Nguồn: Steven Cleary, Xayaburi Dam Dispels Rumors of Role in Dry Mekong River. Laotian Times – February 20, 2020
Giữa lúc hạn hán và mực nước thấp đang diễn ra, tình trạng của sông Mekong là một chủ đề đang được thảo luận náo nhiệt dọc theo dòng sông, với tiêu điểm thường nhắm vào nhà máy thủy điện Xayaburi. Để giúp làm rõ vấn đề, chủ nhân dự án đã mời truyền thông trong khu vực đến thăm nhà máy.
Thay đổi khí hậu, sử dụng nước, cuộc sống, an toàn của con người, đa dạng sinh học và gia tăng kỹ nghệ thủy điện là những vấn đề được chú ý nhiều đối với tình trạng của sông và hệ sinh thái rộng hơn trong lưu vực trong các điều kiện khô hạn hơn.
Khi mực nước xuống thấp ở hạ lưu trong những tháng khô nầy, những người bị ảnh hưởng và lo ngại đương nhiên hướng về phía thượng lưu để tìm câu trả lời, với lời kêu gọi càng ngày càng tăng và cấp bách.
Việc phát triển nổi bật nhất ở hạ lưu Mekong có lẽ là dự án thủy điện Xayaburi (Xayaburi HPP), do Công ty Điện Trách nhiệm Hữu hạn Xayaburi (XPCL) điều hành.
Là dự án thủy điện đầu tiên trên dòng chánh Mekong ở hạ lưu (ngoài Trung Hoa) và với đầu tư xuyên biên giới quan trọng từ láng giềng Thái Lan, dự án là một trong những dự án thủy điện được biết nhiều nhất được phát triển và thực hiện ở Lào.
Vài tháng trước đây, Xayaburi HPP bị giới chức Thái Lan cáo buộc, một phần, cho mực nước thấp ở hạ lưu, nhưng nhà điều hành đập đã bác bỏ.
Có phải đập Xayaburi đang trữ nước của sông Mekong?
Tường trình của truyền thông dựa vào các NGOs và một số cộng đồng nhận thấy rằng việc trữ nước của dự án Xayaburi góp phần, chứ không phải là nguyên nhân, của tình trạng khô hạn ở hạ lưu. Đó cũng là một khái niệm mà chánh phủ Lào và nhà điều hành Xayaburi kịch liệt xua đuổi.
Nhắm vào mục tiêu đó, một cuộc viếng thăm đã được tổ chức cho các bên liên hệ và giới truyền thông với sự hợp tác của Bộ Hầm mỏ và Năng lượng Lào và Văn phòng Ủy ban Mekong Quốc gia Lào, với sự trợ giúp của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)).
“Xayaburi HPP là một nhà máy điện dòng chảy. Tổng số nước chảy qua nhà máy điện bằng với số nước tự nhiên chảy đến đập, và không có nước được trữ hay chuyển ra khỏi sông Mekong,” một chuyên viên kỹ thuật của dự án Xayaburi cho biết. [Lời người dịch: Không hẳn như vậy. Tuy là đập dòng chảy, đập Xayaburi cao 32,5 m và nước ở phía sau đập được nâng lên đến cao độ nầy để chạy máy phát điện. Vì thế, đập Xayaburi có thể chứa đến 1,3 km3 nước và có thể ngăn chận dòng chảy khi khởi động nhà máy điện. Mực nước sông Mekong ở hạ lưu đập Xayaburi xuống thấp trong lúc khởi động dự án Xayaburi.]
“Vì thế số nước chảy qua dự án được duy trì một cách tự nhiên. Vì không có hồ chứa lớn như các nhà máy loại trữ nước với các đập cao, đập dòng chảy sẽ duy trì hồ chứa ở thượng lưu ở mức cố định cao hơn một chút. Phía dưới đập, nước được duy trì ở mức tự nhiên.”
Trưởng toán kỹ thuật về thiết kế và điều hành của siêu dự án lặp lại rằng nhà máy không trữ nước của sông.
Thông điệp không mới nhưng là một cách để các nhà điều hành dự án chia sẻ rộng rãi hơn khi ảnh hưởng của trận hán hán kéo dài được cảm nhận bởi những người dựa vào sông để sinh sống bằng canh tác và đánh cá.
Nó cũng là một thông điệp mà các giới chức và nhà phát triển muốn truyền đạt về kỹ thuật dòng chảy nói chung, khi có thêm nhà máy điện như thế được đề nghị trên dòng chánh Mekong ở Luang Prabang và Pak Beng.
XPCL trình bày dữ kiện theo dõi cho thấy lượng nước chảy đến và qua đập dao động đồng bộ trong 24 giờ. [Lời người dịch: Khi nhà máy hoạt động bình thường, tất cả nước đến đập sẽ chảy qua đập.]
Có phải xây đập thủy điện ở giữa sông gây xáo trộn cho dòng chảy tự nhiên và cuộc sống của cư dân sống ven sông? Câu trả lời vắn tắt là có nhưng mức độ của nó vẫn còn tranh cãi và rất khó để đo đạc.
Ảnh hưởng tổng hợp của tất cả dự án lại càng khó hơn để đánh giá, một thách thức khó khăn thêm với yếu tố thay đổi khí hậu trên khắp lưu vực.
“Chúng tôi hy vọng cuộc viếng thăm của các bên liên hệ sẽ cho phép họ nhìn thấy dự án tận mắt và có tin tức tốt hơn về việc điều hành và nỗ lực của chánh phủ Lào và nhà phát triển để giảm thiểu và giảm nhẹ ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng,” Anoulak Kittikhoun, viên chức phụ trách về chiến lược, hợp tác và liên lạc của MRC, nói.
Tiến sĩ Anoulak Kittikhoun (trái), Trưởng Chiến lược và Hợp tác của MRC, tham dự buổi nói chuyện của các chuyên viên XPCL.
MRC, có văn phòng ở Vientiane, cộng tác với các quốc gia thành viên Lào, Cambodia, Thái Lan và Việt Nam để giúp cho tiến trình tham vấn trước cho dự án Xayaburi, và thường được công nhận với việc cải thiện các biện pháp giảm nhẹ của công ty.
Trong lúc đó, các nhà điều hành đập Xayaburi nói dự án của họ là tân tiến về mặt kỹ thuật và là mô hình thực hành tốt nhất cho việc sản xuất thủy điện trong lưu vực, đã cộng tác với chánh phủ Lào và MRC để thực hiện Đánh giá Ảnh hưởng Môi trường (Environmental Impact Assessment (EIA)), Đánh giá Ảnh hưởng Xã hội (Social Impact Assessment (SIA)), Kế hoạch Quản lý Môi trường (Environmental Management Plan (EMP)), và Kế hoạch Hành động Tái định cư (Resettlement Action Plan (RAP)).
Dự án có vinh hạnh để khuyến khích các phát minh kỹ thuật hiện đại để ngăn ngừa và giảm thiểu các nguy cơ xã hội và môi trường gồm có bảo tồn nguồn thủy sản, đường di chuyển của phù sa, và đường giao thông.
Kết quả là hệ thống thang cá lớn nhất trên thế giới, với nhiều dòng nước, cho phép cá có cơ hội đi về phía thượng lưu trong cố gắng để bảo vệ hàng trăm loại cá của Mekong Dữ kiện từ hệ thống nầy đang được thu thập và phân tích với sự trợ giúp của các nhà nghiên cứu ở Đại học Charles Sturt của Australia trong dài hạn để tìm hiểu ảnh hưởng của đập. Trong cố gắng để phát triển khả chấp và minh bạch, chánh phủ Lào cũng cho phép MRC thực hiện “theo dõi môi trường chung” của ảnh hưởng đập để đưa ra các đề nghị quản lý thích ứng.
Khi nói đến nhiều khía cạnh của bộ mặt đang thay đổi của Mekong, rõ ràng là các phương pháp khoa học, thu thập dữ kiện và chia sẽ tin tức giữa các bên liên hệ cần thiết hơn bao giờ.
Bảng chỉ dẫn đến những phần khác nhau của dự án thủy điện Xayaburi.
Kỹ nghệ hóa thủy điện có thể được quản lý khả chấp trên Mekong hay không?
Đây là một câu hỏi đa diện và quan trọng cho các nhà nghiên cứu để nghiên cứu, các nhà bình luận để cứu xét, các bên liên hệ để gây ảnh hưởng, các nhà điều hành và kiểm soát để bảo đảm, và các nhà hoạch định chánh sách để quản lý trong những năm sắp tới. Nhưng các câu hỏi nầy có đáng để tìm câu trả lời hay không? Chắc chắn là có.
Theo bằng chứng hiện có, dự án thủy điện Xayaburi có thể được xem là nguyên nhân gây ra mực nước thấp ở hạ lưu như được thấy hiện nay hay không?
Vì Xayaburi HPP sử dụng loại đập dòng chảy, nó bác bỏ cáo buộc cho rằng đập đang trữ nước, đưa đến mực nước thấp. Cùng với giả thiết hợp lý là hạn hán Mekong là do sự thay đổi tự nhiên, bằng chứng cho thấy rằng Xayaburi HPP chắc chắn không gây mực nước thấp của Mekong.
Ngoài ra, quản lý cao cấp của Xayaburi HHP trích dẫn dữ kiện lịch sử vững chắc để hỗ trợ cho lập luận rằng lượng nước đến đập sẽ đạt mức trung bình trong mùa mưa năm nay ở Mekong, bắt đầu từ tháng 5 năm 2020.
© Steven Cleary
Bình Yên Đông biên dịch
Mekong-Cửu Long
Nguồn: Steven Cleary, Xayaburi Dam Dispels Rumors of Role in Dry Mekong River. Laotian Times – February 20, 2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét