Chiều nay, 8/11, Tại hội trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trưởng, 83 - Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng này có cuộc tiếp xúc đối thoại với bà con các xã thuộc diện bị thu hồi đất ở huyện Văn Giang, thực hiện dự án Ecopark - Văn Giang (Hưng Yên), dự án do chính ông từng trực tiếp ký các văn bản thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khi còn tại vị.
Lý do cuộc đối thoại này là do gần đây, có một thư ngỏ của 9 người dân Văn Giang cùng Luật sử Trần Vũ Hải gửi GS Võ, được công khai trên mạng mà ông không nhận được trực tiếp. Trong thư có nói rằng nếu ông không gặp bà con trong vòng 1 tuần thì sẽ tố cáo, và cũng như mở cho ông một con đường là có thể trả lời bằng thư.
Mặc dù thời điểm hẹn gặp là 2h chiều nhưng từ rất sớm, đã thấy bà con đến rất đông, tụ tập quanh cổng của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), tràn ra cả đường Nguyễn Chí Thanh. Tuy nhiên chỉ một số bà con được mời dự tại hội trường. Bà con mời Luật sư Trần Vũ Hải và cộng sự của ông đại diện tiếp GS Võ.
Thứ trưởng Võ làm theo “thông lệ” chứ không theo luật?
Ngay từ những phút đầu tiên, cuộc đối thoại đã được nóng lên bởi những câu hỏi, đáp của hai bên về nơi gửi của tờ trình số 99/TTr-BTNMT, ngày 29/6/2004 của Bộ TNMT là Thủ tướng Chính phủ. Trong khi đó, LS Hải dẫn ra các Nghị định của Chính phủ số 66, 68 và 91 đều quy định phải trình Chính phủ. Mặc dù vậy, GS “cãi” lại LS Hải rằng: từ 15/10/1993 đến 1/7/2004 đã có “thông lệ” như vậy. LS Hải mở ngoặc cho GS rõ: Luật Đất đai sửa đổi năm 2001 và Nghị định 66 quy định rõ: Thẩm quyền phê duyệt các dự án kiểu này không còn thuộc về Thủ tướng Chính phủ nữa mà thuộc về Chính phủ. GS Võ rơi vào thế bí nói: “Tôi nghe nói Chính phủ đã ủy quyền cho Thủ tướng phê duyệt dự án này”. Tuy nhiên, khi được hỏi bằng cơ đâu thì GS Võ không đưa ra được mà phải thừa nhận trong vấn đề này ông đã sai. Từ sai lầm này, ông Võ đã góp phần dẫn đến dự án Ecopark - Văn Giang được Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt sai thẩm quyền tại Quyết định số 742/QĐ-TTG, ngày 30/6/2004 mà ông cũng thừa nhận.
Tiến độ giải quyết thủ tục dự án nhanh đến chóng mặt vì... dân Văn Giang(!)
Dẫn ra một chuỗi những ngày từ ngày 27-30/6/2004, nguyên Thứ trưởng Võ đã cùng với nhiều người khác đã tham gia ký một loạt những văn bản thẩm định, tờ trình, quyết định thu hồi, giao đất, nhanh một cách kỷ lục từ trước đến nay, LS Trần Vũ Hải hỏi ông Võ: Vì sao vậy? Vị GS này nói một cách quả quyết: Cũng là vì dân Văn Giang mà thôi. Cái lý của ông rằng: Chính phủ chỉ đạo (ông cũng không đưa ra được văn bản nào) cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án này trước thời điểm Luật đất đai mới 2003 có hiệu lực ngày 1/7/2004 vì đây là dạ án rất quan trọng. Nó sẽ giải quyết được việc đổi đất lấy hạ tầng làm con đường cao tốc nối cầu Thanh Trì (Hà Nội) với tỉnh Hưng Yên và làm đường 5b Hà Nội đi Hải Phòng, cũng qua Hưng Yên. Nếu chậm sẽ phải làm lại dự án từ đầu theo Luật Đất đai mới, phải lui mất từ 1-2 năm. Ông Võ nhấn mạnh: Tuy vậy, vẫn phải làm đúng luật. Tuy nhiên qua đối thoại đã bật ra sự thật rằng ông Võ đã có hàng loạt những sai phạm...
Thẩm định dự án không qua địa phương?
Từ trước đến nay nguyên Thứ trưởng Đặng Hùng Võ luôn khẳng định việc thẩm định dự án này, Hội đồng thẩm định do ông chủ trì đều thông qua các xã có thu hồi đất. Tuy nhiên, tại hội nghị này, một người dân của thôn Đại, xã Phụng Công là ông Phạm Hoành Sơn dẫn ra một ý kiến xác nhận của chủ tịch xã ông trả lời dân năm 2006 rằng cho đến thời điểm này ông không hề biết gì về dự án này. Ông Võ trình ra cho bà con xem một bản sao được gọi là “biên bản thẩm định” nào đó có ghi đầy đủ người tham gia là lãnh đạo các xã, nhưng rất tiếc lại không có chữ ký của họ.
Giao đất không cần quy hoạch?
LS Hải hỏi: Vậy căn cứ nào để Bộ TNMT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thu hồi đất cho dự án này khi các xã bị thu hồi này không nằm trong quy hoach phải thu hồi? Ông Võ cho rằng tuy số đất này chưa có quy hoạch nhưng vẫn có thể có kế hoạch sử dụng đất như vậy. LS Hải bật cười rồi cá cược với GS Võ ai thua sẽ phải cung cấp nước cam cho hội nghị về căn cứ đúng, sai về trong vấn đề này, bởi theo LS Hải, từ trước đến nay, bao giờ kế hoạch sử dụng đất cũng phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất.
Nhập nhằng đất chuyên dùng thành đất ở?
Dẫn ra 500 ha “giao đất” tại dự án nói trên dành cho “quỹ tạo vốn xây dựng hạ tầng đô thị” dự án, ghi rõ trong tờ trình do ông ký là“đất chuyên dùng” (chứ không phải đất ở) LS Hải hỏi GS Võ: Như vậy là đúng hay không khi cho chủ đầu tư xây dựng nhà ở kinh doanh? GS Võ cho rằng ông đã “nhầm” khi để tên tờ trình như vậy mà đúng ra là thu hồi đất thôi. Thế thu hồi để làm gì? Làm đấu giá QSĐ hoặc đấu thầu dự án - ông Võ trả lời. Ông nói thêm: “Tỉnh trình cụ thể nhà đầu tư Việt Hưng, nhưng tôi ký tờ trình không cụ thể họ là ai mà chỉ có nội dung thu hồi đất như vậy thôi”. Có nghĩa là ông Võ không sai?
Lác đác có tiếng chép miệng thở dài, thất vọng. “Chắc ông Võ còn nhiều việc phải làm để giải quyết hậu quả dự án này, ít nhất ông phải có một tờ trình nữa gửi đến cơ quan chức năng để sửa chữa một số sai lầm” - LS Trần Vũ Hải nói.
Trần Ngọc Kha
Theo blog Trần Ngọc Kha
_________________________________________
Giáo sư Võ nhận thiếu sót, bà con Văn Giang cảm thông
Dân Việt - Sau gần 3 tiếng đối thoại, Giáo sư Võ thẳng thắn và thừa nhận thiếu sót. Buổi gặp gỡ cũng đồng thời là "nút cởi" khỏi sự ác cảm của bà con nông dân Văn Giang đối với Giáo sư.Chiều nay, 8.11, Giáo sư (GS) Đặng Hùng Võ gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với những người dân bị thu hồi đất cho Dự án khu đô thị nhà vườn Ecopark ở Văn Giang (Hưng Yên).
GS Đặng Hùng Võ gặp gỡ nông dân Văn Giang trong buổi đối thoại. Ảnh Đàm Duy |
Về 2 tờ trình Thủ tướng Chính phủ với nội dung thu hồi đất ở Văn Giang năm 2004 (số 14/TTr-BTNMT và 99/TTr-BTNMT), khi đó GS Võ đang là Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, GS thừa nhận ông đã trình không đúng thẩm quyền.
Luật sư Trần Vũ Hải - đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho một số bà con nông dân, khẳng định việc Bộ Tài nguyên và Môi trường đúng ra phải trình lên Chính phủ.
Luật sư Hải đặt câu hỏi vì sao thủ tục trình và thu hồi đất lại nhanh như vậy. GS Võ cho biết chủ trương thu gồi đất gắn liền với cầu Thanh Trì và các dự án trọng điểm khác.
GS Võ cho rằng đó là chủ trương đúng đắn, con đường cao tốc từ Hưng Yên về Hà Nội qua cầu Thanh Trì là con đường chiến lược, là dự án trọng điểm nên phải đẩy nhanh tiến độ và việc đổi đất lấy hạ tầng là việc tốt.
Bên cạnh đó, GS Võ cũng trình bày các trình tự các văn bản liên quan đến việc thu hồi đất của bà con Văn Giang.
“Việc ký trình nhanh như vậy tôi biết sẽ có điều tiếng nhưng tất cả là vì tiến độ dự án”, GS Võ nói.
Luật sư Hải cho rằng việc đẩy nhanh việc ký duyệt các văn bản chỉ phục vụ cho chủ đầu tư dự án chứ chưa thấy bà con nông dân được lợi gì.
Không khí cuộc đối thoại từ đầu đến giờ khá căng thẳng và nặng nề.
Bà con nông dân Văn Giang nói chính quyền đã biết có dự án từ năm 2003 nhưng năm 2006 người dân mới biết.
Luật sư Hải yêu cầu cần mổ xẻ hồ sơ vụ việc, và các chữ ký liên quan có thật hay không và cả việc chính quyền địa phương lúc xác nhận biết dự án đổi đất lấy hạ tầng, nhưng sau đó lại nói không biết gì.
Giáo sư Võ khẳng định khi có dự án thì chính quyền đều biết từ năm 2004, có biên bản cuộc họp ở huyện Văn Giang. Giáo sư Võ cũng cung cấp biên bản họp HĐND huyện Văn Giang và chủ tịch các xã.
Luật sư Hải cho rằng biên bản mà ông Võ trình lên chưa đúng luật vì không có chữ ký đầy đủ của người tham gia và không có dấu khi các tờ trình cũng không đúng về văn bản pháp luật.
Luật sư Hải cung cấp cho báo chí tờ trình số 14 mà luật sư cho rằng chưa đúng theo quy định pháp luật.
Tranh luận về các tờ trình vẫn chưa ngã ngũ khi luật sư Hải cho rằng nội dung tờ trình của GS Võ là sai thời điểm. GS Võ khá lung túng khi luật sư Hải đề cập đến vấn đề này.
GS Võ ngồi khá lâu rồi tìm tài liệu và thừa nhận có sai lệch về thời gian, kế hoạch. Việc điều chỉnh bổ sung kế hoạch sử dụng đất hàng năm là loại các dự án không khả thi và đưa vào các dự án khả thi vào.
Giáo sư Võ và luật sư Hải tranh luận về việc thẩm định hồ sơ đất đai và quy hoạch đất đai có ảnh hưởng đến nhau hay không.
Tiếp sau, luật sư Hải đề cập đến nội dung tờ trình 99/TTr-BTNMT. Luật sư Hải cho rằng trong nội dung tờ trình không có từ nào là "thu hồi đất" mà là "giao đất". Luật sư Hải đề nghị GS Võ cần đề nghị sửa đổi tên tờ trình từ "giao đất" sang "thu hồi đất".
Khoảng 15h50, một số người dân ở Văn Giang bắt đầu “chất vấn” GS Võ.
Một nông dân Văn Giang yêu cầu GS Võ cần giải thích rõ về việc làm các thủ tục quá nhanh và có dấu hiệu bất thường trong việc thu hồi đất của người dân.
GS Võ trả lời việc làm các tờ trình nhanh như thế đã được cấp trên "thông qua".
Luật sư Trần Vũ Hải cho rằng tờ trình của GS Võ đã làm người dân Văn Giang mất đất trong khi đường thì chưa có, chủ đầu tư thì lại đã xây dựng cơ sở hạ tầng và bán lấy lãi, còn lại người dân chưa được hưởng lợi gì.
Tất cả bà con nông dân tại toạ đàm đều hưởng ứng ý kiến của luật sư Hải.
Nông dân Văn Giang cũng khẳng rằng định hiện tại không có công nhân thi công gì, đường thì cũng chưa thấy. Một người nông dân Văn Giang hỏi tiếp: "Trả lời báo chí, GS Võ nói việc thu hồi đất cơ bản là đúng luật, vậy ông trả lời trong 3 ngày ký thu hồi 500ha đất của dân liệu có đúng không?".
GS Võ trao đổi với Luật sư Trần Vũ Hải. Ảnh Đàm Duy |
Buổi hội đàm trở nên nóng hơn sau câu nói của GS Võ.
Người dân yêu cầu GS Võ phải xin lỗi công khai việc ông trình lên Thủ tướng một cách trái thẩm quyền, từ đó gây ảnh hưởng cho hàng nghìn người dân bị mất đất.
Người dân Văn Giang tiếp tục cung cấp văn bản vừa thu hồi vừa giao đất cho chủ đầu tư trong một ngày của chính quyền và họ cho rằng đó là điều bất thường.
Giáo sư Võ hứa với nông dân Văn Giang sau buổi này sẽ có bài viết liên quan đến vụ việc.
Luật sư Hải nêu ý kiến, hiện mọi người vẫn hiểu những người dân ở Văn Giang đi khiếu kiện là người chống đối nhưng bây giờ, khi mọi việc đã tương đối rõ ràng, thì phải giải cái oan này cho những người dân ấy.
Người dân Văn Giang cho rằng cần làm rõ đúng sai và tiếp tục yêu cầu GS Võ nhận cái sai mình đã gây ra.
GS Võ thừa nhận về thẩm quyền việc ký thu hồi đất trong vụ việc này không đúng thẩm quyền, hay hiểu cách khác là đã làm trái thẩm quyền trong việc này.
Người dân Văn Giang đã tỏ thái độ chia sẻ với GS Võ.
GS Võ thừa nhận và thẳng thắn nhìn vào khuyết điểm, thiếu sót. “Làm gì thất thoát cho bà con là lỗi của tôi”, GS Võ nói.
Buổi đối thoại kết thúc. Bà con nông dân cảm ơn GS và báo chí đã đến tham dự cuộc đối thoại. Cuộc đối thoại cũng là nút cởi khỏi sự ác cảm của bà con nông dân Văn Giang đối với GS Võ vì 2 tờ trình mà ông đã ký cách đây 8 năm.
Trước đó, ngày 25.10, những người dân bị thu hồi đất ở Văn Giang đã có thư ngỏ đề nghị Giáo sư Đặng Hùng Võ trả lời, giải thích rõ về 2 tờ trình Thủ tướng Chính phủ với nội dung thu hồi đất ở Văn Giang năm 2004 (số 14/TTr-BTNMT và 99/TTr-BTNMT), khi đó Giáo sư Võ đang là Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi trường.Thư ngỏ của các hộ dân bị thu hồi đất có viết: “Chúng tôi thấy ông (Giáo sư Võ - PV) đã làm trái pháp luật khi ký 2 tờ trình trên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của chúng tôi… Trong thời hạn một tuần (tính từ ngày 25.10) nếu ông không có phản hồi, chúng tôi buộc phải có đơn tố cáo chính thức gửi cơ quan pháp luật để truy cứu trách nhiệm cá nhân ông”.
Trao đổi với Dân Việt sáng 7.11, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết: “Tôi cho rằng việc bà con tố cáo tôi là tốt chỉ vì một lý do rất giản dị, nếu tôi bị thiệt thòi mà người dân được lợi thì tôi sẵn sàng. Hơn nữa, tôi rất muốn mọi việc đều minh bạch. Đây cũng là sự việc rất bổ ích cho sửa đổi Luật Đất đai, một nhiệm vụ rất phức tạp hiện nay từ cả góc độ lý luận và thực tiễn, một bài học rất đáng giá. Tôi đã sắp xếp cuộc gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với những hộ dân nói trên vào chiều ngày 8.11”.
Giáo sư Võ cũng khẳng định lại: “Việc ký 2 tờ trình vào thời điểm đó là đúng đắn và tốt cho đại cục, tốt cho sự phát triển kinh tế của hai địa phương Hà Nội và Hưng Yên, như vậy cũng có nghĩa người dân cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển đó”.
Thắng Quang - P.V
Theo Đất Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét