Luật sư Ngô Ngọc Trai gửi thư chất vấn giáo sư Đặng Hùng Võ - Người Đưa Tin -->

Breaking

Post Top Ad

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

Luật sư Ngô Ngọc Trai gửi thư chất vấn giáo sư Đặng Hùng Võ



Kính gửi Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện,

Được biết chiều nay 8/11 giáo sư Đặng Hùng Võ sẽ đối thoại trả lời về dự án Ecopark, trường hợp anh Diện tham dự xin anh hỏi Giáo sư Võ một câu như sau, tuy rằng không liên quan trực tiếp tới dự án Ecopark nhưng có ảnh hưởng tới rất nhiều người dân bị thu hồi đất hiện nay.

Giáo sư Đặng Hùng Võ
Giáo sư Đặng Hùng Võ giữ cương vị Thứ trưởng Bộ tài nguyên Môi trường từ năm nào đến năm nào? Ở cương vị Thứ trưởng, ông có vai trò tham gia góp ý soạn thảo ban hành Nghị định 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư không? Bởi lẽ nghị định này do Bộ tài nguyên môi trường chủ trì soạn thảo trình chính phủ ban hành.

Liên quan tới Nghị định 69/2009 có hai vấn đề có liên quan tới trách nhiệm của Bộ tài nguyên môi trường và Giáo sư Võ trong vai trò là Thứ trưởng như sau:

Thứ nhất : Về những sai sót cẩu thả khi ban hành Nghị định 69

Ngày 13/8/2009 Chính phủ ban hành Nghị định 69 thì đến ngày 23/10/2009 Bộ tài nguyên môi trường có văn bản đính chính số 181/ĐC-CP đính chính Nghị định số 69. Nội dung cụ thể như sau, trích nguyên văn:

Do sơ suất trong khâu đọc soát, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, xin đính chính một số sai sót trong Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư như sau:
1. Tại trang 5 dòng thứ 7 từ trên xuống (khoản 5 Điều 9), viết là: “các khoản 1, 2 và 3”.
Nay xin sửa lại là: “các khoản 2, 3 và 4”.

2. Tại trang 21 dòng thứ 13 từ trên xuống (điểm a khoản 1 Điều 32), viết là: “các Điều 27, 28, 29 và 38”.
Nay xin sửa lại là: “các Điều 29, 30 và 31”.

3. Tại trang 21 dòng thứ 15 từ trên xuống (điểm b khoản 1 Điều 32), viết là: “ khoản 6 Điều 29”.
Nay xin sửa lại là: “khoản 4 Điều 31”.

4. Tại trang 22 dòng thứ 8 từ dưới lên (điểm e khoản 1 Điều 34), viết là: “khoản 1 Điều 22”.
Nay xin sửa lại là: “khoản 1 Điều 19”.

5. Tại trang 28 dòng thứ 13, 14 và 15 từ trên xuống (điểm a khoản 2 Điều 41), viết là: “Điều 10, Điều 12, bỏ nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết của khu công nghệ cao, khu kinh tế quy định tại các Điều 14, 30, 52, 125, 126, 127 và 141 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP”.

Nay xin sửa lại là: “Điều 10, Điều 12; nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết của khu công nghệ cao, khu kinh tế quy định tại Điều 14; Điều 30; khoản 2 Điều 31; các Điều 52, 125, 126, 127 và 141 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP”.

6. Tại trang 28 dòng thứ 16 và 17 từ trên xuống (điểm b khoản 2 Điều 41), viết là: “các Điều 3, 6, 10, 19 và 27, khoản 1 Điều 28, 32, 36, 39 và 48 Nghị định số 197/2004/NĐ -CP”.

Nay xin sửa lại là: “các Điều 3, 6, 10, 19 và 27; khoản 1 và khoản 2 Điều 28; các Điều 32, 36 và 39; điểm b khoản 1 Điều 44; Điều 48 Nghị định số 197/2004/NĐ -CP”.

7. Tại trang 28 dòng thứ 14 từ dưới lên (điểm d khoản 2 Điều 41), viết là: “khoản 1 Điều 2, khoản 4, khoản 5 và khoản 6 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP”.
Nay xin sửa lại là: “khoản 1 Điều 2; các khoản 1, 4, 5 và 6 Điều 4 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP”.

8. Tại trang 29 dòng thứ nhất từ trên xuống (khoản 4 của Điều 41), viết số thứ tự khoản là: “4”.
Nay xin sửa lại số thứ tự của khoản này là: “3”./.
Nghị định 69/2009 có 41 điều thì có sai sót ở 8 điều và phải đính chính sửa đổi.

Một nghị định của chính phủ được ban hành mà có từng ấy lỗi sai sót thì cho thấy sự cẩu thả, vô trách nhiệm của cơ quan soạn thảo ban hành đến chừng nào? Khoan chưa phân tích làm rõ xem nội dung đính chính của Bộ tài nguyên môi trường sẽ khiến cho văn bản chính thức của chính phủ có lợi hay bất lợi hơn cho người dân trong việc thu hồi đất, thì với ngần ấy sai phạm sẽ gây khó khăn rất nhiều cho các cấp chính quyền trong việc áp dụng chính sách pháp luật. Và điều này rõ ràng là làm mất đi sự uy nghiêm của chính phủ trong việc ban hành văn bản pháp luật.

Thứ hai: Về việc giao quyết định thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi

Trước khi có nghị định 69/2009/NĐ-CP thì trước đó việc thu hồi đất áp dụng theo Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

Khoản 3 Điều 53 Nghị định 84/2007 quy định: Quyết định thu hồi đất phải được gửi đến người có đất bị thu hồi và được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi trong suốt thời gian kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được quyết định đến thời điểm kết thúc việc thu hồi.

Việc người dân được giao quyết định thu hồi đất có ý nghĩa rất lớn là nhằm cung cấp thông tin cho người dân được biết mình bị thu hồi đất gì, ở đâu, diện tích bao nhiêu, lý do thu hồi là gì, cơ quan nào thu hồi. Từ đó người dân có cơ sở thông tin để thu xếp, sắp xếp ổn định cuộc sống và thực hiện quyền của người sử dụng đất.

Nếu biết thu hồi đất ở, người dân sẽ lo thu xếp về chỗ ở mới. Nếu bị thu hồi đất nông nghiệp, người dân sẽ xem xét bị thu hồi diện tích bao nhiêu còn lại bao nhiêu từ đó lo chuyển đổi công ăn việc làm hoặc cơ cấu lại sản xuất.

Được biết cơ quan nào thu hồi, lý do thu hồi là gì, có chính đáng hay không, người dân có quyền khiếu nại nếu việc thu hồi đất là không đúng pháp luật về thẩm quyền hoặc về căn cứ thu hồi. Qua đó người dân thực hiện vai trò giám sát đối với cán bộ chính quyền trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai. Đây là quy định tích cực của chính phủ bảo vệ quyền của người sử dụng đất.

Nhưng quy định tích cực trên đã bị bãi bỏ bởi Nghị định 69/2009. Nghị định 69/2009 không còn quy định buộc cơ quan thu hồi đất phải giao quyết định thu hồi đất cho người dân nữa. Do vậy người dân không còn được quyền khiếu nại về quyết định thu hồi đất.

Thay vào đó, điểm c khoản 2 Điều 31 nghị định 69/2009 quy định cơ quan thu hồi phải gửi quyết định bồi thường cho người dân. Như vậy trong việc thu hồi đất, theo quy định mới người dân không được có ý kiến (khiếu nại) về việc thu hồi đất nữa mà chỉ được quyền có ý kiến (khiếu nại) về phương án, mức giá đền bù mà thôi. Đây là điểm tối là bước thụt lùi của Nghị định 69/2009/NĐ-CP tước bỏ quyền của người dân, giáo sư Võ có trách nhiệm gì trong việc góp ý soạn thảo vấn đề này không?

Giáo sư không thể không biết việc khiếu kiện đất đai là rất phức tạp, và người dân không thể khiếu kiện nếu không có quyết định thu hồi đất của chính quyền. Có phải việc quy định tước bỏ quyền được nhận quyết định thu hồi đất của người dân là nhằm mục đích ngăn chặn, cản trở người dân khiếu kiện không?

Đề nghị Giáo sư Võ nêu rõ vai trò trách nhiệm của mình liên quan đến việc soạn thảo ban hành Nghị định 69/2009?

Kính mong tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện quan tâm.
Xin trân trọng cảm ơn!
___________________________________

Nghị định 69/2009: http://vietlaw.gov.vn/LAWNET/docView.do?docid=23605&type=html&searchType=fulltextsearch&searchText=

Nghị định 84/2007: http://vietlaw.gov.vn/LAWNET/docView.do?docid=21153&type=html&searchType=fulltextsearch&searchText=

Đính chính 181: http://thuvienphapluat.vn/archive/Cong-van/Cong-van-181-DC-CP-dinh-chinh-Nghi-dinh-69-2009-ND-CP-quy-dinh-bo-sung-quy-hoach-su-dung-dat-gia-dat-thu-hoi-dat-boi-thuong-ho-tro-va-tai-dinh-cu-vb96457t3.aspx

Theo blog Nguyễn Xuân Diện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad