Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu dùng ‘Luật Hồi tỵ’? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 8 tháng 7, 2021

Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu dùng ‘Luật Hồi tỵ’?


Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong cuộc họp báo sau lễ bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của ĐCS Việt Nam ngày 1/2/2021




Bốn tân bí thư tỉnh uỷ các tỉnh Hậu Giang, Bến Tre, Lạng Sơn và Hưng Yên vừa được Bộ Chính trị phân công, là những người lần đầu vào trung ương và không phải người địa phương. Đây là điểm được cho là mới trong việc luân chuyển cán bộ theo chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị yêu cầu các nơi phải thực hiện chủ trương sắp xếp bí thư cấp uỷ, cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Đến năm 2025 phải hoàn thành ở cấp huyện và khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác.



Những người quan tâm tình hình chính trị Việt Nam cho rằng có lẽ Đảng nhìn thấy hậu quả của tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ” xảy ra ở nhiều nơi những năm qua nên bắt đầu học cái hay của ông cha ngày trước qua “Luật Hồi tỵ”.

Luật Hồi tỵ được ban hành đầu tiên dưới thời vua Lê Thánh Tông về việc bổ dụng đội ngũ quan lại phong kiến thời đó trong cuộc cải cách nền hành chính quốc gia. Nội dung luật này xoay quanh việc ngăn chặn những người trong gia đình, họ hàng; người đồng hương; thầy trò làm việc cùng một chỗ. Với nhiều quy định khác, Luật Hồi tỵ nhắm đến việc loại bỏ hiện tượng những người thân thuộc gần gũi với nhau kéo bè kết phái bao che lẫn nhau.

Theo tôi, nếu kỳ này Đảng quyết tâm thực hiện việc điều những người có chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương, thì đó là một việc làm tốt. Nhưng phải là người đứng đầu chứ những người được điều đến một thời gian ngắn hay cấp phó thì không có tác dụng vì mấy ông đó chỉ ‘nín thở’ cho xong chuyện, quay về trung ương để tiến lên bậc cao nữa thôi. - Nhà báo Võ Văn Tạo


Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định về chủ trương mới của Đảng khi đưa những người không phải người địa phương về giữ chức vụ cao nhất trong tỉnh:

“Theo tôi, nếu kỳ này đảng quyết tâm thực hiện việc điều những người có chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải là người địa phương, thì đó là một việc làm tốt. Nhưng phải là người đứng đầu chứ những người được điều đến một thời gian ngắn hay cấp phó thì không có tác dụng vì mấy ông đó chỉ ‘nín thở’ cho xong chuyện, quay về trung ương để tiến lên bậc cao nữa thôi.

Chính sách luân chuyển cán bộ chỉ là hình thức nếu những người nơi đến khác đến mà không có thực quyền, không ở lại lâu rất sợ mất lòng mấy ông đảng viên ở địa phương, vì khi mất lòng thì đến kỳ đại hội người ta không bỏ phiếu.

Mục đích chính của nó là tránh nạn cục bộ, địa phương và tránh tiêu cực ‘một người làm quan cả họ được nhờ’.”


Báo Nhà nước trích lời ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương rằng, việc điều động cán bộ trẻ lần đầu vào Trung ương lên vị trí đứng đầu địa phương thì càng tạo ra môi trường tốt hơn để họ phát huy năng lực của bản thân, cũng như tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Qua đó rèn luyện, thử thách năng lực, trình độ, bản lĩnh của cán bộ một cách tốt nhất. Đây là chủ trương đúng cần tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.



Theo nhận xét của Nhà báo Võ Văn Tạo, việc đưa cán bộ khác địa phương về làm lãnh đạo nhìn chung có lợi cho xã hội, nhưng cũng có những trường hợp bí thư về nhưng người bí thư đấy không mạnh tay, không có trình độ thực sự, không có cái uy thì cũng sợ tập thể địa phương họ không ủng hộ, họ phá đám. Trung ương thấy ‘cơm không lành canh không ngọt’ thì lại rút đi, đẩy người khác về. Trường hợp này cũng hiếm vì đa phần, những người được cử về dù năng lực không có mấy nhưng mà ở cương vị bí thư, là người lãnh đạo cao nhất, coi như ông vua một tỉnh, thì cũng có thể trấn áp được những tiêu cực.

Một trong những lý do được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đưa ra khi thực hiện chủ trương mới, là bí thư tỉnh uỷ, huyện ủy không phải người địa phương sẽ làm việc khách quan hơn, công tâm hơn, vô tư hơn, tránh bè phái, bao che cho nhau.

Cựu đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Lê Văn Cuông giải thích:

“Đây là thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ không phải người địa phương để tránh tình trạng cục bộ vì thường người địa phương có liên hệ với giòng tộc, bạn bè, xóm giềng cho nên vấn đề quản lý, điều hành bị hạn chế. Do đó, chủ trương của Đảng là từng bước thí điểm luân chuyển cán bộ không phải người địa phương về làm không những bí thư tỉnh mà còn bí thư xã nữa.

Những người mới về cũng có các hạn chế về việc nắm bắt tình hình địa phương thời gian đầu nhưng nếu có năng lực và quá trình luân chuyển cũng được tính toán về khả năng cho nên họ về thì cũng nhanh chóng nhập cuộc và thực hiện tốt chức năng được giao. Thứ hai nữa là do không phải người địa phương và mối quan hệ ban đầu cũng còn khó khăn cho nên các bí thư phải tập trung để thực hiện nghiêm túc công việc.”


Đây là thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ không phải người địa phương để tránh tình trạng cục bộ vì thường người địa phương có liên hệ với giòng tộc, bạn bè, xóm giềng cho nên vấn đề quản lý, điều hành bị hạn chế. Do đó, chủ trương của đảng là từng bước thí điểm luân chuyển cán bộ không phải người địa phương về làm không những bí thư tỉnh mà còn bí thư xã nữa. - Cựu đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông


Chuyện lợi dụng chức vụ để bổ nhiệm người thân, con cái vào các vị trí lãnh đạo đã xảy ra tại Việt Nam nhiều năm nhưng chưa có cách giải quyết. Nhiều diễn đàn trong nước cũng đã nói đến vấn đề này nhưng cụm từ “đúng quy trình” dường như là lực cản cho các cải cách.

Báo chí Nhà nước từng phanh phui nhiều vụ việc cả nhà làm quan. Chẳng hạn trường hợp ông Nguyễn Thế Son, Trưởng phòng Tài chính Kế hoạch huyện An Dương, Hải Phòng. Gia đình ông này có tới sáu người giữ các chức danh quan trọng trong huyện. Hay một trường hợp khác là ông Bí thư Đảng ủy xã Quế Long ở Quảng Nam, gia đình ông này có đến tám người cùng làm “quan xã”. Hay trường hợp ông Triệu Tài Vinh ở tỉnh Hà Giang. Gia đình ông có ít nhất tám người thân ruột thịt và họ hàng làm công chức nhiều ban ngành, địa phương trong tỉnh.



Ông Trần Văn Lĩnh, nguyên thành viên Hội đồng Nhân dân Đà Nẵng, từng nói với RFA về hiện trang ‘cả họ làm quan’ ở Việt Nam:

“Quyền lực nếu không muốn trở thành một trò chơi nguy hiểm cho chính nó và cho cả chế độ thì quyền lực ấy phải được kiểm soát bởi một chế độ kiểm soát quyền lực. Cho đến giờ này, luật pháp Việt Nam không có điều nào cấm người ta sử dụng con cháu vào cơ quan hay tổ chức của mình cả. Điều đó chỉ có quy định trong nội bộ đảng thôi.”

Với chủ trương luân chuyển cán bộ không cùng địa phương, có lẽ đảng cộng sản Việt Nam đã thấy ích lợi của Luật Hồi tỵ. Điều còn lại là cần củng cố các quy định của pháp luật khác về kiểm tra, giám sát bổ nhiệm cán bộ, bổ nhiệm công chức một cách công khai, minh bạch.

   Mời xem thêm »


© Diễm Thi
    RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad