Người Myanmar: “Ở đây không bán thẻ nạp tiền cho SIM Mytel” - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Người Myanmar: “Ở đây không bán thẻ nạp tiền cho SIM Mytel”


Biểu tình kêu gọi tẩy chay Mytel tại Myanmar. Ảnh: RFA


Trong bối cảnh căng thẳng ngày một leo thang, nhiều cửa hàng ở Myanmar đồng loạt treo biển hiệu “Chúng tôi không bán thẻ nạp tiền cho SIM của Mytel”.


Trên Facebook, nhiều người đăng ảnh họ bẻ gãy thẻ SIM Mytel. Một số cửa hàng tuyên bố ngừng sử dụng mạng Internet mà Mytel cung cấp. Những bài đăng kêu gọi tẩy chay Mytel nhận được hàng chục nghìn lượt tương tác.


Các cuộc tẩy chay đang lan rộng khắp đất nước, từ các thành phố lớn như Yangon và Mandalay cho đến những vùng nông thôn như khu du lịch Bagan và các ngôi làng hẻo lánh ở bang Mon, phía Đông Nam Myanmar.


Phản kháng bằng cách tẩy chay hàng hóa



“Chúng tôi sẽ dừng dịch vụ Mytel Pay tại cửa hàng của mình. Nếu có ý kiến khác biệt, bạn hãy lướt qua. Đừng sủa vào tôi nhé”. Bài đăng kêu gọi tẩy chay Mytel trên Facebook nhận được hơn 50 nghìn lượt tương tác. Ảnh chụp màn hình: BBC Tiếng Việt.


Số lượng người chết dưới tay quân đội Myanmar đang ngày càng tăng. Phong trào phản kháng cũng đang ngày một phát triển. Một trong những biện pháp đang được các nhà hoạt động kêu gọi thực hiện là tẩy chay các doanh nghiệp có liên kết với quân đội, với khẩu hiệu “Stop Buying Junta Business” (ngừng sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của quân đội). Việc này nhằm tạo áp lực về kinh tế, chặn đứng nguồn tiền nuôi sống tổ chức này.


   Mời xem thêm »


Các tổ chức công bố một danh sách công ty cần tẩy chay (boycott list). Nhiều ứng dụng điện thoại được phát triển nhằm giúp người dân nhận diện các công ty có liên đới với quân đội. Ứng dụng điện thoại mang tên Way Way Nay (nghĩa là: tránh nó ra) có khoảng 100 nghìn lượt tải về trên Google Play Store, tính đến thời điểm này.


Mytel là một trong những mục tiêu tẩy chay hàng đầu. Hiện có khoảng 10 triệu người dùng tại Myanmar, Mytel là nhà cung cấp mạng viễn thông lớn thứ hai trên cả nước.


Mytel không phải là một liên doanh thương mại bình thường, mà là dự án hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Lực lượng vũ trang Myanmar. Viettel – tập đoàn thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam – nắm giữ 49% cổ phần của công ty này.


Người biểu tình giơ bảng kêu gọi không sử dụng các dịch vụ của quân đội. Ảnh: Irrawaddy.


Hưởng ứng làn sóng kêu gọi tẩy chay và bất tuân dân sự, hàng trăm kỹ sư và nhân viên làm việc cho Mytel cũng đã đình công.


Bên cạnh đó, các nền tảng thanh toán như Coda Pay (có trụ sở chính ở Singapore) cũng đã loại Mytel ra khỏi danh mục các kênh thanh toán của họ. Điều này có nghĩa là người dùng Mytel không thể mua hàng thông qua dịch vụ của Coda.


International Power Generation (IPG), một trong những nhà đầu tư trong nước của Mytel, cũng đang bắt đầu rút khỏi công ty này. IPG là nhà đầu tư vào Myanmar National Telecom Holdings (MNTH), một hiệp hội (consortium) các công ty địa phương có sở hữu cổ phần tại Mytel. IPG đã thông báo vào đầu tháng 3/2021 rằng họ “đã thực hiện những bước đầu tiên để rút khỏi MNTH một cách có trách nhiệm”.



Bài đăng Twitter với nội dung: “Chúng tôi không bán sản phẩm của Mytel, công ty thuộc sở hữu của chế độ quân sự độc tài”. Ảnh chụp màn hình: Luật Khoa.


Vào đầu tháng 3/2021, Google và ứng dụng nhắn tin Viber cho biết đang thẩm tra lại các quảng cáo của Mytel trên nền tảng của họ, sau khi các quảng cáo này bị Justice for Myanmar (JFM) – một tổ chức vận động nhân quyền – phát hiện và chất vấn.


Viber cho biết: “Trong thời gian tiến hành phân tích, chúng tôi đã quyết định ngừng tất cả quảng cáo dạng này ở Myanmar”.


Cáo buộc: Mytel tiếp tay cho tội ác quân đội và theo dõi người dùng


Vào cuối tháng 12/2020, hai tháng trước cuộc đảo chính, Justice For Myanmar (JFM) đã vận động người dân tẩy chay Mytel, cáo buộc công ty này tiếp tay cho những tội ác của quân đội, và tham gia vào việc khai thác dữ liệu cá nhân của người dùng.


“Quân đội Myanmar đã giết người, hãm hiếp, tra tấn, phá hủy nhà cửa một cách bừa bãi và buộc các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo thiểu số phải chạy trốn. Họ có thể thực hiện được các tội ác đó là nhờ nguồn thu ngoài ngân sách từ Mytel và các doanh nghiệp khác của quân đội, cũng như từ khả năng tiếp cận công nghệ và đào tạo từ Mytel, Viettel và các công ty liên kết,” Yadanar Maung, người phát ngôn của JFM nói trên tờ Myanmar Now.


Tổng giám đốc tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng “Bảng ghi nhận đặt tên thương hiệu Mytel cho Công ty Liên doanh Viễn thông Myanmar” cho Thống tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar. Ảnh: Báo Đầu tư.


Bên cạnh đó, Mytel và Viettel còn bị cáo buộc khai thác dữ liệu cá nhân của hơn 10 triệu thuê bao di động và hàng triệu người dùng Internet trên nước này. Đại diện của JFM nói trên tờ KrASIA: “Điều đáng lo ngại là quân đội Việt Nam và Myanmar có khả năng truy cập vào dữ liệu cá nhân, không chỉ của người dùng Mytel mà còn của những người đang tương tác với họ, bao gồm cả những người bên ngoài đất nước Myanmar”.


Quân đội Myanmar có quyền truy cập trực tiếp vào nguồn dữ liệu cá nhân khổng lồ này. Họ có thể khai thác thông tin từ đó để lên kế hoạch cho các cuộc tấn công vào khu vực sinh sống của các sắc tộc thiểu số, hoặc giám sát, theo dõi các nhà hoạt động, nhà báo, giới xã hội dân sự.


Ngay sau cuộc đảo chính vào ngày 1/2, chính quyền quân sự đã thực hiện nhiều biện pháp ngăn chặn việc truy cập Internet của người dân. Nhận được thông tin rằng nhiều người chuyển sang dùng dịch vụ của Mytel để có kết nối ổn định hơn, JFM đã cảnh báo và kêu gọi người dân, đặc biệt là các nhà báo, nhà hoạt động, ngừng sử dụng Mytel để giữ an toàn cho bản thân.



Bài đăng Twitter với nội dung: “Chúng tôi không bán sản phẩm của Mytel, công ty thuộc sở hữu của chế độ quân sự độc tài”. Ảnh chụp màn hình: Luật Khoa.


Trước đó, vào tháng 2/2020, Facebook đã xóa 13 tài khoản cá nhân và 10 trang fanpage có liên hệ với Mytel, Viettel và Gapit Communications, một công ty PR của Việt Nam.


Chủ nhân của các tài khoản này đã sử dụng danh tính ảo để quản lý các trang fanpage tự xưng là “trung tâm tin tức độc lập dành cho người tiêu dùng viễn thông,” nhưng thực chất lại chuyên đăng những thông tin bất lợi và các cáo buộc vô căn cứ đối với các đối thủ kinh doanh của Mytel.


Khoản lợi nhuận kếch xù từ Mytel


Vào đầu tháng 3/2021, JFM công bố một báo cáo ngắn cho biết, các tướng lĩnh Myanmar có thể sẽ thu được một khoản lợi nhuận kếch xù trị giá 700 triệu USD từ tập đoàn viễn thông Mytel, dựa theo tài liệu nội bộ bị rò rỉ từ công ty này.


Theo báo cáo này, quân đội Myanmar có thể hưởng một khoản cổ tức từ Mytel tương đương 270 triệu USD trong năm hoạt động thứ 5 đến năm thứ 9 của công ty này (2022 – 2026), và 450 triệu USD nữa trong 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, Mytel đã có lãi vào đầu năm 2020, sớm hơn hai năm so với dự kiến. Vì vậy, các cổ đông của Mytel, bao gồm cả quân đội Myanmar, có thể bắt đầu nhận cổ tức sớm nhất là trong năm nay.


Minh họa cơ chế mà Mytel giúp làm giàu cho quân đội: tiền của người dân chảy vào Mytel, sau đó chuyển sang công ty quân đội Star High (một trong những cổ đông chính của Mytel), sau đó chảy vào ngân sách quân đội Myanmar. Ảnh: JFM.


Các tài liệu khác mà JFM khai thác được cũng cho thấy Mytel phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Viettel và nhà nước Việt Nam. Trong ba năm đầu hoạt động, Mytel dự kiến cần 1,38 tỷ USD. Viettel đã đồng ý cung cấp phần lớn số tiền này, với khoản đầu tư 169 triệu USD và khoản cho vay lên tới 903 triệu USD.


Ngoài việc cung cấp tài chính, Viettel còn đưa các nhà quản lý và đội ngũ chuyên gia kỹ thuật từ Việt Nam sang để hỗ trợ Mytel.


Viettel đang đầu tư vào 10 quốc gia thuộc nhóm có thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, khoản đầu tư vào thị trường Myanmar là lớn nhất. Đến nay, tập đoàn này vẫn chưa có phản hồi công khai về tình hình đang diễn ra tại Myanmar.


   Mời xem thêm »



© Lee Nguyen
    Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad