Nỗi niềm người dân mất đất tại Long Hưng - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Chủ Nhật, 11 tháng 11, 2018

Nỗi niềm người dân mất đất tại Long Hưng


Long Hưng từ một vùng quê trù phú trước đây, nay trở nên hoang tàn sau 10 năm thực hiện dự án ‘Khu Đô thị Kinh tế mở Long Hưng’. Đây là dự án mà vào năm 2008, Ủy Ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai phê duyệt cho Tập đoàn DonaCoop làm Chủ đầu tư.

Ông Hòa, người dân xã Long Hưng, không ngừng chảy nước mắt khi chia sẻ về cuộc sống gia đình sau khi bị cưỡng chế nhà.

Cưỡng chế nhà, đất

Có mặt tại nơi gọi là “Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng” vào một buổi trưa nắng nhẹ chúng tôi chẳng thấy “Kỳ quan vùng sông nước” ở đâu? Hay cũng chẳng thấy “thành phố mơ ước” như những câu slogan, biển pa-nô mà Tập đoàn doanh nghiệp DonaCoop quảng bá cho dự án mà họ nói sẽ triển khai tại khu vực này. Thay vào đó là cả một vùng đất rộng lớn với lác đác vài công trình xây dựng dang dở.

Nằm cách QL51 khoảng vài ba phút đi bằng phương tiện xe máy, chúng tôi được người dân hướng dẫn đi vào con đường gồ gề đất đá để đến dãy nhà trước kia là trụ sở hành chính của xã Long Hưng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai nay là nơi tạm cư của những người cho rằng họ là nạn nhân do dự án DonaCoop gây nên trong khoảng thời gian gần mười năm trở lại đây.

Cả một vùng quê vốn được cư dân địa phương nhớ lại là ‘yên lành, trù phú’ phút chốc biến thành nơi kêu khóc dậy trời, đau khổ tột cùng bởi biện pháp cưỡng chế.

Họ nhào vào hết tất cả để uy hiếp vợ chồng tôi, cách giống như là đuổi bắt kẻ thù. Sau khi tấn công được kẻ thù xong là lập tức trói, xô ngã.

- Ngô Thị Xuân Thu
“Họ nhào vào hết tất cả để uy hiếp vợ chồng tôi, cách giống như là đuổi bắt kẻ thù. Sau khi tấn công được kẻ thù xong là lập tức trói, xô ngã. Phụ nữ của xã với lại hai người nữa mà tôi không biết tới thúc ké tôi, trong đó có ông Tuấn an ninh thành phố Biên Hòa nhìn như giang hồ xã hội đen, rất là gian ác, đối xử với dân bị cưỡng chế rất là tàn bạo.

Xua người vào đập nhà tôi ngay tức khắc. Tôi nói thật, rất là đau lòng, chưa bao giờ tôi ở trong một trạng thái mà có thể tưởng tượng một đất nước, một chính quyền mà có thể đối xử người dân thô bạo tàn nhẫn đến như thế. Trong khi sổ đỏ đất đai nhà tôi vẫn còn giữ đó, tự nhiên giờ đất lại không còn, phải đi ở một cái nơi không phải là của mình, tạm bợ.”


Đó là chia sẻ của bà Ngô Thị Xuân Thu, hộ gia đình ở xã Long Hưng buộc phải chống khoảng hơn hai trăm công an, lực lượng chính quyền các loại của tỉnh Đồng Nai khi đến cưỡng chế đất và nhà vào ngày 8/9/2016.

Trong khi đó “Ăn cơm nhà không muốn, muốn ăn cơm tù” đó là câu nói của lực lượng cưỡng chế tỉnh Đồng Nai vào thời điểm cưỡng chế hộ gia đình bà Phan Thị Giàu.

“Nó cưỡng chế đất tôi, tôi ra tôi cản. Tôi không cho đổ đất thì khi đó tất cả lực lượng đông lắm. Họ nói tôi chống người thi hành công vụ. Tôi nói tôi không có chống, đất tôi tôi giữ chứ tôi không có chống ai hết. Họ hỏi đất tôi ở đâu? Tôi nói đất tôi ở đây nè thì họ đi ra. Có hai người công an đè tôi và một an ninh tên Tuấn ở đâu tỉnh ấy, tôi chỉ biết vậy thôi. Bắt đầu họ dí tôi chạy, đem xe tới bắt tôi lên xe, tôi bỏ chạy vòng vòng quanh đất của tôi mà tôi là phụ nữ chạy đâu có lại. Họ hỏi tôi ăn cơm nhà không muốn, muốn ăn cơm tù hả?”

Hộ gia đình bà Phan Thị Giàu cư trú ở Khu 1, ấp Phước Hội có 742 m2 đất thổ cư cùng tài sản nhà cửa, cây cối bị DonaCoop áp đền bù hết thảy là hơn 300 triệu đồng. Hộ gia đình bà Giàu thấy nhiêu đó không đủ để mua chỗ ở mới, không di dời đâu được nên không đồng ý giao đất. Bà Giàu chia sẻ thời điểm gia đình bị chính quyền tỉnh Đồng Nai cưỡng chế vào năm 2012.

“Bữa đó cưỡng chế, là người dân tôi nghe đến cưỡng chế, đập nhà là tôi sợ lắm! Rất là sợ! Công an, cảnh sát, xe chữa cháy, cứu thương nhiều lắm, đông lắm. Tôi thấy từ hồi cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới thấy một lần đầu tiên như vậy tôi rất là sợ. Cho nên nó vào đập làm gì rồi nó chở đồ đạc của tôi đi đâu tôi cũng không biết. Con tôi đi theo xe xuống đây, nó vứt ở đây thì xuống ở thôi chứ lúc đó tôi như người mất hồn không biết chuyện gì nữa hết.”

Theo chị Trịnh Thị Nhàn, người dân thì rất ôn hòa. Căng thẳng và đụng độ xảy ra khi có một nhóm người lạ mặt không biết từ đâu đến đã có hành động quá khích, đập phá trụ sở Ủy ban gây thiệt hại được nói khoảng 650 triệu đồng. Đây là nguồn cơn để sau đó, Ủy ban xã gọi cảnh sát 113, cơ động đến đàn áp người dân.

“Lúc đó dân có một số người bị ngất xỉu thôi vì bị chích roi điện, dân tưởng chết nên la lên giống như là cảnh sát cơ động với dân giáp lá cà vậy đó. Cuối cùng có một số người lạ mặt tôi không biết, tôi cũng nghe nói là số người lạ mặt đó đập phá ủy ban, đốt xe gì đó. Cuối cùng là nguyên cả cái xã này, người mà ở tù thì trong vòng năm, sáu chục người, còn chết trong tù cũng vài người, một số người như gia đình tôi có mấy anh bị mời lên làm việc bị đe dọa bắt phải nhận tội là có tham gia trong sự việc đó. Nhưng nhà tôi không có chuyện đó, cuối cùng không bắt nhà tôi, một số nhà bị án treo nói chung rất là nhiều »

Công trình Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng. RFA
Chị Trịnh Thị Nhàn trình bày tiếp:

“Đập nhà, tôi vào đây ở cũng gần bảy năm rồi nhưng cứ đền cho tôi sáu mươi mấy triệu đồng mà thôi. Tôi không lấy, mà tôi đang kiện tụng. Tôi ở đây cũng bị đe dọa, bắt tôi phải ra ở ngoải đăng ký nhà nhưng tụi tôi quyết định không đi được, không có tiền đủ để mà cất nhà.”

Theo chị Nhàn, vì gia đình chị phản kháng quyết liệt, không chấp nhận giao đất cho nhà đầu tư DonaCoop để thực hiện dự án “Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng” trái pháp luật nên vào tháng 12/2011, Ủy ban nhân dân TP.Biên Hòa đã ra quyết định số 5045/QĐ-UBND áp dụng biện pháp cưỡng chế đối hộ gia đình chị. Chống trả với lực lượng cưỡng chế được mấy ngày, cuối cùng gia đình chị Nhàn phải thất thủ để đoàn cưỡng chế tầm khoảng mấy trăm người tiến vào đập phá nhà cửa.

“Tôi quyết định phản kháng. Tôi không chấp nhận, tôi phản đối quyết liệt bằng cách tôi dùng xăng, bình ga để phản đối, không cho đập nhà tôi. Trong vòng một ngày kéo dài, bao vây tôi cả năm, sáu trăm công an, cảnh sát, tất cả các lực lượng cơ động, an ninh bao vây nhà tôi trong vòng một ngày làm không được. Qua mấy ngày sau cứ cho người đi tới đe dọa tôi đủ điều, cuối cùng tôi mệt quá tôi đi bệnh viện thì ở nhà tự vào cưa phá nhà tôi, tẩu tán tài sản của tôi cho đến hiện bây giờ một số tài sản của tôi chính quyền xã xác nhận chưa trả cho tôi, mất của tôi mà đến giờ vẫn không trả.”

Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng

Những người cho rằng họ là nạn nhân của DonaCoop mà chúng tôi tiếp xúc đều khẳng định việc Chính quyền tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án “Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng” là trái thẩm quyền, qua mặt Chính phủ. Họ dẫn chiếu Khoản 1 Điều 15 của Nghị định số 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định “Dự án khu đô thị mới thuộc mọi nguồn vốn có quy mô sử dụng đất từ 200 ha trở lên do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép đầu tư…” Cho nên người dân xã Long Hưng không chấp nhận giao đất vì nếu giao sẽ tiếp tay cho hành động sai trái.

Ông Phan Văn Hoa, sinh năm 1959, cư dân xã Long Hưng trình bày:

Lúc đó dân có một số người bị ngất xỉu thôi vì bị chích roi điện, dân tưởng chết nên la lên giống như là cảnh sát cơ động với dân giáp lá cà vậy đó.

- Trịnh Thị Nhàn
“Thà rằng nếu mình không biết gì hết thì buông tay buông xuôi, mà giờ mình hiểu pháp luật quy định rõ ràng như ban ngày vậy mà. Dự án kinh doanh là phải thỏa thuận chứ đâu phải dự án kinh doanh đi thu hồi đất, phá nhà dân, cưỡng đoạt tài sản…”

Sau khi hoàn thành công việc cưỡng chế, DonaCoop và chính quyền tỉnh Đồng Nai cấp tốc cho san lấp mặt bằng, phân lô bán nền và tập trung cả ngàn hộ dân xã Long Hưng vào nơi ở mới, phân lô đất dự án bán lại giá cao gấp trăm lần thậm chí là gấp mấy trăm lần như lời chị Nhàn nói:

“Giá mà họ đền cho tụi tôi là 60.000 đồng/m2 mà hiện bây giờ chủ đầu tư bán thấp nhất là từ 7 triệu đồng/m2 và giá cao nhất là 38 triệu đồng/m2”

Ông Hòa không ngừng chảy nước mắt khi chia sẻ với chúng tôi, vì lúc chưa có DonaCoop đến thì cuộc sống gia đình của ông có thể nói là tương đối khá sung túc. Còn bây giờ…

“Bây giờ tôi rất là khổ, phải lăn lóc tìm đủ mọi cách để sống.”

“Nó bắt nó nhốt mình. Nói mình chống người thi hành công vụ, bắt đóng phạt một triệu mấy. Bắt hết cả nhà, thử hỏi làm sao chịu nổi… còng mình y như là tội phạm vậy, nó còng mình y con chó, y tội phạm vậy”.


Người dân xã Long Hưng ôm đơn đi cầu cứu khắp nơi trong vô vọng, không còn tin tưởng vào pháp luật là bức xúc của chị Nhàn hiện tại:

“Mỗi khi chúng tôi tới đa phần bị đe dọa, giống như là đập bàn đập ghế đe dọa. Nói chung là càng đi kiện chúng tôi càng không tin tưởng vào cái pháp luật này nữa.”

Theo trình bày thì cả xã Long Hưng vào đêm 18/2/2009 có đến 680 người bị bắt, trong đó có 46 người bị kết án tù với tổng mức án lên đến 140 năm và sau này có trường hợp được cho biết “tự tử” trong trại giam, cũng có số sau khi mãn án tù về nhà không ngừng kêu oan.

Anh Hiệp, một trong số 46 người bị kết án tù trong sự kiện này chia sẻ:

“Rồi bắt đầu họ bắt ra tuyên án, ở tù. Thì cũng vấn đề đất đai này không rõ ràng, dân không đồng tình, chưa bàn bạc mà tràn xuống làm ẩu làm tả rồi mồ mả của người ta chưa có gì mà ra đánh dấu trên mộ bia tùm lum. Tôi thì cũng có lên mà đi vòng vòng đó, cuối cùng nó để tôi là gây rối trật tự công cộng, kết án nếu đàng hoàng là hai năm tù giam mà treo thì bốn năm, nhờ gia đình liệt sĩ nên nó kêu án treo là bốn năm.”

Dự án “Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng” nằm ở vị trí được nhìn nhận là đắc địa tức giáp sông Đồng Nai và quận 9 TP.Hồ Chí Minh, cách ngã ba Vũng Tàu khoảng 2 km… Khu vực này hiện đã rộng đến 1.276 ha đất, với tổng số vốn đầu tư được Tập đoàn DonaCoop thông tin là 12 tỷ USD bao gồm 5 dự án chính gồm: Khu đô thị Long Hưng với diện tích 227 ha, dự án Waterfront có quy mô 366 ha liên doanh với tập đoàn Keppel Land, dự án Aqua city có quy mô 305 ha liên doanh với Vina Capital, dự án Đảo Phụng Hoàng 286 ha và dự án Bán Đảo Cường Hưng 92 ha.

Tập đoàn doanh nghiệp DonaCoop được thành lập vào ngày 20/10/2005 từ việc liên kết của 9 Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và trụ sở giao dịch chính đặt tại Khu 2, ấp Phước Hội, xã Long Hưng với 30 xã viên sáng lập và vốn điều lệ ban đầu là 450 triệu đồng.


RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad