Công đoàn độc lập ở Việt Nam: Vẫn còn nhiều trở ngại - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

Công đoàn độc lập ở Việt Nam: Vẫn còn nhiều trở ngại


Ảnh tư liệu chụp ngày 24/10/2017: Công nhân tại một nhà máy ở tỉnh Nam Định, Việt Nam. AP - Hau Dinh

Phần âm thanh - Nhấp vào nút play (►) phía dưới để nghe


Cách đây một năm, ngày 01/01/2021, Luật Lao động sửa đổi, được Quốc Hội Việt Nam thông qua tháng 11/2019, bắt đầu có hiệu lực. Nhưng cho tới nay, việc thành lập các công đoàn độc lập, như được quy định trong Luật Lao động mới, vẫn còn nhiều trở ngại.

Ngay sau khi Luật Lao động sửa đổi được Quốc Hội Việt Nam thông qua vào tháng 11/2019, đại sứ quán Hoa Kỳ đã ra thông cáo hoan nghênh “một đạo luật lịch sử cho phép thành lập các tổ chức công đoàn độc lập tại cấp cơ sở”. Nhưng trong bản thông cáo, đại sứ quán Mỹ cũng đã nhấn mạnh ngay đến “tầm quan trọng của việc củng cố những cải cách trong Luật Lao động, bao gồm cải cách thông qua các văn bản pháp luật sắp được ban hành về thành lập, đăng ký và hoạt động của các tổ chức công đoàn độc lập và sự bảo vệ đầy đủ đối với quyền thương lượng tập thể và quyền đình công.”



Một năm sau khi Luật Lao động sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, câu hỏi đang được đặt ra là chính quyền Việt Nam có đã thật sự chấp nhận cho hình thành các công đoàn hoàn toàn độc lập với công đoàn của nhà nước hay không?

Hai áp lực

Trong một bài viết đăng trên trang The Diplomat ngày 01/01/2022, tức là đúng một năm luật Lao động mới có hiệu lực, Joe Buckley, một chuyên gia về chính sách lao động ở Việt Nam, nhắc lại, các thay đổi nói trên là kết quả của hai áp lực lên Nhà nước Việt Nam. Thứ nhất là các hiệp định tự do mậu dịch, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) và Hiệp định Thương Mại Tự do Liên Hiệp Châu Âu - Việt Nam ( EVFTA ). Các hiệp định này buộc Việt Nam phải thực hiện 8 công ước căn bản của Tổ chức Lao động Quốc tế, như công ước về lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, về phân biệt đối xử và quyền thành lập công đoàn độc lập.

Trước năm 2019, Việt Nam đã phê chuẩn 6 trong số 8 công ước đó. Các hiệp định tự do mậu dịch nói trên buộc Việt Nam phải phê chuẩn hai công ước còn lại, có liên quan đến quyền thành lập công đoàn độc lập là Công ước 98, tức là Công ước về Quyền Tổ chức và Thương lượng Tập thể, và Công ước 87, tức là Công ước về quyền tự do hiệp hội và về việc bảo vệ quyền được tổ chức. Quốc Hội Việt Nam đã phê chuẩn Công ước 98 vào năm 2019 và theo dự kiến sẽ phê chuẩn Công ước 87 vào năm 2023.

Áp lực thứ hai, theo tác giả Joe Buckley, đó là áp lực từ bên dưới: Hàng chục ngàn cuộc đình công tự phát của công nhân trong khoảng 15 năm trước đó đã buộc nhà nước Việt Nam phải cải thiện các cơ chế quan hệ lao động, chẳng hạn như lập một cơ quan để thương lương hàng năm về mức tăng lương tối thiểu, cải thiện việc thương lượng tập thể, thử nghiệm việc tổ chức công đoàn từ cơ sở….

Tác giả bài viết trên The Diplomat nhìn nhận rằng những thay đổi nói trên đã có một tác động nhất định: trong hai năm qua, số cuộc đình công đã giảm xuống chỉ còn khoảng hơn 120 vụ, so với trung bình hàng năm 300-350 vụ trong khoảng thời gian giữa thập niên 2010 và gần 1.000 vụ năm 2011.

Nhưng theo Joe Buckley, khả năng thành lập các công đoàn độc lập theo tinh thần của Luật Lao động 2019 vẫn còn xa vời, bởi vì luật này không quy định chi tiết về việc thành lập và đăng ký các tổ chức đó. Các chi tiết này trên nguyên tắc sẽ được ghi rõ trong các nghị định của chính phủ. Thế nhưng, cho đến nay, tức là hơn một năm sau khi Luật Lao động sửa đổi có hiệu lực, các nghị định đó vẫn chưa được ban hành.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 08/01/2022, luật sư Hoàng Cao Sang, Văn phòng Luật sư Hoàng Việt Luật, một trong những luật sư chuyên về lao động ở Việt Nam, cho biết:

"Theo khoản 4, Điều 172 của Luật lao động thì chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký; thẩm quyền, thủ tục cấp đăng ký, thu hồi đăng ký; quản lý nhà nước đối với vấn đề tài chính, tài sản của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể, quyền liên kết của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Nhưng đến nay thì tôi chưa thấy chính phủ ban hành về thủ tục này.



Tôi nghĩ, hiện nay vẫn còn trong thời gian chuẩn bị. Bởi lẽ theo lộ trình ký kết các công ước về lao động thì đến năm 2023 Việt Nam mới ký Công ước 87, là công ước cuối cùng trong bốn cặp công ước mà Việt Nam ký kết cho tiến trình hội nhập. Công ước cuối cùng này mới là công trực tiếp liên quan đến việc thành lập công đoàn độc lập. Dù muốn dù không, khi thay đổi một chính sách thì cần phải có thời gian nhất định. nhất là đối với Việt Nam."


"Độc lập" là "phản động"?

Vào tháng 07/2020, một tổ chức mang tên Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam (VIU), đã được thành lập. Công đoàn độc lập này khẳng định họ là một tổ chức “bất vụ lợi và phi chính trị, với mục tiêu bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động Việt Nam”.

Trong bức thư ngỏ đề ngày 1/11/2021, Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam đã yêu cầu chính phủ nhanh chóng ra các nghị định “quy định chi tiết, hướng dẫn người lao động thực hiện những quyền và nghĩa vụ hợp pháp, chính đáng của họ được quy định trong Bộ luật”.

Nghiệp đoàn này cho rằng, chính vì chưa có những nghị định đó mà người lao động trên cả nước “dù muốn vẫn chưa thể thành lập hay gia nhập và hoạt động trong các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở như Bộ luật quy định”.

Nhưng như ghi nhận của chuyên gia Joe Buckley trong bài báo đăng trên trang The Diplomat, trái với thông tin do báo chí chính thức bằng tiếng Anh loan tải, Việt Nam vẫn chưa cho phép thành lập các công đoàn độc lập.

Trên thực tế, theo tác giả bài viết, trong Luật Lao động sửa đổi, đã có một số thay đổi về quyền tự do lập hội. Trong số những thay đổi đó, lần đầu tiên luật cho phép người lao động tự thành lập các tổ chức đại diện cho họ mà không trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng khẳng định đó là những công đoàn độc lập là diễn giải sai luật ( hay cố tình diễn giải sai luật ).

Joe Buckley còn lưu ý báo chí chính thức cũng liên tục nhấn mạnh rằng các tổ chức đại diện người lao động không phải là các công đoàn, rằng chỉ có Tổng Liên đoàn Lao động là đại diện chính đáng của người lao động. Các tổ chức đại điện của người lao động đó chỉ được thành lập ở cơ sở, tức riêng từng doanh nghiệp và có khuôn khổ hoạt động hạn chế hơn so với các công đoàn thật sự.

Báo chí nhà nước trong năm qua cũng đã thi nhau lên án Nghiệp đoàn Độc lập Việt Nam “chỉ là vỏ bọc cho mưu đồ chống phá Đảng, nhà nước và nhân dân ta”, là “tiền đề cho việc hình thành tổ chức đối lập với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam”.



Cụ thể, trong một bài báo đề ngày 19/10/2021, tờ An ninh Thủ đô còn khẳng định là thông qua việc thành lập công đoàn độc lập, “các thế lực phản động, thù địch đang muốn tái hiện điều mà “Công đoàn đoàn kết Ba Lan” đã làm được tại quốc gia Đông Âu này những năm 1980, đã tổ chức các hoạt động dẫn đến sự mất vai trò lãnh đạo của Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan và sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Ba Lan vào năm 1989”.

Tờ báo này còn tố cáo: “Mưu đồ sâu xa của chúng là nhằm hình thành các tổ chức, lực lượng chính trị đối lập trong nội địa nhằm tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” hòng lật đổ Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ chính trị tại Việt Nam.”

Nhưng luật sư Hoàng Cao Sang phản bác cáo buộc đó:

"Tôi cho rằng nói như vậy là sai. Sai cả về mặt lý luận cũng như quy định của pháp luật và quan điểm, chính sách khi Việt Nam hội nhập quốc tế.

Thứ nhất, về mặt lý luận: Trước đây, khi chỉ có doanh nghiệp nhà nước, chưa có doanh nghiệp tư nhân thì lúc đó nhiều quan điểm cho rằng không nên cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động, vì cho doanh nghiệp tư nhân hoạt động là đối lập, canh tranh với doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, vì nhu cầu thực tế, doanh nghiệp tư nhân đã ra đời. Lúc này, một số quan điểm miễn cưỡng chấp nhận, nhưng lại nói doanh nghiệp nhà nước sẽ là chủ đạo.

Nhưng đến nay thì hoàn toàn khác. Doanh nghiệp nhà nước toàn thua lỗ, doanh nghiệp tư nhân mới là chủ đạo. Và nhờ như vậy Việt Nam mới phát triển như ngày hôm nay. Các quốc gia khác họ cũng có công đoàn độc lập mà có thấy công đoàn nào đối lập đâu, nếu các bên đề hướng về quyền lợi của người dân.

Thứ hai, về mặt pháp lý: Trong quá trình hội nhập và ký kiết các hiện định thương mại, Việt Nam đã ký kết 7/8 Công ước về lao động, trong đó có các quy định về công đoàn độc lập, và ngay trong Bộ luật Lao động, Quốc Hội đã dành hẳn Chương XIII để quy định về Thành lập, gia nhập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. Nên nói như vậy là sai.

Thứ ba là về mặt chính sách: Đến nay, Việt Nam đang trên con đường hội nhập với thế giới, nâng cao quyền con người người và đặc biệt là quyền của người lao động. Và để đảm bảo quyền của người lao động, các tổ chức chính trị, Quốc Hội đã thống nhất cho ký các Công ước về công đoàn độc lập mà anh lại nói là công đoàn độc lập chống nhà nước, thì chính anh mới là chống nhà nước. Còn để quản lý công đoàn này hoạt động đúng chủ chương chính sách thì đã có pháp luật điều chỉnh, mà cụ thể là đã có luật lao động quy định về vấn đề này.


Giám sát của quốc tế?

Như vậy là trong bối cảnh hiện nay, còn rất nhiều trở ngại trên con đường hình thành các công đoàn độc lập ở Việt Nam. Nói cách khác, Luật Lao động sửa đổi, có hiệu lực từ cách đây một năm, chưa có tác động gì trên vấn đề này. Vấn đề là những phản ứng dữ dội của báo chí nhà nước khiến người ta phải đặt nghi vấn: Chính phủ Việt Nam có thật sự muốn tạo điều kiện cho sự ra đời của các công đoàn độc lập? Theo luật sư Hoàng Cao Sang, cần phải có sự giám sát của quốc tế trên vấn đề này:



"Có thể về mặt tiểu cục thì không, vì mở ra thì phải thay đổi cách quản lý, cách điều hành, mà quản lý về vấn đề này nó nhạy cảm, phức tạp hơn. Nhưng xét về đại cục thì Việt Nam phải thực hiện để hội nhập thế giới. Đến nay VN đã ký 7/8 Công ước liên quan đến lao động, chỉ còn Công ước 87 là công ước về quyền thành lập hội hay nói cách khác là quyền thành lập công đoàn tự do là chưa ký. Theo thông báo của Bộ Lao động Thương binh Xã hội thì Công ước 87 này sẽ được ký trong năm 2023. Nhưng tôi cho rằng để thực hiện tốt những vấn đề này thì hai tổ chức đó phải có sự giám sát, đôn đốc của quốc tế để Việt Nam thực hiện tốt việc thành lập công đoàn độc lập để bảo vệ quyền của người lao động được tốt hơn."

Tuy nhiên, như ghi nhận của chuyên gia Joe Buckley trên trang The Diplomat, trước mắt, những thay đổi đáng kể nhất có thể là sẽ đến từ chính Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong bài viết trên tờ The Diplomat, tác giả kết luận: “ Nếu các thành phần cấp tiến trong Liên đoàn dùng sự tồn tại của các tổ chức đại diện người lao động ( ít ra là trên giấy tờ ) để thúc đẩy Liên đoàn cố gắng trở thành một tổ chức thật sự đại diện của người lao động, thì chúng ta sẽ bước vào một thời kỳ thú vị về chính sách lao động và công đoàn ở Việt Nam”

   Mời xem thêm »


© Thanh Phương
    RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad