Rên xiết vì thông tư ‘tận thu’ mới của Bộ Tài chính - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2021

Rên xiết vì thông tư ‘tận thu’ mới của Bộ Tài chính


Trụ sở Bộ Tài chính Việt Nam. (Ảnh: Wikipedia)

Giới kinh doanh đang "rên xiết" vì Thông tư mới của Bộ tài chính: Cạnh tranh trên thương trường vốn đã khắc nghiệt, nhưng rủi ro từ thay đổi chính sách, pháp luật có khi còn khắc nghiệt hơn nhiều lần...

Thông tư 40 mới của Bộ tài chính hướng dẫn thuế đối với hộ kinh doanh,cá nhân ban hành ngày 1/6/2021 cố một số điểm đang gây tranh cãi rất lớn. Trên các diễn đàn lớn của công đồng người kinh doanh, người nộp thuế tỏ ra rất bức xúc và khó hiểu với cách tính thuế mới này.


‘Quả bom’ với ngành thương mại điện tử

Theo báo Tuổi trẻ, điều 8, khoản 1, điểm đ thông tư 40 này quy định: "Tổ chức là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân theo lộ trình của cơ quan thuế". Điều khoản này đối với ngành thương mại điện tử giống như “sét đánh ngang tai”.

Vậy, “theo lộ trình của cơ quan thuế” là như thế nào? Lộ trình đó kéo dài bao lâu?

Luật thuế thu nhập cá nhân quy định các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tự kê khai, khấu trừ, nộp thuế. Luật quản lý thuế cũng quy định cá nhân kinh doanh phải tự kê khai và nộp thuế tại nơi họ đặt địa điểm kinh doanh. Vậy liệu thông tư 40 có cân nhắc đến luật này trước khi ban hành? Nếu không thì căn cứ pháp lý từ đâu?

Thông tư luôn là văn bản dưới luật, chi tiết hơn để triển khai thực thi luật, đưa luật vào thực tiễn trong từng khía cạnh, khu vực mà luật bao phủ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, luật với thông tư về cùng một vấn đề lại “đá” nhau như vậy, thì các doanh nghiệp sẽ căn cứ vào luật hay thông tư?

Không quản được thì cấm?

Về bản chất, một sàn thương mại điện tử không phải là một đơn vị trả thu nhập; đây thực ra là một cái chợ công nghệ do doanh nghiệp sở hữu cung cấp để bên bán và bên mua kết nối với nhau, thực hiện được giao dịch tiện lợi với chi phí thấp nhất.

Khi bắt buộc phải kê khai và nộp thuế thay thì một sàn thương mại điện tử có đến vài chục triệu cá nhân, hộ kinh doanh thì làm thế nào sàn có thể kê khai và nộp thuế thay được? Và nếu mô hinh của sàn là chợ trực tuyến, nơi quảng bá sản phẩm, quảng bá địa chỉ bán hàng mà không quản doanh thu của từng cửa hàng thì làm cách nào sàn có thể nắm được thông tin về doanh thu, thu nhập người bán trên sàn thực sự thế nào? Không cần trả lời các câu hỏi này thì một người bình thường đều thấy bất khả thi!



Luật quản lý thuế quy định cá nhân kinh doanh phải kê khai và nộp thuế tại nơi họ đặt địa điểm kinh doanh, nay khi các doanh nghiệp sàn phải khai tại Hà Nội và TP.HCM, liệu có phù hợp với luật và có tạo chồng chéo? Hàng loạt câu hỏi đặt ra mà doanh nghiệp không trả lời được. Điều mà doanh nghiệp biết chắc chắn là chi phí thực hiện quy định này sẽ cực kỳ lớn.

Cơ quan nhà nước chắc cũng khó bắt ban quản lý chợ truyền thống phải đi quyết toán, nộp thuế thay cho các tiểu thương như trên chợ điện tử!

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, trong khi cả nước hô Cách mạng công nghiệp 4.0 thì chính sách thủ tục thuế như thế này quá xa so với thực tế và sự phát triển của kinh tế số. Chính sách kiểu này có vẻ như càng minh chứng cho mệnh đề “không quản được thì cấm”. Việc cần làm nên là quản lý thu nhập của người kinh doanh chứ không phải đổ trách nhiệm đó cho đơn vị kinh doanh như sàn thương mại điện tử.

Công nhân của một hãng thương mại điện tử đang chuẩn bị bưu kiện để giao hàng tại trung tâm hậu cần của công ty. (Ảnh: Getty Images)

Rủi ro từ chính sách khắc nghiệt hơn nhiều rủi ro từ thương trường?

Qua trao đổi với một số doanh nghiệp, điều đáng lo nhất của các sàn thương mại điện tử là mất khách hàng. Để kê khai và khấu trừ thuế thì khả năng các sàn buộc phải khấu trừ tiền thuế của người kinh doanh trước giao dịch.

Nếu vậy, là người bán hàng, liệu họ có muốn tiếp tục mang hàng lên sàn thương mại điện tử bán khi thuế nặng và quy định phức tạp như vậy? Khi không còn phù hợp nhu cầu, họ hẳn sẽ lựa chọn các phương tiện khác, như mạng xã hội, hoặc đơn giản là quay về hình thức kinh doanh truyền thống cho “dễ thở”. Nếu là vậy, thì sàn giao dịch điện tử nước ngoài sẽ trở thành thiên đường mua sắm của người Việt. Một thị phần lớn tiêu dùng hàng Việt của người Việt bị mất đi trên đất Việt trong thế giới công nghệ 4.0 này.

Rủi ro từ thương trường, từ cạnh tranh đã khắc nghiệt, sự thay đổi chính sách, pháp luật như thông tư này liệu có tăng gấp đôi sự khắc nghiệt cho người kinh doanh?



Thương mại điện tử là một xu hướng tiến bộ, văn minh, cần khuyến khích, một mô hình mua bán mới chưa hình thành được thói quen của người dùng tại Việt Nam; trong thời gian qua, các doanh nghiệp ngành hàng đã miệt mài, nỗ lực vượt qua bao nhiêu khó khăn để kéo được người sử dụng trong bối cảnh không có nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước, thì những chính sách như thông tư 40 lại có thể nhanh chóng làm tiêu tan nỗ lực trên. Đó là điều các cơ quan soạn thảo chính sách cần phải rất cẩn trọng.

Doanh nghiệp “trở tay không kịp”

Có một điều đáng lo ngại từ quá trình soạn thảo thông tư 40 này là dự thảo trước đây được công bố rộng rãi lấy ý kiến không hề có chế định này, các doanh nghiệp khi tìm hiểu góp ý đã từng khá yên tâm.

Khi các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nghe thấy quy định này có khả năng được đưa vào thì mới chủ động liên hệ Tổng cục Thuế đề nghị góp ý.

Tiếc là cuộc gặp góp ý như dự kiến với Tổng cục Thuế ngày 15-6-2021 đã trở thành cuộc họp phổ biến quy định mới vì thông tư đã được ký ban hành từ ngày… 1-6-2021.

Quy định ban hành đã hơn nửa tháng trời mà doanh nghiệp trong ngành không hề hay biết. Các doanh nghiệp cũng không biết ban soạn thảo thông tư 40 khi đưa những chế định quan trọng và lớn như thế này đã kịp đánh giá tác động kinh tế - xã hội, đã lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động như quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật hay chưa?!

Thời gian có hiệu lực của thông tư từ 1-8-2021, với thời gian gấp gáp như thế cách nào để thực hiện? Với những doanh nghiệp có nền tảng xuyên quốc gia, chắc chắn việc điều chỉnh hệ thống hạ tầng để đáp ứng quy định riêng của Việt Nam liệu có dễ dàng không? Thông tư liệu có đang “làm khó” người kinh doanh?

Kỳ lạ: Cho thuê nhà vài tháng, tính thuế cả năm!

Theo thông tư 40 vừa được Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/8 tới, cơ quan thuế sẽ căn cứ vào tổng doanh thu danh nghĩa tính theo 12 tháng để tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nếu đạt 100 triệu đồng/năm.

Theo báo Tuổi trẻ, cộng đồng người kinh doanh đã hết sức bất ngờ khi tiếp nhận thông tin này. Họ cho rằng thông tư có những nội dung "không phù hợp" với nguyên tắc cơ bản về thuế và áp đặt cách tính thuế bất lợi cho người dân, có lợi cho cơ quan thuế.



Cụ thể, thông tư 40 đang quy định kiểu suy rộng ra thu nhập để tính thuế phải thu. Thông tư cũng đưa ra ví dụ hướng dẫn tính thu nhập cho thuê bất động sản bằng cách suy rộng thu nhập cho thuê vài tháng thành thu nhập cả năm rồi so với mức chắn dưới 100 triệu để tính thuế.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Tổng cục Thuế thừa nhận theo hướng dẫn của thông tư 40 thì các trường hợp cá nhân cho thuê nhà có doanh thu dưới 100 triệu đồng vẫn phải nộp thuế. "Dù chỉ cho thuê vài tháng, doanh thu vài chục triệu đồng, nhưng nếu bình quân đạt hơn 8,3 triệu đồng/tháng, tính ra tổng doanh thu đạt 100 triệu đồng/năm, đều phải nộp thuế nhằm hạn chế chuyện né thuế và đảm bảo công bằng với cá nhân kinh doanh các ngành nghề khác" - vị này nói và cho biết quy định này căn cứ theo Luật thuế TNCN, Luật quản lý thuế…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cách giải thích này không hợp lý. Theo TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính, Luật thuế TNCN và nghị định hướng dẫn nêu rất rõ là cá nhân kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu đồng không phải nộp thuế. Ngay tại thông tư 40 cũng hướng dẫn cá nhân cho thuê cửa hàng, mặt bằng kinh doanh, căn hộ không phát sinh doanh thu đủ 12 tháng trong năm dương lịch, mức doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở xuống không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Doanh thu để xác định số thuế nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế phát sinh cho thuê tài sản.

Những quy định do Thông tư 40 của Bộ Tài chính đưa ra rất dễ đẩy hàng vạn người đang cho thuê nhà vào thế nộp thuế oan, bị lạm thu. (Ảnh: Flickr)

Tuy nhiên, trong phần ví dụ của điểm này, Bộ Tài chính lại dẫn chứng ông B cho thuê nhà từ tháng 10-2022 đến hết tháng 9-2023 với tiền thuê nhà 10 triệu đồng/tháng lại phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN do tổng doanh thu tính theo 12 tháng là 120 triệu đồng. "Dẫn chứng này là rất vô lý, "chỏi" lại với hướng dẫn tại chính thông tư này và trái quy định của Luật thuế TNCN là cá nhân kinh doanh có doanh thu theo năm dương lịch dưới 100 triệu đồng không phải nộp thuế" - ông Thịnh khẳng định.

Một chuyên gia thuế cũng cho rằng theo quy định tại các luật thuế và các văn bản hướng dẫn dưới luật khác, thuế được tính theo doanh thu thực tế trong năm dương lịch chứ không phải tính tháng rồi quy ra năm như Bộ Tài chính dẫn làm ví dụ trong thông tư. Chẳng hạn, trong năm 2022, ông B chỉ cho thuê nhà được 3 tháng, với doanh thu 30 triệu đồng, sẽ không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN. Và trong năm 2023, do chỉ cho thuê 9 tháng, tổng doanh thu là 90 triệu đồng, ông B cũng không phải nộp thuế.

Không thể xem thường đó chỉ là ví dụ trong thông tư hướng dẫn. Bởi cán bộ thuế sẽ căn cứ vào đó để áp thuế những trường hợp tương tự, người cho thuê nhà khó mà cãi được khi đó là thông tư của Bộ Tài chính. Mà họ có kiện thì "chờ được vạ, má đã sưng".

Thu thuế kiểu … áp đặt theo suy đoán có lợi cho cơ quan thuế nhưng lại bất lợi cho người nộp thuế

Quy định như trong thông tư 40 của Bộ tài chính cũng đi ngược lại nguyên tắc của chính cơ quan này. Trong khi ngành thuế đang thúc hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, nộp thuế theo kê khai, có sổ sách hóa đơn chứng từ. Ngành thuế cũng từng bước giảm dần khoán thuế. Thế nhưng ở trường hợp này lại ngược lại, khi cơ quan thuế lại lấy doanh thu tháng để tính "khoán" cho cả năm.



Người nộp thuế đặt câu hỏi bao lâu nay, thứ gì ngành thuế cũng đòi chứng từ, hóa đơn, hợp đồng, không có là phạt, là xuất toán... Ấy vậy mà với thuế cho thuê nhà, cơ quan thuế lại không căn cứ vào hợp đồng để thu thuế mà lại áp đặt theo suy đoán có lợi cho cơ quan thuế nhưng lại bất lợi cho người nộp thuế.

Những quy định do Bộ Tài chính đưa ra rất dễ đẩy hàng vạn người đang cho thuê nhà vào thế nộp thuế oan, bị lạm thu. Tổng cục Thuế có giải thích rằng quy định vậy là để đảm bảo công bằng và tránh việc né thuế. Rất đúng!

Ngành thuế phải hướng đến mục tiêu công bằng trong nghĩa vụ thuế, nhưng giải pháp thực hiện phải tuân thủ nguyên tắc cơ bản về thuế và nhất quán với những quan điểm mà Bộ Tài chính đã kiên trì áp dụng với người nộp thuế. Không thể khi thì thứ gì cũng đòi chứng từ, hợp đồng, lúc lại không...!

Do dịch COVID-19, nhiều mặt bằng phải đóng cửa vì không có khách thuê, nhiều nhà và căn hộ cho thuê vẫn đang bỏ trống do khách thuê "bỏ phố về quê"... Dù vậy, chủ nhà hoặc chủ mặt bằng cho thuê vẫn phải nộp thuế theo quy định mới, như vậy, việc Bộ Tài chính áp dụng theo cách hướng dẫn này sẽ càng tăng thêm gánh nặng cho người dân.

Thông tư 40 gặp nhiều phản ứng từ cộng đồng người kinh doanh. Mặc dù đại diện Tổng cục Thuế có lên tiếng giải thích nhưng thông tư này do Bộ Tài chính ban hành, vì thế nơi tiếp thu, chỉnh sửa phải là Bộ Tài chính. Đến nay vẫn chưa thấy Bộ Tài chính phản hồi.

   Mời xem thêm »


© Tâm Chính
    NTDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad