Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã yêu cầu hơn 200 tàu Trung Quốc do dân quân điều khiển rời khỏi một rạn san hô ở Biển Đông - mà Manila tuyên bố chủ quyền, và nói rằng sự hiện diện của họ là “hành động khiêu khích quân sự hóa khu vực này”.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng cuộc xâm nhập này, và thu hồi ngay lập tức những tàu thuyền đang vi phạm quyền hàng hải và xâm phạm lãnh thổ thuộc chủ quyền của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết trong một tuyên bố hôm Chủ nhật (ngày 21/3), đồng thời nói thêm rằng Philippines sẽ duy trì các quyền chủ quyền của mình.
Một cơ quan giám sát của chính phủ Philippines tại khu vực tranh chấp cho biết khoảng 220 tàu Trung Quốc đã được nhìn thấy neo đậu tại rạn san hô Whitsun - mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền - vào ngày 7/3. Họ đã công bố hình ảnh của các tàu cạnh nhau tại một trong những khu vực tranh chấp nhất của tuyến đường thủy chiến lược.
Tàu cá Trung Quốc được sử dụng như lực lượng dân quân hàng hải - khẳng định yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh
Ngoại trưởng Teodoro Locsin cho biết vào cuối ngày Chủ nhật rằng Philippines đã đệ đơn phản đối ngoại giao về sự hiện diện của Trung Quốc.
Rạn san hô mà Manila gọi là Julian Felipe, là một vùng san hô nông hình boomerang, cách thị trấn Bataraza ở tỉnh Palawan, miền tây Philippines, khoảng 175 hải lý (324 km) về phía tây. Cơ quan giám sát của chính phủ cho biết nó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của đất nước - mà Philippines “được hưởng đặc quyền khai thác hoặc bảo tồn bất kỳ nguồn tài nguyên nào”.
Số lượng lớn tàu thuyền của Trung Quốc là “mối lo ngại do khả năng đánh bắt quá mức và hủy hoại môi trường biển, cũng như rủi ro đối với an toàn hàng hải”, mặc dù báo cáo nói thêm rằng các tàu này không đánh bắt cá khi bị phát hiện.
Các đội tàu đánh cá của Trung Quốc từ lâu đã bị nghi ngờ được sử dụng như lực lượng dân quân hàng hải - để giúp khẳng định các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh, mặc dù Trung Quốc đã từ chối những cáo buộc đó.
Tư lệnh quân đội Philippines, Trung tướng Cirilito Sobejana cho biết: “Ưu tiên hàng đầu của quân đội vẫn là bảo vệ công dân của chúng tôi trong khu vực, đặc biệt là ngư dân của chúng tôi, thông qua việc tăng cường tuần tra hàng hải”.
Khi ông Tập nói 'Tôi sẽ câu cá', ai có thể ngăn cản ông ấy?
Các quan chức Đại sứ quán Trung Quốc không đưa ra bất kỳ bình luận nào ngay lập tức. Trung Quốc, Philippines và 4 chính phủ khác đã bị mắc kẹt trong tình trạng căng thẳng về lãnh thổ - đối với tuyến đường thủy đông đúc và giàu tài nguyên trong nhiều thập kỷ qua.
Các nhà phê bình đã nhiều lần chỉ trích Tổng thống Rodrigo Duterte - người đã “nuôi dưỡng” quan hệ hữu nghị với Bắc Kinh kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, vì đã không đứng vững trước hành vi gây hấn của Trung Quốc và không đưa ra quyết định ngay lập tức - yêu cầu Trung Quốc tuân thủ phán quyết của trọng tài quốc tế - nhằm làm vô hiệu các tuyên bố lịch sử của Bắc Kinh đối với hầu như toàn bộ vùng biển Đông.
Trung Quốc đã từ chối công nhận phán quyết năm 2016 - mà họ gọi là "một sự giả tạo", và tiếp tục bất chấp nó.
"Khi ông Tập nói 'Tôi sẽ câu cá', ai có thể ngăn cản ông ấy?" - ông Duterte đã nói cách đây hai năm khi ông bảo vệ cách tiếp cận không đối đầu của mình.
“Nếu tôi cử lực lượng thủy quân lục chiến của mình đến xua đuổi ngư dân Trung Quốc, tôi đảm bảo không một ai trong số họ còn sống trở về nhà”, ông Duterte nói sau đó, đồng thời cho biết thêm rằng các cuộc đàm phán ngoại giao với Bắc Kinh đã cho phép người dân Philippines quay trở lại ngư trường tranh chấp mà lực lượng Trung Quốc đã từng buộc họ phải rời đi.
Ông Duterte đã tìm kiếm các quỹ cơ sở hạ tầng, thương mại và đầu tư từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã tài trợ và cam kết cung cấp nhiều vaccine Covid-19 hơn khi Philippines đối mặt với tình trạng nhiễm virus Corona Vũ Hán tăng đột biến đáng báo động.
© Trần Đức
NTDVN
Nguồn: South China Sea: alarm in Philippines as 200 Chinese vessels gather at disputed reef. The Guardian, Sun 21 Mar 2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét