Chưa có số liệu Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 5, tháng chịu tác động tiêu cực nhất từ đại dịch tính từ đầu năm 2021 đến nay, nhưng trong tháng 4/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (cộng dồn, loại trừ lạm phát và so sánh cùng kỳ) đã suy giảm ở mức kỷ lục, giảm -7.76%, tháng 3/2021, chỉ số này giảm -0,01%. (Ảnh của GREG BAKER / AFP qua Getty Images)
Đến giờ này, mọi dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sẽ không còn ý nghĩa. Với diễn biến dịch hiện nay, ngay cả kịch bản lạc quan nhất, mức tăng trưởng GDP năm 2021 có thể chỉ đạt 4.5- 5.5%. Nhưng tăng trưởng có thể còn thấp hơn nếu Việt Nam không thể khống chế thành công dịch bệnh trong tháng 6 tới đây.
Sự thành công trong việc ngăn ngừa đại dịch Covid-19 năm 2020, thành công xuất khẩu của khối ngoài quốc doanh (nước ngoài và tư nhân), sức đóng góp tốt hơn của nông nghiệp đã giúp Việt Nam trở thành nền kinh tế hiếm hoi tăng trưởng dương năm 2020 trên toàn cầu, dù mức tăng trưởng thấp nhất trong nhiều thập kỷ.
Do vậy, dù nền kinh tế có sức đề kháng rất yếu trước đại dịch, nhưng đại dịch từng dừng bước trước Việt Nam khiến tất cả các tổ chức tài chính quốc tế và trong nước đều dự báo lạc quan về tăng trưởng nóng trong năm 2021 nhờ kinh tế thế giới phục hồi, ở mức 6,5 - 7%. Quỹ tiền tệ quốc tế trong báo cáo tháng 4/2021 dự báo tăng trưởng cả năm của Việt Nam là 6,5%. Cá biệt, có tổ chức lạc quan tuyên bố Việt Nam sẽ tăng trưởng tới 8%.
Quá nhiều bất lợi ở cả tổng cung và tổng cầu
Dù vậy, làn sóng virus viêm phổi Vũ Hán thứ 4 bất chợt bùng phát và càn quét khắp 3 miền, dấu hiệu lây nhiễm cộng đồng và không thể truy vết có thể buộc Việt Nam phải đóng cửa nhiều hơn nữa các khu công nghiệp, các văn phòng và thậm chí là cả thành phố.
Điều này sẽ đẩy tiêu dùng của Việt Nam, vốn đang tăng trưởng âm ở mức kỷ lục trong tháng 4 vừa qua, có thể sẽ lập thêm một kỷ lục tồi tệ nữa vào tháng 5. Chưa có số liệu Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 5, tháng chịu tác động tiêu cực nhất từ đại dịch tính từ đầu năm 2021 đến nay, nhưng trong tháng 4/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ (cộng dồn, loại trừ lạm phát và so sánh cùng kỳ) đã suy giảm ở mức kỷ lục, giảm -7.76%, tháng 3/2021, chỉ số này giảm -0,01%.
Không có việc làm vì chịu tác động từ đại dịch, đã khiến nền kinh tế đang phát triển, thu nhập ở mức trung bình thấp như Việt Nam chịu tác động tiêu cực, biểu hiện ở số người rút khỏi BHXH “bất đắc dĩ” ở mức kỷ lục, tiêu dùng thấp kỷ lục. Việc buộc phải đóng cửa một số khu công nghiệp, một số khu vực và nhiều hộ kinh doanh cá thể phải dừng hoạt động cung ứng dịch vụ, sản xuất kinh doanh sẽ khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn trong tháng 6. Trường hợp Việt Nam có thể ngăn chặn đại dịch thành công trong tháng 6, việc phục hồi tiêu dùng, phục hồi kinh doanh sản xuất, cung ứng dịch vụ của hộ gia đình sẽ chậm chạp (do cầu yếu), và có thể khởi sắc vào quý III.
Bên cạnh đó, các thị trường bất động sản đang có dấu hiệu co hẹp sau đợt bùng phát tại một số phân khúc năm 2020 khiến Ngân hàng nhà nước phải siết chặt tín dụng với khu vực này, trong quý I/2021, số giao dịch BĐS thành công chỉ bằng 86% cùng kỳ 2020. Điều này có thể kéo theo sự ảm đạm của ngành xây dựng, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu xây dựng tăng đột biến như hiện nay.
Sức tăng của giá cả hàng hóa thế giới làm gia tăng áp lực lạm phát tại Việt Nam và tăng thêm áp lực tỷ giá của đồng VND.
Khu vực doanh nghiệp trải qua một năm 2020 đầy sóng gió, những doanh nghiệp thu lãi khủng đều là doanh nghiệp thuộc ngành kinh doanh BĐS, tài chính hoặc vật liệu xây dựng nhờ dòng tiền đầu cơ hoặc giá hàng hóa tăng vì đứt gãy chuỗi cung ứng. Xét trên toàn thị trường, mỗi tháng có tới 12,000 doanh nghiệp buộc phải rời khỏi thị trường trong vài tháng đầu năm 2021.
Đáng ngại hơn, kết cấu yếu ớt của nền tài chính trong nước với khối nợ xấu đang gia tăng trong các NHTM có thể khiến hệ thống này không vững vàng trong đại dịch, đặc biệt khi thị trường tài chính thế giới có biến động mạnh sự phá giá của các đồng tiền mạnh, như vỡ nợ, thay đổi chính sách lãi suất do lạm phát.…
Cuối cùng, theo chu kỳ chính trị, một quy luật bất thành văn, các năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới luôn là các năm có kết quả tăng trưởng ảm đạm nhất trong nhiệm kỳ 5 năm, năm cuối cùng của nhiệm kỳ luôn là năm có kết quả tăng trưởng cao nhất. Vừa hay, năm 2021 là năm đầu tiên của một chính phủ mới. Điểm sáng lớn nhất với tăng trưởng của Việt Nam là cầu từ Mỹ và EU tăng trở lại, dù chưa quá mạnh nhưng sẽ tạo thặng dư thương mại kỳ vọng lớn hơn năm 2020, đóng góp đáng kể vào GDP. Tuy nhiên, các khoản xuất khẩu này chủ yếu thuộc về ngành công nghiệp chế biến chế tạo, vốn chiếm đa số bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Virus Vũ Hán có thể đánh bay ít nhất 1 - 2% GDP của Việt Nam trong năm 2021
Nhóm phân tích kinh tế của NTDVN thực hiện một tính toán từ phía tổng cung để ước tính GDP năm 2021 dưới tác động của đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán. Phương pháp ước tính dựa theo phương pháp lập trình tài chính hướng dẫn bởi Quỹ tiền tệ quốc tế IMF. Số liệu GDP theo giá hiện hành, dựa trên cấu trúc, xu hướng tăng trưởng từ năm 2010 - 2020 của 04 khu vực lớn sau: (i) Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản (3 ngành); (ii) Công nghiệp và xây dựng (công nghiệp gồm 4 ngành nhỏ và xây dựng); (iii) Dịch vụ (14 ngành); (iv) Thuế và các sản phẩm trợ cấp từ thuế (chiếm khoảng 10% trong cơ cấu GDP hiện hành, theo các dữ liệu lịch sử).
Với mỗi ngành, nhóm phân tích thực hiện giả định về tốc độ tăng, hồi phục hoặc suy giảm so với năm 2020 (có tham khảo kết quả của quý I/2021), để tính toán sức tăng trưởng GDP trong điều kiện tốt nhất là đại dịch được khoanh vùng xử lý tốt, mọi hoạt động kinh tế trở lại bình thường vào cuối tháng 6/2021. Một số giả định quan trọng như sau (số liệu tính theo giá hiện hành):
Ngành nông nghiệp đã đạt tốc độ tăng mạnh năm 2020 là 15%, các năm trước đó chỉ tăng khoảng 3%. Giả định lạc quan nhất là năm 2020 ngành nông nghiệp có thể duy trì tốc độ tăng 15% của năm 2020 nhờ xu hướng giá lương thực tăng và khan hiếm lương thực, các sản phẩm nông nghiệp do đại dịch, cầu lương thực thực phẩm thế giới cao do khó khăn trong nguồn cung.
Ngành công nghiệp chế biến chế tạo năm 2020 tăng với tốc độ 6%, các năm trước đó tốc độ tăng của khu vực này thường rơi vào 11-20%. Sự giảm sút của năm 2020 do cầu thế giới yếu. Năm 2021, mặc dù Việt Nam phải đóng cửa tạm thời một số khu công nghiệp vì bệnh dịch nhưng với quyết tâm tiêm ưu tiên vaccine cho công nhân khu công nghiệp, khoanh vùng và kiểm soát dịch tễ cẩn trọng để có thể sớm khôi phục hoạt động của khu vực này (vốn có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, khoảng 16-17% trong cơ cấu GDP của Việt Nam. Do vậy, nhóm phân tích giả định khu vực này được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, sự phục hồi cầu của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ, EU... Tốc độ tăng trưởng của khu vực này có thể lên tới 8% - 10% (tăng 2% - 4% so với tốc độ tăng trưởng năm 2020).
Ngành xây dựng chịu tác động bởi khu vực BĐS suy giảm và giá nguyên vật liệu tăng nên giả định tốc độ tăng trưởng của ngành so với năm 2020 giảm đi 1% (năm 2020 là 9%, một tốc độ tăng trưởng khá nhờ thị trường BĐS tăng khá và đầu tư ngân sách mở rộng).
Ngành BĐS cũng chịu nhiều bất lợi trong năm 2021, giả đinh tốc độ tăng trưởng giảm nhẹ so với năm 2020. Ngành dịch vụ tài chính cũng được giả định giảm nhẹ 1% so với sức tăng của năm 2020. Cả BĐS và dịch vụ tài chính đều là những ngành tăng khá trong năm 2020 nhờ đầu cơ. Xu hướng này đang dần bất lợi hơn trong năm 2021.
Các ngành dịch vụ khác giả định không suy giảm tiếp (nếu năm 2020 đã giảm âm), hoặc tăng ở mức tăng như năm 2020.
Nhóm phân tích cũng giả định rằng lạm phát có thể kiểm soát ở mức 3.5% (một mức lý tưởng) do tiền cứu trợ và chính sách lãi suất của thế giới chưa thay đổi vì tăng trưởng toàn cầu còn thấp.
Với các giả định như vậy, tăng trưởng GDP năm 2021 có thể ở mức 4,5 -5,5%, giảm 1 - 2% so với mục tiêu đề ra của Quốc hội và Chính phủ mới cũng như của các dự báo trước đó.
© Thanh Đoàn
và Nhóm phân tích kinh tế
NTDVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét