Bang giao Trung – Việt: Những màn nói dối hào nhoáng - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2021

Bang giao Trung – Việt: Những màn nói dối hào nhoáng


...Thời điểm này mà lại nói về “lòng tin chiến lược” giữa Trung Quốc và Việt Nam thì là gì, nếu không phải là những lời nói dối hào nhoáng? Lãnh đạo của hai quốc gia cộng sản “giả cầy” đang đua nhau diễn vở kịch rẻ tiền. Mâu thuẫn vào hồi cao trào nhưng lời thoại thì toàn âm hưởng ru ngủ và đầy chất ma mị...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà ở Hà Nội hôm 26/4/2021​/Nhân Dân


“Lòng tin chiến lược” nào?

Ngày 26/4/2021, tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà tại Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi quân đội Việt – Trung tăng cường xây dựng lòng tin giữa lúc căng thẳng đang dâng cao ngoài Biển Đông [1].


Nói với Thượng tướng Nguỵ Phượng Hoà, người đang có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam từ 24 đến 27/4, ông Phúc mong muốn quân đội hai nước cần tiếp tục tăng cường xây dựng vững chắc “lòng tin chiến lược”, phối hợp đưa hợp tác quốc phòng tiếp tục thành trụ cột trong quan hệ giữa Việt – Trung.


Vào thời điểm hiện nay mà lại nói về “lòng tin chiến lược” giữa Trung Quốc và Việt Nam, nếu đó không phải là những lời nói dối hào nhoáng thì là gì? Vấn đề đặt ra là, tại sao lãnh đạo của hai nước cộng sản “giả cầy” lại quyết định diễn vở kịch rẻ tiền ấy, trong khi xung đột đang tiến gần đến cao trào nhưng “lời thoại” thì nghe toàn những âm hưởng ru ngủ và đầy chất ma mị? Họ trình diễn cho ai xem và mục đích cuối cùng của các liều thuốc an thần ở đây là gì?



Chẳng phải đâu xa, ngay trong thời gian tướng họ Nguỵ chuẩn bị sang Việt Nam để tiến hành cái gọi là “giao lưu hữu nghị”, tạp chí “Naval and Merchant Ships” của Tàu đã tố cáo Việt Nam xây dựng lực lượng dân quân biển để thách đố Bắc Kinh. Bài báo viết: “Lực lượng dân quân biển Việt Nam và các hoạt động của họ trên vùng biển gần đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã đe doạ đến việc thực thi luật hàng hải và an ninh quốc phòng quốc gia của Trung Quốc”. Tác giả đưa ra cảnh báo là cần xem xét nghiêm túc và ứng phó kịp thời với chiến thuật mà phía Tàu cho là Hà Nội “học mót” từ Bắc Kinh.


Chưa hết, giới quan sát còn phân tích một diễn biến mới đây nhất, đó là việc Trung Quốc cho khoảng 200 tàu dân quân biển neo đậu dài ngày, từ tháng ba đến tháng tư năm nay, ở đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa. Hành tung này, một lần nữa, xới lên những xung đột cũ và tiềm tàng những xung đột mới. Theo các chuyên gia, đá Ba Đầu nằm trong phạm vi lãnh hải của đảo Sinh Tồn Đông do Hà Nội kiểm soát, nghĩa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Trong khi đó, phía Trung Quốc luôn coi tất cả những gì nằm trong phạm vi "đường lưỡi bò" là thuộc về họ.


   Mời xem thêm »


Rõ ràng, bang giao Việt Nam và Trung Quốc đang có nhiều bất đồng ngày càng khó giải tỏa, đặc biệt trong vấn đề chủ quyền đối với các vùng biển đảo mà Trung Quốc từng cưỡng chiếm của Việt Nam. Vấn đề tranh chấp Biển Đông được thể hiện một cách công khai trong “Đối thoại chiến lược quốc phòng” cấp Thứ trưởng Việt Nam – Trung Quốc lần thứ 7 diễn ra tại thành phố Đông Hưng vào ngày 23/4. Tại sự kiện này, Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến khẳng định:


"Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, không chỉ có giá trị chiến lược về kinh tế thương mại và quốc phòng – an ninh mà còn có giá trị chiến lược về địa-chính trị. Do vậy, các nước liên quan cần tích cực hợp tác, giữ gìn hòa bình, ổn định để đem lại lợi ích chung".


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Nguỵ Phượng Hoà ở Hà Nội hôm 26/4/2021. TTXVN


Cũng trong thời gian diễn ra các "hoạt động hữu nghị" giữa giới chức quân sự hai nước, Trung Quốc tiếp tục có các động thái đáng chú ý trên biển, khi tàu sân bay của họ bị phát hiện đang tiến về Biển Đông. Hôm 23/4 tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã dự lễ biên chế ba tàu chiến mới tại căn cứ hải quân Tam Á ở đảo Hải Nam. Trong số các tàu mới, đáng chú ý có tàu chiến đổ bộ Type 075 có khả năng mang 30 trực thăng và hàng trăm quân. Các tàu này dự kiến sẽ hoạt động tại Biển Đông trong thời gian tới.


Ngoại giao “chiến lang” gặp ngoại giao “lươn lẹo”

Trước đó, vào trung tuần tháng tư vừa qua, tân Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp phía Trung Quốc, Uỷ viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị, trong đó hai bên đã trao đổi thẳng thắn về các vấn đề trên biển, mặc dầu vẫn khẳng định duy trì quan hệ “hợp tác chiến lược toàn diện”. Nhưng cách tường thuật của mỗi bên về nội dung điện đàm bộc lộ một số điểm khác nhau.


Ông Vương Nghị, cha đẻ của nền ngoại giao “chiến lang”, nhấn mạnh ''cả hai nước đều gắn bó với sự lãnh đạo của các đảng cộng sản, cũng như con đường xã hội chủ nghĩa'' và lặp đi lặp lại luận điệu mà cả ông lẫn Việt Nam chẳng bên nào tin: ''Với tư cách đồng chí – anh em, Trung Quốc sẽ tiếp tục cam kết hỗ trợ Việt Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, vì một tương lai tốt đẹp hơn (Khi Việt Nam thành một quận – huyện của Trung Quốc?)


Vương ngoại trưởng cũng không quên nhắc người đồng cấp Việt Nam về sứ mệnh thiêng liêng: ''Trước những chuyển biến hiếm thấy trong một thế kỷ qua, hai bên cần nhớ sứ mệnh ban đầu của mình, là củng cố niềm tin và sự đoàn kết, tăng cường hợp tác chiến lược và bảo vệ lợi ích chung. Điều này không chỉ giúp giữ gìn an ninh chính trị của hai nước và tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho lý‎ tưởng xã hội chủ nghĩa của thế giới…''



Tân Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, hậu duệ của nền ngoại giao “lươn lẹo”, dường như không nhắc nhiều đến ''con đường xã hội chủ nghĩa'', nhưng lại tập trung nhấn mạnh các vấn đề về Biển Đông. Trong khi ông Vương Nghị, theo truyền thông Trung Quốc, dùng cụm từ ''xử lý đúng đắn các vấn đề trên biển'' thì truyền thông Việt Nam viết khá kỹ về yêu cầu của Hà Nội trong cách giải quyết tranh chấp: ''Hai bên đã trao đổi chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán hiện nay”.


Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị hai bên trao đổi, giải quyết bất đồng theo tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, thỏa thuận, nhận thức chung giữa hai bên và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cùng ASEAN đạt tiến triển tích cực về COC. Ông Vương Nghị hẳn nhiên “đánh trống lảng” các khía cạnh pháp lý này.


Qua cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai Ngoại trưởng, thấy khá rõ là Trung Quốc tiếp tục muốn buộc Việt Nam vào cỗ xe chủ nghĩa xã hội, tuy đã sụp đổ hoàn toàn nhìn từ quan điểm hệ thống thế giới. Trải qua “cuộc bể dâu”, cả của chiến tranh Lạnh lẫn chiến tranh Nóng, Ngoại giao Việt Nam đã thức tỉnh trước cái bánh vẽ “ý thức hệ” mà Bắc Kinh luôn luôn cố gắng nhồi nhét vào thực đơn của bữa tiệc.


Không thể gạt dân khỏi “cuộc chơi”


Bước vào năm 2021 này, do những biến động khôn lường của đại dịch COVID-19 và những cuộc so găng trên quy mô toàn cầu giữa các mạng lưới quyền lực quốc tế và khu vực, lãnh đạo Việt Nam bắt đầu nhận thực ra một thực tế. Gạt người dân khỏi “cuộc chơi” trong các mối bang giao Việt – Trung là một chiêu trò nguy hiểm chết người. Vì thế, hình như từ đầu năm đến nay, Việt Nam bắt đầu bật đèn xanh cho phép người dân tưởng niệm sự kiện xung đột tại bãi đá Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, trong đó tàu chiến Trung Quốc đã nổ súng giết chết 64 quân nhân Việt Nam.


Hình minh hoạ. Người dân biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 17/7/2016. Reuters


Nếu như trước đây mỗi dịp kỷ niệm các sự kiện bi thảm trong quan hệ Việt – Trung, từ chiến tranh biên giới (17/2/1979) đến các cuộc cưỡng chiếm biển đảo của Việt Nam (từ hải chiến Hoàng Sa 19/1/1974 đến cuộc thảm sát Gạc Ma 14/3/1988), nhà nước hầu như cấm tiệt mọi hình thức lễ lạt. Phi lý đến mức không ít anh chị em trong xã hội dân sự đã bị đàn áp và bỏ tù chỉ vì mang các biểu ngữ “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam”. Nhà nước bắt đục bỏ các bia ghi lại những tội ác của Trung Quốc trên các tỉnh biên giới phía Bắc. Thay vì hành động trên thực tế bảo vệ chủ quyền biển đảo thì lại đi phát hàng ngàn lá cờ cho ngư dân, kèm theo khẩu hiệu “Hải quân bám bờ, ngư dân bám biển!”


Có lẽ chưa có thời nào, chính quyền bị hổ danh “hèn với giặc, ác với dân” như những năm Đảng và Nhà nước thẳng tay đàn áp xã hội dân sự trong cuộc “kéo cưa lừa xẻ” với tập đoàn bành trướng Bắc Kinh. Nhiều lúc người dân không hiểu nổi Nhà nước muốn gì khi không đàn áp được thì tổ chức phá đám. Đúng vào những ngày tưởng niệm, chính quyền cho lực lượng “dư luận viên” tổ chức các điệu nhảy trên nền nhạc lố lăng ngay tại Tượng đài Lý Thái Tổ giữa trung tâm thủ đô Hà Nội.



Trở lại cuộc “giao lưu hữu nghị Việt – Trung” vừa qua, chắc chắn Mỹ và phương Tây không khỏi ngạc nhiên khi nghe Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc nói với Bộ trưởng Quốc phòng Tàu Nguỵ Phượng Hoà tại Phủ Chủ tịch hôm 26/4, rằng, “Việt Nam phản đối bất kỳ thế lực nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi sẽ nêu cao cảnh giác và kiên quyết chống lại mọi âm mưu phá hoại quan hệ Trung Quốc – Việt Nam và sẽ không bao giờ theo chân các nước khác chống lại Trung Quốc”.


Truyền thông trong nước, kể cả TTXVN, không đưa nội dung phát biểu trên. Trích dẫn ấy lấy từ bài bình luận ở Global Times, phiên bản tiếng Anh của Nhân dân Nhật báo [2]. Nếu cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc không nói láo, thì tuyên bố của Chủ tịch Phúc thật đáng lo ngại. Do ông ta bị lẫn, bị xuyên tạc, hay chính xác là ông đang “bẻ lái” con thuyền Việt Nam? Chúng ta cần kiểm tra lại! Nhưng nếu đúng như thế thật thì phải chăng tân Chủ tịch nước đang đang dấu chấm hết cho nền ngoại giao “đu dây” của Hà Nội?


   Mời xem thêm »



© Nguyễn Việt Trung
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad