HÀ NỘI - Nhà cầm quyền CSVN lẳng lặng đưa ra biện pháp đối phó với hộ chiếu điện tử của Trung Quốc có in hình cái “Lưỡi Bò” chiếm đến 80% biển Ðông.
Một người Trung Quốc cầm hộ chiếu Trung Quốc in hình “Lưỡi Bò” chiếm 80% biển Ðông gồm cả những khu vực chủ quyền của Việt Nam, Philippines, Brunei, Indonesia. (Hình: AP Photo/Ng Han Guan) |
“Khi tôi làm thủ tục nhập cảnh, viên chức CSVN từ chối đóng dấu nhập cảnh trên hộ chiếu của tôi.” David Li, 19 tuổi, một người Trung Quốc, nói với ký giả báo Telegraph.
“Họ nói cái chiếu khán của tôi vô giá trị. Họ cho biết vì trên cái hộ chiếu có cái bản đồ biên giới biển Ðông lấn vào lãnh thổ Việt Nam. Cho nên nếu họ đóng dấu vào đó có nghĩa là họ công nhận tuyên bố của Trung Quốc”.
Người thanh niên này cho biết thêm, có hai hành khách Trung Quốc khác cùng chuyến bay cũng gặp hoàn cảnh như thế và cả bọn họ đều bị buộc mua tờ chiếu khán nhập cảnh mới của Việt Nam với giá 50 ngàn đồng (khoảng $2.40 USD).
Cái hộ chiếu điện tử của Trung Quốc in hình “Lưỡi Bò” được Bắc Kinh lặng lẽ in gần 6 triệu cái và chuẩn bị từ tháng 4 năm 2012, mãi đến gần đây mới phát hành. Bộ Ngoại Giao Việt Nam và Philippines đã lên tiếng chính thức phản đối Bắc Kinh chủ trương bá quyền và sai trái. Thấy Bắc Kinh lộng hành, Ấn Ðộ cũng phát hành hộ chiếu có in hình xác định chủ quyền lãnh thổ khu vực đang tranh chấp với Trung Quốc.
Kêu gọi biểu tình
Tại Việt Nam một số cư dân mạng kêu gọi đi biểu tình chống thái độ bác quyền ngang ngược của Bắc Kinh. Một số người đề nghị các biện pháp đối phó với cái hộ chiếu “Lưỡi Bò” như cấm những người cầm hộ chiếu đó nhập cảnh, hoặc đóng dấu “No-U” trên cái hình “Lưỡi Bò”. Có người còn đề nghị tịch thu cái hộ chiếu sai trái đó, hoặc cầm kéo “cắt cái lưỡi bò” nhưng có người không tin là nhà cầm quyền Hà Nội giám hành động như vậy.
Từ hai năm qua, đã có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc bá quyền ở Hà Nội và Sài Gòn. Tuy nhiên, người biểu tình đã bị cản trở và một số đã bị bắt giữ. Một số trong những người hăng hái nhất đã bị bỏ tù. Nhà báo tự do Ðiếu Cày đã bị kết án 12 năm tù ngày 12 tháng 9 năm 2012, bà Tạ Phong Tần bị án 10 năm, nhà báo tự do Phan Thanh Hải tức blogger Anhbasg bị 4 năm tù. Trước đó, năm 2009, gần chục người liên quan đến các vụ treo biểu ngữ tuyên bố chủ quyền đất nước đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã bị kết án tù. Nặng nhất là nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị kết án 6 năm tù.
Mới ngày 30 tháng 10 năm 2012, tòa án ở Sài Gòn đã kết án nhạc sĩ Việt Khang 4 năm tù và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình 6 năm tù vì những bài hát cổ võ lòng yêu nước chống Trung Quốc của họ.
Ngày 23 tháng 11 nam 2012 Tân Hoa Xã đưa tin “Trung Quốc lần đầu tiên phát hành bản đồ chính thức thành phố Tam Sa mới thành lập gần đây trên biển Nam hải”. Hãng tin này nói tấm bản đồ mới sẽ được bán tại các tiệm sách trên cả nước từ ngày Thứ Bảy 24 tháng 11, 2012.
Hồi tháng 6, sau khi Quốc Hội Việt Nam thông qua “Luật Biển” trong đó xác định các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thành phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam, Bắc Kinh lập tức ra nghị quyết thành lập thành phố cấp huyện “Tam Sa” bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Sau đó còn tổ chức bầu “thị trưởng” và đặt bộ chỉ huy quân sự “thành phố” ở đảo Phú Lâm.
Ngày 19 tháng 11 năm 2012, Tân Hoa Xã loan tin Thủ Tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khi đến Phnom Penh dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN đã tuyên bố “Trung Quốc và ASEAN duy trì hiệu quả các thông tin tại nhiều cấp bậc khác nhau về vấn đềbBiển Ðông”.
Nay, ngay sau cuộc họp, Bắc Kinh đã trắng trợn làm ngược lại điều lãnh tụ họ tuyên bố.
Khi Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng cầm đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh hồi tháng 10 năm 2010, hai bên đã ra một bản thông cáo chung “Hai bên nhất trí cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến sâu sắc, phức tạp, việc hai đảng, hai nước Việt Nam-Trung Quốc tăng cường hơn nữa sự tin cậy chiến lược, hợp tác chặt chẽ toàn diện, xử lý thỏa đáng các vấn đề còn tồn tại hay mới nảy sinh giữa hai nước, là phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của hai đảng, hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho sự nghiệp chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước, có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.”
Văn bản vẫn còn đó nhưng Bắc Kinh đã nhiều lần làm ngược lại. (T.N.)
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét