Đắk Lắk: Nông dân biểu tình phản đối công ty lâm trường vì không chịu “cảnh nô lệ” - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 18 tháng 3, 2022

Đắk Lắk: Nông dân biểu tình phản đối công ty lâm trường vì không chịu “cảnh nô lệ”


Người dân huyện Cư M’ Gar, Đăk Lăk biểu tình phản đối thu hồi đất

Hàng trăm nông dân ở huyện Cư M’ Gar trong mấy ngày qua đã liên tục biểu tình để chống lại việc thu hồi đất.

Đã bốn ngày liên tiếp, hàng trăm người dân gồm cả người Kinh và người dân tộc ở xã Ea Kiết, huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk tập trung giương khẩu hiệu để đòi quyền sử dụng đất đai.

Được biết, hoạt động này của người dân là nhằm phản ứng lại việc toà án huyện Cư M’Gar, tiến hành thẩm định tài sản theo đơn kiện của công ty TNHH Một Thành Viên Lâm Nghiệp Buôn Ja Wầm.

Trước đó, vào năm 2018, công ty này đã đâm đơn kiện 13 hộ dân ở đây vì không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng thuê khoán tài sản.

Qua tìm hiểu của Đài Á châu Tự do, công ty này được chính quyền địa phương giao cho 6.940 ha rừng và đất rừng trên địa bàn hai xã Ea Kiết và Ea Kuêh vào năm 1993. Đến năm 1996 thì đơn vị này ký hợp đồng giao khoán lại cho những hộ dân địa phương với diện tích 400 ha đất để canh tác, và tiến hành thu sản phầm hàng năm.

Tuy nhiên thì từ năm 2016, nhiều hộ dân ở đây đã chấm dứt việc nộp sản phẩm dẫn đến việc công ty này đâm đơn kiện đòi toà án yêu cầu người dân trả nợ và trả đất.

Phóng viên của đài RFA đã phỏng vấn một số người dân ở xã Ea Kiết để tìm hiểu quan điểm của họ về sự việc.

Một người dân ở thôn 11 xã Ea Kiết trao đổi với đài Á Châu Tự do với điều kiện giấu tên vì lý do an toàn, về căn nguyên của việc người dân chấm dứt nộp khoán:

“Bà con hiện nay đang đứng lên để đấu tranh đòi quyền lợi là bởi vì bà con nhận thấy cái công ty này là làm ăn gian dối với người dân. Bởi vì, như chúng ta đã hiểu rằng là khi mà đã liên kết với nhau làm ăn thì anh phải bỏ vốn ra đầu tư cho người dân, khi ấy người dân mới có thu nhập hàng năm để nộp thuế, nộp sản lượng cho bên công ty.

Nhưng ngược lại bên công ty không đầu tư một hột phân hay là một giọt nước nào cả, hoặc là kỹ thuật gì. Mà hàng năm là thu sản lượng của người dân. Rồi nếu như hộ người dân nào mà hàng năm chưa kịp nộp sản lượng cho công ty kịp thời, thì công ty cho người đến nhà áp đảo, đe doạ. Sau đó nếu như không nạp kịp thời là có xảy ra những trường hợp đánh đập người dân đến mức độ thương tích 20, 30 phần trăm nhưng mà cuối cùng là chính quyền cũng không xử lý được việc gì cả.

Vì là người dân nhận thấy đằng sau công ty này có một nhóm lợi ích nào đó cho nên mới bao che công ty này, còn nếu như mà sai sờ sờ như vậy rồi nhưng mà rồi cuối cùng người dân cũng thấp cổ bé họng không biết kêu ai, người dân đành phải chịu những cảnh nô lệ.”

Phóng viên của đài RFA đã gọi điện vào số điện thoại công khai của công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm nhiều lần để xác minh thông tin này, nhưng không ai nhấc máy.

Trong một bài báo trên báo mạng Doanh nghiệp Hội nhập hồi năm 2018, ông Phan Quốc Tấn, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm, cho rằng lý do người dân dừng nộp sản phẩm là do “đối tượng xấu xúi giục, kích động”.


Khi được hỏi nếu toà án xử phía công ty thắng kiện và thu hồi lại đất của các hộ bị kiện, thì chuyện gì sẽ xảy ra, một người dân trong nhóm này cho biết là sẽ không biết phải mưu sinh thế nào vì gia đình trông cậy hoàn toàn vào việc canh tác trên mảnh đất này.

Người dân ở đây cũng cho biết họ mong muốn đối thoại với công ty để tìm ra giải pháp có lợi cho cả đôi bên, nhưng phía công ty không đáp lại. Một người giấu tên nói với RFA như sau:

“Không, hoàn toàn không đối thoại mặc dù người dân vẫn tha thiết yêu cầu chính quyền các cấp sẽ cùng với công ty Buôn Ja Wầm với người dân làm cà phê này ngồi lại. Chính quyền làm trọng tài ở giữa rồi để đối thoại với công ty và với người dân để đưa ra những phương án nào cho phù hợp, giải quyết ổn thoả để tránh thiệt hại cho công ty và người dân. Hiện nay người dân đã yêu cầu nhiều lần rồi nhưng các cấp chính quyền vẫn chưa làm được điều đó. Người dân rất khẩn thiết muốn điều đó xảy ra.”

Một vấn đề mấu chốt nữa là người dân cho rằng họ đã đến vùng đất này khai hoang và trồng trọt từ những năm 80 theo chương trình Kinh tế Mới, và phải đến năm 1996 thì Nhà nước mới giao đất cho công ty này để thực hiện dự án trông cà phê.

Do vậy phía người dân tranh luận rằng họ lẽ ra phải có quyền sử dụng đất vì đã đến đây khai phá trước, nhưng cuối cùng Nhà nước lại trao quyền cho công ty Buôn Ja Wầm.

Một người dân ở thôn 5 xã Ea Kiết đã mua lại mảnh đất mà gia đình ông đang định canh định cư từ một gia đình khác vốn đến khu vực này khai phá từ thời Kinh tế Mới, nhưng hiện vẫn không có giấy tờ pháp lý nào để chứng minh quyền sử dụng đất, do đó nếu bị thu hồi thì sẽ mất tất cả.

Người này cho biết nguyện vọng của mình:

“Nguyện vọng của người dân nói chung là cũng mong muốn chính quyền, nhất là Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk, thu hồi đất của công ty này về trao trả cho địa phương, để địa phương giao cho nhân dân để nhân dân tự cách tác trên mảnh đất của mình và đóng thuế cho Nhà nước, và cũng để đảm bảo cuộc sống cho gia đình.”

Phóng viên đã nhiều lần gọi điện vào các số liên lạc của lãnh đạo huyện Cư M’Ga để tìm hiểu hướng giải quyết của chính quyền, nhưng không ai nhấc máy.



   Mời xem thêm »


© RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad