Việt Nam khó tránh trừng phạt gian lận trong xuất khẩu gỗ và cáo buộc thao túng tiền tệ, dù ai đắc cử tổng thống Mỹ? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2020

Việt Nam khó tránh trừng phạt gian lận trong xuất khẩu gỗ và cáo buộc thao túng tiền tệ, dù ai đắc cử tổng thống Mỹ?


Người đi xe máy đi ngang qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 6 tháng 7 năm 2012. (Ảnh của HOANG DINH NAM / AFP qua Getty Images)


Nhìn nhận về khả năng Mỹ trừng phạt Việt Nam gian lận thương mại trong xuất khẩu gỗ cũng như cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, ông Thayer cho rằng Việt Nam khó tránh khỏi các cáo buộc này hoặc sự trừng phạt nếu kết quả điều tra của Đại diện Thương mại Hoa kỳ bất lợi, ngay cả khi ông Joe Biden trở thành tổng thống tiếp theo của Nhà trắng. Hiển nhiên, trừng phạt thương mại (nếu xảy ra) sẽ khiến Việt Nam mất thị trường xuất khẩu gỗ vào tay đối thủ….


Carlyle A. Thayer là nhà nghiên cứu khoa học xã hội nổi tiếng, có hai quốc tịch Mỹ và Úc. Ông được biết đến trên phạm vi quốc tế qua các nghiên cứu và xuất bản phẩm viết về chính trị Việt Nam và các vấn đề an ninh Đông Nam Á.


Trong bài phỏng vấn với trang Scribd, trang chia sẻ tài liệu hàng đầu thế giới, về cuộc điều tra của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) về xuất khẩu gỗ và cáo buộc thao túng tiền tệ của Việt Nam, nhà nghiên cứu các vấn đề xã hội - chính trị nổi tiếng về Đông Nam Á và Việt Nam - ông Carlyle A. Thayer - đã phân tích và chia sẻ quan điểm nghiên cứu của cá nhân ông về 5 câu hỏi lớn xoay quanh chủ đề này. NTDVN xin trân trọng giới thiệu với độc giả góc nhìn và phân tích của ông.



Điều tra của USTR thời điểm này với Việt Nam liệu có phải là một động thái chính trị có chủ ý?


Không trả lời thẳng câu hỏi rằng đây có phải là một động thái chính trị có chủ đích của Mỹ - tại thời điểm Mỹ đang ráo riết tìm kiếm đồng mình và siết chặt các vòi bạch tuộc của Trung quốc - tại khu vực Đông Nam Á cũng như trên Biển đông hay không, ông Thayer chỉ tóm lược quá trình USTR đề cập tới thao đúng tiền tệ và điều tra gian lận thương mại của Việt Nam trước đây hơn một năm.


Đọc thêm »


Theo Thayer, các động thái này của chính quyền đương nhiệm với Việt Nam cũng nằm trong chính sách lớn hơn của Mỹ với các nền kinh tế khác nhằm xem xét các quốc gia có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ hoặc những nước sử dụng các phương tiện mà Hoa Kỳ cho là không công bằng để đạt được lợi thế thương mại.


Carlyle A. Thayer: Vào tháng 8 năm 2019, USTR đã đưa Việt Nam vào Danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ vì ba lý do: thặng dư thương mại với Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai lớn và nhận định rằng ngân hàng trung ương tích cực mua ngoại tệ để hạ giá trị một cách giả tạo của tiền đồng để hạ giá vốn hàng bán ra nước ngoài một cách không công bằng.


Đồng thời, Bộ ngân khố tuyên bố Việt Nam đã thao túng tiền tệ của mình trong một vụ kiện do Bộ Thương mại đưa ra chống lại các nhà sản xuất lốp xe Việt Nam. Kho bạc nhận thấy rằng tiền đồng của Việt Nam bị định giá thấp hơn khoảng 4,7% so với đồng USD, một phần do sự can thiệp của chính phủ vào năm 2019.


Carlyle Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia ngồi giữa các đại biểu quốc tế khác tham dự hội thảo quốc tế kéo dài hai ngày về "Biển Đông: Hợp tác vì An ninh và Phát triển Khu vực", được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 26 tháng 11 năm 2009. (Ảnh Hoàng Đình Nam / AFP qua Getty Images)


Ngày 2/10 USTR đã bắt đầu mở hai cuộc điều tra vào Việt Nam - một cho thao túng tiền tệ và một cho việc nhập khẩu và sử dụng gỗ khai thác và buôn bán bất hợp pháp - theo Mục 301 của Luật Thương mại năm 1974. Thời điểm đưa ra quyết định này có thể là kết quả của một quy trình quan liêu nội bộ do Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) Robert Lighthizer điều khiển.


Tuyên bố của USTR ngày 2 tháng 10 nói rằng các cuộc điều tra đã được khởi động theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, không nghi ngờ gì sau khi USTR cung cấp một bản tóm tắt cho Nhà Trắng.


Đáp lại, cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lê Minh Hưng cho biết Việt Nam “không có ý định sử dụng các chính sách tiền tệ nói chung và tỷ giá hối đoái nói riêng để tạo lợi thế cạnh tranh không lành mạnh trong thương mại quốc tế”.


Trường hợp của Việt Nam là một phần trong chính sách lớn hơn của Chính quyền Trump nhằm xem xét các quốc gia có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ hoặc những nước sử dụng các phương tiện mà Hoa Kỳ cho là không công bằng để đạt được lợi thế thương mại.


Nếu người đắc cử là Joe Biden, liệu ông ấy có thay đổi lập trường về vấn đề này với Việt Nam?



Trả lời vấn đề này, Thayer cho rằng USTR sẽ khuyến nghị áp đặt thuế quan nếu báo cáo của Bộ tài chính kết luận rằng Việt Nam có thao túng tiền tệ dù là ai đắc cử. Thực tế, báo cáo này đáng lẽ đã phải có kết quả sớm hơn, nó đã bị quá hạn.


Hiển nhiên, nếu ông Biden đắc cử, ông ấy sẽ thay Đại diện thương mại Mỹ, nhưng việc này tốn thời gian và cũng phải là ưu tiên hàng đầu trong hàng loạt bộn bề của chính quyền mới. Điều này đồng nghĩa với việc áp đặt trừng phạt thuế vẫn có thể diễn ra hoặc chí ít khó có thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ này dù ai trở thành ông chủ mới của Nhà trắng.


Carlyle A. Thayer: báo cáo bán niên của kho bạc Mỹ lên Quốc hội về thao túng tiền tệ quốc tế hiện nay đang quá hạn và rõ ràng sẽ không được ban hành cho đến sau bầu cử Tháng Mười Một. Nếu Trump tái đắc cử và báo cáo của Bộ Tài chính kết luận rằng Việt Nam đã thao túng hiện tại, USTR sẽ khuyến nghị áp đặt thuế quan.


Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ban hành một tờ thông tin về quan hệ Việt - Mỹ vào ngày 29 tháng 10 ngay khi Ngoại trưởng Pompeo đến Hà Nội. Nó nêu rõ, "Chúng tôi cam kết đạt được thương mại công bằng và có đi có lại với Việt Nam, cũng như môi trường đầu tư cởi mở, bằng cách giảm các rào cản đối với thương mại và thúc đẩy các cải cách theo định hướng thị trường..."


Bức ảnh này được chụp và phát hành vào ngày 30 tháng 10 năm 2020 bởi Thông tấn xã Việt Nam cho thấy Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đang trò chuyện với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tại một cuộc gặp ở Hà Nội. (Ảnh của STR / Vietnam News Agency / AFP qua Getty Images)


Việt Nam sẽ mạnh mẽ tranh chấp cáo buộc thao túng tiền tệ. Ngày 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói với Adam Boehler, Giám đốc Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ: “Nếu tiền đồng bị mất giá, nó sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế. Việt Nam đang không sử dụng chính sách tỷ giá hối đoái để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế .


Ông Phúc đề nghị Boehler chuyển tới Tổng thống Trump và USTR rằng Hoa Kỳ nên “có đánh giá khách quan hơn về thực tế ở Việt Nam” về thặng dư thương mại”.


Nếu Bidens thắng, ông ấy sẽ không thể làm gì cho đến khi được nhậm chức vào ngày 20 tháng 1 năm 2021. Vấn đề cụ thể này sẽ không phải là ưu tiên cao của Chính quyền Biden. Lighthizer sẽ được thay thế làm Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, nhưng điều này sẽ mất thời gian.


Việc Việt Nam thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới về bảo vệ rừng tự nhiên để nhận 50 triệu USD có liên quan gì đến cuộc điều tra USTR về gian lận thương mại gỗ?


Thayer tin rằng đây là hai vấn đề riêng biệt và không có liên quan đến nhau. Ông Thayer cũng không đề cập đến bản chất của cuộc điều tra gian lận thương mại xuất khẩu gỗ ép của Việt Nam sang Mỹ.



Thực chất, việc này có liên quan mật thiết tới việc xuất khẩu gỗ ép từ Trung Quốc sang Mỹ bị đình trệ vì trừng phạt thương mại.


Từ tháng 1/2018, DOC áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên các sản phẩm gỗ dán cứng có xuất xứ từ Trung Quốc, mức thuế chống bán phá giá là 183,36% và mức thuế chống trợ cấp là 22,98 - 194,9%. Vào thời điểm đó, tổng cộng nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc được cho là 1,12 tỷ USD.


Chỉ sau 1 năm, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ ván ép gỗ cứng của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm nhanh, còn 800 triệu USD năm 2018 và thậm chí xuống còn khoảng 300 triệu USD năm 2019.


Ngay khi gỗ dán Trung Quốc bị áp thuế trừng phạt thương mại, ngành hàng này đã bị liệt vào ngành hàng tiềm ẩn nguy cơ cao nhất bị gian lận xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam. Song song với xu hướng giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, nhập khẩu gỗ dán của Mỹ từ Việt Nam tăng mạnh.


Dữ liệu của Mỹ cho thấy, nhập khẩu gỗ dán gỗ cứng của Mỹ từ Việt Nam đã tăng lên 238 triệu USD trong năm 2018, sau khi thuế áp lên nhập khẩu của Trung Quốc có hiệu lực. Trong khi năm 2017, chỉ một năm trước đó, kim ngạch nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam của Mỹ chỉ là 28 triệu USD, và sau đó tăng gấp đôi vào năm 2019 lên 468 triệu USD.


Theo số liệu Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cung cấp cho Bộ Công Thương, năm 2018 - ngay khi Trung Quốc bị áp thuế trừng phạt thương mại với gỗ dán, lượng gỗ dán xuất khẩu tới thị trường Mỹ đạt 320.000 m3, tăng gấp 5 lần so với năm 2017.


Trong khi đó, sản lượng gỗ dán của Việt Nam trong năm 2018 được Vifores cập nhật sơ bộ dựa trên tổng công suất 36 nhà máy đã báo cáo Hiệp hội là khoảng hơn 1,4 triệu m3, tăng hơn 500.000 m3 so với năm 2017. Nguyên nhân gia tăng sản lượng là do có 6 nhà máy mới được xây dựng và một số nhà máy mở rộng công suất thiết kế. Tuy nhiên, trên cơ sở những số liệu sản xuất, xuất khẩu gỗ dán, Vifores cũng đặt ra nghi vấn lượng xuất khẩu mặt hàng gỗ dán chênh lệch so với công suất thiết kế của ngành, có khoảng 500.000 m3 là do thương mại.


Như vậy, việc điều tra gian lận thương mại gỗ dán tại Việt Nam cho thấy Mỹ không muốn chính sách trừng phạt thương mại của mình với Trung Quốc bị vô hiệu hoá bởi các quốc gia lân cận Trung Quốc - nơi có hoạt động giám sát gian lận thương mại, xuất xứ hàng hoá lỏng lẻo. Và dường như Việt Nam đã phạm phải một sai lầm chiến lược ‘không mong muốn’ trong việc này.


Trong khi năm 2017, chỉ một năm trước đó, kim ngạch nhập khẩu gỗ dán từ Việt Nam của Mỹ chỉ là 28 triệu USD, và sau đó tăng gấp đôi vào năm 2019 lên 468 triệu USD. (Getty Images)


Carlyle A. Thayer: Đây là hai vấn đề riêng biệt. USTR đang điều tra việc Việt Nam nhập khẩu và sử dụng gỗ khai thác và buôn bán trái phép. Điều này đề cập đến gỗ được khai thác bất hợp pháp từ các khu bảo tồn chủ yếu từ Campuchia và Lào.


Việt Nam đang thiếu gỗ chất lượng tốt trong nước chủ yếu do lệnh cấm khai thác rừng tự nhiên trong nước. Trong những năm gần đây, nhu cầu ngày càng tăng từ ngành công nghiệp chế biến gỗ, năm 2018, cần 2 triệu mét khối mỗi năm. Nhập khẩu gỗ đã tăng theo cấp số nhân bao gồm cả nhập khẩu bất hợp pháp “rủi ro cao” từ Campuchia.


Thỏa thuận giữa Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp của Ngân hàng Thế giới và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam nhằm giảm phát thải các-bon do mất rừng và suy thoái rừng ở sáu tỉnh phía Bắc trên diện tích 5,1 triệu ha, trong đó 3,1 triệu ha có rừng. Nó cũng nhằm hỗ trợ bảo tồn, tái tạo rừng và quản lý đất rừng bền vững.


Tác động của cuộc điều tra USTR tới ngành công nghiệp gỗ dán của Việt Nam


Dẫn các bằng chứng cho thấy ngành công nghiệp gỗ dán của Việt Nam đã tăng trưởng mạnh kim ngạch xuất khẩu trong những năm gần đây, đứng thứ 12 nước trên thế giới về xuất khẩu gỗ và có thể vươn lên vị trí thứ 7. Hiển nhiên, kết quả điều tra của USTR sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nhỏ, có độ mở quá lớn (phụ thuộc khá nhiều vào xuất khẩu) của chúng ta.



Carlyle A. Thayer: Xuất khẩu gỗ của Việt Nam đã tăng rõ rệt trong hai năm qua, đạt giá trị 11 tỷ USD vào năm 2019 và 9 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam; trị giá 3,6 tỷ USD trong năm 2018 và 4,19 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2020.


Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 12 trong danh sách các nước cung cấp sản phẩm gỗ. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, Việt Nam dự kiến ​​sẽ nhảy vọt lên vị trí thứ bảy. Nếu thuế quan được áp dụng, Việt Nam sẽ mất thị phần do các đối thủ cạnh tranh chiếm lấy và có khả năng ngành công nghiệp chế biến gỗ với ước tính khoảng 5.000 doanh nghiệp sẽ mất hợp đồng.


Việt nam đang cố gắng ngăn chặn các hành động trừng phạt của USTR


Hiển nhiên, Việt Nam biết vị thế và hậu quả của các đòn trừng phạt thương mại không mong muốn. Động thái nỗ lực cân bằng thương mại và hợp tác với Mỹ trong điều tra gian lận thương mại của chính phủ Việt Nam suốt 2 năm qua cho thấy Việt Nam đang cố gắng ngăn chặn việc này bằng con đường ngoại giao và thương mại phù hợp nhất. Trong bối cảnh Mỹ cần củng cố đồng minh tại khu vực, việc tiếp tục gia hạn cho Việt Nam điều chỉnh ngăn chặn gian lận xuất xứ từ Trung Quốc, cân bằng thương mại với Mỹ sẽ là ưu tiên hàng đầu của hai nước.


Carlyle A. Thayer: Khi Ngoại trưởng Pompeo gặp người đồng cấp là ông Phạm Bình Minh, ông Minh đã “hoan nghênh việc hai bên thực hiện Kế hoạch hành động hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững”, theo Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). TTXVN đưa tin, ông Pompeo “đánh giá cao các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhằm đạt được cán cân thương mại hài hòa và bền vững… [và] khẳng định ủng hộ hai bên tiếp tục đối thoại và tham vấn nhằm phát triển quan hệ thương mại một cách ổn định”.


Khi ông Pompeo gặp Thủ tướng Việt Nam, ông Phúc hoan nghênh “quyết định của hai bên trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động hướng tới một cán cân thương mại hài hòa và bền vững”. Nói cách khác, Việt Nam đang cố gắng ngăn chặn các hành động trừng phạt USTR bằng cách tập trung vào tương lai hơn là nhìn lại quá khứ gần đây.


Trích dẫn: Carlyle A. Thayer, “USTR điều tra Việt Nam về hành vi thao túng tiền tệ và xuất khẩu gỗ bất hợp pháp”, Tóm tắt Cơ sở Tư vấn Thayer.


Tác giả: Thayer Consultancy cung cấp phân tích chính trị về các vấn đề an ninh khu vực hiện tại và hỗ trợ nghiên cứu khác cho các khách hàng được chọn. Thayer Consultancy chính thức đăng ký hoạt động như một doanh nghiệp nhỏ tại Úc vào năm 2002.



© Terence P. Stewart
    Đức Duy - Trà Nguyễn
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad