Việt Nam vẫn bị Freedom House xếp hạng nước không có tự do - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2020

Việt Nam vẫn bị Freedom House xếp hạng nước không có tự do


“Nỗ lực thăng tiến dân chủ của lãnh đạo mỗi lúc mỗi kém trong một thế giới càng ngày càng thiếu tụ do” là nhận định của tác giả Sarah Repucci thuộc tổ chức Freedom House nhân dịp công bố báo cáo 2020 về tự do trên thế giới hôm ngày 4 tháng 3 vừa qua.

Add caption


Nhấp vào nút play (►) dưới đây để nghe

Thực tế đối với Việt Nam trong lĩnh vực này có gì chuyển biến?

Freedom House là tổ chức phi chính phủ quốc tế, có chức năng theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, khảo sát và nghiên cứu về tình hình tự do chính trị và các quyền tự do cơ bản của công dân các quốc gia trên thế giới.

Trong trình bày của mình, tác giả Sarah Repucci khẳng định dân chủ và đa nguyên đang cùng lúc bị xâm hại, rằng các chính thể độc tài trên thế giới tìm cách dập tắt phong trào dân chủ, bóp nghẹt mọi tiếng nói bất đồng chính kiến nơi người hoạt động.

Những hành vi mạnh bạo đó, theo bà Sarah Repucci, khiến Freedom House nhận thấy 2019 là năm thứ 14 liên tiếp suy giảm tự do toàn cầu, khoảng cách giữa thiếu tự do với phần nào tự do hay có tự do càng ngày càng xa hơn so với năm 2018.

Bằng chứng của thực trạng này là trong lúc 37 quốc gia trên thế giới có dấu hiệu tiến bộ, thì quyền chính trị và quyền dân sự của rất nhiều cá nhân tại 64 nước khác bị tước đoạt  dần.

Tình trạng tiêu cực như vậy, theo tác giả, lan tràn đến mọi hình thức thế chế, nhưng dễ nhìn ra nhất là ảnh hưởng của nó bén rễ từ trên xuống dưới một bộ máy cầm quyền.

Tự do dân chủ của hơn một nửa các nước trên bảng xếp hạng của Freedom House, dù là “Free: có tự do”, “ Partly Free: phần nào tự do”, hoặc “Not Free: không có tự do” đều ít nhiều bị suy thoái suốt một thập niên qua, tác giả kết luận.

Nhận định của bà Sarah Repucci khiến người ta liên tưởng và áp dụng cho Việt Nam bất kỳ lúc nào, là ý kiến của nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy, Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam:

“Tôi thấy tác giả Sarah Repucci hiểu rất rõ mà hiểu như người ở Việt Nam hiểu luôn. Tác giả nói đúng, họ không có ý thức đem lại, tạo ra quyền tự do của con người Việt Nam, họ không có ý thức tạo dân chủ cho dân. Sự đàn áp của họ đối với dân chủ nhân quyền ở mức độ tồi tệ như vậy rồi. Cho nên bao giờ nhân quyền Việt Nam cũng ở Top thấp nhất thế giới”

Luật sư, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Đài, hiện đang ở Đức, đồng tình với ý tưởng là dân chủ và đa nguyên đang bị xâm hại, rằng không có sự chỉ đạo từ giới cầm quyền chuyên chế  để  phát huy tự do cho dân:




“Rất chính xác! Tôi lấy thí dụ để chúng ta cùng nhìn thấy. Cách đây hơn 20 năm, từ thời chủ tịch nước Trần Lương, ông đã bắt đầu khởi động tiến trình cải cách tư pháp. Khi đó ông là chủ tịch nước kiêm luôn chủ tịch Ủy Ban Cải Cách Tư Pháp”

“Nhưng 20 năm sau, đời ông Nguyễn Phú Trọng hiện tại,  ông vẫn là chủ tịch Ủy Ban Cải Cách Tư Pháp để đảm bảo công bằng, công lý cho người dân trong vấn đề xét xử cũng như trong vấn đề thực thi pháp luật,  thì Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa thực hiện được cái gì cả, vẫn chưa có chút tiến bộ nào. Cần hiểu bản chất của chế độ cộng sản là chuyên chế, họ không bao giờ nhân nhượng đối với quyền tự do dân chủ của người dân. Cho nên không hy vọng Nhà Nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do dân chủ của người dân”.

Việt Nam cũng bị liệt vào danh sách những quốc gia không có tự do Internet theo báo cáo của Freedom House ngày 5/11/2019.

Với nhan đề “Khủng Hoảng Mạng Xã Hội “ Freedom House cho biết tiến trình khảo sát tự do mạng ở 65 quốc gia cho thấy Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia có điểm số từ 0 đến 39, là quốc gia không có tự do Internet.

Luật An ninh mạng đưa ra để siết chặt hoạt động trên mạng xã hội (Minh họa) Photo: RFA
Dưới mắt Freedom House, Việt Nam là quốc gia độc đảng, bị chi phối trong nhiều thập kỷ bởi một đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền, chưa kể Luật An Ninh Mạng nhằm hạn chế tự do Internet. Bà Amy Slipowitz, chuyên gia nghiên cứu và phân tích trong Freedom House:

Có thể nói như vậy, Luật An ninh Mạng được đặc biệt quan tâm bởi dưới nhãn quan toàn cầu thì đây là thí dụ điển hình của một chế đô toàn trị không chỉ thấy ở Việt Nam mà cả một vài nước trên thế giới.

Việt Nam ngay lập tức bác bỏ thông tin này trong cuộc họp báo ở Bộ Ngoại Giao ngày 7/11/2019. Phát ngôn nhân Ngô Toàn Thắng nói rằng Việt Nam hoàn toàn bác bỏ những đánh giá về Internet ở Việt Nam trong báo cáo ngày 5/11/2019 của tổ chức Freedom use, rằng việc bảo đảm quyền tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin là chính sách nhất quán của Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp".

Là người tận dụng Internet để có thể phổ biến trang mạng của Hội Nhà Báo Độc Lập ở trong nước, nhà báo Nguyễn Tường Thụy bày tỏ:




“Bao giờ họ cũng cãi trắng, cãi bay biến luôn. Khi mà tôi đang trả lời RFA như thế này thì an ninh đang canh ở cửa nhà tôi. Nếu như tôi ra khỏi nhà có việc gì thì lập tức họ ngăn cản họ không cho đi. Tình trạng như thế này từ nhiều năm rồi. Nói thế để biết ở Việt Nam có tự do có nhân quyền hay không, còn chuyện họ cãi lem lẻm đi là việc của họ.”

Luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết thêm:

“Freedom House dựa trên kỹ thuật để đo lường được mức độ kiểm soát Internet cũng như các trang mạng xã hội ở Việt Nam, xem Nhà Nước kiểm duyệt đến mức độ nào.”

“Những người dùng mạng xã hội để chỉ trích chính phủ hay là đưa ra những đòi hỏi cải cách chính trị riêng 2019 không thì đã 20 người bị bắt và gần 60 người bị xét xử về các tội danh liên quan đến việc sử dụng Internet. Số lượng người bị sách nhiễu có thể lên đến hàng trăm người. Tất cả những chỉ số đấy người ta hoàn toàn có thể đo lường được, vậy thì những con số đưa ra phản ánh là Việt Nam có tự do Internet hay là không”
.

Chia sẻ về tự do mạng ở Việt Nam, một facebooker ở Hà Nội, yêu cầu đừng nêu tên vì an ninh bản thân, viết cho RFA như sau:

“ Internet ở Việt Nam bị kiểm duyệt rất chặt chẽ bằng cách họ tung một lực lượng rất lớn AK47(quân đội), các dư luận viên (đảng viên, đoàn viên, sinh viên) tham gia “chiến sự mạng”, đánh phá, báo cáo bất cứ bài viết, status nào đi ngược ý đảng, đặc biệt theo dõi chặt chẽ những trang cá nhân có tay bút phản biện cao. Họ không chỉ đánh sập trang/ khóa trang từ 3 đến 7 đến một tháng mà còn mời lên đồn công an làm việc. Sách nhiễu không được thì họ đang báo, bôi nhọ, bêu xấu… Nói chung tiếng nói tự do trên Internet cũng như ngoài cuộc sống đều bị bóp nghẹt”

Trở lại với tác giả Sarah Repucci, tự do, trong đó có quyền chính trị và quyền dân sự, là giá trị đầu tiên, cơ bản và phổ quát của nhân loại mà không một quốc gia, một chính thể nào, dù hùng mạnh hay yếu kém , có thể phủ nhận.

Thay vì bỏ qua hoặc làm ngơ trước sự quan tâm của quốc tế mà chỉ chú trọng và hưởng thụ nền tự do ở đất nước mình, công dân tự do và những nhà phục vụ nhân bản trên thế giới nên tận dụng sự thông tuệ và lòng yêu tự do, dồn mọi nỗ lực nhằm kêu gọi ý thức và sự thay đổi, phát huy dân chủ, đa nguyên và nhân quyền cho từng quốc gia và từng con người trên địa cầu, tác giả nhận định.

Trong bảng báo cáo mới nhất Việt Nam chỉ được 20 điểm trên thang 100 nên bị xếp vào loại không có tự do.


Thanh Trúc
RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad