Có bao nhiêu “cháu ngoại” đã trót lọt chen hàng để tiêm vaccine trước? - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 23 tháng 7, 2021

Có bao nhiêu “cháu ngoại” đã trót lọt chen hàng để tiêm vaccine trước?


Nếu chuyện này tiếp diễn, những người có nguy cơ cao có lẽ sẽ mãi là người được chích sau.
Tranh biếm họa của Mahnaz Yazdani. Ảnh nền: TTXVN.

Từ những điều mắt thấy tai nghe trong các vụ việc được tiêm vaccine nhờ “ông ngoại”, “ông anh” và “chú em”, dư luận không chỉ bức xúc về thói khoe mẽ của một vài cá nhân. Họ còn có lý do để nghi ngờ rằng đang tồn tại một hệ thống nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho những kẻ có tiền và quyền lực chen hàng, lấy đi cơ hội của những người đang cần vaccine nhất.

Sau các sự vụ, cơ quan chức năng đã vào cuộc, yêu cầu báo cáo và đưa ra hình thức xử lý. Tuy nhiên, cách xử lý chủ yếu mang tính xoa dịu dư luận, bỏ qua gốc rễ của vấn đề. Vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho hàng loạt câu hỏi: Tiêm vaccine dựa trên quen biết có phải là cá biệt? Ai phải chịu trách nhiệm cho những sự việc này? Đang có những lỗ hổng nào trong việc phân chia vaccine?


Ăn xén của công lại thành “làm phúc phải tội”

Chỉ trong ngày 20/7, mạng xã hội dậy sóng vì ba vụ khoe tiêm vaccine nhờ quen biết. Rầm rộ nhất là vụ cô gái được tiêm chủng nhờ “ông ngoại”. Đêm 19/7, hình ảnh cô gái tên V.P.A. (ở Hà Nội) tiêm vaccine lan truyền khắp mạng xã hội. Cô đăng bài trên trang cá nhân, khoe được “ông ngoại” gọi đi tiêm vaccine, kèm với hashtag #Pfizer. Bài đăng đính kèm hình ảnh cô đang tiêm vaccine cùng hai tấm giấy xác nhận do Bệnh viện Hữu Nghị (Bộ Y tế) cấp. Dưới phần bình luận, cô gái này cho biết cô không cần đăng ký vì “đăng ký không biết đến bao giờ mới được tiêm”.

Bệnh viện Hữu Nghị sau đó xác nhận cô P.A. đã tiêm vaccine tại đây, còn “ông ngoại” được nhắc đến chính là bố cô gái. [1] Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị nói rằng cô gái này có thi hoa khôi, là phóng viên báo chí, thuộc diện ưu tiên tiêm vaccine. Ông cũng xác nhận bố cô này là giảng viên tại Học viện Quân y 103, và chính người bố đã đăng ký tiêm vaccine cho con gái.

“Chúng tôi hôm đó tiêm cho các cán bộ cấp cao xong thì thừa ra hai liều, bố cô ấy có nhờ bác sĩ trong tổ tiêm, là học trò của ông ấy giúp, cho tiêm”, ông Hà nói với báo Thanh Niên.

Lời giải thích của vị giám đốc bệnh viện thiếu thuyết phục ở nhiều điểm.

Thứ nhất, nếu cô gái này là phóng viên theo diện ưu tiên thì sao không đăng ký tiêm theo cơ quan mà lại phải nhờ đến bố của mình? Hơn thế, bệnh viện không cung cấp tên của đơn vị báo chí nơi cô làm việc. Tới thời điểm này, cũng chưa có cơ quan báo chí nào xác nhận cô là nhân viên của mình.

Thứ hai, nếu cô gái là phóng viên đúng diện ưu tiên thì chồng cô đang được tiêm theo diện nào? Diện “đính kèm” người được ưu tiên?

Thứ ba, nếu thực sự là dư ra hai liều vaccine thì tại sao cô lại là người được chọn trong số những người đăng ký? Ai là người quyết định chuyện hai vợ chồng cô được chọn?

Tranh biếm họa của H. Lộc. Nguồn: Tuổi Trẻ Cười.

Nhiều bạn đọc nhận xét trên Báo Tuổi Trẻ, nghi ngờ ông giám đốc bệnh viện đang lấp liếm cho hiện tượng chia vaccine trên sự quen biết và gia thế. [2] Điều này phần nào được khẳng định ở chi tiết giám đốc bệnh viện đánh giá vụ việc này là “làm phúc phải tội”. [3]

Đây là một tư duy rất kỳ lạ. Vaccine là tài sản công, với những dấu hiệu ăn xén của công như trên, đáng ra ông này phải đối diện với sự trừng phạt của pháp luật, thay vì có thể mở miệng nói mình “làm phúc”.

Khi câu chuyện “ông ngoại” chưa hết nóng, dư luận lại bức xúc về vụ việc của một người phụ nữ tên N.T.N (Hà Nội). [4] Trên trang cá nhân, cô viết: “Có người anh vừa tài giỏi xuất chúng, khả năng lãnh đạo siêu phàm, mà có tấm lòng tâm ái, lo sức khỏe cho những người xung quanh. Người anh là Tiến sĩ – bác sĩ Đỗ Đình Tùng, vô tình người anh hỏi ‘Cô tiêm vaccine chưa?’ Thế rồi trao đổi qua lại và mình quyết định gửi thông tin để người anh đăng ký và hôm nay mình chính thức đã tiêm vaccine”.



Phản hồi vụ việc, bác sĩ Tùng – “người anh tài giỏi” – giải thích rằng: “Cô N. là cộng tác viên của Trung tâm (kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội), thường quảng bá hình ảnh cho trung tâm. Do các cộng tác viên thường xuyên qua lại với trung tâm, nguy cơ lây nhiễm cao trong thời điểm dịch này nên chúng tôi phải lập danh sách tiêm chủng”.

Phần trả lời trên cho thấy rõ ràng cô N. không thuộc diện ưu tiên như quy định của Bộ Y tế. Lý giải của bác sĩ Tùng cũng rất có vấn đề. Trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, người thân bệnh nhân còn phải hạn chế ra vào, không lẽ Bệnh viện Xanh Pôn vẫn tổ chức các hoạt động quảng bá hình ảnh, để người bên ngoài như cô N. vào nơi khám chữa bệnh? Liệu đây có phải là cái cớ để lấp liếm cho sự phân phát tùy hứng của “người anh”?

Qua lời kể của N., cô nhận một suất tiêm rất dễ dàng, chỉ sau một câu hỏi “vô tình” là cô đã được đưa ngay vào danh sách tiêm. Như vậy, có phải ông Tùng có quyền cho bất cứ ai vào danh sách theo ý muốn chủ quan của mình?

Trong một vụ việc khác, cũng trên mạng xã hội, ông G.X.N kể câu chuyện mình được ưu ái chọn vaccine, lần này là dựa vào một “chú em”. [5] “Em lo loại vắc xin tốt nhất tiêm cho anh và người thân, không hạn chế số lượng”, ông N. viết. Chưa hết, ở phần bình luận, ông còn khẳng định “Chú em lo hết, tiêm trả tiền thì nói làm gì”.

Khi bị dư luận phản ứng, khác với giải thích lắt léo của các lãnh đạo bệnh viện, ông G.X.N lên tiếng phủ nhận chính mình. Ông nói đã hư cấu một số chi tiết về chuyện mình đi tiêm vaccine với chủ ý muốn mọi người yên tâm, không lo thiếu vaccine. [6]

Lời giải thích của ông G.X.N đúng hay sai còn cần sự xác minh của cơ quan chức năng, nhưng sự việc bộc lộ một hiện trạng: niềm vui khi dựa hơi quen biết để được tiêm trước, sự phân chia cao thấp giữa các loại vaccine và tư duy lựa chọn vaccine.

Lỗ hổng trong quy trình tiêm vaccine

Sau khi dư luận và báo chí phản ứng, các cơ quan chức năng đã phải vào cuộc. Thanh tra Bộ Y tế ngay lập tức yêu cầu Bệnh viện Hữu Nghị giải trình. [7] UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Y tế điều tra vụ “người anh tài giỏi”. [8] Ngày 21/7/2021, thủ tướng cũng đã yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm “nếu như có chuyện tiêm vaccine COVID-19 không cần đăng ký”. [9] Tuy nhiên, kết quả xử lý đang thể hiện sự qua loa, không nhìn đúng bản chất của vấn đề.

Cụ thể, ngày 21/7, Bệnh viện Hữu Nghị đã xử lý kỷ luật và điều chuyển công tác của nhân viên y tế trong vụ việc “ông ngoại”. [10] Đây rõ ràng là một chiêu “thí tốt”, vì nếu như không có sự cho phép từ những cấp cao hơn, liệu một nhân viên y tế có dám tạo điều kiện để người khác chen hàng?



Ông giám đốc bệnh viện với phát ngôn “làm phúc phải tội” không chịu bất cứ hình thức xử lý nào. Đáng ra, với hành vi ăn xén vaccine (một tài sản công), người đứng đầu bệnh viện phải chịu trách nhiệm.

Cách xử lý này cũng không đề cập đến trách nhiệm của “cô cháu gái” hay “ông ngoại” – người có hành vi nhờ vả để người thân chen hàng, vốn không chỉ là vi phạm đạo đức nghiêm trọng, mà còn có dấu hiệu “ăn xén” của công.

Không chỉ có trách nhiệm xử lý thấu đáo từng vụ việc, cơ quan chức năng phải trả lời được câu hỏi: Còn bao nhiêu con ông này bà kia đã tiêm vaccine nhờ quen biết nhưng khôn ngoan hơn nên không (hoặc chưa) khoe trên mạng xã hội?

Người lao động xếp hàng chờ tiêm vaccine tại TP. Hồ Chí Minh vào cuối tháng 6/2021. Ảnh: Thanh Vũ/ TTXVN.

Có nhiều căn cứ để tin rằng hiện tượng nhờ vào quan hệ để được tiêm vaccine trước không phải là cá biệt.

Cư dân mạng đã phát hiện nhiều nhân viên của các công ty được tiêm vaccine dù các công ty này không thuộc diện ưu tiên. Điển hình, một số nhân viên và khách hàng của 25 Fit – một phòng gym tại TP. Hồ Chí Minh đăng hình trên mạng xã hội và cảm ơn công ty đã tạo điều kiện cho nhân viên tiêm vaccine. [11]

Các trường hợp tiêm vaccine đầy nghi vấn khiến người dân nghi ngờ danh sách đối tượng ưu tiên vaccine của Bộ Y tế dường như chẳng có giá trị gì.

Khi dư ra hai liều vaccine, bệnh viện lập tức có quyền quyết định gọi cô V.P.A. “thế chỗ”. Cứ cho là người thế chỗ này thực sự thuộc nhóm ưu tiên, vậy vì sao chồng cô ấy lại được “tiêm ké” mà không phải một người khác trong danh sách ưu tiên?

“Người anh tài giỏi” của cô N. cũng dễ dàng quyết định đưa cô vào danh sách chỉ sau một vài câu trao đổi. Ai sẽ giám sát nếu “người anh” này đưa họ hàng của mình vào tiêm?

Ai quyết định chuyện một phòng gym lại được tiêm vaccine sớm, trong khi còn rất nhiều người khác đang phải chờ đợi?

Có hai vấn đề ở đây. Một là quy trình quyết định người được tiêm vaccine phụ thuộc vào một số cá nhân, và họ đã tiếp tay cho hành động nhờ vả, đi cửa sau. Bằng cách này, những kẻ có tiền, có quyền có thể mặc nhiên cướp đi cơ hội tiêm chủng của những người cần vaccine nhất.

Hai là không có cơ chế giám sát trong việc thực hiện. Nếu không phải là một hai vụ việc lẻ tẻ vô tình bị lộ ra khiến dư luận bức xúc, liệu thanh tra có bao giờ vào cuộc? Không có gì đảm bảo sự thiếu giám sát này không tạo điều kiện cho một thực tế còn tệ hơn nhiều: tham nhũng vaccine có hệ thống. Khi đó, hậu quả không chỉ là việc người dân mất niềm tin, mà cả công cuộc chống dịch, bảo vệ sinh mạng cho người dân cũng sẽ có nguy cơ thất bại.



Với tất cả những lỗ hổng trên và các câu hỏi đang đặt ra, cơ quan chức năng phải rà soát lại để có cái nhìn tổng quát hơn và đánh giá đúng mức độ về hiện tượng chen hàng ngang nhiên này. Bao nhiêu cá nhân đã tiêm vaccine trót lọt nhờ vào quen biết? Bao nhiêu công ty không thuộc ngành nghề thiết yếu đã được tiêm? Người dân muốn có câu trả lời chính xác về bức tranh thực sự của hoạt động này và các giải pháp cần thiết để vá các lỗ hổng.

Đối với ông giám đốc bệnh viện, hai liều vaccine Pfizer còn lại có thể là “thừa”, nhưng hai liều ấy có thể cứu được mạng của hai người dân trên 65 tuổi hoặc có bệnh nền. Đáng ra, cơ quan y tế phải tranh thủ từng phút từng giây để tiêm vaccine cho những người có nguy cơ cao, bảo vệ sinh mạng của họ. Ngược lại, chúng ta đang nhìn thấy hiện tượng những người nắm quyền quyết định lại “nhìn gia thế trao vaccine”.

Nếu không sớm vá những lỗ hổng này, sự bất bình đẳng sẽ càng khoét sâu. Người dân sẽ mất niềm tin vào cả cái gọi là “công bằng vaccine” lẫn lời kêu gọi “chung tay chống dịch” mà chính quyền luôn ra rả trên truyền thông.

Bài phản ánh quan điểm riêng của tác giả.

   Mời xem thêm »


© Nguyên Minh
    Luật Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad