Chuyện biển Đông tại thượng đỉnh ASEAN 2017 - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Năm, 27 tháng 4, 2017

Chuyện biển Đông tại thượng đỉnh ASEAN 2017


Biểu tượng ASEAN bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc tế Philippines, Manila. Ãnh chụp ngày 25/4/2017. AFP photo

Mời xem Video: Tin Tức Thời Sự




Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Thượng đỉnh các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra từ ngày 26 đến 29 tháng 4 tại Manila, Philippines được trông đợi là sẽ đề cập đến vấn đề tranh chấp ở biển Đông giữa Trung Quốc và những nước láng giềng.

Quyền Ngoại trưởng Philippines, ông Enrique Manalo mới đây nói với tờ South China Morning Post rằng những tranh chấp ở khu vực biển Đông sẽ được đưa ra bàn thảo giữa 10 nước thành viên ASEAN tại thượng đỉnh ASEAN nhưng ông cũng đồng thời nhấn mạnh những thảo luận này sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines.

Không làm xấu quan hệ với Trung Quốc

Tờ South China Morning Post trích lời ông Manalo nói rằng Philippines sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy hoặc ít nhất là điều tiết những căng thẳng và tranh chấp một cách hòa bình và qua những phương cách ngoại giao. Philippines nhìn nhận còn tồn tại những khác biệt, nhưng điều này không có nghĩa là mối quan hệ tổng thể sẽ bị ảnh hưởng bởi vì Philippines và Trung Quốc cũng có quan hệ kinh tế và trao đổi giữa người dân hai nước tốt đẹp.

Mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc đã từng có thời gian căng thẳng dưới thời của Tổng thống Benigno Aquino mà đỉnh điểm là việc Philippines đệ đơn lên tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague đòi hỏi làm rõ những yêu sách về chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông. Vào tháng 7 năm 2016, tòa Trọng tại Quốc tế ra phán quyết có lợi cho Philippines và bác bỏ yêu sách về đường chín đoạn hay còn gọi là đường lười bò của Trung Quốc ở biển Đông. Nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng sau phán quyết này Philippines và những nước đang có tranh chấp khác với Trung Quốc ở khu vực biển Đông sẽ gây sức ép lên Trung Quốc bất chấp việc Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ phán quyết của tòa.

Tuy nhiên kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte lên nắm quyền vào hồi giữa năm ngoái, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đã cải thiện rõ ràng. Tổng thống Duterte cũng tuyên bố sẵn lòng bỏ phán quyết của tòa sang một bên khi đàm phán với Trung Quốc. Tổng thống Duterte cũng nói nhiều lần là ông muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, trong khi chỉ trích Hoa Kỳ, nước đồng minh lâu năm của Philippines. Giáo sư Renato Cruz de Castro, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc trường đại học De La Salle, Philippines cho biết:

Kế hoạch của Tổng thống Duterte là quay trở lại giống như dưới thời của Tổng thống Gloria Arroyo. Nhưng thời đó, Tổng thống Arroyo chơi một trò chơi mà tôi gọi là trò chơi cân bằng. Theo cách này, Philippines tìm một điểm trung gian giữa hai cường quốc đang cạnh tranh với nhau, đó là Mỹ và Trung Quốc. Cơ bản mà nói thì đây giống như một cách thí quân mở đường theo cách ngoại giao.

Tổng thống Arroyo vào đầu những năm 90 cho thấy là bà ủng hộ Mỹ trong trận chiến chống khủng bố và đã có được những hỗ trợ từ Mỹ. Cùng lúc đó bà mở ra các cơ hội để hợp tác phát triển chung với Trung Quốc. Bà đã ký thỏa thuận này với Trung Quốc. Theo tôi kế hoạch của Tổng thống Duterte là quay trở lại tình trạng đó. Theo đó thì Philippines là một nước nhỏ, lợi dụng sự cạnh tranh giữa các cường quốc.


Vào tháng 5 tới đây, Philippines và Trung Quốc sẽ bắt đầu những đàm phán song phương chính thức về vấn đề biển Đông. Theo ông Manalo, vấn đề chính được bàn thảo giữa hai nước sẽ bao gồm những vấn đề kỹ thuật ở mức cấp cao. Ông đánh giá đây là cơ hội tốt cho phía Philippines để nêu ra những vấn đề với Trung Quốc và môi trường cũng thuận tiện để hai phía có thể nói chuyện và giải quyết những khác biệt một cách hòa bình.

Gần đây Trung Quốc cũng đã cho phép các ngư dân Philippines trở lại đánh bắt cá trong khu vực bãi cạn Scaborough Shoal mà nước này chiếm của Philippines từ năm 2012.

Tổng thống Duterte mới đây cũng lên tiếng cho biết ông đang xem xét đến việc hợp tác với Trung Quốc để cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên ở khu vực tranh chấp.

Căng thẳng có thể tiếp tục

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (phải) bắt tay Phó Chủ tịch Trung Quốc Wang Yang (trái) tại thành phố Davao, Philippines hôm 17 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Quyền Ngoại trưởng Philippines cũng nói với tờ South China Morning Post rằng Philippines sẽ tập trung vào việc xây dựng một bộ khung cho Bộ Quy tắc về Ứng xử của các bên ở biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (gọi tắt là COC). Phía Philippines hy vọng COC sẽ hoàn tất trong tháng tới và được các nước chấp thuận trong năm nay.

Tuy nhiên, đã có những nghi ngờ về khả năng COC có thể được thông qua như Philippines mong đợi. Giáo sư Renato Cruz de Castro nhận xét:

Tôi rất nghi ngờ khả năng COC có thể được hoàn tất vào năm nay. Indonesia đã cố gắng thực hiện điều này, Việt Nam đã cố gắng, Campuchia ở chừng mực nào đó cũng có cố gắng. Với tình hình thực tế mà Philippines đang có thì Philippines đang tìm cách duy trì mối quan hệ mới tốt đẹp với Trung Quốc. Nhưng mặt khác Philippines cũng phải đối mặt với lập trường cứng rắn từ Trung Quốc muốn xây dựng các cơ sở quân sự ở biển Đông. Tình hình này đặt Philippines vào một vị trí rất khó xoay xở liệu Philippines có thể đưa ra được một COC có tính ràng buộc hay không và do đó có thể khiến Trung Quốc tức giận. Cho nên tôi nghĩ cam kết đó của Philippines cũng nên được coi là hơi quá mức.

Vào tháng 2 vừa qua, tại hội nghị Ngoại trưởng các nước ASEAN diễn ra tại Philippines, các nước ASEAN đã thống nhất lên tiếng bày tỏ quan ngại trước các hoạt động quân sự hóa ở biển Đông. Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay vào lúc đó nói rằng việc phi quân sự hóa sẽ là yếu tố then chốt trong bất kỳ một COC nào đạt được giữa ASEAN và Trung Quốc, nhưng còn quá sớm để có thể nói rằng liệu việc Bắc Kinh tháo gỡ các vũ khí lắp đặt trong khu vực có phải là điều kiện tiên quyết cho việc hình thành COC hay không.

Theo một báo cáo vào hồi cuối tháng 3 của Minh Bạch Hàng Hải thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Washington DC, Trung Quốc hiện đã gần hoàn tất việc xây dựng ba đường băng để đáp máy bay chiến đấu ở Trường Sa, cho phép nước này có thể triển khai các máy bay chiến đấu và vũ khí quân sự khác ra khu vực tranh chấp khi cần.

Hồi đầu tháng này Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cùng một số quan chức quốc phòng cấp cao khác đến các đảo do nước này kiểm soát ở biển Đông trong nỗ lực khẳng định chủ quyền của Philippines. Ngay trước khi những chiếc máy bay quân sự của Philippines đến đảo Thị Tứ mà cả Trung Quốc, Việt nam và Đài Loan đều đòi chủ quyền, phía Trung Quốc đã gửi tín hiệu phát thanh cảnh báo máy bay của Philippines đang đi vào khu vực ngoại vi của các cơ sở do Trung Quốc kiêm soát và yêu cầu máy bay của Philippines phải ra khỏi khu vực này. Phía Việt Nam sau đó cũng lên tiếng phản đối chuyến thăm mà họ cho là phi pháp của giới chức Philippines đến Trường Sa.

Nhận xét với tờ South China Morning Post, chuyên gia Aileen Baviera thuộc trường đại học Phiippines ở Manila cho rằng mặc dù chính phủ của Tổng thống Duterte đang tích cực tham gia đối thoại song phương với phía Trung Quốc để cải thiện môi trường chính trị nhưng ông Duterte không bỏ hẳn phán quyết của tòa Trọng tài quốc tế sang bên một cách vĩnh viễn.

Việt Hà
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad