Chiến lược đối ngoại của Trung Quốc: Xung đột với trật tự hiện nay - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 14 tháng 9, 2019

Chiến lược đối ngoại của Trung Quốc: Xung đột với trật tự hiện nay


Sự mâu thuẫn trong chính sách đối ngoại hiện nay mà chính quyền Tập Cận Bình đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai chính sách đối ngoại của mình, tiêu biểu là vấp phải sự kiềm chế của Mỹ, sự nghi ngờ và thiếu tin tưởng của chính quyền cũng như người dân các nước xung quanh. Chính vì vậy, mục tiêu xác lập lại trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho Trung Quốc đã chưa thể thành hiện thực.


1. Thái độ hài hoà và cứng rắn với bên ngoài của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Tháng 11/2012, Đại hội toàn quốc lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội toàn quốc lần thứ 18) đã được tổ chức. Chủ tịch Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và trở thành lãnh đạo mới của Trung Quốc. Chủ tịch Tập tuyên bố với người dân Trung Quốc và toàn bộ thế giới rằng, trong tương lai, Bắc Kinh phải hiện thực hoá được mục tiêu “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại” nằm trong “Giấc mộng Trung Hoa”.[1]

Không lâu sau đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra hai phương châm chính sách đối ngoại để hiện thực hóa "Giấc mộng Trung Hoa" này. Theo đó, phương châm đầu tiên là xây dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của Trung Quốc, bằng cách thúc đẩy phát triển quan hệ một cách hài hoà với các quốc gia khác. Nhưng song song với đó, phương châm thứ hai là phải bảo vệ "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, ngay cả khi điều đó ảnh hưởng xấu đến quan hệ với các nước khác. Kể từ đó, chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã được thực hiện theo hai phương châm nói trên. Chừng nào Chủ tịch Tập Cận Bình còn giữ vai trò là người lãnh đạo, tình hình này sẽ không thay đổi nhiều trong tương lai.

Hơn hai tháng sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức Tổng Bí thư, Cục Chính trị của Ủy ban Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc đã chủ trì một nghiên cứu về chính sách đối ngoại Trung Quốc vào ngày 28 tháng 1 năm 2013. Trong nghiên cứu này, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, Trung Quốc nên tiếp tục thực hiện theo "con đường phát triển hòa bình". Theo đó, "con đường phát triển hòa bình" là phương châm cơ bản của ngành ngoại giao Trung Quốc, được thiết lập từ thời của cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào.

Điểm chính của phương châm này là, trong xu thế đa cực hóa chính trị và toàn cầu hóa kinh tế, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa Trung Quốc và cộng đồng quốc tế ngày càng sâu sắc, “thông qua việc tranh thủ môi trường quốc tế hòa bình để có thể tự phát triển, và lấy sự tự thân phát triển để bảo vệ và thúc đẩy hoà bình thế giới”[2]. Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ ra rằng, để thực hiện được mục tiêu “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại” nằm trong “Giấc mộng Trung Hoa”, một môi trường quốc tế hòa bình là đặc biệt cần thiết và quan trọng, khiến cho "con đường phát triển hòa bình" càng dễ thực hiện hơn.

Chủ trương “thống nhất sự phát triển trong nước với mở cửa ra bên ngoài, liên kết sự phát triển của Trung Quốc với sự phát triển thế giới, kết hợp lợi ích của người dân Trung Quốc với lợi ích chung của các dân tộc trên thế giới, không ngừng mở rộng hợp tác cùng có lợi với tất cả các nước, tích cực hơn trong việc tham gia vào các vấn đề quốc tế, cùng nhau đối phó với các thách thức toàn cầu, và cố gắng cống hiến cho sự phát triển của thế giới.

Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, việc Trung Quốc đi theo "con đường phát triển hòa bình", và là “người thực hiện phát triển hòa bình, người thúc đẩy sự phát triển chung, người bảo vệ hệ thống thương mại đa phương, và là người tham gia quản trị kinh tế toàn cầu"[3]. Điều đó có nghĩa là, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói rõ rằng, thông qua việc mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế với các nước khác, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của Trung Quốc và xây dựng môi trường quốc tế ổn định, ông đã tích cực tham gia xây dựng các quy tắc và giải quyết các vấn đề kinh tế toàn cầu.

Mặt khác, trong nghiên cứu này, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh, phương châm của Trung Quốc là kiên quyết bảo vệ "lợi ích cốt lõi" của mình. Liên quan đến nội dung của khái niệm "lợi ích cốt lõi", chính phủ Trung Quốc giải thích rõ 6 nội hàm: “thứ nhất là chủ quyền quốc gia, thứ hai là an ninh quốc gia, thứ ba là toàn vẹn lãnh thổ, thứ tư là thống nhất đất nước, thứ năm là hệ thống chính trị quốc gia và ổn định xã hội được thiết lập bởi Hiến pháp Trung Quốc, thứ sáu là bảo đảm cơ bản và duy trì sự phát triển kinh tế và xã hội”.[4]

Theo đó, mục tiêu thống nhất đất nước của Trung Quốc bao gồm vấn đề Đài Loan, các dân tộc thiểu số của Trung Quốc đang ngày càng đi ngược lại với kỳ vọng của chính phủ, các vấn đề liên quan đến Khu tự trị Tân Cương Duy Ngô Nhĩ và Khu tự trị Tây Tạng, biên giới đất liền với Ấn Độ, Biển Hoa Đông, Biển Đông và các vấn đề liên quan tới chủ quyền, lãnh thổ khác. Bên cạnh đó, sự lên án và phản đối trong và ngoài nước đối với chế độ của Trung Quốc cũng được coi là có liên quan đến "lợi ích cốt lõi" của quốc gia này.

Chủ tịch Tập Cận Bình kiên trì "con đường phát triển hòa bình", đồng thời nhấn mạnh: "Chúng ta kiên quyết không từ bỏ quyền và lợi ích chính đáng của mình, cũng không thể hy sinh lợi ích cốt lõi của đất nước. Các quốc gia không nên mong đợi Trung Quốc đánh đổi lợi ích cốt lõi của mình, cũng không nên kỳ vọng Trung Quốc sẽ tự làm tổn hại chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của chính mình.

Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trương ủng hộ rằng "Trung Quốc nên đi theo con đường phát triển hòa bình, và các quốc gia khác cũng nên đi theo con đường phát triển hòa bình". Đối với những quốc gia có hành động gây tổn hại cho "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ ra rằng "con đường phát triển hòa bình" dựa trên sự phối hợp hài hoà sẽ không thể được áp dụng, và Bắc Kinh sẽ không ngần ngại thực hiện các biện pháp cứng rắn.

Kể từ đó, chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình, đặc biệt là ở các khu vực lân cận Trung Quốc, đã tích cực triển khai các chính sách đối ngoại dựa trên hai phương châm: thúc đẩy "con đường phát triển hòa bình" và bảo vệ "lợi ích cốt lõi". Để hiện thực hóa phương châm đầu tiên, Trung Quốc đã đưa ra chiến lược “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”, từ đó cấu thành nên kế hoạch xây dựng “Vành đai và Con đường”.

Vào tháng 9/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Kazakhstan, quốc gia ở Trung Á và có bài phát biểu tại Đại học Nazarbayev. Trong bài phát biểu, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ trương rằng Trung Quốc đang đi theo "con đường phát triển hòa bình" và không tìm kiếm sự thống trị và phạm vi ảnh hưởng ở Trung Á. Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra rằng "kiên quyết hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích cốt lõi, như chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh và ổn định,… là bản chất và nội dung quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc với các nước Trung Á."

Nhằm thúc đẩy hợp tác và phát triển kinh tế giữa Trung Quốc và các nước Trung Á và châu Âu khác, Trung Quốc đã đề xuất xây dựng sáng kiến “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa”. Về nội dung cụ thể, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra đề xuất cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, xây dựng "mạng lưới giao thông kết nối Đông Á, Tây Á và Nam Á", thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực thông qua tự do hóa thương mại, tạo thuận lợi cho đầu tư, thúc đẩy trao đổi và thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, nâng cao khả năng ứng phó với các rủi ro tài chính.[5]

Tháng 10/2013, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Indonesia và có bài phát biểu tại Quốc hội nước này. Tại đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh phương châm tăng cường hợp tác với các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Về mặt chính trị, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ ra sự cần thiết phải tăng cường tin tưởng lẫn nhau giữa ASEAN và Trung Quốc, đồng thời bày tỏ mong muốn ký kết một hiệp ước láng giềng, hữu nghị và hợp tác với các nước ASEAN.

Về mặt kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình đề cập đến phương châm mang lợi ích phát triển của Trung Quốc cho các nước ASEAN, bằng cách cải thiện mức độ hợp tác của Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - ASEAN và thúc đẩy thương mại song phương phát triển. Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình còn đề xuất kế hoạch xây dựng Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), cho thấy sự sẵn sàng hỗ trợ các nước đang phát triển trong đó có các nước ASEAN của Bắc Kinh trong việc kết nối cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đề nghị rằng, trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quan hệ đối tác hàng hải với các nước ASEAN, hai bên cần phải cùng nhau xây dựng "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21", đồng thời bày tỏ thiện chí sẵn sàng hợp tác với Indonesia để xây dựng "Cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc - ASEAN".[6]


Hải Yến dịch
Trần Quang hiệu đính
Blog VOA
Đọc toàn bộ bản dịch tại đây.

Masafumi Iida, chuyên viên nghiên cứu cao cấp, Ban Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu khu vực, Viện Nghiên cứu Phòng vệ Nhật Bản (NIDS). Bài nghiên cứu được đăng trong Báo cáo Chiến lược An ninh Trung Quốc năm 2019, tr.5-23.


[1] Nhân dân Nhật báo, 16/11/2012

[2] Nhân dân Nhật báo, 23/12/2005

[3] Nhân dân Nhật báo, 30/1/2013

[4] Nhân dân Nhật báo, 7/9/2011

[5] Nhân dân Nhật báo, 8/9/2013

[6] Nhân dân Nhật báo, 4/10/2013

NIDS China Security Report 2019,




Chiến lược đối ngoại của Trung Quốc: Xung đột với trật tự hiện nay


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad