Phật giáo Việt Nam có hưng thịnh hơn hay không là vấn đề lớn cần bàn thảo. Bài viết góp thêm cách nhìn từ phương diện kinh tế. Du lịch tâm linh góp phần tăng trưởng kinh tế do chính sách thúc đẩy khiến Phật giáo được ‘hưởng lợi’ để xây dựng cơ sở vật chất nhưng lại phụ thuộc chặt chẽ hơn vào chính quyền.
Góp phần tăng trưởng kinh tế
Chính phủ Hà Nội trong những năm gần đây chú trọng thúc đẩy du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng để tăng trưởng kinh tế, nhờ đó mà nhu cầu dịch vụ phát triển, việc làm và thu nhập cho người dân địa phương được tăng lên.
Mới đây, đầu tháng 3, tỉnh Hải Dương chính thức được dỡ lệnh phong toả vì COVID-19. Đây là địa phương bùng phát dịch từ trước tết âm lịch Tân Sửu và lan ra 13 tỉnh thành phố trong cả nước. Trước sức ép tăng trưởng kinh tế, cách tiếp cận về phòng và chống dịch theo Chỉ thị 19 được cho là ‘linh hoạt’ hơn, cách ly tập trung có trọng điểm và tích cực truy vết nguồn lây. Thời gian sau Tết là cao điểm mùa lễ hội, nên các tỉnh, thành phố cũng mở cửa trở lại các địa điểm ‘tâm linh’ thúc đẩy du lịch với khuyến cáo về biện pháp phòng dịch…
Tâm lý người dân bị ‘dồn nén’ do phong toả, nay ‘bùng nổ’. Chùa Tam Chúc tỉnh Hà Nam, một địa điểm tâm linh, hôm trước ‘mở hội’ hôm sau được mô tả là ‘vỡ trận’. Hàng vạn người đổ về khiến ban tổ chức, sư trụ trì phải lên truyền thông giải thích và khuyến cáo khách du lịch. Cảnh tương tự cũng xảy ra với chùa Hương và một số địa điểm danh thắng khác khi mở cửa trở lại. Tình hình các lĩnh vực giải trí khác cũng có nhu cầu lớn, chẳng hạn như khi giải bóng đá hạng nhất “V-Leage” được tiếp tục, các ‘Fan’ hâm mộ ‘chen nhau’ mua vé xem các trận đấu vì bị giới hạn số lượng khán giả vào sân….
Hàng năm ở Việt Nam có khoảng 8 đến 9 nghìn lễ hội khác nhau, trong đó có nhiều địa điểm thu hút khách du lịch. Du lịch tâm linh ở Việt Nam đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến và đóng góp ngày càng lớn vào sự tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn vừa qua, ngành du lịch đã tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ trên 12% mỗi năm, năm 2012 doanh thu mới đạt 160.000 tỷ đồng (khoảng 8 tỷ $), nhưng đến năm 2019 đạt “kỷ lục” khoảng 720.000 tỷ đồng (gần 30 tỷ $) với 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa…. Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, có khoảng 12% đến 15% du khách du đến thăm các địa điểm tâm linh.
Thái độ ‘mềm dẻo’ hơn
Trong chính sách phát triển du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng, thái độ của chính quyền đối với Phật giáo đã ‘linh hoạt, mềm dẻo’ hơn. Ngoài việc xác định vai trò lớn đối với tăng trưởng kinh tế, chính quyền đã thay đổi đáng kể thái độ về phát triển bền vững, môi trường thiên nhiên và cuộc sống tinh thần trong xã hội. Một cuộc hội thảo về chủ đề này Tổng cục Du lịch tổ chức, đã đánh giá cao những giá trị về tinh thần mà du lịch tâm linh mang lại, “giúp cho con người đạt tới sự cân bằng, cực lạc trong tâm hồn như theo triết lý từ-bi-hỷ-xả của đạo Phật…”. Một số cơ sở Phật giáo lớn đã là nơi tổ chức các sự kiện như mang tính quốc gia liên quan đến tín ngưỡng, chẳng hạn như lễ cầu siêu cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông với sự tham dự của lãnh đạo cấp Nhà nước.
Chính quyền mỗi năm đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương cho việc trùng tu, nâng cấp và xây mới các công trình tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Nguồn tiền ‘công đức’ của du khách thập phương cũng là kênh huy động được chính quyền cho phép. Tuy nhiên, sự tham gia của các ‘đại gia’ vào xây dựng các công trình Phật giáo ‘thế kỷ’ đã và đang gây bàn cãi trong dư luận và giới nghiên cứu về sự minh bạch về đầu tư, thu chi, nguồn gốc đất đai và biến tướng hoạt động tín ngưỡng.
Chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam. Theo Báo điện tử báo Nông thôn Ngày nay số ngày 9/3/2014, ngôi chùa này được xây lại với 500 tỷ đồng từ nguồn công đức, nhưng dư luận đồn đoán có sự đầu tư của nhiều quan chức trung ương và tỉnh. Trong quá trình xây dựng, hàng chục ngàn mét vuông đất rừng quốc gia đã bị lấn chiếm. Ngoài ra, một số hoạt động mang tính chất mê tín như "vong báo oán" và "giải nghiệp" để thu lợi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm hay ‘cúng hóa giải’ nạn dịch cúm COVID-19 gần đây, theo chính quyền sở tại, là “không nằm trong nội dung đăng ký Phật sự”.
Một số công trình lớn khác như chùa Bái Đính hay chùa Tam Chúc cũng có nhiều thắc mắc tương tự về tính minh bạch nguồn gốc đất đai, việc cấp phép và thu chi… Những câu hỏi công khai trên báo nhà nước như: “Nhập nhèm phía sau ngôi chùa lớn nhất thế giới” hay “Chủ đầu tư ngôi chùa lớn nhất thế giới tại Hà Nam thu lời thế nào?” có lẽ không nhận được câu trả lời khi chính quyền thiếu trách nhiệm giải trình công khai minh bạch trước người dân.
‘Thực dụng’
Chính quyền và Phật giáo đều trở nên ‘thực dụng’ hơn. Dường như cả hai có ‘khoảng giao thoa’ nhất định để cùng đạt mục đích. Mặc dù ‘tự do tôn giáo’ dưới sự quản lý của Nhà nước được hiến định, nhưng giáo lý Phật giáo đã được ‘mềm hoá’ trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Quan niệm rằng vũ trụ được vận hành bởi các quy luật tự nhiên là Nhân - Quả và Luân hồi, không hề có một vị thần nào có thể khống chế các quy luật đó, gần với chủ nghĩa vô thần nhà nước. Ngoài ra, tư tưởng “bất bạo lực”, không tham gia chính trị, dễ hướng tới phục tùng chính quyền, nên Phật giáo, dường như được ‘ưu ái’ hơn so với các tôn giáo khác.
Tuy nhiên, dưới chế độ đảng cộng sản toàn trị, Phật giáo phải phụ thuộc vào chính trị. “Cuộc cách mạng văn hoá” ở Trung Quốc (1966-1976) được phát động bởi Mao với mục đích thanh trừng phe phái nhưng đã huỷ hoại phần lớn cơ sở vật chất Phật giáo và xoá bỏ tín ngưỡng. Trong thời kỳ này, Việt Nam cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, tính độc lập tương đối của Phật giáo cũng có thể bị mất đi vì lý do kinh tế. Giới tăng lữ Myamar đã không thể ‘hồi sinh’ trong phong trào “bất tuân dân sự” trong cuộc đảo chính ngày 01/2 mới đây vì lợi ích của tăng đoàn gắn chặt với tập đoàn quân sự.
Ở Việt Nam, vì sự phụ thuộc chặt chẽ vào chính quyền, Phật giáo cũng buộc phải trở nên ‘thực dụng’ hơn để ‘hưởng lợi’ từ chính sách khuyến khích du lịch tâm linh vì mục đích tăng trưởng, bởi vậy việc nhận định về sự thịnh vượng của Phật giáo trong giai đoạn hiện nay là chưa thuyết phục.
© TS. Phạm Quý Thọ
RFA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét