mờ ảo. Cứ vài giây, ánh sáng màu xanh rọi vào xà nhà chiếu sáng căn phòng như lời cảnh báo của ngư dân vào ban đêm, mà tôi nghĩ nhầm là trực thăng bay thấp.


Đến sáng, Samnang trở lại nhà của Hoarith để đưa tôi đến một nghĩa trang xưa ở vùng quê ngập nước. Ông đến một căn nhà sàn gỗ với một động cơ ở ngoài có cần lái giống như một nhánh cây. Chong Koh đã rộn ràng. Các gia đình tụ họp trước hiên nhà để chơi xiangqui (cờ tướng) và ăn sáng, cho gà ăn hay lùa heo và dẫn chó dọc theo bờ nước. Đàn bà đưa con đi chợ trong khi báo cho láng giềng biết đồ họ đã bán, hoặc là dầu xăng, cháo hay Coca-Cola. Hai bé gái mồ côi cặm cụi làm việc, ngồi giữa các đống trei chhlart và móc ruột của từng con cá bằng các kẹp sắt.


Chúng tôi đi ngang qua chợ cá ở Kampong Chhnang, nơi bến tàu được rửa sau mỗi buổi sáng. Người nghèo trong làng, hầu hết là những đứa con trai trẻ, đã neo các thuyền taxi của họ trong các chỗ cạn đầy bùn và miễn cưỡng tìm khách. Nước chung quanh chúng tôi được điểm bởi ngọn cây chìm và mái của các quầy trong chợ vào mùa khô. Ngư dân đi đánh cá suốt đêm trở về nhà với các thùng nước đá đầy riel, một loại cá chép trắng có cùng tên với đồng tiền của quốc gia. Những người còn lại đi đến các hệ thống lưới hay lọp tre mà họ đã đặt trong hồ theo một thỏa thuận về ranh giới lỏng lẽo.


Hoàng hôn trên hồ Tonle Sap gần Kbal Taol. [Ảnh: Andrea Frazzetta]


Samnang rất thân thiện với mọi người mà chúng tôi gặp, mặc dù ông không vẫy tay ngoại trừ khi sắp lấy điếu thuốc từ miệng. Ông có một phong trào kinh tế khôn ngoan của ngư dân, và ngón chân của ông rất khỏe và bẹt ra vĩnh viễn, tốt nhất để đi lại trên mép thuyền đang di chuyển. Ông có một nhóm lổ rỗ phía trên mắt bên trái, nơi mà một dân làng Khmer say rượu đã ném cái ly vào mặt ông.


Chúng tôi đến một nghĩa trang um tùm trong một cánh đồng cao. Không như người Khmer, hỏa táng người chết, người Việt chôn người trong gia đình trong các ngôi mộ trên mặt đất. Các ngôi mộ vì thế cho thấy chứng tích của việc cư ngụ của người Việt mà không có luật pháp hay mất mát giấy tờ có thể thủ tiêu. Đời sống trên mặt nước có những đổ nát, nhưng ngay các gia đình đi về Việt Nam và quay trở lại Cambodia hàng năm, thường trong tháng 3 hay 4, tảo mộ để tránh sự trừng phạt của tâm linh. Chúng tôi đi từ nghĩa trang nầy đến nghĩa trang khác, gạt dây leo trên mộ bia để xem ngày tháng ở dưới, cho đến khi đến một vùng lầy ngập nước nơi có nhiểu mộ bia nằm trên mặt nước như các phao. Samnang chỉ tôi một cái. “Bà của vợ tôi,” ông nói. Ở đây từng có một làng Việt Nam rất lớn. Mộ bia nằm giữa 2 nhánh sông giao nhau. Trong vài ngày nữa, nó sẽ chìm dưới nước.


Ngoài nghĩa trang, ở phía sau một cánh đồng của ban la yuon, chúng tôi thấy một cái lều nổi dưới bóng của căn nhà sàn hoang phế. Một nhóm trẻ con vẫy tay từ cửa sổ. Cha của chúng ở cánh đồng kế cận, nhảy qua một hố than bùn cao đến ống chân, trồng đậu. Ông nhớ người Việt từng sống ở đây, trên mặt đất cũng như trên mặt nước. Cũng có một chùa Việt Nam – wat yuon, ông nói – trong làng không xa đây lắm. Samnang không biết làng nầy, nhưng ông quyết định đi tìm. Người nông dân cảnh báo rằng chúng tôi sẽ không tìm được người Việt còn sống ở đó. “Sau Khmer Đỏ,” ông nói, “họ rất sợ để trở lại.”


Chúng tôi đi theo sự hướng dẫn của người nông dân xuống một dòng suối hẹp uốn khúc khoảng 1 tiếng đồng hồ qua các cây bị sâu phá với các nhánh lủng lẳng các tổ chim nhiệt đới lòng thòng. Khoảng giữa trưa, chúng tôi đến làng, được gọi là Samraong. Có một đường đất nơi các con bò gầy yếu qua lại với các chuồng bò bên dưới các nhà sàn sụp đổ một phần. Trẻ con chơi đùa trong cỏ cao. Núi Neang Kangrei lờ mờ ở phía trước, và ở giữa làng và núi là một ngôi chùa giàu có vô lý. Cửa chùa màu đỏ và vàng, làm khung cho sườn núi màu xanh. Ở nơi vào là một trụ chạm câu đối, nối trời với đất trong vũ trụ của Phật giáo. Trụ hình vuông, theo kiểu Việt Nam. Hai ông tướng đắp nổi trên tường ở 2 bên chùa, cao 12 feet, chỉ kiếm xuống đất.


Chúng tôi tìm được một nhà sư già nằm trên võng ở ngoài lều của ông. Ông thức giấc khi chúng tôi đến gần. Giống như người nông dân trồng đậu, ông nhớ tiếng Việt. Họ đã sử dụng đất nầy trong nhiều thế kỷ, ông nói. Phía sau nhà của nhà sư là 2 ngôi mộ sơn sáng chói, mà người săn sóc đến từ thành phố Hồ Chí Minh mỗi tháng 3 để tu bổ chúng.


Một nhóm đàn ông đi đến trên đường khi chúng tôi trò chuyện. Nay họ đến gần chúng tôi. Người lớn tiếng nhất, Uy Poun, khoe với tôi rằng ông đã giúp biến ngôi chùa bị bỏ hoang 15 năm trước, thay thế thần Việt Nam bằng thần Khmer. “Tôi xây chùa nầy,” ông nói. Nó bị bỏ hoang nhiều năm từ lúc đó, kể từ khi Khmer Đỏ đưa cả thị trấn đến một trại ở chân núi. Một số người Việt được đưa đến đó, và đó là sự kết thúc thời gian của họ ở trong làng. “Nhưng họ không bị giết,” ông nói thêm. “Họ đi về Việt Nam.”


Một người khác, Ek Srean, không đồng ý. Nhiều người bị giết, ông nói. “Tôi là một nhân chứng. Tôi thấy xương. Tôi thấy xương trong hố.”


“Có xương,” ngời thứ ba nói, “nhưng chúng tôi không biết đó là của người Khmer hay Việt.”


Những người đàn ông đấu khẩu về số phận của người Việt một hồi. Samnang và tôi lắng nghe và ăn đậu phọng nấu mà chúng tôi mua ở chợ vào buổi sáng. Thảo luận về Khmer Đỏ có thể huyền ảo ở Cambodia, biến chuyển qua lại trong cùng một lãnh vực khủng khiếp – các phương pháp giết người thô bạo, khẩu phần gạo và canh nhỏ nhoi – trong lúc trao đổi tin đồn, chuyện tiếu và cổ tích. Sự kiện được phóng đại; trí nhớ thay đổi giữa câu. Một câu chuyện đi ngược lại câu chuyện trước đó, và cả 2 được chấp nhận vì sự thật của lịch sử lướt qua quá nhanh để có thể nhìn trực diện. Sau một số tán tỉnh, Poun thú nhận rằng người Việt dường như thay đổi ý kiến. “Người Việt chưa hề đến xã ấp nơi chúng tôi ở.”


Chúng tôi đi qua câu hỏi liệu người Việt có thể trở thành người Cambodia. Như thông lệ, từ “khmer” được dùng để chỉ dân tộc và quốc tịch. Một người trong nhóm đưa ra một giả thuyết: “Nó tùy theo sự mong muốn của họ, nếu họ muốn trở thành người Khmer hay không. Nếu họ từ bỏ quốc tịch Việt Nam, họ trở thành người Khmer.”


Srean một lần nữa có ý khiến khác. “Họ có thể có giấy tờ, nhưng họ không thể trở thành người Khmer. Người Việt vẫn là người Việt.” Ông lắc đầu và im lặng một lúc. “Ngoại trừ nhà vua ký.”


Samnang, tên Việt Nam là Vieng Yang Nang. [Ảnh: Andrea Frazzetta]


Điều nầy tạo nên sự chấp thuận âm thầm. Chúng tôi đã quên chữ ký của nhà vua. Theo luật của Cambodia, con trai của Vua Sihanouk, Norodom Sihamoni, là quan tòa tối hậu của công dân Cambodia. Tất cả các đơn xin nhập tịch phải hội đủ các tiêu chuẩn cá nhân của ông. Không ai trong chúng ta biết liệu điều nầy đã thực sự xảy ra. Nhưng các người đàn ông ít nhất đồng ý rằng điều đó có thể, và rằng người Việt đã sống với người Cambodia qua nhiều thế hệ mà không có vấn đề gì. “Người Việt và Khmer kết hôn với nhau trong làng nầy,” Poun nói. “Nhưng không còn nữa.”


“Họ đạ bị trục xuất,” một người khác nói dứt khoát. “Và ai chọn ở lại sẽ bị giết hết. Nếu có có da trắng giống một người Việt, như thế” – ông chỉ vào tôi, không phải Samnang, người vẫn giữ khoảng cách – “họ sẽ bị giết. Tôi thấy.”


Người đàn ông có vẻ biết những gì ông nói. Hầu hết lính tráng và các lãnh tụ chánh trị lão thành phục vụ cho Khmer Đỏ đã hòa nhập êm thắm vào đời sống trong làng sau khi nó tan rã, thỉnh thoảng tái gia nhập vào các cộng đồng nơi họ từng là những người hành quyết. Rất hiếm để thừa nhận chuyện đó. Chủ đề được nêu lên một cách khéo léo. Người đàn ông nêu ý kiến một hồi, rồi yêu cầu sửa lại câu chuyện.


“Đúng, tôi không thấy một cách chính xác,” ông nói. “Tôi nghe nói như thế. Nhưng một số người có da sáng như anh chắc sẽ bị giết.”


Tôi dùng một vài tuần sắp đến để du lịch qua các làng nổi trên hồ Tonle Sap và viếng thăm các vùng đất của người Việt dọc theo biên giới Cambodia-Việt Nam. Trong một thị trấn biên giới, tôi xem một người đàn bà dùng cái nắp mìn cũ để làm búa chẻ củi. Nó được gài trong sân của bà trong chiến tranh Đông Dương và vô dụng. Ở Chhnok Trou, tôi xem các láng giềng Khmer và Việt chơi bài cat te dưới ánh sáng lập lòe của máy phát điện, ném một cọc tiền vào rỗ, và mọi người đều mến yêu mà không phân biệt nguồn gốc hay quốc tịch: ốc nhồi và chả tôm, làm mồi cho lon nầy đến lon khác bia Angkor.


Một đứa trẻ chơi diều trên nóc của một nhà nổi ở Chong Koh. [Ảnh: Andrea Frazzetta]


Bất cứ nơi nào tôi đến, tôi hỏi các chánh trị gia địa phương và các viên chức cảnh sát về cảm nghĩ của họ khi sống chung với người Việt. Câu trả lời tùy nơi tôi đến. Chánh quyền phát ngôn rất cẩn thận trong các thành phố, và tôi bị tống cổ một cách lịch sự khỏi bộ chỉ huy của cảnh sát di trú ở Kampong Chhnang. Nhưng tôi không có vấn đề gì ở trạm cảnh sát di trú ở Kampong Luong, một kết hợp của các làng nổi, cả người Việt lẫn người Khmer, ở bờ phía nam của hồ. Trên 3.000 người Việt sống ở Kampong Luong, cùng với nhiều người Khmer, và mọi người nói họ rất hòa thuận với nhau.


Trạm cảnh sát ở gần bờ, một lều tôn nổi trên luồng rác. Phó Thanh tra Poa Ven ở trong lều, chảy mồ hôi. Ông rất vui được gặp tôi. “Chúng tôi biết tất cả các du khách ngoại quốc,” ông nói, cười khúc khích khi tôi trao cho ông danh thiếp của tôi.


Tất cả người ngoại quốc ở trong làng là người Việt, ông giải thích. Không có sự khác biệt giữa người Việt và công dân gốc Việt ngoại trừ họ nhận được thư do nhà vua ký. “Không ai ở đây có quốc tịch Khmer.”


Tôi giải thích sự bối rối của tôi. Hầu hết người dân tôi gặp trên các làng nổi có thể truy nguồn gốc ở Cambodia trong nhiều thế hệ. Họ nói tiếng Khmer trôi chảy và được cấp thẻ căn cước bởi các chánh phủ tiền nhiệm. Họ không có liên hệ đến Việt Nam.


Vâng, ông nói, ngay khi họ là người Việt. Đó là lệnh mới từ Bộ Nội vụ.


Bếp bên trong một nhà nổi ở Chhnok Trou. [Ảnh: Andrea Frazzetta]


“Nhưng tại sao họ là người Việt?”


“Vì họ vẫn là di dân! Vì họ đến Cambodia trong năm 1980, họ vẫn là di dân.”


“Nhưng nếu họ vốn từ Cambodia, tại sao họ là di dân?”


“Vì trong cuộc chiến, họ đi về Việt Nam, và sau chiến tranh, họ trở lại.”


Chủ nghĩa quốc gia luôn tìm kiếm kẻ thù. Ở Cambodia, sự tìm kiếm có một lý luận vòng tròn giản dị: Người Việt là kẻ thù vì họ là người ngoại quốc. Họ là người ngoại quốc vì họ là kẻ thù. Sự hiện diện của họ ở đây để lộ ra sự tương phản giữa huyền thoại của vương quốc Khmer thuần túy và một lịch sử của di dân và di chuyển dọc theo Mekong của quốc gia. Sự tương phản được giải quyết trong những lúc bạo động, nhưng nó bất diệt do giáo dục. Những năm của Khmer Đỏ có thể phai mờ trong trí nhớ, nhưng trẻ con vẫn được dạy để phẫn uất sự mất mát “Hạ Cambodia,” và mỗi học sinh đã nghe nói về hãm hiếp, tấn công hơi ngạt và các hành động tra tấn mà binh sĩ Việt Nam được xem là thủ phạm trong chiến tranh Đông Dương.


Yao Bu Dung trên đường về nhà với đứa con trước khi mưa đến Kampong Luong. [Ảnh: Andrea Frazzetta]


Hầu hết người Việt ở trong nước tiếp tục cảm thấy rằng họ là người Cambodia gốc Việt. Họ không từ bỏ hy vọng rằng một ngày nào đó căn cước Cambodia của họ sẽ được chấp nhận trong quốc gia họ cư trú. Thay vào đó, với khoảng từ 400.000 đến 1 triệu thành viên, theo các học giả độc lập, và hoàn toàn không có lời kêu gọi quốc tế để Cambodia tôn trọng luật quốc tịch của chính họ, họ có lẽ là một trong số dân vô tổ quốc đông nhất và ít được ủng hộ nhất trên thế giới.


Người Việt đã phải giấu giấy tờ của họ khi cảnh sát càn quét trên cả nước gần đây. Đây không phải là lần đầu tiên xảy đến với họ. Ở chùa người Việt ở Kampong Chhnang, tôi gặp một người thợ may nhỏ bé 80 tuổi. Chỉ có các nhà sư và tu sĩ mới được cư ngụ ở chùa, nhưng bà không có gia đình – các con của bà chết trước mắt của bà trong một trại lao động của Khmer Đỏ - vì thế các nhà sư thương xót. Tôi hỏi bà có nhận được giấy căn cước hay không. Bà lê chân về phòng và trở lại với một cái gói nhỏ cột dây. “Ông may mắn,” bà nói và mở cái gói. “Tôi chưa bao giờ để ai xem nó trước đây.” Bà bắt đầu trải các giấy tờ lạ lùng xưa ½ thế kỷ trên bàn. Có những thẻ của Sihanouk cùng với giấy phép cư trú hàng thập niên của Việt Nam, nơi bà bị trục xuất 2 lần. Chừng nào mà bà chưa cho ai xem, các giấy tờ có thể không bao giờ vô giá trị hay tiêu hủy. Chúng là pháp nhân của bà, một sự chồng chất của căn cước người Việt và Cambodia. Bà không thể bỏ chúng. “Tôi sẽ giữ các giấy tờ nầy cho đến chết,” bà nói, “và rồi tôi sẽ mang theo xuống mồ với tôi.”


Các nhà sư trên chùa nổi ở Kampong Luong đang chuẩn bị cầu nguyện cho người chết đuối, sắp xếp các bông vạn thọ và bông bụt bên dưới tượng Phật tỏa hào quang. Một cái lều thuê được kéo đến chất đầy ghế. Những người tình nguyện trẻ mang riel và xoài đến các bàn, và trọn buổi sáng khách hành hương từ Phnom Penh đến để cho tiền người nghèo và cầu phước. Bây giờ là tháng 8, và không khí rất oi bức.


Chết đuối là cái chết tệ hại, người thế tục giải thích. Vong hồn của người chết đuối trở thành ma nước – khmoch teuk trong tiếng Khmer – làm đắm thuyền và kéo chân người bơi. Lễ cầu nguyện khuyến khích các vong hồn rời khỏi nước để chúng có thể tìm đời sống kế tiếp hay đi lên thiên đàng.


Nhiệt độ giảm đi với cơn mưa rào xế chiều. Trẻ con chơi trò nhảy qua nước ngập lên một xà lan chở cá trống neo vào chùa, rồi nhảy trở lại một cách chính xác. Vào lúc hoàng hôn, lể cầu nguyện bắt đầu. Có 1 tiếng đồng hồ đọc kinh trước khi vị sư trú trì rải nước thánh vào đám đông và kêu mở cửa địa ngục. Như một tín hiệu, mưa chậm lại rồi ngưng hẳn. Chùa nối với các đò và tam bản bên ngoài. Tại cửa của một chiếc đò lớn nhất, một nhà sư đánh chũm chọe để đánh thức người chết đuối, và các thuyền đi vào hồ. Không có trăng. Nước đen ngòm. Các tia chớp sáng rực không âm thanh làm cho mây có màu đỏ. Dọc theo hai bên mạn của phà và mép thuyền, các gia đình thả các thuyến giấy và bông sen nhựa xuống nước. Mỗi cái có một ngọn nến đang cháy, khiến cho hồ trở thành một sân sao màu cam nhấp nhô. Tất cả đều im lặng, dành cho các gia đình bơi thuyền đi qua, ca hát trong bóng tối. Một số thuyền của họ đầy trẻ con. Một số thuyến giấy bùng cháy rồi chìm xuống nước.


Tại lễ cầu nguyện cho vong hồn của người chết đuối ở Kampong Luong, các gia đình thả bông sen nhựa và thuyền giấy xuống nước. [Ảnh: Andrea Frazzetta]


Ngoài chiến lũy chạy dọc theo Chong Koh, một khu chợ mới đang được xây cất, và cùng với nó là các đống đất đỏ và nền xi măng giữa các vũng bùn. Khi chợ hoàn tất, dân làng Chong Koh lại bị trục xuất, trước các cộng động nổi ở khắp nơi trong tỉnh. Chánh quyền nói các làng là bất hợp pháp và độc hại môi trường. Cư dân của chúng sẽ được nhét vào các khu đầm lầy cho thuê dành cho di dân, rất xa thuyền và lồng cá của họ.


Cả Hoarith và Samnang đều không muốn đi. “Tôi không thể nói ra,” Samnang nói khi ngồi uống cà phê ở nhà. ‘Họ bảo cho chúng tôi chọn lựa. Nhưng chúng tôi không có quyền mua đất khác, vì thế quả thật là không có lựa chọn gì cả.”


Chúng tôi đi sang nhà kế bên, nơi Hoarith quá bận rộn với việc sửa thuyền nên không có thì giờ để lo ngại về việc trục xuất mới. Tuần qua, anh cắt đuôi thuyền của anh mất 3 feet. Nay dây điện ở trước mặt anh giống như con mực.


Trong khi làm việc, ý nghĩ của Hoarith thường đưa anh về trại giam và nền đất lạnh cạnh cầu tiêu nơi anh ngủ. “Tôi không bao giờ phân biệt bất cứ ai, người Việt hay Khmer,” anh nói. “Nhưng tôi bị đối xử rất tệ.” Nếu anh là công dân Khmer, anh nói, tất cả sẽ được tha thứ.” “Cha mẹ tôi sinh ra ở đây, và tôi sinh ra ở đây,” anh nói. “Tôi có quyền đó.”


Không có gì để ở lại. Samnang tìm cái rìu trên cái bậc trên mặt nước. Hoarith trở lại sau công việc. Một máy giặt, dính nhớt, tuột khỏi tay. Nó dội xuống sàn và tông vào vách nhà trước khi anh chận lại trên mặt nước, huýt sáo trong ngạc nhiên.


Người đầu tiên rời Chong Koh đi vào ban đêm, ngay sau khi thẻ nhập cư mới được loan báo năm 2014. Kể từ đó, ít nhất 1 ngàn người đã đến các tỉnh khác hay bán nhà và đi về Việt Nam, một phần của việc ra đi ngày càng tăng trên khắp Cambodia. Từ làng nầy qua làng khác, cảnh sát di trú và xã trưởng nói như nhau: “Người Việt đang rời nơi đây.”


Trong lúc gay go, Hoarith nghĩ có thể sống với bà con của vợ anh ở Việt Nam. Tốt hơn là ở trên hồ. Mặt hồ mênh mông có nhiều nguy hiểm hơn, nhưng anh có thể ở gần với tổ tiên, và chánh quyền không khắt khe. Thuyền nhân có cách để quản lý họ, như họ quản lý gió mạnh và sóng lớn. Họ biết làm thế nào để sống sót chứ không thách thức thời tiết, đó là cách sống. Đó là mánh lới nhà nghề. Họ phải chuẩn bị cho giông tố trước khi mây kéo đến.



© Ben Mauk
    Bình Yên Đông lược dịch
    Mekong - Cửu Long
Chú thích: Ben Mauk, A People in Limbo, Many Living Entirely on the Water | New York Times – March 28, 2018
This article was written with the support of the Pulitzer Center on Crisis Reporting. Bài viết nầy được sự bảo trợ của Trung tâm Tường trình Khủng hoảng Pulitzer.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad